Nhận định thị trường ngày 22/12: Có cơ hội tăng trở lại

Nhận định thị trường ngày 22/12: Có cơ hội tăng trở lại

(ĐTCK) Nếu TTCK thế giới có sự hồi phục, khả năng TTCK Việt Nam ngày 22/12 sẽ có cơ hội tăng trở lại. Tất nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá yếu nên biên độ dao động sẽ không quá lớn, đồng thời thanh khoản sẽ sụt giảm nhẹ. Nhưng đó cũng là quá đủ để kỳ vọng vào mốc 560 điểm sẽ được duy trì.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/12.

Có cơ hội tăng trở lại  

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Dù giảm điểm nhẹ, nhưng thị trường vẫn được ghi nhận là một phiên giao dịch khá tích cực. Trong cả phiên giao dịch, thị trường biến động trong biên độ hẹp cho thấy, tâm lý nhà đầu tư khá ổn định sau những biến động mạnh từ cuối tuần trước. Có lẽ những lo ngại liên quan tới hoạt động cơ cấu danh mục của ETF và việc TTCK thế giới giảm mạnh sau khi FED tăng lãi suất đã được giải tỏa dần. Mặc dù tổng chung thì khối ngoại bán ròng 169 tỷ đồng nhưng nếu lược bỏ MSN thì rõ ràng vị thế mua bán trên sàn là mua ròng.

Đó là những yếu tố mang tính chất tích cực, nếu như TTCK thế giới có sự hồi phục, khả năng TTCK Việt Nam ngày 22/12 sẽ có cơ hội tăng trở lại. Tất nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá yếu nên biên độ dao động sẽ không quá lớn, đồng thời thanh khoản sẽ sụt giảm nhẹ. Nhưng đó cũng là quá đủ để kỳ vọng vào mốc 560 điểm sẽ được duy trì.

Đi ngang và hướng về mốc 580 điểm

(CTCK BIDV - BSC)

Thị trường được kỳ vọng giao dịch đi ngang và hướng về mốc 580 đim, sau khi lập đáy ở 561 điểm thời gian vừa qua. Dòng tiền vẫn chưa tỏ ra mạnh mẽ hơn, do đó, nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu cơ bản trong các nhịp điều chỉnh tới, đồng thời kiềm chế hoạt động mua trong các phiên tăng.

Chưa hết giằng co ở vùng giá hiện tại

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Diễn biến tỷ giá vẫn tiếp tục duy trì ở trạng thái căng thẳng. Tỷ giá bán ra tại các NHTM trong phiên đầu tuần vẫn giữ ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD trong khi tỷ giá trên thị trường tự do giảm nhẹ 10 đồng ở mức 22.750 đồng/USD. Tuần trước NHNN đã có động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD của cá nhân về 0%/năm từ mức 0,25%/năm áp dụng từ ngày 28/9 trước đây. Hiệu quả của biện pháp này là không đủ mạnh do biên độ giảm lãi suất khá thấp. Thị trường vẫn đang chờ các biện pháp mạnh mẽ hơn từ NHNN như điều chỉnh tỷ giá để giải tỏa căng thẳng trên thị trường ngoại hối hiện nay. Tỷ giá căng thẳng tác động rất tiêu cực lên diễn biến giao dịch của khối ngoại do tâm lý lo ngại tỷ giá điều chỉnh, khiến các khoản đầu tư chịu rủi ro tỷ giá.

Trong bối cảnh thanh khoản không có sự cải thiện, căng thẳng tỷ giá duy trì ở mức cao và khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng, thị trường sẽ khó sớm thoát khỏi trạng thái giao dịch giằng co tại vùng giá hiện tại. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thông tin kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2015 tại nhiều doanh nghiệp đang dần được hé lộ. Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để tăng tỷ trọng các cổ phiếu có triển vọng tích cực trong các phiên điều chỉnh của thị trường.

VN-Index có thể test lại ngưỡng hỗ trợ 560-565   

(CTCK Maritime – MSI)

Thị trường lúc này vẫn chưa có một nhóm ngành nào tốt để dẫn dắt, tin tức vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Hiện các chỉ báo MACD vẫn duy trì tín hiệu mua và RSI vẫn đang đi ngang trên SMA 10 phiên. Trong phiên 22/12, VN-Index có thể test lại ngưỡng hỗ trợ 560-565. Hành động bắt đáy hiện tại là khá rủi ro, nhà đầu tư nên thận trọng với quyết định mua trong ngắn hạn.

Vẫn đi ngang dò đáy

(CTCK FPT - FPTS)

Vẫn còn khá sớm để kỳ vọng các chỉ số sẽ hồi phục trở lại, nhưng dựa trên đánh giá xung lực thị trường, khả năng để chỉ số đi ngang dò đáy là vẫn còn. Tuy nhiên, với quy mô dòng tiền hiện tại, hoạt động giao dịch có khả năng sẽ vẫn tập trung ở một số ít cổ phiếu cơ bản tốt và duy trì đà tăng trưởng bền vững. Điều này sẽ là hạn chế lớn đối với các kỳ vọng sóng hồi ngắn hạn và đặc biệt là nhóm nhà đầu tư lướt sóng không có những kịch bản giao dịch chủ động. Do đó, giao dịch mạnh trong bối cảnh hiện nay sẽ không thích hợp cho nhóm nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp. Yếu tố thanh khoản cần được đặt lên hàng đầu vào thời điểm hiện tại. Cụ thể, nếu như khối lượng giao dịch không cải thiện trong các phiên chỉ số phục hồi thì các vị thế mua mới vẫn chưa thể được kích hoạt.

Về thông tin, tiêu điểm chú ý tiếp theo sẽ là kỳ công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2015 sắp diễn ra. Do đó, các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực sẽ là nhóm cần được ưu tiên quan sát để đón đầu cơ hội khi xuất hiện tín hiệu tạo đáy và chân sóng mới.

Tín hiệu tăng tin cậy chưa xuất hiện

(CTCK Bảo Việt - BVSC)      

Thị trường được dự đoán sẽ trải qua các phiên diễn biến lình xình do thiếu các thông tin hỗ trợ, trong khi các thông tin tiêu cực cũng đã trôi qua. Tín hiệu tăng điểm đáng tin cậy của 2 chỉ số chưa xuất hiện, qua đó nhà đầu tư được khuyến nghị chưa vội nâng tỷ trọng lên mức cao. Danh mục trung, dài hạn có thể dần được tích lũy đối với các mã cơ bản đang ở vùng mua hấp dẫn.

Khó tạo xu thế rõ ràng

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Mặc dù thị trường đã ổn định hơn, nhưng tâm lý thị trường vẫn khá thận trọng. Hiện tại, nhà đầu tư trong nước nhìn chung chịu ảnh hưởng nhất định từ các nhân tố như giá dầu và khối ngoại bán ròng. Thêm vào đó, tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt theo sau động thái hạ lãi suất tiền gởi USD của NHNN. Thị trường ngoại hối có thể còn căng thẳng và khả năng phá giá tiền đồng trong thời gian tới là khá cao. Theo đó, thị trường sẽ khó tạo nên xu thế rõ ràng cho đến khi nhà đầu tư đón nhận nhân tố hỗ trợ mới. VN-Index sẽ chủ yếu vận động trong dải hẹp 560-580 trong ngắn hạn và nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhiều vào lúc này.

Tin bài liên quan