Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường biến động nhanh và mạnh với những phiên tăng giảm lớn xen kẽ khiến giới phân tích có phần "không theo kịp". Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 30/10: Áp lực bán gia tăng khi VN-Index tiến sát ngưỡng 850 điểm, khiến chỉ số này quay đầu. Tuy nhiên, dù sắc đỏ gấp đôi sắc xanh, nhưng với sự hỗ trợ của một số mã lớn, VN-Index vẫn giữ được đà tăng tốt trong phiên đầu tuần mới.

Đóng cửa, VN-Index tăng 4,83 điểm (+0,57%), lên 845,2 điểm, HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,45%), xuống 105,98 điểm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,14%), lên 52,66 điểm.

Về phần các Dự, BSC và PHS nhận định sai lệch khi cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh khi giá của cổ phiếu đang bị đẩy lên mức khá cao.

Trái lại, SHS nhận định khá chuẩn xác khi dự báo về kịch bản tích cực, VN-Index có thể tiếp tục đà tăng để hướng đến kháng cự tiếp theo tại 850 điểm, tuy nhiên sắc xanh sẽ khó có sự lan tỏa đều trên thị trường.

Cũng có nhận định khá khả quan, MBS cho rằng, các chỉ số có thể kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn tương ứng 845-850 điểm với VN-Index và 107-108 điểm với HNX-Index.

* Sang phiên giao dịch ngày 31/10: Áp lực bán chốt lời mạnh cổ phiếu ROS sau chuỗi tăng ấn tượng trong hơn 1 tháng ròng ra, khiến cổ phiếu này có lúc vị đẩy xuống mức giá sàn và ảnh hưởng khá tiêu cực lên VN-Index trong phiên giao dịch sáng cuối cùng của sáng 10.

Mặc dù đà giảm được thu hẹp đáng kể về cuối phiên sáng nhờ sự hồi phục và hãm đà rơi của một số mã lớn, nhưng trong đợt khớp ATC, lực bán đã trở lại và diễn ra lan rộng bảng điện tử khiến sắc đỏ ngập tràn và VN-Index lao dốc mạnh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 7,92 điểm (-0,94%) xuống 837,28 điểm, HNX-Index giảm 0,82 điểm (-0,77%) xuống 105,16 điểm, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm(-0,29%) xuống 52,51 điểm.

Về phần các Dự, BVSC đã đưa ra quan điểm có phần đúng khi cho rằng, với sự lan tỏa yếu của dòng tiền và áp lực chốt lời của thị trường chung khá cao, khả năng tăng điểm trên diện rộng toàn thị trường khó khó thể xẩy ra.

Bên cạnh đó, BSC cũng nhận định khá chuẩn xác khi dự báo về tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh cho thị trường khi các mã cổ phiếu không còn giữ được đà tăng như các phiên trước đây.

Mặc dù nhận định đúng về xu hướng chung nhưng cái nhìn của SHS vẫn còn khá lạc quan so với diễn biến thực tế khi cho rằng trong phiên 31/10, VN-Index có thể điều chỉnh trở lại để chỉ số tiến hành lấp gap trong khoảng 840-843 điểm.

* Trong phiên giao dịch 1/11: Dù tâm lý nhà đầu tư giao dịch khá thận trọng nhưng với sự trở lại của các mã lớn đã giúp thị trường nhanh chóng hồi phục ngay khi mở cửa phiên đầu tiên của tháng 11.

Mặc dù áp lực bán gia tăng khiến sắc đỏ lan rộng bảng điện tử nhưng sự bứt phá của cặp đôi VNM và ROS tiếp tục làm khuấy động chỉ số, giúp VN-Index lập mức đỉnh mới trong 10 năm qua khi kết phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,43 điểm (+0,65%) lên 842,71 điểm, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,17%) xuống 104,98 điểm, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,39%) xuống 52,3 điểm.

Về phần các Dự, hầu hết các công ty chứng khoán nhận định thiếu chuẩn xác khi cho rằng thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro cao và các chỉ số tiếp tục điều chỉnh như BSC, FPTS, MSI PHS, MBS. Trong đó, MBS dự báo VN-Index có thể kiểm nghiệm ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 830-835 điểm, còn HNX-Index tại 103-105 điểm.

Trong khi đó, SHS nhận định đúng về xu hướng tăng của thị trường khi dự báo VN-Index có thể hồi phục trở lại để cố gắng lấy lại mốc tâm lý 840 điểm trong phiên 1/11.

* Đến phiên giao dịch 2/11: Lực cầu khá tốt trở lại nhóm cổ phiếu thị trường cùng với đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên sáng tiếp tục đưa thị trường lên đỉnh cao mới, VN-Index đã có lúc tiến sát 850 điểm.

Tuy nhiên sang phiên chiều, sau hơn 40 phút giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, bên bán đã mất kiên nhẫn và ồ ạt bung hàng khiến các mã lớn bé đua nhau lao dốc, thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index giảm tới gần 10 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.

Đóng cửa, VN-Index giảm 9,62 điểm (-1,14%) xuống 833,09 điểm, HNX-Index giảm 1,56 điểm (-1,48%) xuống 103,42 điểm, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,18%) xuống 52,2 điểm.

Về phần các Dự, PHS nhận định trái ngược với xu hướng thị trường khi dự báo chỉ số chung vẫn có thể đi lên với tác động từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trái lại, nhiều công ty chứng khoán như SHS, MSI, FPTS, BSC đều cho rằng các chỉ số tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh, tuy nhiên các nhận định đưa ra đều không quá tiêu cực. Cụ thể theo SHS, trong phiên giao dịch 2/11, VN-Index có thể điều chỉnh trở lại để chỉ số tiến hành kiểm tra lực cầu quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 840 điểm.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/11: Mặc dù áp lực bán gia tăng và lan tỏa thị trường khiến sắc xanh ngập trần, nhưng với sự hỗ trợ của một số mã lớn, điển hình là ROS đã giúp VN-Index chốt phiên sáng trong sắc xanh mong manh.

Sang phiên chiều, tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái lình xình quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 30 phút giao dịch cầm chừng, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật cao. Cùng nhóm cổ phiếu bluechip, xu hướng thị trường đã có sự đồng thuận khi số mã tăng điểm cũng chiếm áp đảo, đã giúp VN-Index phi nước đại và tăng tới hơn 10 điểm trong phiên cuối tuần.

Đóng cửa, VN-Index tăng 10,64 điểm (+1,28%) lên 843,73 điểm, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+0,91%) lên 104,36 điểm, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+1,12%) lên 52,79 điểm.

Về phần các Dự, SHS nhận định đi ngược thị trường khi dự báo phiên cuối tuần, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm để kiểm định lại ngưỡng 830 điểm.

Một số công ty chứng khoán khác cũng có nhận định thiếu chuẩn xác khi đưa ra quan điểm thị trường có thể giảm điểm như BSC, MBS. Trong đó, MBS nhận định khá tiêu cực khi cho rằng các chỉ số có thể kiểm nghiệm lại các ngưỡng hỗ trợ 825-830 điểm với VN-Index và 102-103 điểm với HNX-Index.

Trong khi đó, FPTS cho rằng, với các danh mục tầm nhìn trung – dài hạn thì mức rủi ro không quá lớn, đặc biệt là khi xu hướng của chỉ số vẫn được duy trì bởi độ dốc tăng của đường SMA 60 ngày.

Tin bài liên quan