Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường khá khó đoán khi bất ngờ tăng mạnh phiên đầu tuần (18/7) và quay đầu giảm trong những ngày còn lại, trong đó, đáng chú ý phiên lao dốc mạnh vào cuối tuần (22/7). Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 18/7: Sau nhịp nghỉ hơi trong phiên sáng, dòng tiền nhập cuộc tăng mạnh giúp thị trường đồng loạt khởi sắc. Cùng với đà tăng trước đó của các mã midcap, penny, nhiều mã bluechip hồi phục mạnh giúp thị trường đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày.

Đóng cửa, VN-Index tăng 8,94 điểm (+1,35%) lên 673,5 điểm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+4,9%), đứng ở mức 87,05 điểm.

Về phần các Dự, sau những phiên giảm điểm cuối tuần trước đó, hầu hết các công ty chứng khoán đã trở lại trạng thái nhận định thận trọng và trái ngược với diễn biến thị trường trong phiên đầu tuần 18/7. Theo SHS và MSI, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh; trong khi đó, BSC nhận định, VN-Index sẽ cần thời gian để chinh phục ngưỡng 680 khi lực cầu đang có phần suy yếu.

Bên cạnh đó, nhận định của FPTS khá trung lập khi cho rằng thị trường đang cho thấy dấu hiệu giằng co và chưa xác định được chiều hướng biến động tiếp theo.

* Sang phiên giao dịch ngày 19/7: Sau chuỗi ngày tăng nóng, nhóm cổ phiếu ngành thép đã chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm mạnh, tuy nhiên, sự vững chắc của VNM và sự trở lại kịp thời của VCB đã giúp VN-Index có được sắc xanh khi chốt phiên giao dịch sáng.

Sang phiên chiều, sau hơn 30 phút cầm cự, áp lực bán bất ngờ gia tăng và lây lan ra khắp bảng điện tử khiến VN-Index quay đầu và giảm tới 17 điểm, xuống sát mốc 660 điểm. Áp lực bắt đáy nhập cuộc mạnh giúp nhiều mã hồi phục, VN-Index hãm bớt đà giảm điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 5,74 điểm (-0,85%), xuống 667,76 điểm, HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,92%), xuống 86,25 điểm.

Về phần các Dự, các công ty nhận định trái lệch với diễn biến thị trường gồm MSI, BSC. Theo MSI, “Trong phiên 19/7, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tích cực. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cơ bản tốt, thậm chí cả các cổ phiếu đầu cơ đang có dòng tiền hỗ trợ.”

Trong khi đó, các công ty khác như SHS và IVS không nói rõ xu hướng tăng giảm của thị trường nhưng đều cho rằng VN-Index sẽ chịu áp lực trước mốc 680 điểm

* Trong phiên giao dịch 20/7: Trong khi “ông lớn” VIC không còn chịu sức ép bán quá lớn thì nhóm cổ phiếu khoáng sản lại dậy sóng. Sau những phút lao dốc giảm sàn, lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã hồi phục mạnh, tuy nhiên, kịch hay chưa dứt khi lực bán lớn lại xuất hiện kéo các mã này giảm mạnh.

Sang phiên chiều, áp lực bán mạnh gia tăng ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, khoáng sản kéo VN-Index lùi về mức giá thấp nhất trong ngày. Đáng chú ý, trụ cột VNM khá tỏa sáng và đóng vai trò là má phanh giúp VN-Index giữ được mốc hỗ trợ 660 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 7,5 điểm (-1,12%), xuống 660,26 điểm, HNX-Index giảm 0,76 điểm (-0,88%), xuống 85,49 điểm.

Về phần các Dự, SHS có nhận định đúng với xu hướng thị trường khi cho rằng về ngắn hạn, chỉ số VN-Index nhiều khả năng cần tích lũy thêm tại vùng 660-670 điểm trong một vài phiên tới. Rủi ro điều chỉnh mạnh trong phiên vẫn đang hiện hữu, do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin cao trong giai đoạn này.

Cũng nhận định xu hướng giảm, nhưng MSI có chút giai lệch khi đặt niềm tin thị trường và cho rằng hiện tượng điều chỉnh tạo nền tảng giá sẽ tiếp tục tiếp diễn trong các phiên sắp tới. Thị trường có thể điều chỉnh dao động nhẹ trong phiên 20/7 ở mốc 665-670.

* Đến phiên giao dịch 21/7: VNM không còn nóng đã lui dần về mốc tham chiếu cùng áp lực bán mạnh gia tăng khiến thị trường đảo chiều giảm điểm sau hơn 30 phút khởi sắc đầu phiên sáng.

Trong phiên chiều, thị trường đã chứng kiến đợt kéo-xả khá mạnh. Sau 20 phút bình lặng, thị trường đã nổi sóng, lực cầu bắt đáy bắt đầu nhập cuộc trong khi cung giá thấp được hãm mạnh giúp VN-Index hồi phục và vượt qua mốc 665 điểm. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại vẫn thường trực, dòng tiền tham gia khá thận trọng cùng áp lực bán nhanh chóng quay trở lại khiến đà tăng dân hãm lại và VN-Index chính thức chào thua trước ngưỡng 660 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,69 điểm (-0,1%) xuống 659,57 điểm, HNX-Index giảm 0,85 điểm (-1%) xuống 84,63 điểm.

Về phần các Dự, sau 2 liên tiếp phiên giảm khá mạnh cùng thanh khoản ảm đạm, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định tín hiệu giai đoạn điều chỉnh sẽ tiếp tục kéo dài, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường và hạn chế các giao dịch mua mới. Cụ thể, các nhận định khá sát với xu hướng thị trường như FPTS, BSC, MSI.

Cũng nhận định thị trường điều chỉnh nhưng quan điểm của BVSC khá tiêu cực khi cho rằng nhịp điều chỉnh sâu vẫn có thể tiếp diễn, vùng hỗ trợ gần của VN-Index hiện nằm tại 640-645 điểm.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/7: Hàng loạt thông tin thiếu tích cực như dư nợ margin đang ở mức cao nhất 3 năm, tin đồn liên quan tới một số doanh nghiệp khoáng sản, khối ngoại chuyển sang bán ròng… khiến niềm tin của nhà đầu tư bị sói mòn và cách lựa chọn tốt nhất là thoát hàng.

Thị trường lao dốc mạnh và đến 14h30, VN-Index đã đánh mất tới gần 20 điểm. Tuy nhiên, khi tiếp cận mốc 640 điểm, lực cầu bắt đáy đã giúp thị trường hồi phục, , VN-Index hãm mạnh đà giảm điểm và xấp xỉ đứng ở ngưỡng 650 điểm. Điểm sáng của thị trường là một số mã trong nhóm bất động sản như ITA, KBC, VCG đã lội ngược dòng khá ấn tượng.

Đóng cửa, VN-Index giảm 9,7 điểm (-01,47%) xuống 649,87 điểm, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,98%) xuống 83,8 điểm.

Về phần các Dự, MSI có nhận định trái ngược với diễn biến thị trường khi cho rằng, “phiên giao dịch ngày 22/7, VN-Index tiếp tục dao động quanh vùng 660 (+/- 5 điểm) và có thể tăng điểm vào cuối phiên.”

Trong khi đó, hầu hết các công ty chứng khoán còn lại như FPTS, SHS, BVSC đều giữ quan điểm thị trường tiếp tục điều chỉnh. Trong đó, FPTS cho rằng trạng thái bất ổn của VN-Index đang có dấu hiệu tăng cường; còn BVSC nhận định vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số hiện nằm tại vùng 640-648 điểm.

Tin bài liên quan