Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Dù khối ngoại là tác nhân chính khiến thị trường mất điểm trong những phiên cuối tuần, trong đó, chỉ số VN-Index một lần nữa để mất mốc 680 điểm; nhưng diễn biến tăng nhẹ tuần qua cũng đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của một số công ty chứng khoán nhận định. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 21/11: Dù nhận được sự hỗ trợ khá đắc lực của VNM, BID, CTG, nhưng với việc ROS giảm sâu, cùng với sự đảo chiều của VCB và VIC khiến VN-Index quay đầu đảo chiều trong phiên sáng đầu tuần.

Tuy nhiên, sang phiên chiều, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngành thép, giúp nhóm ngày này khởi sắc, đã góp phần kéo VN-Index đảo chiều thành công. Tuy nhiên, lực cản ROS đã khiến chỉ số này chưa thể dành được mốc 675 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,04 điểm (+0,15%), lên 674,29 điểm, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,16%), lên 80,75 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của MSI có xác suất đúng khá cao với quan điểm cho rằng, phiên thứ Hai ngày 21/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm nhờ hoạt động bắt đáy, cùng với sự tích cực của nhiều cổ phiếu.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty chứng khoán khác vẫn đều nhận định thận trọng với xu hướng thị trường tiếp tục tích lũy đi ngang. Theo MBS, xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn chưa thay đổi, khi 2 chỉ số được nhận định sẽ tiếp tục dao động trong vùng 670-680 điểm với VN-Index và 80-81,5 điểm với HNX-Index.

Hay VCSC nhận định thị trường sẽ diễn biến lình xình, cùng với việc bên bán sẽ tiếp tục chiếm ưu thế hơn.

* Sang phiên giao dịch ngày 22/11: Thị trường đã bùng nổ trong phiên chiều sau diễn biến khá trầm lắng của phiên sáng. Lực cầu gia tăng và tập trung mạnh vào các cổ phiếu lớn như VNM, GAS, ROS, MWG…, đã giúp VN-Index leo lên ngưỡng cao nhất trong ngày, vượt thành công thử thách 680 mà không gặp chút vướng mắc nào.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,62 điểm (+1,13%) lên 681,91 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,24%) lên 80,94 điểm.

Về phần các Dự, phiên tăng nhẹ đầu tuần khiến giới phân tích và đầu tư chưa đủ tin tưởng vào sóng tăng của thị trường, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định khá thận trọng. Điển hình IVS nhận định, phiên 22/11, nhiều khả năng lại là một phiên lình xình trong biên độ hẹp nữa của thị trường, trước khi có kết quả chính thức về việc sẽ tăng lái suất của FED.

Bên cạnh đó, PHS cũng có nhận định thiếu chuẩn xác khi cho rằng chỉ số VN-Index khó bứt phá qua vùng 680 điểm.

Mặt khác, MSI nhận định đúng về xu hướng tăng điểm của thị trường trong phiên 22/11 nhưng quan điểm không mấy lạc quan khi cho rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh lên xuống với biên hộ hẹp cùng với hiện tượng phân hóa của các nhóm cổ phiếu.

* Trong phiên giao dịch 23/11: Thông tin về kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt 30%, lần đầu tiên chia cổ tức kể từ khi niêm yết đã tiếp sức cho MSN tiến thẳng mốc giá trần, thay VNM hỗ trợ giúp thị trường đảo chiều tăng điểm sau gần 1 giờ giằng co của phiên sáng.

Tưởng chừng VN-Index sẽ đón nhận phiên điều chỉnh bởi áp lực bán dồn dập và tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechip và nhóm đầu cơ khi bước sang phiên chiều, đẩy chỉ số này lùi xuống dưới mốc 680 điểm; tuy nhiên, sự phục hồi ngoạn mục của ROS cùng sắc xanh tại MSN, VCB, BVH, FPT đã giúp thị trường thoát hiểm cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,253 điểm (+0,18%) lên 683,16 điểm, HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,31%) lên 81,28 điểm.

Về phần các Dự, FPTS đã nhận định đúng với xu hướng thị trường. Cụ thể, với những dấu hiệu giao dịch được cải thiện sau phiên 22/11, FPTS cho rằng, cơ hội cho một sóng tăng đang có điều kiện để hình thành.

Bên cạnh đó, các nhận định của MBS, BSC, MSI cũng đưa qua quan điểm thị trường tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên 23/11.

Đáng chú ý, SHS nhận định sát với diễn biến thị trường nhất khi cho rằng VN-Index có thể tăng điểm nhẹ để thử thách tại mốc 683 điểm trong phiên 23/11.

* Đến phiên giao dịch 24/11: Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh ngay từ đầu phiên trước áp lực bán gia tăng ở các mã có vốn hóa lớn. Cùng với MSN hạ nhiệt, cặp đôi VNM và ROS quay đầu giảm sâu khiến chỉ số Vn-Index mất mốc 680 điểm khi chốt phiên sáng.

Đà giảm tiếp tục nới rộng trong phiên giao dịch chiều khi nhà đầu tư nước ngoài tạo sức ép lớn lên thị trường khiến đà giảm tiếp tục nới rộng, VN-Index có thời điểm lùi về sát ngưỡng 676 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 4,98 điểm (-0,73%) xuống 678,18 điểm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,26%) xuống 81,18 điểm.

Về phần các Dự, KIS và MBS nhận định trái với với xu hướng thị trường khi cho rằng đà tăng tiếp tục được duy trì. Trong đó, theo MBS, phiên 24/11, khả năng 2 chỉ số sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục để kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn.

Trong khi đó, SHS nhận định khá thận trọng và đưa ra 2 phương án trong phiên 24/11, cụ thể, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để hướng về vùng kháng cự mạnh 690-692 điểm, nếu điều chỉnh xảy ra thì vùng hỗ trợ 675-677 điểm sẽ là bệ đỡ của thị trường.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/11: Khối ngoại tiếp tục ép VNM giảm mạnh cùng một số mã lớn khác như GAS, VIC, VCB, BVH… giữ sắc đỏ, khiến thị trường quay đầu giảm điểm sau thời gian ngắn lóe sáng đầu phiên sáng.

Mặc dù dòng tiền đầu cơ chảy mạnh giúp nhiều mã trong nhóm này bùng nổ, nhưng cũng không đủ mạnh để hỗ trợ giúp thị trường hồi phục trước áp lực điều chỉnh sâu của cặp đôi VNM và ROS.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,31 điểm (-0,34%) xuống 675,87 điểm, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%) xuống 81,04 điểm.

Về phần các Dự, MSI nhận định sai lệch, đi ngược với diễn biến thị trường khi cho rằng VN-Index nhiều khả năng hồi phục và tăng điểm trở lại ở phiên 25/11, khi các nhóm cổ phiếu thép, bảo hiểm, chứng khoán, dầu khí sẽ là lực đỡ cho thị trường.

Trong khi đó, IVS nhận định thận trọng và đưa ra phương án đúng với diễn biến thị trường. Theo OVS, phiên 25/11, nhiều khả năng VN-Index dao động trong vùng 675-680 điểm, có nghĩa xấu nhất giảm về mốc 675 điểm.

Tin bài liên quan