Nhận định thị trường ngày 21/4: Mua vào khi thị trường giảm

Nhận định thị trường ngày 21/4: Mua vào khi thị trường giảm

(ĐTCK)Nhà đầu tư được khuyến nghị mua vào ở những phiên thị trường giảm điểm, sau khi đã bán ra trong các phiên cuối tuần trước, nhằm thực hiện hoạt động trading.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/4.

Còn điều chỉnh, nhưng phân hóa rõ nét  

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Sau diễn biến tăng điểm tích cực của thị trường trong tuần trước, diễn biến giảm điểm phiên 20/4 không gây nhiều bất ngờ và chủ yếu xuất phát từ tâm lý chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư. Việc thanh khoản ở mức thấp cho thấy lực bán không quá mạnh và chưa gây tác động quá tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc 2 chỉ số lấy lại một phần điểm số đã mất về cuối phiên cũng là điểm tích cực, tạo kỳ vọng tăng điểm cho những phiên sắp tới. Ngoài ra, xu hướng tiếp tục hồi phục của giá dầu thế giới vẫn đang tạo điểm tựa cho diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí trong ngắn hạn.

Áp lực chốt lời có khả năng sẽ còn tiếp diễn trong 1 vài phiên tới, tuy nhiên diễn biến điều chỉnh sẽ mang tính phân hóa rõ nét. Cùng với lực cầu khá bền bỉ của khối ngoại, 2 chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm tạo điểm cân bằng trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị mua vào ở những phiên thị trường giảm điểm, sau khi đã bán ra trong các phiên cuối tuần trước, nhằm thực hiện hoạt động trading, bình quân giá vốn hoặc tranh thủ tái cơ cấu cho danh mục trung hạn.

Chỉ là điều chỉnh kỹ thuật

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường quay trở lại trạng thái điều chỉnh trên diện rộng trong phiên giao dịch đầu tuần. Dòng vốn ngoại suy yếu trở lại tại nhóm các cổ phiếu trụ cột giao thoa với thời điểm tâm lý chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư trong nước diễn ra khiến xu hướng chung yếu đi nhanh chóng. Tuy vậy, mọi việc dường như vẫn trong tầm kiểm soát khi VN-Index vẫn giữ được trên mốc hỗ trợ 565 điểm. Thị trường mặc dù điều chỉnh trên diện rộng nhưng mức giảm đa phần thấp, không suất hiện bán tháo khiến lượng giao dịch sụt giảm khá mạnh.

Số lượng chứng chỉ quỹ của hai quỹ ETF VNM và FTSE ngày 17/6 đồng loạt tăng, lần lượt ở mức 150.000 và 200.000 chứng chỉ quỹ. Như vậy, sau quãng thời gian liên tục bị rút ròng trong tháng 3, các quỹ ETF này đang có xu hướng hoạt động tích cực trở lại. Xu hướng này cũng trùng khớp với chu kỳ mua bán của khối này năm ngoái khi khối ngoại khởi đầu chu trình mua ròng từ giữa tháng 4 kéo dài tới tận giữa tháng 7, giúp thị trường thăng hoa mạnh mẽ sau giai đoạn điều chỉnh rất sâu do chịu tác động từ biến cố Biển Đông.

Chúng tôi đánh giá đây đơn thuần là phiên điều chỉnh kỹ thuật và như quan điểm trong báo cáo tuần đã đưa ra, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh tại các mốc cản kỹ thuật để tiến hành mua vào các mã tốt cho danh mục nhằm đón đầu xu thế tăng sau kỳ nghỉ lễ.

Vẫn giảm nhẹ

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường bắt đầu có phiên điều chỉnh giảm điểm. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã có tín hiệu bật lại khi VN-index tiến sát  mốc 560 điểm. Đặc biệt, các cổ phiếu tiêu biểu của nhóm dầu khí như  PVS, PXS, PVC… đều duy trì được đà tăng rất tốt trong phiên giảm điểm 20/4 trước sự hỗ trợ về thông tin giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, trước xu hướng chung của thị trường vẫn đang là điều chỉnh, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường và kiểm chứng lực cầu quanh mốc 560 điểm. Ngày 21/4, chúng tôi vẫn thiên về hướng thị trường giảm điểm về mốc 560, nhưng sẽ có sự co giật và bật lại, kết thúc phiên chỉ giảm nhẹ.

Hai chỉ số đều đang trong quá trình điều chỉnh ngắn hạn

(CTCK MB - MBS)

Trong phiên giao dịch 20/4, thị trường liên tục chịu sức ép từ hoạt động chốt lời ngắn hạn. Độ rộng của thị trường nghiêng hẳn về số cổ phiếu giảm giá. Điểm sáng trong phiên có thể thấy được từ lực cầu bền bỉ liên tục hấp thụ lượng cung khiến cho đa phần các cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bluechip được khối ngoại trợ giúp hầu hết đều điều chỉnh nhẹ sát tham chiếu.

Quá trình thu hút vốn vào thị trường Việt Nam vẫn đang diễn ra tích cực. Vào phiên giao dịch cuối tuần trước, quỹ ETF tiếp tục huy động được thêm 150.000 chứng chỉ quỹ, đồng thời giao dịch ở trạng thái premium + 2,66%. Về giao dịch khối ngoại trong phiên này, họ vẫn tiếp tục mua vào tích cực mua ròng.

Cả hai chỉ số đều đang trong quá trình điều chỉnh ngắn hạn, tuy nhiên mức giảm không nhiều do thị trường tiếp tục được hỗ trự từ lực mua vào nhóm cổ phiếu bluechips của khối ngoại. Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phiếu 70% cổ phiếu/30% tiền mặt và có thể cân nhắc nâng tỷ trọng cổ phiếu sau khi quá trình điều chỉnh kết thúc.

Thị trường sẽ tiếp tục suy giảm nhẹ   

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Bất chấp kết quả mua ròng mạnh từ khối nhà đầu tư nước ngoài, hai sàn đã ghi nhận phiên giảm đầu tiên sau ba ngày tăng liên tiếp cuối tuần trước. Thị trường “gắng gượng” trong ½ thời gian giao dịch buổi sáng nhưng giảm mạnh hơn trong giai đoạn sau đó. Thanh khoản cũng đột ngột giảm mạnh cho thấy mức độ thận trọng của nhà đầu tư đang lên cao khi thị trường đang tiệm cận các vùng kháng cự quan trọng.

Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng nhất khi nói về thị trường trong ngắn hạn. Phiên 20/4 vẫn là một ngày mua ròng mạnh của khối này với giá trị đạt 129 tỷ đồng thông qua khớp lệnh tại HOSE, dù vậy, mức này cũng đã giảm hơn 50% so với phiên mua ròng mạnh nhất cuối tuần trước. Cần lưu ý việc mua ròng mạnh của khối ngoại trong các phiên gần đây được “tiếp sức” một phần qua trọng bởi các quỹ ETFs lớn có hoạt động tại TTCK Việt Nam đã liên tục ghi nhận việc tăng giá chứng chỉ quỹ và qua đó giúp các quỹ này có thể phát hành mới liên tục trong các phiên gần đây.

Do việc thử lại các vùng kháng cự quan trọng không thành công, chúng tôi nghiêng nhiều hơn về khả năng thị trường sẽ tiếp tục suy giảm nhẹ trong một số phiên tới. Chúng tôi cho rằng một tỷ trọng cổ phiếu cân bằng với tiền mặt là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Tin bài liên quan