Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Dù có chút "hụt hẫng" nhưng thị trường đã tiếp tục duy trì đà tăng điểm, trong đó, chỉ số VN-Index cũng đã có những phiên đầu tuần leo dốc và thiết lập đỉnh mới trong 10 năm qua. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 20/2: Nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt nổi sóng, trong đó có nhiều mã được kéo lên mức trần trong phiên giao dịch chiều nay, tạo sức lan tỏa ra thị trường, giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm sau 2 phiên điều chỉnh.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,76 điểm (+0,39%), lên 710,59 điểm, HNX-Index tăng 0,58 điểm (+0,68%), lên 86,46 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,27%), lên 55,08 điểm.

Về phần các Dự, SHS nhận định trái ngược với thị trường khi cho rằng “Trong phiên giao dịch đầu tuần 20/2, nhiều khả năng VN-Index tiếp tục điều chỉnh, với hỗ trợ tại 705 điểm và tăng điểm trên HNX-Index, với kháng cự tại 86,1 điểm”.

Tương tự, MSI và BSC cũng nhận định VN-Index sẽ điều chỉnh vào đầu tuần, thậm chí, MSI dự báo chỉ số này sẽ về quanh ngưỡng 700 điểm.

Trái lại, VCSC nhận định thị trường sẽ có sự hồi phục nhất định trong phiên đầu tuần 20/2.

* Sang phiên giao dịch ngày 21/2: Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí dần phân hóa thì các mã bất động sản vẫn không ngừng nóng lên khi đồng loạt các mã lớn bé đua nhau tăng mạnh.

Cùng dòng tiền ồ ạt chảy mạnh vào thị trường, sắc xanh và tím được tô đậm trên bảng điện tử giúp chỉ số VN-Index tiếp tục xác lập đỉnh mới. Tuy sau khi vượt mốc 718 điểm, đà tăng có phần chững lại bởi một số mã trụ cột quay đầu giảm điểm nhưng VN-Index vẫn đứng khá vững trên mốc 715 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,96 điểm (+0,84%) lên 716,55 điểm, HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,38%), đứng tại mức 86,86 điểm, UPCoM tăng 0,23 điểm (+0,42%) lên 55,31 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của SHS có xác suất đúng khá cao khi cho rằng xu hướng trong phiên 21/2 của VN-Index nhiều khả năng là tiếp tục tăng điểm, với kháng cự tại 717 điểm và vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 706-709 điểm.

Trong khi đó, dù cũng có nhận định đúng về xu hướng tăng của thị trường nhưng quan điểm của IVS khá thận trọng khi dự báo chỉ số VN-Index sẽ khó vượt xa mốc 710 điểm do áp lực bán gia tăng.

Mặt khác, BSC đưa ra nhận định khá trung lập khi kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy để đạt tới ngưỡng kháng cự 720 trong tháng này.

* Trong phiên giao dịch 22/2: Sau nhịp điều chỉnh nhẹ nửa đầu phiên sáng, thị trường đã dần hồi phục và lấy lại sắc xanh, tiếp tục xác lập mức đỉnh mới trong 10 năm qua. Tuy vậy, biên độ tăng khá cầm chừng bởi áp lực bán đang có dấu hiệu manh nha và tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu bluechip.

Bước vào phiên chiều, lực bán càng tăng tốc khiến gánh nặng cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các mã ngân hàng tiếp tục tạo áp lực lớn lên thị trường. Trong khi đó, sự bứt phá của trụ đỡ GAS và các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí, chứng khoán đã tạo điều kiện cho thị trường có những nhịp hồi phục. Chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc trong phiên giao dịch chiều.

Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0,69 điểm (+0,1%) lên 717,24 điểm, HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,38%) xuống 86,53 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%) lên 55,34 điểm.

Về phần các Dự, hầu hết các công ty chứng khoán như BSC, BVSC, IVS đều nhận định xu hướng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm. Thậm chí, IVS còn đưa ra kỳ vọng khá cao khi cho rằng, VN-Index sẽ không cần đến nhịp tích lũy tại 710 điểm mà sẽ thẳng tiến lên mốc 720 điểm.

Trái lại, MSI cho rằng thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh đi ngang kèm theo diễn biến phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. VN-Index sẽ "rung lắc" mạnh trong phiên mai và chỉ có một số cổ phiếu chất lượng mới duy trì được đà tăng điểm.

* Đến phiên giao dịch 23/2: Lượng cung lớn được tung vào thị trường sau khi VN-Index leo gần lên mốc 720 điểm, khiến chỉ số này quay đầu rơi mạnh xuống dưới tham chiếu trong phiên sáng.

Áp lực tiếp tục được duy trì sang phiên chiều đẩy VN-Index lùi về gần mốc 710 điểm. Lúc này, cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động và chỉ số dần hồi phục, tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh để kéo VN-Index có được sắc xanh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,37 điểm (-0,05%) về 716,87 điểm, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,41%) về 716,87 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,27%) lên 55,48 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của SHS khá đúng với xu hướng thị trường khi đưa ra dự báo VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực bán ra trong phiên 23/2 và có thể sẽ điều chỉnh, với vùng hỗ trợ trong khoảng 709-712 điểm và kháng cự tâm lý của chỉ số tại 720 điểm.

Tương tự, PHS và BSC cũng có nhận định thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ sau 3 phiên tăng trước đó.

Mặt khác, KIS vẫn duy trì quan điểm lạc quan và hướng tới mục tiêu cao hơn là 730-735 điểm, tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng khá thận trọng khi đưa ra quan điểm không loại trừ khả năng VN-Index sẽ kiểm định lại ngưỡng 715 điểm khi rủi ro ngắn hạn tăng dần.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/2: Phút lóe sáng của các cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường đón nhịp hồi phục nhẹ trong phiên sáng. Tuy nhiên, sắc đỏ nhanh chóng trở lại thị trường trước áp lực bán gia tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, đẩy chỉ số VN-Index lùi về dưới mốc 715 điểm khi chốt phiên giao dịch sáng.

Sang phiên chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào đà hồi phục của thị trường, nhưng chưa kịp chạm mốc tham chiếu, chỉ số VN-Index lại bị kéo xuống bởi sức ép của các cổ phiếu lớn.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,4 điểm (-0,33%) xuống mức 714,47 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,06%) lên 86,32 điểm, UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,78%) lên 55,92 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định khá đúng khi cho rằng “Sau giai đoạn tăng điểm kéo dài, nhiều khả năng VN-Index sẽ cần trải qua các nhịp điều chỉnh ngắn để giải tỏa áp lực bán”.

Trong khi đó, IVS dự báo khả năng phiên 24/2, áp lực bán sẽ tiếp tục xuất hiện đầu phiên khiến VN-Index có thể test lại mốc 715 điểm, trước khi tăng về cuối phiên.

Tin bài liên quan