Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Trong khi sàn HNX có một tuần giao dịch đầy hứng khởi thì trên sàn HOSE, việc thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt khiến diễn biến chỉ số trên sàn này chủ yếu là giằng co nhẹ trong tuần qua. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 6/3: Việc được Quỹ FTSE ETF thêm vào danh mục trong đợt tái cơ cấu danh mục đầu tiên trong năm 2017 đã đẩy ROS, DXG tăng mạnh phiên sáng nay, góp phần giúp VN-Index vượt hẳn khỏi ngưỡng 715 điểm và đang trên đường tìm về đỉnh cũ.

Sự bùng nổ của ROS, cùng sự hỗ trợ của VNM, VIC, BID, CTG…, giúp VN-Index vẫn duy trì được đà tăng và ở trên ngưỡng 715 điểm trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm bớt bởi lực hãm tại GAS, VCB, SAB, BHN, PVD.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,67 điểm (+0,52%), lên 716,29 điểm, HNX-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%), xuống 86,55 điểm, UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,5%) lên 56,84 điểm.

Về phần các Dự, SHS đã đưa ra nhận định khá đúng về xu hướng tăng của thị trường, tuy nhiên, dự báo vẫn còn khá thận trọng khi cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm, với kháng cự tại 714 điểm và hỗ trợ tại 711 điểm.

Trái lại, BSC cho rằng rủi ro vẫn ở mức cao và dự đoán thị trường sẽ dao động trong phạm vi 710-715 điểm.

* Sang phiên giao dịch ngày 7/3: Trong phiên giao dịch sáng, nhóm bất đống sản là động lực chính tạo nên nhịp hồi cuối phiên của VN-Index, khi mà trước đó chỉ số đã lùi qua mức hỗ trợ 715 điểm trước sức ép của các mã trụ.

Bối cảnh đa phần các mã vốn hóa lớn và bluechips chịu sức ép trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục duy trì đà tăng vững, điển hình là FLC, ROS, DRH, NBB…, vẫn tiếp diễn trong phiên chiều, góp phần giúp VN-Index giữ được mức tăng nhẹ.

Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0,25 điểm (+0,03%) lên 716,54 điểm, HNX-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%) lên 86,7 điểm, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,31%) lên 57,01 điểm.

Về phần các Dự, SHS đưa ra nhận định khá đúng khi cho rằng trong phiên 7/3, xu hướng chính của VN-Index vẫn là tăng điểm.

Trái lại, MSI nhận định VN-Index nhiều khả năng tăng nhẹ đầu phiên và giảm trở lại vào cuối phiên 7/3.

Cũng có quan điểm thiếu chuẩn xác, KIS nhận định VN-Index sẽ sớm điều chỉnh trở lại và tiếp tục giao dịch trong biên độ 710-717 điểm.

* Trong phiên giao dịch 8/3: Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng cùng nhiều mã vốn hóa lớn như GAS, ROS, SAB, VIC đều chịu áp lực bán và quay đầu giảm điểm khiến thị trường chốt phiên sáng trong sắc đỏ.

Sang phiên chiều, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái rung lắc nhẹ, tuy nhiên, các mã họ bank đã làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường, giúp chỉ số này thoát hiểm về cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,01%), đứng tại mức 716,6 điểm, HNX-Index tăng 0,95 điểm (+1,1%) lên 87,65 điểm, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,11%) lên 57,08 điểm.

Về phần các Dự, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra quan điểm thận trọng với lo ngại áp lực chốt lời gia tăng và cho rằng khả năng đảo chiều vẫn cần phải tính đến như FPTS, SHS, PHS. Tuy nhiên, SHS đã nhận định không đúng về trạng thái thị trường khi dự đoán VN-Index sẽ điều chỉnh giảm nhẹ về vùng hỗ trợ trong khoảng 712-714 điểm trong phiên 8/3.

Trong khi đó, MSI nhận định đúng xu hướng thị trường khi dự báo khả năng tăng điểm sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên 8/3, VN-Index sẽ vẫn dao động quanh vùng 715-720 điểm.

* Đến phiên giao dịch 9/3: Sau 4 phiên tăng liên tiếp, VN-Index đã chính thức đảo chiều trong phiên 9/3 do sức ép đến từ các cổ phiếu họ dầu khí, một số mã bluechip và vốn hóa lớn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dòng tiền vẫn chảy mạnh vào các cổ phiếu thị trường có thị giá nhỏ, giúp nhóm này giao dịch sôi động với thanh khoản vượt trội.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,8 điểm (-0,11%) xuống 715,8 điểm, HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,34%) lên 87,83 điểm, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,28%) lên 57,24 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của MSI đi ngược với xu hướng thị trường khi dự báo VN-Index nhiều khả năng tăng điểm ở phiên 9/3, khi dòng tiền chuyển từ các mã cổ phiếu nhỏ chạy sang các cổ phiếu midcap và bluechips. VN-Index sẽ vẫn dao động quanh vùng sát ngưỡng 720 điểm.

Trong khi đó, PHS đưa ra nhận định khá chuẩn xác khi cho rằng nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ rung lắc trong biên độ hẹp từ 710-720 điểm.

Nhận định của SHS cũng có phần đúng khi cho rằng với tình hình hiện tại, trong phiên 9/3, diễn biến của VN-Index sẽ chủ yếu là đi ngang tích lũy với biên độ hẹp trong khoảng 714-720 điểm, cần có sự bứt phá ra khỏi vùng này để xác nhận xu hướng trong ngắn hạn tiếp theo của chỉ số.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/3: Diễn biến giằng co tranh đấu giữa bên mua và bán tiếp diễn trong phiên sáng khiến chỉ số VN-Index rung lắc quanh mốc tham chiếu.

Sang phiên chiều, sau ít phút cầm cự đầu phiên, áp lực bán đã dâng cao và lan rộng toàn thị trường khiến sắc đỏ ngày càng được tô đậm hơn trên sàn HOSE. Càng về cuối phiên, đà giảm càng được nới rộng hơn khi sắc đỏ lan tỏa, nhiều mã bluechip cũng đã quay đầu điểu chỉnh với điển hình là nhóm cổ phiếu trụ đỡ họ bank.

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,59 điểm (-0,5%) xuống 712,21 điểm, HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,37%) lên 88,04 điểm, UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,76%) lên 57,67 điểm.

Về phần các Dự, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường sẽ tiếp tục rung lắc nhẹ quanh mốc 715 điểm, không quá tiêu cực như diễn biến thị trường.

Đáng chú ý, quan điểm của IVS đưa ra có phần đúng đúng khi cho rằng trong phiên 10/3, nhóm ngân hàng có thể sẽ điều chỉnh, sẽ tác động đến VN-Index.

Tin bài liên quan