Nhận định thị trường ngày 9/4: Bắt đầu lạc quan trở lại

Nhận định thị trường ngày 9/4: Bắt đầu lạc quan trở lại

(ĐTCK) Thị trường ngày 9/4 vẫn thiên về hướng tăng điểm và thanh khoản thị trường chung vẫn ở mức thấp.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/4.

Tiếp tục tăng giảm xen kẽ

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Khối ngoại quay lại bán ròng trở lại trên 2 sàn với áp lực bán tập trung vào các mã vốn hóa lớn. Động thái bán ròng này xuất phát từ hoạt động arbitrage của các AP quỹ ETF VNM khi liên tiếp 2 phiên gần đây quỹ này bị rút ròng 500.000 chứng chỉ quỹ và trạng thái giữ ở mức discount 1,5%. Áp lực bán ròng dù không mạnh nhưng cũng đủ để khiến tâm lý thận trọng của dòng tiền khối nội dâng cao trở lại, khiến lực cầu lại rơi vào trạng thái suy giảm khi bên bán dè dặt chốt lời, còn bên mua chỉ canh tại vùng giá thấp. Tuy vậy, điểm tích cực là sự điều chỉnh diễn ra rất nhẹ và thị trường vẫn giữ được ở trạng thái khá cân bằng.

Dòng tiền vẫn khá bấp bênh và vẫn khá nhạy cảm với diễn biến dòng vốn ngoại. Điều này cho thấy các phiên tăng giảm xen kẽ trong biên độ hẹp sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Các nhà đầu tư tiến hành giải ngân thăm dò có thể tiến hành mua vào trong các phiên điều chỉnh của thị trường.

Cần thêm thời gian điều chỉnh tích lũy

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh tích lũy trước khi có thể bước vào nhịp hồi phục rõ nét hơn. Nhà đầu tư được khuyến nghị cân bằng tỷ trọng và chỉ thực hiện trải lệnh mua tại vùng giá thấp, trong những phiên thị trường giảm điểm. Việc bán trading quay vòng ngắn trong những phiên bật tăng có thể được áp dụng với một phần tỷ trọng nhằm mục đích trung bình giá vốn cho các vị thế nắm giữ.

Vẫn trong trạng thái suy giảm

(CTCK MB - MBS)

Thị trường quay trở lại trạng thái thận trọng sau phiên hồi phục trước đó, đây là lần thứ 3 liên tiếp các chỉ số tỏ ra đuối sức sau các phiên hồi phục kỹ thuật. Thị trường bắt đầu xuất hiện nhóm các mã cổ phiếu độc lập tương đối với thị trường, ví dụ như nhóm cổ phiếu Sông Đà. Trên HOSE, ngoài các mã cổ phiếu đầu cơ như FLC, HAI, mã CII tiếp tục thu hút dòng tiền khi giao dịch 4,4 triệu CP. 

Thanh khoản thị trường vẫn trong trạng thái suy giảm, vì vậy thị trường có thể quay trở lại xu thế giảm điểm nếu không thể vượt qua các ngưỡng cản 550 điểm với VN-Index và 83 điểm với HNX-Index.

Sẽ tăng nhẹ trở lại trong phiên chiễu`

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Trong phiên giao dịch 8/4, thị trường tạo ra đôi chút áp lực nhưng có lẽ như thế là quá yếu. Những thông tin liên quan đến quỹ VNM ETF tiếp tục bị rút vốn là tâm điểm đối với nhiều người. Và với tâm lý thận trọng cũng như khá nhạy cảm lúc này nên nhiều nhà đầu tư đã tạm chốt bán những cổ phiếu có lãi. Do đó lại đẩy thanh khoản của thị trường sụt giảm so với phiên trước. Cho dù không có sự sôi động để đẩy thanh khoản gia tăng thì sự sụt giảm trong phiên giao dịch đỏ lửa này cũng nên ghi nhận là yếu tố tích cực. Khi thị trường tăng điểm trở lại thì điều này sẽ được giải quyết hơn.

Với biên độ giao dịch hẹp và xu hướng cố thủ của bên bán đang lên cao thì nhiều khả năng sẽ khó kiếm tìm được cổ phiếu giá rẻ nữa. Việc khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên này và căn cứ vào đó cho thấy lượng rút ra từ VNM ETF sẽ rơi vào khoảng 400-450.000 chứng chỉ quỹ. Và đó sẽ là áp lực khiên tâm lý nhà đầu tư vẫn chịu ảnh hưởng, thị trường trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 9/4 sẽ phải hứng chịu áp lực này trước khi tăng nhẹ lại trong phiên chiều. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn rất nhiều hoài nghi, mà trong sự hoài nghi này, đôi khi lại có những cổ phiếu có mức giá hấp dẫn.

Vẫn thiên về hướng tăng điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Mặc dù chỉ số chung của thị trường giảm nhẹ trong phiên 8/4, nhưng có sự phân hóa khá rõ giữa các nhóm cổ phiếu trên sàn. Những cổ phiếu cơ bản như HT1, NBB, CII, HHS… đều thu hút được khá mạnh dòng tiền, đặc biệt trong phiên giao dịch buổi chiều. Nhiều khả năng đây sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nhịp hồi phục ngắn hạn mà chúng tôi đã đưa ra trước đó. Nhà đầu tư vẫn có thể tiến hành giải ngân vào một số cổ phiếu chưa tăng mạnh như BID, TNG, HT1... Thị trường ngày 9/4 vẫn thiên về hướng tăng điểm và thanh khoản thị trường chung vẫn ở mức thấp.

Áp lực điều chỉnh sẽ sớm quay lại

(CTCK BIDV - BSC)

Trong báo cáo ngày 7/4, chúng tôi đã cho rằng “thị trường sẽ bước vào một đợt phục hồi ngắn hạn”, tuy nhiên “rủi ro trước mắt vẫn khá lớn do (1) diễn biến dòng vốn ngoại không thực sự tích cực và (2) các cổ phiếu quan trọng chưa tạo được nền tảng tích lũy tốt”. Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên quan điểm này và cho rằng thị trường nhiều khả năng đang dò đáy.

Phiên 8/4, VNM ETF bán ra tầm 450.000 chứng chỉ quỹ, tương đương 120 tỷ đồng, nhưng bên mua vẫn hấp thụ khá tốt, VN-Index và HNX-Index chỉ giảm nhẹ. Điều này cho thấy lực cầu vẫn chủ động, và một khi áp lực bán từ khối ngoại giảm bớt, thị trường sẽ tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta chưa thấy được xu hướng quay lại mua ròng của khối ngoại. Do đó, nếu sự phục hồi xảy ra mà không nhận được sự hỗ trợ từ khối ngoại và từ lực cầu tại các cổ phiếu Blue chips, áp lực điều chỉnh sẽ sớm quay lại.

Nhà đầu tư thận trọng tiếp tục đứng ngoài thị trường vì rủi ro ngắn hạn vẫn khá lớn. Nhà đầu tư mạo hiểm có thể mua trong giai đoạn thị trường dò đáy hiện tại, tỷ trọng cổ phiếu khuyến nghị không quá 20%.

Rung lắc còn diễn ra

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Xét về mặt kĩ thuật, ngưỡng 550 đối với VN-Index vẫn đang là thách thức dù có thời điểm chỉ số này một lần nữa đã tiếp cận. Dòng tiền đầu cơ hiện đang có xu hướng phân bổ ở một số mã thuộc midcap và small cap và hiện là điểm nhấn trên thị trường hiện nay.

Một lần nữa, chúng tôi cho rằng hoạt động đầu tư ngắn hạn nên duy trì ở mức vừa phải và tránh các hoạt động mua đuổi giá do xu thế rung lắc còn diễn ra. Trong đó, các mã có kết quả kinh doanh quý I/2015 khả quan sẽ là lựa chọn ưu tiên. Dù sao đi nữa, chúng tôi đã bắt đầu lạc quan trở lại đối với thị trường.

Triển vọng thị trường chưa quá lạc quan

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Thị trường tiếp tục dao động cân bằng, đây là sự cải thiện nếu so với giai đoạn rớt mạnh ở các tuần trước. Dù sự cân bằng hơn đã được thể hiện, dòng tiền hiện vẫn hoạt động ở mức không cao và triển vọng thị trường vì vậy chưa quá lạc quan.

Tin bài liên quan