Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Cùng với thanh khoản cải thiện mạnh, thị trường đã tăng từng bước giúp VN-Index thiết lập mốc đỉnh trong hơn 9 năm qua khi đóng cửa phiên cuối tuần (ngày 10/2) tại mức 703,78 điểm. Theo Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 6/2: Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu có thị giá nhỏ nổi sóng với hàng loạt mã tăng trần, trong khi nhóm bluechip lại bị chốt lời, khiến VN-Index tiếp tục điều chỉnh. Tuy nhiên, nhờ lực cầu cuối phiên, chỉ số này vẫn giữ được mốc 700 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,31 điểm (-0,04%), xuống 700,04 điểm, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 84,97 điểm, UPCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,83%), xuống 54,85 điểm.

Về phần các Dự, một số công ty chứng khoán đã nhận định thị trường tiếp tục tăng điểm như PHS, MBS; thậm chí FPTS còn đưa ra dự báo mục tiêu ngắn hạn được nâng cao lên mốc 730 điểm dù đồ thị VN-Index cảnh báo khả năng nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

Trong khi đó, SHS nhận định khá đúng khi cho rằng VN-Index đang có dấu hiệu giằng co trở lại và nhiều khả năng sẽ test lại vùng hỗ trợ 695-700 điểm trong các phiên đầu tuần, trước khi xác định rõ ràng hơn xu hướng trong ngắn hạn.

Mặt khác, BSC nhận định tiêu cực hơn khi cho rằng VN-Index có thể cần kiểm tra lại những ngưỡng hỗ trợ thấp hơn 700 điểm, nếu áp lực điều chỉnh từ các mã trụ vẫn duy trì.

* Sang phiên giao dịch ngày 7/2: Sau những nhịp rung lắc, thị trường đều có được sự hồi phục tốt trong phiên sáng khi sức cầu thể hiện sự hào hứng.

Tuy nhiên, sự tích này không còn được duy trì trong phiên giao dịch chiều. Áp lực chốt lời đã trở lại với một số mã bluechips có tính dẫn dắt khiến đà tăng của thị trường bị hãm lại. Mặc dù đã “hạ nhiệt”, nhưng xét về toàn cục, thị trường vẫn có một phiên giao dịch tích cực, đặc biệt là về thanh khoản được cải thiện mạnh.

Đóng cửa, VN-Index chỉ còn tăng 1,87 điểm (+0,27%) lên 701,91 điểm, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,51%) lên 85,4 điểm, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,05%) lên 54,88 điểm.

Về phần các Dự, nhận định cúa MSI khá đúng khi dự báo VN-Index nhiều khả năng tăng điểm trong phiên 7/2 cùng diễn biến giao dịch sôi động ở các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, thép, cao su, xây dựng...

Trái lại, PHS, IVS nhận định đi ngược xu hướng khi cho rằng VN-Index chưa hết điều chỉnh. Thậm chí, SHS còn nhận định thị trường sẽ cần thêm 1 nhịp giảm điểm để test lại hỗ trợ gần nhất 698 điểm với VN-Index và 84,6 điểm với HNX-Index.

Mặt khác, MBS có nhận định thận trong khi cho rằng, phiên 7/2, 2 chỉ số khả năng sẽ dao động tích lũy trong biên độ hẹp trước khi hình thành xu hướng tăng bền vững hơn.

* Trong phiên giao dịch 8/2: Dù mở cửa khá thuận lợi sau phiên tăng điểm trở lại trong ngày hôm qua (7/2) nhưng thiếu sự hỗ trợ tích cực từ các cổ phiếu bluechip khi các mã này phân hóa nhẹ quanh mốc tham chiếu khiến thị trường rung lắc, chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc trong phiên sáng 8/2.

Dù thị trường tiếp tục đón nhận nhịp điều chỉnh trong phiên chiều nhưng VN-Index đã nhanh chóng bật ngược trở lại khi tiếp cận mốc 700 điểm và thoát hiểm thành công về cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0,13 điểm (+0,02%) lên 702,04 điểm, HNX-Index giảm nhẹ 0,09 điểm (-0,1%) đứng tại mức 85,14 điểm, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,19%) xuống mức 54,78 điểm.

Về phần các Dự, MSI và MBS nhận định khá đúng khi dự báo thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng điểm.

Trong khi đó, dù nhận định đúng xu hướng nhưng SHS đặt kỳ vọng khá cao khi cho rằng VN-Index có thể tiếp tục duy trì đà tăng điểm để hướng đến mục tiêu tiếp theo tại 708 điểm trong phiên 8/2. Tương tự, BSC nhận định VN-Index có cơ hội chinh phục lại ngưỡng kháng cự ngắn 710 điểm.

* Đến phiên giao dịch 9/2: Sắc xanh chiếm ưu thế, nhiều mã lớn cũng tăng giá, nhưng với việc SAB và GAS giảm sâu đã phá hỏng hết nỗ lực của thị trường, đẩy VN-Index giảm điểm khi chốt phiên giao dịch sáng.

Sang phiên chiều, dòng tiền tiếp tục tích cực chảy vào thị trường giúp thanh khoản tăng mạnh trở lại, đồng thời số mã tăng vẫn chiếm ưu thế so với số mã giảm, tuy nhiên, VN-Index vẫn giảm điểm khá đáng tiếc do một vài mã vốn hóa lớn giảm mạnh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,39 điểm (-0,2%) về 700,65 điểm, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,42%) lên mức 85,65 điểm, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,39%) lên 54,99 điểm.

Về phần các Dự, MSI nhận định sai khi dự báo VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên 9/2 và chạm vùng 705-710 điểm. Tương tự MBS cho rằng, hai chỉ số khả năng sẽ duy trì đà tăng điểm để chinh phục các ngưỡng kháng cự cao hơn trong phiên 9/2.

Cũng đồng quan điểm trên, theo IVS, nhiều khả năng nhóm ngân hàng sẽ giúp VN-Index bứt mạnh, tạo ra hiệu ứng tương đối tích cực trong ngắn hạn.

Trong khi đó, SHS là công ty chứng khoán có nhận định với xác suất đúng khá cao khi cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ giảm trong phiên 9/2 về vùng hỗ trợ trong khoảng 695-701 điểm để kiểm tra lực cầu giá thấp trong vùng này, cũng như tạo ra mặt bằng giá mới vững vàng hơn quanh mốc tâm lý quan trọng 700 điểm.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/2: VN-Index thiếu chút nữa sẩy chân trong phiên sáng do sự cản trở của các cổ phiếu lớn, tuy nhiên, dòng tiền chảy mạnh cùng sự hỗ trợ của một số mã lớn khác, giúp VN-Index duy trì đà tăng để nhích xa dần mốc 700 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,13 điểm (+0,45%) lên 703,78 điểm, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,45%) lên 86,04 điểm, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,06%) đứng tại mức 54,96 điểm.

Về phần các Dự,  nhận định của SHS có xác suất đúng khá cao khi cho rằng VN-Index hồi phục trong phiên 10/2 để thử thách lại vùng kháng cự ngắn hạn trong khoảng 701-703 điểm. Tương tự theo MSI, VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động quanh vùng 700-705 điểm ở phiên 10/2.

Trong khi đó, IVS nhận định, phiên 10/2, VN-Index sẽ một lần nữa chịu sức ép duy trì mốc điểm quan trọng 700, có nghĩa là mốc điểm này có lúc sẽ bị xuyên thủng với biên độ +/-3 điểm.

Tin bài liên quan