Nhận định thị trường ngày 23/4: Áp lực bán giảm

Nhận định thị trường ngày 23/4: Áp lực bán giảm

(ĐTCK) Phiên 22/4 là phiên bán cuối cùng nếu nhà đầu tư cần bán để tiền kịp về tài khoản trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Do đó, áp lực bán sẽ giảm trong ngày 23/4.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 23/4.

Khó có biến động mạnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Mặc dù áp lực bán chốt lời ở vùng giá cao vẫn tương đối mạnh, tuy nhiên lực cầu bắt đáy được duy trì tốt đã giúp chỉ số VN-Index tránh được phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường đã trở lại trạng thái cân bằng sau khi điều chỉnh dưới áp lực bán chốt lời ngắn hạn ở 2 phiên đầu tuần.

Điểm tích cực là khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong phiên này, đánh dấu phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp trên sàn HOSE. Tính chung cho cả tháng 4 khối ngoại đã rót ròng hơn 1.700 tỷ đồng trên HOSE và hoạt động này chưa có dấu hiệu chững lại. Với mức P/E của thị trường hấp dẫn tương đối so với các nước trong khu vực, cùng với triển vọng tích cực của cả nền kinh tế vĩ mô lẫn các doanh nghiệp trên sàn, TTCK Việt Nam vẫn sẽ có sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn FII trong thời gian tới.

Nhìn chung, tâm lý nghỉ ngơi trước dịp nghỉ lễ sẽ khiến thị trường khó có biến động mạnh trong một vài phiên tới. Mặc dù vậy, với lực cầu bền bỉ của khối ngoại, triển vọng thị trường trong trung hạn được đánh giá ở mức tích cực. Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng tỷ trọng khi thị trường điều chỉnh, tập trung vào các mã có tiềm năng KQKD quý II khả quan hay các mã vốn hóa lớn đang thu hút được sự quan tâm của khối ngoại.

Có thể tăng điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường hồi phục kỹ thuật khi chạm các đường hỗ trợ. Lực mua trong phiên khá mạnh, tuy nhiên chỉ diễn ra ở một nhóm cổ phiếu nhất định. Thị trường tăng mạnh vào phiên sáng nhưng không đủ sức duy trì đà tăng đến hết phiên chiều. Sự giằng co vào cuối phiên đã khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ và phần lớn các mã cổ phiếu vẫn giảm điểm. 

Việc thị trường hồi phục khi gặp MA20, chúng tôi cho đây chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật và thị  trường cần có thêm những phiên để kiểm tra tâm lý. Ngày 23/4, nhiều khả năng vẫn là một phiên giằng co và cuối phiên thị trường có thể tăng điểm.

Cần lưu tâm đến kiểu giao dịch tại các mã như DLG hay SAM

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Phiên giao dịch ngày 22/4 đã để lại cho nhà đầu tư 2 điều cả tích cực lẫn không tích cực. Ở khía cạnh tích cực thì áp lực bán đã xảy ra, nhưng nó không “dìm” thị trường như lo ngại. Chúng ta đều biết, nếu nhà đầu tư bán phiên này thì việc rút tiền trước nghỉ lễ sẽ không chịu phí nên áp lực bán sẽ xuất hiện. Thực tế chỉ số VN-Index vẫn tăng nhẹ trong khi thanh khoản tiếp tục xu thế tăng lên đồng thời số lượng mã tăng và giảm tương đối cân bằng.

Nhưng điểm không tích cực là thêm một cổ phiếu nữa bị bán tháo là DXG sau khi cổ phiếu SAM rơi tình trạng tương tự ở phiên trước đó. Sự kiện này phần nào đó là bất thường và nhà đầu tư cần lưu tâm. Tuy nhiên, có thể sự lo ngại là hơi quá, nhưng khi thị trường ở giai đoạn kiểu này, một số cổ phiếu sẽ có mức giá hấp dẫn để nhà đầu tư mua vào.

Áp lực bán sẽ giảm

(CTCK BIDV - BSC)

Phiên 22/4 là phiên bán cuối cùng nếu nhà đầu tư cần bán để tiền kịp về tài khoản trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Do đó, áp lực bán sẽ giảm trong ngày 23/4.

Bên cạnh đó, khối ngoại dự kiến tiếp tục mua ròng đến hết tuần này. Hiện nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm dầu khí đang điều chỉnh nhẹ như dự kiến, và đà giảm sẽ không kéo dài lâu do nhóm này đang tiếp tục được khối ngoại mua vào. Áp lực bán từ khối nội đang khiến thị trường giằng co, nhưng nếu khối ngoại tiếp tục giữ vị thế mua trong thời gian tới, xu hướng thị trường chung sẽ tích cực hơn.

Nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong phiên sáng nay và mua lại vào phiên chiều tại mức giá tốt hơn, đồng thời có thể duy trì danh mục cổ phiếu qua kỳ nghỉ lễ vì xu hướng sắp tới vẫn đang tích cực.

Khó bật tăng ngay trở lại

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Sự điều chỉnh tích lũy diễn ra trong giai đoạn hiện tại là hợp lý trong bối cảnh thị trường tăng liên tục trong 10 phiên trước đó và kỳ nghỉ dài ngày đang đến gần. Thanh khoản duy trì ở mức thấp như hiện tại cho thấy khả năng bật tăng ngay trở lại là khó xảy ra, tuy vậy cũng không có yếu tố nào tạo áp lực khiến thị trường giảm sâu trong các phiên tới.

Sau 3 phiên liên tiếp điều chỉnh, hiện tại nhiều mã đã tiệm cận các mốc hỗ trợ ngắn hạn và dòng tiền đã bắt đầu phản ứng tích cực hơn tại vùng giá này. Theo đó, nhà đầu tư nên tiếp tục tiến hành tích lũy các cổ phiếu tốt cho danh mục vào các phiên điều chỉnh của thị trường.

Rủi ro điều chỉnh mạnh là khá thấp

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Kì nghỉ lễ dài ngày đang đến gần là lý do khiến cho thanh khoản trên các thị trường chưa thực sự ổn định. Dù sao, tính thời điểm thời điểm này, kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp là khả quan. Thêm vào đó, khối ngoại đang kéo dài chuỗi phiên mua ròng ấn tượng đang là nhân tố hỗ trợ quan trọng.

Theo đó, rủi ro điều chỉnh mạnh trong giai đoạn hiện nay là khá thấp. Phiên đảo chiều thành công của VN-Index giúp củng cố tâm lý thị trường và có ý nghĩa về mặt kĩ thuật. Chúng tôi kì vọng ngưỡng hỗ trợ tốt đối với VN-Index là 550-560 và 82,5 cho HNX-Index.

Thị trường chưa có xu hướng rõ ràng

(CTCK MB - MBS)

Hai sàn đóng cửa trái chiều sau phiên giao dịch ngày 22/4, thanh khoản trên HOSE có chiều hướng  giảm nhẹ so với phiên trước, còn ở HNX thì sụt giảm mạnh. Xét về số lượng cổ phiếu, số mã giảm nhiều hơn số mã tăng nhưng các cổ phiếu giảm giá tập trung ở nhóm cổ phiếu nhỏ, trong khi nhóm bluechip lại có nhiều mã tăng giá hơn giúp nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index tăng điểm. Khối ngoại duy trì lực mua ròng mạnh, qua đó có tác động tích cực đến tâm lý thị trường.

Với diễn biến hiện tại, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục, hạn chế giao dịch khi thị trường chưa có xu hướng rõ ràng.

Tiếp tục suy giảm nhẹ

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Do việc thử lại các vùng kháng cự quan trọng vào cuối tuần trước không thành công, chúng tôi nghiêng nhiều hơn về khả năng thị trường sẽ tiếp tục suy giảm nhẹ trong một số phiên tới.

Vùng giá cân bằng của VN-Index và HNX-Index theo đánh giá của chúng tôi lần lượt tại vùng 550 điểm và 82 điểm. Một tỷ trọng cổ phiếu cân bằng với tiền mặt là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Tin bài liên quan