Nhận định thị trường phiên 21/12: VN-Index chưa đủ điều kiện tạo đáy

Nhận định thị trường phiên 21/12: VN-Index chưa đủ điều kiện tạo đáy

(ĐTCK) Phiên 21/12 sẽ là phiên giao dịch hết sức quan trọng nhằm kiểm chứng kỳ vọng của thị trường. Nếu thanh khoản gia tăng theo chiều giá giảm và chỉ số vi phạm khu vực hỗ trợ, thì nhà đầu tư được khuyến nghị nên quay lại trạng thái thận trọng, đề phòng rủi ro tái diễn của xu hướng giá xuống.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 21/12.

Đề phòng xu hướng giá xuống tái diễn

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giảm 20/12 mang đậm vai trò dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn. Các cổ phiếu VNM, SAB đóng góp tỷ trọng giảm mạnh nhất và đẩy tâm lý tiêu cực lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác.

Dòng tiền suy giảm trong phiên cho thấy sự do dự trong các hoạt động giao dịch. Phiên 21/12 sẽ là phiên giao dịch hết sức quan trọng nhằm kiểm chứng kỳ vọng của thị trường.

Nếu thanh khoản gia tăng theo chiều giá giảm và chỉ số vi phạm khu vực hỗ trợ, thì nhà đầu tư được khuyến nghị nên quay lại trạng thái thận trọng, đề phòng rủi ro tái diễn của xu hướng giá xuống.

Tránh bắt đáy quá sớm

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Điểm số của VN-Index bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn trong các phiên gần đây. Điều này khiến diễn biến chỉ số chung có phần bị nhiễu.

Về cơ bản, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ hết. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì một vị thế an toàn, tránh việc bắt đáy quá sớm đẩy tỷ trọng lên mức cao.

Giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

VN-Index giảm điểm mạnh, nên tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn và trung hạn của chỉ số lùi về mức tiêu cực. Trong phiên 21/12, chỉ số sẽ dao động với vùng kháng cự gần nhất tại 663-665 điểm (MA10-20) và mốc hỗ trợ gần nhất tại 654 điểm (đáy phiên 13/12).

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức thấp, quan sát diễn biến thị trường. Chú ý diễn biến tại hỗ trợ và kháng cự của VN-Index để có quyết định hợp lý.

Xu hướng chung vẫn là tích cực

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Khối ngoại bất ngờ bán mạnh VNM, trong khi cổ phiếu SAB tiếp tục điều chỉnh, khiến chỉ số VN-Index không duy trì được sự tích cực. Chỉ riêng 2 cổ phiếu này đã chiếm 2/3 điểm số giảm của thị trường nói chung, khiến tâm lý nhà đầu tư có phần bị tác động.

Số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo, nhưng khối lượng giao dịch suy giảm mạnh cho thấy, bên bán không bán tháo, mà tác động của điểm số chỉ là do nhóm vốn hóa lớn gây ra.

Tuy nhiên, bỏ qua mức giảm lớn của VN-Index thì nhiều cổ phiếu cơ bản như FPT, SSI, HCM, HPG... vẫn khá tích cực. Dù giá giảm, nhưng không đáng kể, trong khi đó, khối lượng giao dịch suy giảm cho thấy, bên bán không tạo ra áp lực quá lớn. Các cổ phiếu này có thể tăng trở lại bất ngờ và có thể sẽ kéo theo dòng tiền quay trở lại thị trường.

Với một phiên giảm mạnh như trên rõ ràng về kỹ thuật là tín hiệu không tốt. Trong khi đó, cổ phiếu SAB chưa kết thúc điều chỉnh sẽ còn tác động lên phiên giao dịch 21/12, nhất là khoảng thời gian đầu phiên. Nếu như giá giảm mạnh, thị trường có thể lại kích hoạt dòng tiền bắt đáy lần nữa và đó là tín hiệu tốt.

Về cơ bản, phiên giảm mạnh 20/12 có thể làm thay đổi tín hiệu kỹ thuật đối với VN-Index nói riêng, nhưng không làm thay đổi nhiều đối với từng cổ phiếu bởi xu hướng chung vẫn là tích cực.

VN-Index vẫn chưa đánh mất khả năng tăng ngắn hạn

(CTCK BIDV – BSC)

VN-Index giảm điểm mạnh đi cùng độ rộng tiêu cực do ảnh hưởng tiêu cực lan tỏa từ các cổ phiếu lớn như SAB và VNM. Dù vậy, VN-Index vẫn chưa đánh mất khả năng tăng điểm trong ngắn hạn và các chỉ báo kỹ thuật vẫn được giữ ở mức tích cực.

Nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy một phần các cổ phiếu ngành thép, ngoài ra, các cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính điều chỉnh về mức giá hấp dẫn cũng có thể được lưu tâm. 

VN-Index chưa đủ điều kiện tạo đáy

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)   

Hệ thống chỉ báo kỹ thuật xác nhận dòng tiền và xu hướng tiếp tục giảm sâu trên cả 2 sàn và chưa có dấu hiệu ngừng rơi. Trong các phiên tới, thị trường có thể tiếp tục rung lắc mạnh và điều chỉnh về vùng 645-650 điểm trên VN-Index và 77-77,5 điểm trên HNX-Index.

Đây là cơ hội giải ngân với nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao tại các mã cổ phiếu cơ bản tốt đã giảm sâu về vùng định giá rẻ. Tuy nhiên, rủi ro vẫn tiềm ẩn khi VN-Index chưa đủ điều kiện tạo đáy, do đó việc giải ngân chỉ nên dừng ở mức thăm dò.

Chỉ nên thận trọng quan sát

(CTCK Phú Hưng - PHS)

Nếu như sắc xanh lan tỏa toàn sàn phiên 19/12 thì diễn biến thị trường trong phiên 20/12 trở nên tiêu cực, khi sắc đỏ chiếm thế áp đảo. Khối ngoại quay trở lại bán ròng mạnh với tâm điểm là VNM, khiến giá cổ phiếu VNM giảm mạnh 3,3%, trong khi khối này mua ròng SAB, nhưng do áp lực chốt lời mạnh mẽ, khiến SAB giảm sàn.

VNM và SAB là gánh nặng lớn nhất khiến VN-Index giảm mạnh và sự tiêu cực cũng lây lan, khiến cổ phiếu có mức tăng tích cực phiên 19/12 như BVH hay nhóm chứng khoán đều đảo chiều hàng loạt.

Tuy vậy, thanh khoản suy giảm cho thấy, áp lực bán tháo cổ phiếu không nhiều. Việc VNM và SAB suy giảm mạnh trong những phiên gần đây có thể tạo ra lực cầu bắt đáy trong những phiên tới, giúp thị trường tránh những phiên giảm sâu. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ đà bán ròng của khối ngoại, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới CPI hiện đang tăng cao, qua đó, ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch.Vì vậy, nhà đầu tư chỉ nên thận trọng quan sát thị trường trong những phiên sắp tới.

Kiểm nghiệm lại các ngưỡng hỗ trợ 655-660 điểm

(CTCK MB - MBS)

Áp lực cung gia tăng khiến độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá, cùng với gánh nặng đến từ nhiều mã lớn khiến thị trường giảm điểm khá mạnh. VN-Index lùi xuống dưới đường MA20 ngày, tương ứng ngưỡng 665 điểm, trong khi HNX-Index nằm sát ngưỡng 80 điểm.
Trong phiên 21/12, hai chỉ số có thể kiểm nghiệm lại các ngưỡng hỗ trợ 655-660 điểm với VN-Index và 78-79 điểm với HNX-Index. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hiện tại, đồng thời quan sát diễn biến thị trường tại các ngưỡng hỗ trợ để có hành động phù hợp.
Tin bài liên quan