Nhận định thị trường ngày 23/7: Vẫn chịu áp lực bán mạnh

Nhận định thị trường ngày 23/7: Vẫn chịu áp lực bán mạnh

(ĐTCK) Trong ngắn hạn, xu hướng chính vẫn là bán ra và phân hóa mạnh. Mức giá hiện tại của thị trường chung là cao so với các yếu tố cơ bản và tình hình kinh tế vĩ mô.

Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 23/7.

Khả năng hỗ trợ sẽ bắt đầu tích cực

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Thị trường bắt đầu có nhịp điều chỉnh đầu tiên sau khi cán mốc 600 điểm. Cũng bằng cách sử dụng nhóm cổ phiếu lớn, bên bán đã tạo ra một áp lực khá lớn với nhà đầu tư khi đẩy chỉ số VN-Index có thời điểm giảm hơn 1%. Sức ép này khiến cho nhà đầu tư bán ra khá mạnh các cổ phiếu đang nắm giữ, hầu hết các cổ phiếu nhóm cơ bản đều sụt giảm. Nhưng ngược lại nhóm penny lại có dấu hiệu tích cực hơn.

Với diễn biến như vậy chúng tôi cho rằng ở phiên 23/7 áp lực từ bên bán vẫn còn nhưng biên độ giảm sẽ không còn quá lớn. Có thể đây sẽ là 1 phiên nữa để phân hóa hết số cổ phiếu cần bán, nên chỉ số VN-Index sẽ có biến động nhất định. Có thể vẫn có thời điểm xanh nhẹ nhưng sẽ kết thúc phiên với một phiên giảm điểm thứ 2.

Đây là phiên điều chỉnh đầu tiên với chỉ số VN-Index, nhưng nó lại là phiên giảm thứ 2, thứ 3 của các cổ phiếu cơ bản (bluechips). Vì thế, nếu thị trường vẫn theo trào lưu với nhóm này và dòng tiền vẫn luân chuyển thì khả năng hỗ trợ sẽ bắt đầu tích cực hơn từ những phiên tới. Có nghĩa là cầu mua giá thấp ở nhóm này sẽ xuất hiện mạnh hơn và dần chặn đà bán lại. Các cổ phiếu bluechips sẽ có tác dụng đỡ cho thị trường, nếu như vậy, thanh khoản của thị trường sẽ trùng xuống và điều này đúng với kỳ vọng của chúng tôi.

Cần giữ vị thế quan sát

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Nhà đầu tư tiếp tục phản ứng thận trọng sau khi nhiều công công ty thuộc nhóm săm lốp, gas, chứng khoán, bất động sản… công bố lợi nhuận kém tích cực.

Theo đó, dòng tiền tham gia thị trường suy yếu kéo sắc đỏ vẫn áp đảo trên cả 2 sàn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tăng cường chốt lời ở nhóm bluechip, kéo VN-Index chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng và mất mốc 600; HNX-Index cũng lùi về sát ngưỡng 80.

Việc thị trường diễn biến kém tích cực trong 2 phiên vừa qua một lần nữa cho thấy tác động rõ nét từ kết quả kinh doanh quý II trong bối cảnh bức tranh vĩ mô chưa xuất hiện nhân tố tích cực mới. Trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư sau khi thực hiện chốt lời cần giữ vị thế quan sát, chỉ cân nhắc trở lại vị thế tích lũy ở các phiên giảm và tập trung vào các mã có kết quả kinh doanh tốt.

Khó có khả năng xuất hiện phiên giảm mạnh đột ngột

CTCK FPT (FPTS)

Phiên giao dịch ngày 22/7 đã khép lại với sắc đỏ xuất hiện đồng thời trên cả 2 sàn. Chỉ số VN-Index đóng cửa lùi về mốc 597,88 điểm, trong khi HNX-Index tiếp diễn trạng thái giằng co giảm dần về ngưỡng 80 điểm.

Cũng tương tự phiên trước, các mã dẫn dắt trong giai đoạn tăng trước như CSM, DRC, PVS, PGS… đều đang phải chịu áp lực bán chốt lời khá rõ.

Có thể thấy rằng, sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cùng với tâm lý thận trọng hơn của bên mua là nguyên nhân chính khiến cho mọi nỗ lực tăng điểm trong phiên hôm nay đều không thể thành công.

Bên cạnh đó, khối ngoại phiên đã bán ròng trở lại, giá trị bán ròng tập trung tại các mã chủ chốt cũng là yếu tố tác động xấu đến diễn biến thị trường chung. Điểm tích cực được ghi nhận là sức cầu giá thấp vẫn được duy trì ổn định giúp hỗ trợ xu thế tại những thời điểm nhạy cảm.

Ngoài ra, đà tăng của số ít cổ phiếu như NKG, KMR, KLF… vẫn cho thấy sự hiện diện của dòng tiền đầu cơ trong thị trường.

Theo đó, trong giai đoạn này, chúng tôi cho rằng, diễn biến điều chỉnh này vẫn mang nhiều tính kỹ thuật và sẽ khó có khả năng xuất hiện phiên giảm mạnh đột ngột. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý rằng, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các chỉ số vẫn đang bị chi phối bởi tâm lý giao dịch trên vùng đỉnh cũ và trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ từ vĩ mô. Bởi vậy, kịch bản khả quan lúc này có lẽ là sự phân hóa giá diễn ra đẩy thị trường đi ngang với những phiên tăng giảm xen kẽ.

Chúng tôi vẫn bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư lướt sóng hạn chế mở các trạng thái mua mới trước khi thị trường có tín hiệu xác nhận xu thế rõ ràng hơn, việc nắm giữ cổ phiếu vẫn cần ưu tiên những cổ phiếu cơ bản với tính hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm tốt.

Nên tiếp tục theo dõi thêm

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Phiên 22/7, thị trường có sự điều chỉnh trở lại sau phiên tăng mạnh, nhưng xu hướng vẫn đang duy trì tăng. Một số chỉ báo kỹ thuật xuất hiện tín hiệu yếu đi, nhưng cần theo dõi thêm, nên nhà đầu tư tiếp tục theo dõi thêm diễn biến thị trường.

Sẽ hồi phục dần trở lại

CTCK Maritime Bank (MSBS)

VN-Index điều chỉnh sau 6 phiên tăng liên tục, trong khi chỉ số HNX-Index cũng có phiên giảm điểm thứ 2 trong tuần. Sắc đỏ áp đảo trong suốt ngày giao dịch do lực bán chốt lời tăng cao khiến chỉ số VN-Index mất mốc 600 vừa đạt được trong ngày 21/7. Trong khi đó, sự hồi phục vào cuối giờ giao dịch chiều giúp chỉ số HNX-Index vẫn giữ được mốc hỗ trợ 80 điểm.

Theo nhận định của chúng tôi, thị trường phiên giao dịch ngày 23/7 có thể sẽ chỉ có biến động trong biên độ nhỏ với xác suất thị trường tăng nhẹ cao hơn. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn sẽ giảm ngay đầu giờ giao dịch, sau đó sẽ hồi phục dần trở lại. Thị trường chưa có nhiều những dấu hiệu tích cực để chỉ số VN-Index có thể vượt qua vùng 600 - 610 điểm.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên giữ trạng thái thận trọng, hạn chế giải ngân do đây là thời điểm thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cao, đặc biệt là trong ngắn hạn.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường trải qua diễn biến điều chỉnh trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch 22/7. Mặc dù đà giảm có phần thu hẹp về cuối phiên, nhưng nhìn chung áp lực điều chỉnh vẫn diễn ra trên diện rộng ở cả nhóm bluechips và penny.

Trên sàn HOSE, ngoài 2 bluechips là FPT và HAG, thì VN-Index cũng ở trong tình trạng “thiếu trụ” nâng đỡ khi GAS, VNM, VIC, BVH hầu như giảm điểm trong suốt phiên giao dịch. Khối lượng sụt giảm phiên thứ 3 liên tiếp, chỉ còn khoảng 90 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE.

Ngành viễn thông có mức tăng mạnh nhất trong phiên 22/7 (+1,96%) với đầu tàu FPT.

Trong khi đó, ngành cao su chế biến tiếp tục xu hướng điều chỉnh với mức giảm mạnh nhất (-1,71%).

Diễn biến hai chỉ số hiện nay đang cho thấy khả năng sẽ còn tiếp tục điều chỉnh. Nhà đầu tư được khuyến nghị dần chốt hết tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ngắn hạn, chỉ giữ lại phần tỷ trọng trung hạn. Điểm chốt lời sẽ phụ thuộc vào từng mã riêng lẻ nhưng tỷ trọng chung cho toàn danh mục nên được đưa về mức trung bình thấp (khoảng 30%).

Xu hướng chính vẫn là bán ra và phân hóa mạnh

CTCK MB (MBS)

Thị trường giảm điểm đồng thời phân hóa mạnh khi các báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp bắt đầu được công bố. Xu hướng chung trên thị trường là bán ra khi các cổ phiếu có kết quả tốt bị chốt lời với mức tăng đều khá lớn so với tăng trưởng lợi nhuận, còn các cổ phiếu có kết quả quý 2 thất vọng thị bị bán ra mạnh.

VN-Index đóng cửa giảm 3,06 điểm xuống 597,98 điểm, còn HN-Index mất 0,52% xuống 80,25 điểm. Thanh khoản chung giảm nhẹ xuống mức 1.741 tỷ đồng giá trị giao dịch trên sàn HOSE và 473 tỷ đồng trên HNX cho thấy lực mua khá thận trọng và yếu dần.

Nằm trong ngành chứng khoán có tăng trưởng kinh doanh tốt, HCM và SSI đều có báo cáo quý II lợi nhuận vượt trội. Tuy nhiên, cả 2 vẫn bị bán ra mạnh thời gian gần đây, cho thấy xu hướng chốt lời ngắn hạn với các cổ phiếu đã tăng giá tốt. Một số công ty có kết quả tiêu cực như VNE, HLA, VHG giảm mạnh xuống giá sàn. FLC, PET mặc dù có thông tin được vào rổ chỉ số VN30 nhưng cũng bị giảm điểm cùng với các cổ phiếu đầu cơ thị trường khác như HQC, IJC.

Chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn, xu hướng chính vẫn là bán ra và phân hóa mạnh. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng, mức giá hiện tại của thị trường chung là cao so với các yếu tố cơ bản và tình hình kinh tế vĩ mô. Do vậy, đối với các mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài và chờ đợi thêm các cơ hội rõ ràng với mức giá hợp lý hơn.

Tin bài liên quan