Nhận định thị trường ngày 22/6: Khó tăng mạnh

Nhận định thị trường ngày 22/6: Khó tăng mạnh

(ĐTCK) Với việc giằng co trong tuần vừa qua và kết thúc đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, nếu dòng tiền chốt lời trong tuần này không được tái đầu tư một cách tích cực thì thị trường sẽ khó có đợt sóng tăng mạnh.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/6.

Nhịp tích lũy có thể sẽ kết thúc vào cuối tháng 6

(CTCK FPT - FPTS)

Theo những phân tích cụ thể dưới đây, chúng tôi cho rằng, thị trường hiện nay đang có sự hội tụ lớn của nhiều yếu tố kháng cự nên kịch bản phù hợp cho tuần giao dịch tới vẫn thiên về nhịp đi ngang trong khoảng 570-590 điểm. Như đã đề cập, dự tính cho nhịp tích lũy này có thể sẽ kết thúc vào cuối Tháng 6/2015.

Theo đó, xu thế mới sẽ sớm được xác lập khi chỉ số thoát ra khỏi khoảng điểm đi ngang này.  Cùng với việc phân tích các chỉ báo nhanh khác, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu có sự hỗ trợ từ yếu tố cơ bản và thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý II sẽ là trọng tâm đối với hoạt động cơ cấu danh mục. 

Ngoài ra, hành động giải ngân có sử dụng công cụ đòn bảy tài chính  (margin) nên được triển khai thận trọng dựa trên các tín hiệu vững chắc tại các ngưỡng hỗ trợ để  giảm thiểu rủi ro đột biến về xu hướng trong ngắn hạn.

Áp lực chốt lời đang được duy trì ở mức cao

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Nếu loại trừ yếu tố ETF, dòng tiền tham gia thị trường của nhà đầu tư nội vẫn tỏ ra thận trọng. Chúng tôi nhận thấy áp lực chốt lời đang được duy trì ở mức cao.

Trong tuần tới, kết quả của cuộc bỏ phiếu TPA tại Thượng viện Mỹ có thể ảnh hưởng lớn đến xu hướng tăng điểm của thị trường.

Nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát những tiến triển mới liên quan đến TPA do thị trường tiếp tục thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ mới.

Dòng vốn ngoại sẽ không còn tích cực

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường tiếp tục có tuần giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp. Các mốc hỗ trợ ngắn hạn của hai chỉ số tiếp tục được giữ vững. Thanh khoản trong tuần này có xu hướng suy yếu hơn hẳn so với lượng giao dịch bình quân tuần trước, đặc biệt trong các phiên điều chỉnh.

Xu thế này cho thấy tâm lý thận trọng đã xuất hiện, tuy vậy áp lực bán cũng không thực sự lớn và lực mua giá thấp vẫn duy trì khá tốt giúp các phiên điều chỉnh sâu không diễn ra.

Trạng thái hồi phục tích cực về điểm số trong các phiên cuối tuần có dấu ấn khá lớn từ các thông tin tích cực của tiến trình đàm phán hiệp định TPP và các thông tin liên quan tới dự thảo sửa đổi bổ xung Thông tư 74 đang được UBCK lấy ý kiến rộng rãi trong đó bước đầu cho phép bán khống một cách hạn chế trên thị trường:

- Phiên bản TPA không kèm TAA sẽ phải tiến hành bỏ phiếu lại tại Thượng viện Mỹ trong tuần tới trước. Mặc dù được tách độc lập thành 2 dự luật, nhưng Tổng thống Mỹ sẽ không ký TPA nếu không có TAA. Chính vì vậy việc thông qua TPA dự kiến sẽ vẫn tiếp tục gặp nhiều trở ngại trong thời gian sắp tới.

- Các quy định trong Thông tư 74 sửa đổi sẽ tạo hiệu ứng kích thích dòng vốn đẩy mạnh giao dịch tích cực. Tuy vậy chúng tôi cũng lưu ý khoảng thời gian chính thức ban hành từ lúc dự thảo được đưa ra lấy ý kiến sẽ khá dài.

Khối ngoại trong tuần qua giao dịch khá tích cực, đặc biệt trong phiên cuối tuần do hoạt động cơ cấu danh mục lần thứ 2 trong năm của các quỹ ETF diễn ra.

Duy trì quan điểm trong các nhận định ngày, chúng tôi cho rằng giao dịch của khối ngoại trong các phiên sắp tới sẽ không thực sự sôi nổi do thời điểm cuối quý II và đầu quý III khối ngoại thường không đẩy mạnh hoạt động giải ngân.

Ngoài ra, diễn biến bất ổn tại Hy Lạp và khả năng FED sẽ nâng lãi suất trong năm nay là các nhân tố tác động không tích cực tới dòng vốn khối ngoại trong thời gian tới.

Các phiên phục hồi nhẹ cuối tuần hầu hết mang tính chất kỹ thuật. Nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, hạn chế mua đuổi, tiếp tục quan sát diễn biến dòng tiền. Chỉ tiến hành giải ngân trở lại khi dấu hiệu thận trọng đã suy giảm.

Tiếp tục rung lắc trong khoảng 575-600

(CTCK BIDV - BSC)

Tin tức tích cực từ TPA đầu ngày đã giúp các cổ phiếu thủy sản và dệt may tăng mạnh ngay từ đầu phiên, tạo đà hưng phấn để các cổ phiếu cùng tăng giá. Tuy vậy, không lâu sau đó, lực bán chốt lời đẩy các chỉ số về gần mức tham chiếu.

Qua diễn biến này, chúng tôi củng cố thêm 2 quan điểm: (1), áp lực bán vẫn rất lớn, và thị trường sẽ chưa thể nhanh chóng bớt phá trong thời gian tới, mặc dù các tin tức tốt đang xuất hiện nhiều; (2), tình trạng phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra - các cổ phiếu có động lực tăng giá tốt gần đây như VCB, VCG hay BVH, trong khi nhiều cổ phiếu khác cùng ngành vẫn tích lũy trong thời gian khá dài.

Tóm lại, chúng tôi tin rằng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc trong khoảng 575-600 điểm trong tuần tới, và cơ hội trading sẽ xuất hiện nhưng sẽ phân hóa. Nhà đầu tư mạo hiểm đã tham gia vào thị trường như khuyến nghị của chúng tôi nên cân nhắc các phiên tăng điểm trong tuần tới để chốt lời. Nhà đầu tư thận trọng nên chờ các nhịp điều chỉnh để mua vào các cổ phiếu cơ bản, không mua đuổi giá cao.

Tăng điểm đầu tuần

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Phiên giao dịch cuối tuần tăng điểm tốt với thanh khoản lớn vẫn cho thấy thị trường còn nhịp tăng ngắn hạn tiếp. VN-Index vẫn đang xu hướng tăng điểm tiến tới ngưỡng kháng cự mạnh 595-600 điểm.

Tuần tới, chúng tôi cho rằng VN-Index sẽ có các phiên tăng điểm và điều chỉnh giảm quanh mốc 600 điểm. Phiên thứ Hai đầu tuần nhiều khả năng sẽ là phiên tăng điểm mặc dù lực bán ra vẫn lớn. Nhà đầu ngắn hạn vẫn nên thận trọng với diễn biến thị trường trong hiện tại. Chỉ chú ý đến  những cơ hội đầu tư giá trị với tầm nhìn từ 3 tháng trở lên. Một số cổ phiếu đáng chú ý: CMG,  DCM, DIG...

Khó có đợt sóng tăng mạnh

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thị trường tuần này đã đối diện với những khó khăn nhất định do áp lực chốt lời tại ngưỡng 580. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs cũng đã tạo nên tâm lý thận trọng của khối ngoại cũng như nhà đầu tư trong nước.

Điều này được thể hiện qua sự suy yếu về thanh khoản cũng như dòng tiền vào thị trường. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại đã trở nên tích cực hơn so với tuần trước khi giá trị mua ròng đã tăng lên đáng kể, khoảng 463 tỷ đồng, tăng 885% so với tuần trước. Các mã nổi bật trong giao dịch khối ngoại là STB, ITA, FLC, BVH và BID.

Nhìn chung, với việc giằng co trong tuần vừa qua và kết thúc đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, chúng tôi cho rằng nếu dòng tiền chốt lời trong tuần này không được tái đầu tư một cách tích cực thì thị trường sẽ khó có đợt sóng tăng mạnh. Bên cạnh đó, các thông tin kinh tế vĩ mô quan trọng bao gồm GDP, CPI,… dự kiến sẽ được công bố vào tuần sau.

Theo chuyên viên vĩ mô của chúng tôi, tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện. Do đó, thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội cho nhà đâu tư tích lũy để đón nhận thông tin kết quả kinh doanh quý II.

Tin bài liên quan