Nhận định thị trường ngày 2/3: Có thể nâng tỷ trọng lên mức trung bình

Nhận định thị trường ngày 2/3: Có thể nâng tỷ trọng lên mức trung bình

(ĐTCK) Việc nâng tỷ trọng lên mức cao nên được hạn chế do rủi ro xuất phát từ các yếu tố bên ngoài vẫn đang hiện hữu.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 2/3.

Nhịp tăng vẫn được duy trì

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Dòng tiền vẫn đang hoạt động khá tích cực, luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu và chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Qua đó, nhịp tăng của 2 chỉ số sẽ tiếp tục được duy trì. Đối với nhà đầu tư với tỷ trọng cổ phiếu thấp, có thể nâng tỷ trọng lên mức trung bình cho các vị thế ngắn hạn. Việc nâng tỷ trọng lên mức cao nên được hạn chế do rủi ro xuất phát từ các yếu tố bên ngoài vẫn đang hiện hữu.

Tiếp tục tăng điểm

(CTCK Maritime – MSI)

Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên tăng nhẹ nhờ tâm lý tích cực chung của thị trường chứng khoán châu Á. Kết thúc phiên, VN-Index lấy lại mốc 560 điểm đã mất trong phiên trước chứng tỏ đây là ngưỡng hỗ trợ khá vững vàng ở thời điểm hiện nay.

Trong phiên 2/3, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm, nối tiếp đà hưng phấn của phiên 1/3. Nhà đầu tư cần lựa chọn tốt cổ phiếu trong giai đoạn này do sự phân hóa rõ nét của dòng tiền, có thể chú ý tới các cổ phiếu có thông tin nới room, hoặc kết quả kinh doanh tích cực năm 2015.

Chưa có cơ sở cho tín hiệu tăng trở lại

(CTCK FPT - FPTS)
Phiên hồi phục ngày 1/3 được đánh giá là khá yếu do đó chưa xuất hiện tín hiệu chấm dứt giai đoạn hiệu chỉnh trong ngắn hạn. Dòng vốn của thị trường được hút mạnh vào một số cổ phiếu nhận được các thông tin tích cực, nhưng chưa được đánh giá cụ thể về tác động của nó. Điển hình nhất là thông tin tăng tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư ngoại tại các doanh nghiệp như REE,
BMP, VNM…

Mặc dù kịch bản tăng giá không mới, nhưng nó lại giúp đẩy chỉ số chính của thị trường và tác động gián tiếp đến tâm lý giao dịch một cách tích cực. Do đó, để xác định được các cơ hội đầu tư, cần phải bóc tách được nhóm cổ phiếu đang thu hút được dòng vốn chính của thị trường và xu thế vận động chủ đạo của thị trường trong ngắn hạn.

Để thực hiện được điều này, yếu tố thanh khoản cần được hết sức coi trọng. Với lượng vốn được luân chuyển trong phiên 1/3, tín hiệu tăng trở lại là chưa có cơ sở. Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại mức giá cao trong các phiên tương tự như phiên 1/3.

Thị trường cần thêm một vài phiên tích lũy

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường nhìn chung vẫn đang giữ trạng thái giao dịch cân bằng. Do đó, quan điểm lạc quan về triển vọng thị trường trong ngắn hạn vẫn được bảo lưu, cho dù thị trường có thể cần thêm một vài phiên tích lũy quanh vùng giá hiện tại. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ cấu lại danh mục hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Rung lắc nhẹ

(CTCK BIDV – BSC)

Trạng thái kỹ thuật của các chỉ số tương đối cân bằng, rung lắc do đó có thể xảy ra với biên độ không lớn trong phiên tới. Nhà đầu tư tiếp tục canh mua vào tại các nhịp điều chỉnh kỹ thuật, đặc biệt là khi VN-Index kiểm định ngưỡng 560 điểm và cân nhắc chốt lời khi được giá.

Các tín hiệu đảo chiều thực sự chưa xuất hiện

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Kỳ vọng xu thế chính vẫn là tăng, dù sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh đi kèm. Áp lực nguồn cung luôn gia tăng khi VN-Index tiếp cận quanh vùng kháng cự 570-580, dù lực cầu vẫn đang hiện diện. Vùng hỗ trợ 550-557 điểm khá tin cậy vào lúc này, trong khi các tín hiệu đảo chiều thực sự chưa xuất hiện.

Xu hướng đi xuống dường như đang hình thành

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Sau một phiên giảm mạnh, thị trường đã tạo lực tăng mạnh ngay từ đầu phiên với mức tăng khá tốt. Tuy nhiên, lực mua có vẻ không tương thích đồng nghĩa dòng tiền đẩy vào yếu khiến cho áp lực bán xuất hiện mạnh hơn. Cho dù thị trường lấy lại nhịp vào buổi chiều, nhưng rõ ràng dòng tiền đang rất cố gắng mà thành quả lại không xứng đáng. Đây là điều đáng quan ngại nhất ở phiên giao dịch 1/3.

VN-Index tăng nhẹ vượt qua 560 điểm, nhưng rõ ràng mốc đỉnh này đang rất khó vượt qua. Xu hướng đi xuống dường như đang hình thành đối với chỉ số này khi mà sự hồi phục không tương xứng với 2 phiên giảm giá mạnh trước đó. Điều này cho thấy sự yếu đi của lực cầu hoặc lực mua không đủ mạnh để hấp thụ lực bán ra.

Có lẽ thị trường sẽ thay đổi nếu như những cổ phiếu có tính tạo đột biến và dẫn dắt thị trường như SSI, HCM, BVH, FPT... có một động lực tăng giá mạnh lần thứ 2. Chỉ như thế thì một dòng tiền mới mới nhảy vào thị trường tạo cơ hội cho một xu hướng mới. Còn ngược lại, nếu thị trường tiếp tục chững lại có thể sẽ khiến lực bán ra mạnh hơn bởi mức độ sử dụng đòn bẩy chắc chắn đã tăng lên. 

Triển vọng ngắn hạn vẫn khá bi quan

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Như đã lưu ý, việc VN-Index xâm phạm hoàn toàn khu vực hỗ 590 điểm đã khiến xu hướng ngắn hạn bị đảo chiều từ tăng sang giảm và triển vọng ngắn hạn vì vậy khá bi quan. Nhà đầu tư cần hạn chế tối đa các hành động bắt dao rơi khi xu hướng đang là giảm, các đoạn hồi kỹ thuật như hiện nay nên được nhìn nhận như cơ hội thoát khỏi thị trường hơn là cố gắng mua mới trong bối cảnh hiện nay.

Xu hướng tích cực vẫn đang được duy trì

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Thị trường tiếp tục tăng nhẹ với thanh khoản duy trì ở mức cao thể hiện xu hướng tích cực vẫn đang được duy trì, mặc dù tâm lý của nhiều nhà đầu tư vẫn đang nghi ngờ về khả năng tăng của thị trường. Nhà đầu tư tiếp tục giải ngân, tham gia vào thị trường với vùng giá mua hợp lý.

Tin bài liên quan