Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường tuần qua có những phiên giao dịch khó lường, nên thật dễ hiểu khi các công ty chứng khoán đoán trật nhiều hơn trúng. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường tuần qua của một số công ty chứng khoán.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 15/12, sự thận trọng vẫn được đặt ở mức rất cao, gần như cả bên bán và bên mua chỉ đứng nhìn nhau. Mở cửa, VN-Index giảm khá mạnh về gần mốc 551 điểm, thanh khoản hết sức èo uột. Tương tự, HNX-Index cũng có sắc đỏ ngay từ đầu phiên khi nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt giao dịch dưới tham chiếu.

Trong khi sự chú ý đang tập trung vào nhóm dầu khí, thì nhóm cổ phiếu khoáng sản đã âm thầm nổi sóng. Trên HOSE, hàng loạt mã khoáng sản sản tăng giá, trong đó có nhiều mã được kéo lên mức trần với lượng dư mua giá trần khá lớn như KSS, KTB, KSA, LCM, TNT… các mã khác như BGM, BMC, KSH cũng tăng mạnh. Trên HNX, sắc tím cũng nổi lên ở KSK, KSQ, KHB, còn BKC cũng chỉ cách mức trần 1 bước giá.

Nhóm dầu khí vẫn giảm giá nhưng không còn mạnh, trong khi nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao cũng không còn được quan tâm nhiều khi giới đầu tư lướt sóng lo ngại từ ảnh hưởng của Thông tư 36.

Từ con sóng khoáng sản, nhận thấy cơ hội đã đến, nhiều nhà đầu tư đã không còn bận tâm nhiều đến nhóm cổ phiếu dầu khí, mà tích cực xuống tiền ở nhiều mã khác, giúp sắc xanh dần lan tỏa ra cả thị trường.

Tuy nhiên, do sức nặng của GAS, PVD và một số mã lớn như BVH, VCB, FPT, REE, STB, KDC…, nên VN-Index dù có lúc đã vượt qua tham chiếu nhưng không thể kết phiên sáng trong sắc xanh, đóng cửa giảm nhẹ 0,06%.

Trong khi đó, các mã dầu khí trên HNX như PVC, PVS, PVX kịp hồi phục và thêm sự hỗ trợ của VCG, FIT, AAA…, chỉ số HNX-Index lại nới dần đà tăng và đóng phiên sáng trên mức 85 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, tưởng chừng tín hiệu tích cực từ cuối phiên sáng sẽ được duy trì và giúp thị trường hồi phục, nhưng nỗi ám ảnh về nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn còn, khiến nhà đầu tư chưa thể yên tâm gom vào để đợi đợt sóng kết quả kinh doanh quý IV/2014.

Thậm chí, nhà đầu tư còn trở nên lo lắng hơn trong nửa cuối phiên chiều khi VN-Index đanh mất mốc 550 điểm. Trong đợt ATC, lực bán giá tăng ở nhiều mã, trong đó có các mã lớn, đà giảm của VN-Index được nới rộng thêm và đóng cửa giảm khá sâu 1,08% xuống sát mốc 548 điểm.

Tương tự, HNX-Index dù có mức tăng rất tốt trong phiên sáng, nhưng dưới áp lực bán tăng mạnh trở lại của các mã dầu khí, vốn có tác động lớn tới chỉ số, nên HNX-Index quay đầu đảo chiều, đóng cửa giảm 0,37% về gần mốc 84 điểm.

Nhóm khoáng sản trên 2 sàn dù tiếp tục duy trì phong độ trong phiên chiều, nhưng vẫn tỏ ra quá lép vế so với sức nặng của nhóm cổ phiếu dầu khí và phần đông các mã lớn, nên không thể tạo ảnh hưởng mạnh lên các chỉ số.

Thanh khoản chung trên thị trường phiên này đã có cải thiện mạnh so với phiên trước nhờ đôi chút nỗ lực mua vào ở cuối mỗi phiên, tuy nhiên vẫn ở mức thấp, chỉ gần 2.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng trên 2 sàn, giá trị gần 62 tỷ đồng.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 1

Về phần các Dự, với phiên tăng tích cực cuối tuần qua, nhiều Dự đều có cái nhìn tích cực cho tuần giao dịch mới. Tuy nhiên, kịch bản xấu lại xảy ra với nhóm dầu khí, qua đó tác động xấu đến thị trường và khiến thị trường giảm khá sâu. Vì vậy, nhận định của nhiều Dự cho phiên giao dịch này đã bị trật, trong đó có VCSC, MSBS, BSC, MBS, SHS, IVS, KIS.

VCSC, MSBS, SHS và IVS cùng cho rằng thị trường sẽ tiếp tục pha phồi phục và tăng điểm.

“Áp lực đã có dấu hiệu suy yếu và chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi phục trong phiên đầu tuần tới với vùng kháng cự gần nhất là vùng 560 – 565 của chỉ số VN-Index và 85.5 của chỉ số HNX-Index”, VCSC nhận định.

MSBS đánh giá: “Với diễn biến của cuối tuần qua, nhiều khả năng tuần mới sẽ là một tuần thị trường tăng điểm. Cụ thể, VN-Index có thể tăng ngay vào phiên giao dịch đầu tuần, các phiên giữa tuần sẽ có rung lắc”.

SHS cũng cho rằng: “Thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần mặc dù thanh khoản rất kém nhưng vẫn giữ được đà tăng rất tốt mặc dù lượng cổ phiếu bắt đáy trong phiên 9/12 đã về tới tài khoản. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thị trường sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng điểm trong sự thận trọng trong các phiên giao dịch đầu tuần tới”.

Tương tự là IVS: “Hai phiên cuối tuần thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm cho thấy NĐT bắt đáy không vội bán mặc dù nhóm dầu khí hay những áp lực từ thị trường vẫn rất mạnh. Như vậy có thể thấy tâm lý NĐT cũng đã ổn định phần nào và đó có thể là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ tăng trở lại trong tuần tới. Quan sát lại thị trường giai đoạn tháng 5 cho thấy điểm tương đồng đang xuất hiện. Trong một phiên giảm mạnh ở hầu hết các cổ phiếu đẩy giá xuống thấp một cách kỳ lạ là KLGD tăng đột biến. Tiếp sau đó là những phiên giao dịch tiết cung với thanh khoản thấp tạo điều kiện cho thị trường hồi phục trở lại. Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ tăng trở lại 570-580 điểm trong tuần tới và nếu như được hậu thuẫn mạnh từ giá dầu thế giới thì khả năng có một phiên tăng mạnh hoàn toàn có thể”.

Còn MSB và và BSC cho rằng thị trường sẽ sideway trong vùng 550-560, trong khi KIS dự báo chỉ giảm nhẹ.

“Nhiều khả năng, nếu không có thêm những thông tin tiêu cực khác, thị trường sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 550 – 560 điểm để tích lũy tạo vùng đáy trước khi tăng điểm trở lại. Lưu ý rằng không nhiều đợt tăng điểm mạnh mẽ mà không bắt đầu từ động thái tích lũy lại nền tảng của các cổ phiếu dẫn đầu. Mọi nỗ lực tăng điểm nhanh chóng và vội vã đều không bền vững, mặc dù có thể thành công”, BSC nhận định.

KIS cho rằng: “Trong tuần tới, hiệu ứng từ cú sốc giá dầu được dự báo còn tác động lên xu hướng vận động của các chỉ số. Dù vậy, KQKD quý IV đang dần được hé lộ cùng với định giá của nhiều nhóm ngành đang trở nên hấp dẫn hơn sẽ thúc đẩy quá trình phân hóa diễn ra rõ nét hơn. Theo đó, đà giảm điểm của các chỉ số được kì vọng sẽ thu hẹp đáng kể”.

Trong khi các Dự khác như FPTS, BVSC, VDSC, MBKE, SSI thì ưu tiên đưa ra nhận định ở phía trung lập tại thời điểm này.

Sang phiên giao dịch 16/12, tâm lý nhà đầu tư vẫn không có thêm chuyển biến gì kể từ khi Thông tư 36 (theo đánh giá là yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư ở thời gian qua) không được lùi thời gian áp dụng, cộng thêm nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị bán mạnh sau thông tin giá dầu thô lùi về mức thấp nhất 5 năm rưỡi, VN-Index tiếp tục mất điểm, còn HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa, và sau 90 phút giao dịch cả 2 chỉ số này cũng chưa một lần có được sắc xanh, hoạt động giao dịch khá chậm.

Trong khi bên nắm giữ tiền mặt vẫn giữ thái độ thận trọng, thì bên bán bắt đầu thể hiện sự mất kiên nhẫn, nhất là ở các mã dầu khí. Trên HOSE, GAS và PVD dần lùi về mức giá sàn. PVT và SSI nằm thuộc diện cơ cấu của VNM ETF nhanh chóng mất nhiệt. Sóng khoáng sản cũng tan nhanh ngay khi mới hình thành và chỉ còn duy nhất KSS là duy trì sắc tím. Các mã có tính đầu cơ cao như FLC, ITA, VHG.... cũng không mấy sôi động và đều chịu sức ép giảm giá lớn.

Trên HNX, sắc đỏ bao trùm gần như toàn bộ các mã đáng chú ý như KLF, FIT, VCG, ITQ, nhóm chứng khoán và dĩ nhiên cả nhóm dầu khí, trong đó ITQ đang còn dư bán giá sàn. Cũng giống KSS trên HOSE, HNM là sắc tím hiếm hoi trên HNX, nhưng thanh khoản thấp hơn nhiều so với KSS.

Một lần nữa, lực bán tháo ở nhóm dầu khí lại gây  hoảng loạn cho thị trường và khiến cả 2 sàn giảm mạnh trong phiên sáng 16/12. VN-Index giảm 1,65% về gần mốc 539 điểm, còn HNX-Index giảm -1,41% về sát mốc 83 điểm.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 2

Trong buổi giao dịch chiều, áp lực bán đã lập tức gia tăng, kéo thêm hàng chục mã giảm, những sắc xanh le lói từ phiên sáng cũng nhanh chóng chuyển màu. Không còn giữ được sự kiên nhẫn để đợi lực cầu bắt đáy, bên nắm giữ cổ phiếu đã “mạnh ai người đó thoát” khiến thị trường lao dốc, cả 2 chỉ số chính mất trên dưới 2%. VN-Index rơi tiếp về sát mốc 535 điểm, HNX-Index thủng khá sâu mốc 83 điểm.

GAS lại bị kéo về giá sàn 64.500 đồng, PVD thì về gần sát giá sàn 57.500 đồng, khớp lệnh tương ứng 1,35 triệu và 1,76 triệu đơn vị. Mức giá sàn cũng xuất hiện ở hàng loạt mã dầu khí khác như PET, PXS, PXL, PTL.

Mã OGC với lực mua lớn nên khớp được 5,8 triệu đơn vị khi xuất hiện thông tin kiểu “rỉ tai” sẽ có sóng tăng, nhưng đóng cửa vẫn giảm nhẹ 1 bước giá. Trong khi, EIB và VCB lại có được sắc xanh. Các mã có tính đầu cơ cao khác như FLC, VHG, ITA, KBC, HQC đều chị áp lực bán lớn và đều chìm trong sắc đỏ, không loại trừ là cả áp lực giải chấp. Bên cạnh đó, PVT và SSI dù nhận được lực cầu ngoại lớn, nhưng không thoát khỏi xu hướng chung.

Trên HNX, sắc đỏ cũng bao trùm cả bảng điện tử khi số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng. Từ nhóm dầu khí là PVS, PVC, PGS, PLC, PVB...đến nhóm chứng khoán là SHS, VND, BVS, KLS... và các mã khác như KLF, SCR, FIT, SHB, ACB.... đồng loạt giảm điểm.

Hai mã KSS và HNM vẫn ngược dòng “lũ đỏ” trong sắc tím, trong đó KSS khớp gần 4 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua giá trần. Dường như luôn có “tay to” nào đó luôn sẵn sàng gom hết KSS mỗi khi được tung vào.

Thanh khoản trên HOSE phiên này tốt hơn phiên đầu tuần đạt gần 2.500 tỷ đồng nhờ giao dịch thỏa thuận. Trong khi trên HNX thì hoàn toàn ngược lại nên thanh khoản giảm trở lại chỉ gần 816 tỷ đồng.

Về phần các Dự, thị trường lại có phiên giảm sâu gấp 2 lần so với phiên đầu tuần khi áp lực bán tháo diễn ra mạnh mẽ. Điều này khiến những nhận định của IVS, BSC, MSBS,

VCSC tiếp tục chưa chính xác.

IVS cho rằng sẽ có sự hồi phục vào cuối phiên: “Theo quan sát giá dầu thế giới, sau cú sụt giảm mạnh phiên cuối tuần qua thì giá đang có dấu hiệu hồi phục mạnh trở lại. Tín hiệu kỹ thuật từ đồ thị cho thấy khả năng tăng trở lại mốc 60$/thùng khá cao và nếu như vậy áp lực lên nhóm dầu khí cũng sẽ giảm bớt. Thị trường sẽ tiếp tục định hình tại đây, và những nhà đầu tư nào bán mạnh cổ phiếu ra với giá thấp sẽ được cầu mua hấp thụ hết. Tuy nhiên, ở phiên ngày 16/10, có thể phiên giảm này sẽ tác động tâm lý và khiến cho thị trường giảm nhẹ đầu phiên nhưng cuối phiên giao dịch thị trường sẽ hỗi phục trở lại”.

Còn VCSC và BSC giữ quan điểm các chỉ số có diễn biến giằng co, đi ngang.

“Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng giá 550 của chỉ số VN-Index và 84.0 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày mai 16/12. Đồng thời, điểm tích cực chúng tôi nhận thấy là các chỉ báo xung lượng ngắn hạn xuất hiện các tín hiệu phân kỳ tăng giá với đồ thị giá của hai chỉ số cho nên nếu hai chỉ số vượt được các mức kháng cự 560 - 565 của chỉ số VN-Index và 85.5 của chỉ số HNX-Index thì xu hướng tăng giá ngắn hạn có thể dần được xác nhận”, VCSC nhận định.

BSC vẫn đánh giá: “Rõ ràng, tác động của nhóm cổ phiếu dầu khí lên thị trường chung đang dần giảm bớt khi vốn hóa của nhóm này đã giảm đáng kể. Tuy vậy, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí, khiến thị trường chung chưa thể bứt phá. Thêm nữa, diễn biến tuần này sẽ khó lường hơn khi có hoạt động review danh mục của ETFs. Nhiều khả năng thị trường tiếp tục giằng co trong phiên trước khi diễn biến tích cực hơn trong khoảng thời gian cuối cùng của năm 2014”.

Chỉ số giảm sâu cũng đánh tan nhận định “hình thành mô hình 2 đáy” của MSBS:

“Xu hướng sắp tới VN-Index hoàn toàn có thể tiến sát mốc 540 điểm rồi giật lên, hình thành mô hình 2 đáy trước khi hồi phục trở lại. Ngày 16/12, dự báo thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh vào phiên sáng sau đó hồi phục trở lại và kết thúc là một phiên tăng điểm”.

Với các Dự khác như FPTS, BVSC, MBKE, MBS, KIS, SHS, SSI, VDSC, việc “an toàn” tiếp tục được đặt lên hàng đầu khi các nhận định vẫn mang tính trung lập như “Sự hồi phục chưa đảm bảo”, “bi quan trong tương lai ngắn”, “duy trì cân bằng danh mục”...

Đến phiên giao dịch 17/12, đúng như nhận định của một số CTCK, cầu mua bắt đáy đã xuất hiện trong phiên giao dịch sáng 17/12, VN-Index có được sắc xanh ngay khi mở cửa khi những mã dầu khí dẫn dắt như PVD và GAS bắt đầu có dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, diễn biến tích cực này chỉ duy trì được trong khoảng 40 phút đầu giao dịch. Áp lực bán vẫn còn, khiến nhiều mã quay đầu giảm giá, trong đó có cả PVD và GAS nhưng mức giảm không còn mạnh.

Trên HNX cũng có diễn biến tương tự như trên HOSE. Sàn này cũng mở cửa trong sắc xanh khi cầu mua tập trung vào nhóm dầu khí giúp nhóm này tăng điểm, nhưng sắc đỏ cũng nhanh chóng thay thế sắc xanh đầu phiên khi áp lực bán gia tăng.

Áp lực bán tăng trở lại khiến VN-Index mất hơn 8 điểm trong khoảng thời gian ngắn, nhóm VN30 cũng không có mã nào tăng, toàn sàn chỉ có 25 mã tăng điểm. Nhưng về cuối phiên, lực cung được hãm bớt, giúp thị trường hãm được đà rơi, những vẫn ở mức giảm sâu 1,18% và để mất tiếp mốc 530 điểm. Ngoài nhóm dầu khí, nhóm cổ chứng khoán cũng giảm manh với SSI giảm 900 đồng; HCM giảm 800 đồng… Nhóm bất động sản cũng đều giảm điểm, nhưng mức nhẹ hơn, trong đó thanh khoản cao nhất là FLC với 5,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 3

Trên HNX, một số mã dầu khí đã lấy lại đà tăng như PVS, PVC tăng 300 đồng; PVG tăng 100 đồng. Nhưng với đà giảm chiếm áp đảo, chỉ số HNX-Index cũng không tránh được kết cục giảm mạnh giống HOSE với mức giảm 1,09% và tuột mốc 82 điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, đà giảm mạnh của thị trường chủ yếu là do áp lực giải chấp margin, việc giá dầu giảm không ảnh hưởng thu ngân sách Nhà nước, cũng như không có nhiều ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành trong nhóm dầu khí.

Trong buổi giao dịch chiều, nhà đầu tư đã chẳng cần do dự khi ồ ạt xả hàng. Nhiều khả năng, đây vẫn là áp lực bán giải chấp khiến VN-Index lao dốc không phanh, sắc đỏ trên sàn dần thay thế bằng màu xanh mắt mèo, chỉ tính riêng trong rổ VN30 đã có tới 8 mã giảm sàn.

Hầu hết các mã nhóm dầu khí đều rơi xuống kịch sàn, như (PVD, GAS, PVT, PET), tác động đến nhiều nhóm cổ phiếu khác, từ nhóm bất động sản (FLC, IJC), đến chứng khoán (SSI, HCM), đều giảm sàn. Đà giảm này còn lan rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu khác như HPG, GMD…

Điểm đáng chú ý là thanh khoản trên thị trường lại tăng đáng kể, lên mức cao nhất kể từ phiên giảm sâu trước đó (phiên 9/12), cho thấy một lượng cầu bắt đáy vẫn tích cực tham gia thị trường. Chính yếu tố này có lẽ đã giúp các nhà đầu tư bình tâm hơn để đứng lại quan sát. Bên cạnh đó, đợt khớp lệnh đóng cửa đã không làm nhà đầu tư thêm thất vọng khi thị trường không bị đánh úp như nhiều phiên trước đó, mặc mức giảm vẫn là rất sâu. Đóng cửa, VN-Index giảm 16,92 điểm (-3,16%) xuống 518,22 điểm.

Tương tự, với số mã giảm gấp gần 5 mã tăng, HNX-Index giảm 2,02 điểm (-2,45%) xuống 80,61 điểm. Đáng chú ý là việc 2 mã dầu khí lớn là PVS và PVB đã đi ngược thị trường với mức tăng nhẹ 1 bước giá, trong đó PVS khớp trên 3,56 triệu đơn vị.

Thanh khoản chung trên toàn thị trường đạt trên 3.900 tỷ đồng. Khối ngoại đã tăng bán ròng mạnh trong phiên, giá trị gần 92 tỷ đồng.

Về phần các Dự, sau phiên giảm sâu 16/12, nhà đầu tư tỏ ra bi quan hơn trong phiên 17/12 nên cuống cuông tháo chạy, vì vậy thị trường tiếp tục hứng chịu phiên giảm rất sâu nữa. Và các Dự gồm FPTS, MSBS, MBS, VCSC đã đánh giá đúng về nhịp giảm rất mạnh này.

“Như vậy, VN-Index đã có 2 phiên giảm khá mạnh, đường giá bị bật ra khỏi dải Bollinger (20) nên khả năng cao sẽ lại có những phiên hồi phục vào 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang trên đường đi tìm đáy, tín hiệu đáy chưa xuất hiện, tâm lý thị trường khá bi quan nên những phiên hồi phục sắp tới vẫn là cơ hội bán với mục tiêu tăng tỷ lệ tiền mặt lên. Rủi ro t+3 hiện tại đang quá lớn cho nhà đầu tư bắt đáy hiện nay. Khối ngoại tuy bán ròng hạ nhiệt với 11 tỷ đồng nhưng xu thế này chưa dừng lại là tín hiệu tiêu cực với thị trường chứng khoán Việt Nam”, FPTS đánh giá.

MBS cũng cho rằng: “Thị trường chung có phiên giảm điểm mạnh trở lại sau và thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh Fibonacci Retracement 50% tương ứng vùng 550 điểm do các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí tiếp tục bị bán tháo. Với diễn biến của phiên giảm 16/12, khả năng VN-Index sẽ có thể kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ mạnh gần nhất tại 515-525 điểm tương ứng đáy của sự kiện Biến Đông. Ngắn hạn rủi ro từ việc giá dầu thô biến động giảm vẫn còn rất lớn, do đó nhà đầu tư hạn chế bắt đáy cổ phiếu dầu khí trong những phiên tới”.

MSBS cũng có nhận định: “Với diễn biến khó lường của thị trường giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, không tham gia bắt đáy, đặc biệt là ở các cổ phiếu nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngày 17/12, có thể là một phiên rung lắc nhưng nhiều khả năng vẫn là giảm điểm. Hiện nay các vấn đề về thông tư 36, giá dầu liên tục giảm, tỷ lệ Margin đang ở mức cao đều tác động tiêu cực đến thị trường. Trong tình trạng xấu nhất, VN-Index có thể giảm về 520-525 điểm vào cuối tháng 12 trước khi có tín hiệu hồi phục trở lại”.

Tương tự là VCSC: “Chúng tôi cho rằng áp lực giảm giá có thể tiếp diễn trong phiên kế tiếp và lực cầu bắt đáy có thể tăng dần tại các vùng hỗ trợ 520 của chỉ số VN-Index và 81.5 của chỉ số HNX-Index. Tuy nhiên, nếu đồ thị giá hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch ngày mai thì tín hiệu phân kỳ tăng giá của hệ thống các chỉ báo xung lượng ngắn hạn có thể sẽ được xác nhận”.

Còn nhận định của IVS cũng đã đúng phần nào: “Giá của những cổ phiếu dầu khí GAS, PVD, PVS, PVC... đều đã rơi đến vùng hỗ trợ mạnh trong khi với mức giá 55 USD/thùng đã gần chạm đến vùng đáy của dầu thô thế giới trong 7 năm qua. Do đó cầu mua bắt đáy sẽ xuất hiện trở lại nếu nhóm này tiếp tục bị bán mạnh. Cụ thể là ngay phiên ngày mai (17/12) có thể điều này sẽ xảy ra. Do đó áp lực sẽ được giảm bớt và hành động bán ra lúc này đã là quá muộn nếu như áp lực bán không rõ ràng”.

Với các Dự như BSC, KIS, SSI, BVSC, SHS, MBKE, VDSC, nhận định trung lập vẫn là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn thị trường đang giảm sâu như thế này.

Tới phiên giao dịch 18/12, trước sự trấn an của UBCK về việc bán khống, cũng như sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thế giới, các cổ phiếu đua nhau tăng điểm mạnh giúp cả hai sàn hồi xanh mạnh.

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã trở lại trường đua và là điểm tựa chính cho thị trường duy trì đà tăng. Lực cầu tăng mạnh giúp GAS, PVS, PVC, PVB tăng điểm khá mạnh trong khi PVD tiếp cận mốc giá trần, thanh khoản cũng khá tích cực. Đồng thời, các cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành cũng có được sắc xanh hoặc tím trần.

PVS nhờ lực cầu ngoại mạnh cũng tăng rất mạnh, gây hiệu ứng tích cực lên 2 mã đang giảm sàn là PVC và PGS hồi xanh trở lại, HNX-Index theo đó giữ vững sắc xanh có được từ đầu phiên

Dần về cuối phiên, sức cầu ở nhóm dầu khí càng gia tăng. PVD và GAS được kéo tăng trần với lượng dư mua trần khá lớn. Sắc tím cũng đã lan rộng xuống các cổ phiếu vừa và nhỏ cùng ngành như PVT, PTL.... trên HNX, PVS cũng đã tăng trần.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ như FLC, ITA, OGC, VHG, KLF, SHB, PVX, PVC, SCR ... cũng đều tăng tốt đi kèm thanh khoản khá cao.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng mạnh 1,67% lên sát mốc 527 điểm, còn HNX-Index tăng mạnh hơn với 2,15%, vượt xa mốc 82 điểm

Trong buổi giao dịch chiều, đà tăng tỏ ra vững vàng hơn phiên sáng bởi chỉ số tăng có sự ủng hộ của khối lượng giao dịch và một số mã có ảnh hưởng tới chỉ số, ngoài dòng "P" lấy lại mức tăng tốt.

FLC cũng đã leo lên mức trần cùng GAS, PVD. Nhóm dầu khí nhỏ PTL, PXL, PXS... đều có sắc tím. PVT gây chú ý khi khớp tới trên 7 triệu đơn vị. Các mã như SSI, HCM, VIC... cũng có đà tăng khá tốt.

Các cổ phiếu HQC, HAR, KBC… cũng lần lượt có được sắc xanh, tuy nhiên thanh khoản vẫn chưa cao. Trong khi VHG, GTN, HAI, PET, QBS, TYA… cùng đồng loạt tăng trần.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 4

Tương tự, nhóm cổ phiếu dầu khí rên sàn HNX cũng tác động khá tích cực. Bên cạnh đà tăng mạnh của các cổ phiếu chủ chốt gồm PVS, PVB, PVX, PVC…, các cổ phiếu nhỏ như PVE, PVV cũng tăng trần. Trong đó, điểm nhấn là cổ phiếu PVS với lực cầu nội và ngoại cũng tăng mạnh. KLF vẫn giữ được vị trí “vua” thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh đạt 8,73 triệu đơn vị.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,97% tiến đến mốc 529 điểm, còn HNX-Index tăng 2,59% lên sát mốc 83 điểm.

Mặc dù cầu mua là khá tốt, nhưng sau chuỗi giảm giá mạnh, tâm lý quan sát thị trường vẫn còn chiếm khá lớn. Chính vì vậy, ngoài một số mã có thanh khoản cao, các mã đã giảm giá mạnh 2 tuần qua, thì hầu hết các mã khác đều có giao dịch thận trọng với lượng giao dịch ở mức thấp so với mức bình quân. Thanh khoản chung theo đó giảm rất mạnh trở lại, chỉ trên 2.800 tỷ đồng. Tranh thủ thị trường hồi phục, khối ngoại cũng tăng bán ròng trên cả 2 sàn, đạt gần 97 tỷ đồng.

Về phía các Dự, sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, nhất là phiên 17/12, nhiều thành viên thị trường cho rằng giá của nhiều cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn, vì vậy cầu mua bắt đáy sẽ diễn ra mạnh trong phiên 18/12, qua đó sẽ giúp thị trường có phiên hồi phục tốt. Và diễn biến của phiên 18/12 đã đúng với những đánh giá trên, trong đó có đánh giá của MSBS, BSC, SHS, VCSC, VDSC.

“Tiếp nối động lực phục hồi cuối phiên 17/12, thị trường có thể tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch tiếp theo, phản ứng với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật. Chúng tôi đánh giá cao vùng hỗ trợ 500-510 điểm của VN-Index, 78-80 điểm của HNX-Index, khi bối cảnh vĩ mô của Việt Nam vẫn đang trong chiều hướng cải thiện tích cực”, SHS đánh giá.

VCSC cũng cho rằng: “Hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong 1 – 2 phiên giao dịch khi hai chỉ số tiến về các vùng hỗ trợ 508 của chỉ số VN-Index và 80.0 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày mai 18/12. Đồng thời, nếu hai chỉ số hồi phục trong phiên tới thì nhiều khả năng các tín hiệu phân kỳ tăng giá của các chỉ báo xung lượng ngắn hạn sẽ được xác lập, điều có nghĩa là lực cầu bắt đáy có thể gia tăng tại các mức giá cao và giúp hai chỉ số có nhịp hồi phục ngắn”.

Tương tự là VDSC: “Việc thị trường giảm mạnh đã góp phần đưa giá của nhiều cổ phiếu cơ bản tốt về vùng giá khá hấp dẫn. Vì vậy, thay vì có cái nhìn quá tiêu cực về thị trường, các nhà đầu tư có thể xem thị trường 17/12 như là một “Black Friday” đến muộn để tranh thủ tích lũy thêm các cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn. Thị trường tiếp tục có phiên giảm điểm mạnh mẽ kèm theo sự gia tăng về khối lượng thể hiện sự áp đảo của bên bán, hiện tại hai chỉ số đang gần tiếp cận xuống các mức  hỗ trợ 510 và 80 điểm, bên cạnh đó việc đồ thị giá vượt ra khỏi biên dưới của dãi Bollinger mở ra cơ hội cho sự hồi phục vào trong Band ở các phiên tới”.

Còn nhận định về việc hiện tượng bán giảm margin tiếp tục diễn ra trong phiên 18/12 của MBS là chưa chuẩn xác.

“Chúng tôi nhận thấy áp lực nguồn cung tăng mạnh trên diện rộng, và tập trung vào nhóm cổ phiếu VN30, HNX30 là nhóm các cổ phiếu bluechip lớn có thanh khoản tốt nhất, với diễn biến này chúng tôi không ngoại trừ khả năng hiện tượng bán giảm margin tiếp tục diễn ra và tạo áp lực giảm giá lớn”.

Về phía các Dự khác như FPTS, KIS, SSI, IVS, BVSC, MBKE, vẫn không có nhiều thay đổi trong các nhận định khi phương án trung lập tiếp tục là lựa chọn tiên quyết.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 19/12, mặc dù thị trường ngày 18/12 có phiên hồi phục mạnh, nhưng tâm lý thận trọng cao tiếp tục được thể hiện rõ nét khi bước vào phiên giao dịch sáng 19/12. VN-Index mở cửa trong sắc đỏ với thanh khoản chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, sắc đỏ này cũng nhanh chóng được thay bằng sắc xanh khi lực mua bắt đầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu dầu khí và một số mã bluechips.

Trái với HOSE, sàn HNX lại tăng điểm ngay khi bắt đầu phiên giao dịch, cho dù số lượng mã chiếm sắc đỏ là khá nhiều. Lực đỡ chính giúp HNX-Index có được sắc xanh  vẫn đến từ nhóm dầu khí khi được giao dịch khá mạnh ngay khi mở cửa và đồng loạt tăng điểm.

Dù vậy, áp lực bán trên thị trường vẫn là rất lớn. Khi các chỉ số tăng điểm, lực bán trên thị trường đã lập tức gia tăng, tập trung mạnh vào các mã lớn, cả 2 chỉ số theo đó cùng quay đầu giảm điểm.

Phiên 19/12 cũng là phiên 2 quỹ ETF sẽ phải hoàn tất việc cơ cấu danh mục của mình. Theo đó, mọi sự chú ý trên thị trường đều đổ dồn vào nhóm VN30 và HNX30.

Mã SSI là mã được thêm vào danh mục đã tăng khá mạnh. Ngược lại, các mã bị loại ra gồm DRC, VHS và STB đều đồng loạt giảm mạnh. Đáng chú ý, STB có thanh khoản tăng vọt với 3,55 triệu đơn vị khớp lệnh, chỉ sau FLC là hơn 5 triệu đơn vị.

Trong nhóm HNX30, chỉ còn duy nhất DXP có được sắc xanh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Mã thanh khoản cao nhất là KLF cũng chỉ khớp 3,4 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm dầu khí trên HOSE hỗ trợ khá tốt cho VN-Index, thì nhóm này lại bị bán khá mạnh trên HNX và đồng loạt giảm điểm. Dù mức giảm không mạnh, nhưng việc nhóm cổ phiếu dẫn dắt này cùng giảm điểm khiến nhiều mã cổ phiếu trên sàn giảm theo.

Dần về cuối phiên, áp lực bán càng gia tăng, kéo các chỉ số xuống sâu hơn, VN-Index và HNX-Index lần lượt để tuột mốc 525 điểm và 82 điểm.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 5

Trong phiên giao dịch chiều, phiên mà hoạt động cơ cấu danh mục của ETFs thường diễn ra mạnh, đặc biệt là ở thời điểm cuối phiên. Ở thời điểm đầu phiên, áp lực bán tiếp tục được duy trì, khiến nhiều mã quay đầu giảm điểm, các chỉ số lùi sâu hơn. Hoạt động giao dịch vẫn khá chậm khi cả 2 bên mua bán đều muốn quan sát động tĩnh của các quỹ ETF và khối ngoại.

Điển hình là việc SSI sau khi tăng khá tốt ở phiên sáng, đã bị kéo về mức sàn trong phiên chiều, cho dù được khối ngoại nâng đỡ rất mạnh. SSI khớp được trên 5 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào chiếm hơn 70%.

Như thường lệ, các quỹ ETFs đã giao dịch hết sức sôi động trong 30 phút khớp lệnh xác định giá đóng cửa thị trường (ATC).

Mã SSI sau khi giảm sàn, trong đợt khớp ATC, đã có thêm hơn 15 triệu đơn vị được giao dịch, nâng tổng mức khớp cả phiên lên 20,89 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào tới gần 16,76 đơn vị (hơn 80%), đóng cửa SSI thoát mức giá sàn khi chỉ còn giảm 4,9% xuống 27.100 đồng/CP.

Tuy nhiên, SSI chỉ là diễn viên phụ, “ngôi sao” của ETFs phiên này chính là STB. Cũng chỉ trong ít phút giao dịch cuối phiên, đã có tới gần 18 triệu đơn vị được giao dịch, nâng tổng mức khớp cả phiên lên 28,89 triệu đơn vị, chỉ đứng sau mức thanh khoản cao nhất trong năm 2014 là hơn 37 triệu đơn vị được xác lập trong đợt cơ cấu ngày 19/9. Đóng cửa, STB chỉ còn giảm nhẹ -0,6% xuống 15.900 đồng/CP.

Hai mã bị loại ra như STB là DRC và VHD cũng đều giảm rất mạnh và đều có thanh khoản tăng vọt so với các phiên giao dịch thông thường, trong đó VSH giảm sàn. Cùng xuống mức sàn như VHS còn có VCB và BVH.       

Với nhóm dầu khí, cùng với GAS và PVD, các mã khác là PGC, PGD, PXS cũng có được sắc xanh khá mạnh.

Trên sàn HNX, giao dịch ở nhóm HNX30 trong phiên chiều cũng đã cải thiện hơn. KLF vẫn là mã đạt thanh khoản cao nhất với 15,6 triếu đơn vị, đóng cửa giảm xuống mức sàn 11.700 đồng/CP, tương ứng giảm 1.200 đồng (-9,3%). Các mã khác như AAA, KLS, VND, SHB, VCG... cũng có mức giảm khá mạnh.

Nhóm dầu khí trên sàn HNX vẫn chìm trong sắc đỏ, chỉ vài mã PVG, PVE, PPG là là có được sắc xanh.

Việc 2 nhóm cổ phiếu lớn là VN30 và HNX30 đều giảm mạnh, nên các chỉ số cũng giảm mạnh theo. Đóng cửa, VN-Index giảm 1,01% về sát môc 523 điểm, HNX-Index cũng giảm 1,67% về gần mốc 81 điểm. Nhưng nhờ hoạt động của ETFs, thanh khoản thị trường cũng đã vọt tăng mạnh trở lại, lên gần 4.500 tỷ đồng. Khối ngoại cũng có phiên giao dịch mạnh mẽ, với việc bán ròng tới gần 31 triệu đơn vị, giá trị bán 286,37 tỷ đồng, gấp 5,4 lần về lượng và gần 3 lần về giá trị so với phiên 18/12.

Về phía các Dự, khi mà nhóm cổ phiếu bớt “làm khổ” thị trường ở phiên cuối tuần này, thì đến lượt các quỹ ETF lại “quậy” tưng bừng, khiến thị trường đã quay đầu giảm khá sâu sau phiên hồi phục mạnh trước đó.

Vì vậy những nhận định về việc thị trưỡng sẵn đà hồi phục tiếp của FPTS, VCSC, MSBS, IVS đã không chính xác.

“Nhiều khả năng nhóm dầu khí sẽ có thêm 1 sự hồi phục ngắn nữa trước khi nó thể hiện rõ hơn xu thế của mình là gì. Chúng tôi đánh giá khả năng chỉ số VN-Index có thể hồi phục về ngưỡng 534 điểm, tương ứng với SMA(5) và tiếp tục duy trì quan điểm bán ra trong ngắn hạn. Đợt hồi phục này hiện tại đang khá rủi ro khi sức mạnh tăng giá lớn nhưng không được ủng hộ từ khối lượng. Giao dịch của khối ngoại tiếp tục gia tăng bán mạnh lên 96 tỷ là tín hiệu tiêu cực”, FPTS nhận định.

MSBS thì cho rằng: Thị trường có phiên tăng điểm mạnh như đã nhận định trước đó, nhiều cổ phiếu dòng dầu khí như PVS, PVD, GAS… đều được mua mạnh, đẩy các cổ phiếu này đồng loạt tăng trần. Với thanh khoản như ngày 18/12, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới. Ngày 19/12, VN-Index vẫn tăng điểm, nhưng sẽ có rung lắc trong phiên”.

Tương tự là nhận định của VCSC: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch ngày mai và vùng kháng cự của nhịp hồi này là mức 545 của chỉ số VN-Index và 84.0 của chỉ số HNX-Index. Điểm tích cực chúng tôi nhận thấy là chỉ báo xung lượng %B (20,2) của chỉ số HNX-Index xuất hiện tín hiệu phân kỳ tăng giá với đồ thị giá cho nên chúng tôi kỳ vọng chỉ này có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong vài phiên tới”.

Ngược lại, BVSC đã đúng phần nào khi đánh giá thị trường sẽ sớm gặp khó. “Đà hồi phục của thị trường sẽ sớm gặp phải trở ngại do lượng cung tăng dần khi giá các cổ phiếu tăng lên các mức cao hơn. Tuy rủi ro T+3 cho một số giao dịch bắt đáy phiên hôm qua không phải ở mức quá cao tuy nhiên nhà đầu tư vẫn chỉ nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình thấp (tối đa 50%), tránh tâm lý mua đuổi trong các phiên thị trường hồi phục mạnh”.

Còn SHS và MBKE đã chính xác khi cho rằng sẽ có biến động mạnh về giá cũng như thanh khoản ở các cổ phiếu trong danh mục cơ cấu của các quỹ ETF.

“Ở phiên giao dịch cuối tuần, hai quỹ Market Vectors ETF (ETF VNM) và FTSE Vietnam UCITS ETF (ETF FTSE) sẽ phải hoàn tất việc cơ cấu danh mục của mình. Theo các thông báo trước đó, cả hai quỹ sẽ cùng thêm mới SSI vào trong danh mục của mình trong khi STB, VSH và DRC sẽ bị loại bỏ khỏi danh mục của ETF FTSE. Giao dịch ở các cổ phiếu nêu trên sẽ có những biến động mạnh trong phiên ngày 19/12. Dù thị trường đã có một phiên tăng rất ấn tượng, chúng tôi giữ quan điểm thận trọng đã có trước đó. Mức điểm tăng ở phiên này vẫn chưa đủ bù đắp hết mức giảm phiên trước đó và chưa tạo ra bất kỳ các đỉnh đáy liền sau nào cao hơn để khẳng định việc chuyển đổi xu hướng”, MBKE nhận định.

Các Dự còn lại là BSC, MBS, KIS, SSI, VDSC vẫn đặt sự thận trọng lên hàng đầu, nên trung lập chính là phương án nhận định an toàn nhất ở thời điểm này.

Tổng kết tuần giao dịch từ 15/12 đến 19/12, thị trường tiếp tục giảm sâu hơn so với tuần trước khi việc bán giải chấp diễn ra trên diện rộng. Trong khi các quỹ ETFs như thường lệ, vẫn tạo sự đột biến ở những thời điểm cuối cùng của kỳ cơ cấu.

Như vậy, với 4 phiên giảm sâu và 1 phiên tăng khá mạnh, VN-Index vẫn mất tới 30,84 điểm (-5,61%) xuống còn 523,09 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm tới 3,22 điểm (-38%) về còn 81,32 điểm.

Đối với các Dự, trong tuần các chỉ số giao dịch khó lường, số lượng Dự trúng khá hạn chế, trong khi Dự trật thì gia tăng.

Dự trúng nhiều nhất tuần cũng chỉ là 2 phiên, đó là MSBS, SHS và VCSC. Còn lại FPTS, MBS, IVS, BSC, VDSC, BVSC và MBKE cùng trúng 1 phiên.

Ngược lại, các Dự trật nhiều tuần này với 3 phiên trật là IVS, MSBS và VCSC. Tiếp theo là MBS và BSC cùng trật 2 phiên. Còn lại KIS, FPTS và SHS đều có 1 phiên trật.

Đối với danh hiệu “còi vàng”, SSI độc chiếm trong tuần này khi là Dự duy nhất có đủ cả 5 phiên nhận định trung lập. Đứng sau với 4 phiên trung lập có KIS, BVSC, MBKE và VDSC.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/15/12

HOSE(-6,00/1,08%/547,93)

HNX(-0,31/0,37%/84,24)

FPTS, BVSC, VDSC, MBKE, SSI

IVS, KIS, VCSC, BSC, MBS, SHS, MSBS

T3/16/12

HOSE(-12,79/2,33%/535,14)

HNX(-1,6/1,9/82,64)

FPTS, BVSC, MBKE, MBS, KIS, SHS, SSI, VDSC

IVS, BSC, MSBS,

VCSC

T4/17/12

HOSE(-16,92/3,16%/518,22)

HNX(-2,02/2,45%/80,61)

FPTS, MSBS, MBS, VCSC, IVS

BSC, KIS, SSI, BVSC, SHS, MBKE, VDSC

T5/18/12

HOSE(+10,23/1,97%/528,45)

HNX(+2,09/2,59%/82,7)

MSBS, BSC, SHS, VCSC, VDSC

FPTS, KIS, SSI, IVS, BVSC, MBKE

MBS

T6/19/12

HOSE(-5,36/1,01%/523,09)

HNX(-1,38/1,67%/81,32)

BVSC, SHS, MBKE

BSC, MBS, KIS, SSI, VDSC

FPTS, VCSC, IVS, MSBS

Tin bài liên quan