Nhận định thị trường ngày 18/11: Điều chỉnh thêm 1-2 phiên

Nhận định thị trường ngày 18/11: Điều chỉnh thêm 1-2 phiên

(ĐTCK) Giai đoạn hiện tại dòng tiền đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu nhỏ, đồng thời giá trị giao dịch tăng lên. Theo như lịch sử từng diễn ra thì áp lực bán phiên 17/11 có thể sẽ khiến thị trường điều chỉnh thêm 1-2 phiên.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 18/11.

Tếp tục diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường đã trở lại trạng thái cân bằng sau phiên điều chỉnh trên diện rộng ngày 16/11 vừa qua, mặc dù VN-Index tiếp tục suy yếu. VNM chịu áp lực chốt lời mạnh và giảm sâu, nhưng thay vào đó là lực nâng đỡ từ sự hồi phục đồng loạt của nhóm cổ phiếu dầu khí nhờ giá dầu thô thế giới tăng mạnh trở lại sau khi Pháp tăng cường không kích tại Syria sau sự kiện Paris làm gia tăng lo ngại về việc nguồn cung dầu tại Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng.

Thanh khoản tăng khá mạnh nhưng dòng tiền không có sự lan tỏa, tiếp tục tập trung chủ yếu tại một số cổ phiếu cá biệt như FLC, CII, VNM..., trong khi nhóm các mã còn lại không có biến động mạnh về giao dịch.

Sau phiên bùng nổ ngày 16/11, tỷ giá tiếp tục trạng thái điều chỉnh tăng từ 40 – 60 đồng tại các NHTM trong phiên giao dịch ngày 17/11. Vietcombank niêm yết giá mua vào/bán ra tăng 30 đồng ở mức 22.430/22.510 VND. Trên thị trường tự do, tỷ giá bán ra tiếp tục tăng 50 đồng, đứng ở mức 22.680 đồng/USD. Căng thẳng tỷ giá tiếp tục đe dọa trần tỷ giá và ít có khả năng tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong vài ngày tới dù NHNN có thể đã bắt đầu can thiệp. Biến động mạnh của tỷ giá sẽ tác động tiêu cực tới sự phục hồi của hai chỉ số trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ tích cực xuất hiện tại thời điểm hiện tại.

Thị trường sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp trong bối cảnh phần lớn các công ty trên sàn đã công bố gần hết kết quả kinh doanh quý III, các thông tin liên quan tới tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp cuối năm của Quốc hội cũng không có diễn biến đột phá trong khi tỷ giá căng thẳng tiếp tục là yếu tố tác động tiêu cực lên diễn biến thị trường. Nhà đầu tư do vậy có thể tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, không nên tiến hành mua đuổi và không nên tiến hành mở vị thế mới tại thời điểm hiện tại.

Dòng tiền dịch chuyển về nhóm đầu cơ, dầu khí

(CTCK FPT - FPTS) 

Diễn biến phiên 18/11 sẽ hết sức quan trọng và chủ yếu diễn ra theo chiều hướng kiểm tra khu vực hỗ trợ, do đó các khuyến nghị hạn chế giao dịch đã được đưa ra trong phiên 16/11 vẫn được bảo lưu.

Trong phiên 17/11, sự chuyển hướng của dòng vốn đang manh nha xuất hiện với sự nổi lên của dòng cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao như FLC, HAI, TSC, TTF, VHG… hay nhóm dầu khí. Đây có thể là điểm đến mới có thể tạm thời neo giữ dòng tiền trên thị trường nhưng sẽ khó bền vững để đủ khả năng dẫn dắt chỉ số.

Do đó, các hoạt động giao dịch theo chiều mua trong phiên tới nên thận trọng. Nhóm nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp được khuyến nghị đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này.

VN-Index đang dần về lại ngưỡng hỗ trợ 600

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Sau hai phiên rung lắc gần đây, VN-Index đang dần về lại ngưỡng hỗ trợ 600 điểm. Nhà đầu tư có thể tranh thủ các phiên thị trường giảm điểm để mua vào cho danh mục trading ngắn hạn với một tỷ trọng vừa phải, sau đó đợi các phiên thị trường bật tăng trở lại để bán ra, đưa tỷ trọng danh mục tổng thể về mức cân bằng.

Thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Cổ phiếu VNM có dấu hiệu chốt lời mạnh sau chuỗi tăng giá dài vừa qua. Áp lực bán ra với cổ phiếu này phiên 17/11 cho thấy cổ phiếu trên dường như sẽ yếu đi trong thời gian tới bởi sẽ vắng hụt đi một lực lượng đẩy giá. Trong lịch sử đã nhiều cổ phiếu xuất hiện tình trạng này và theo những câu chuyện đó, giá cổ phiếu VNM sẽ cố gắng được giữ trong vùng 130.000-140.000 đồng hiện tại.

Với một số yếu tố đang xuất hiện trên thị trường như tỷ lệ margin tăng cao, giá cổ phiếu VNM chịu áp lực, việc VN-Index giảm khá sâu trong khi khối lượng giao dịch tăng lên, nhóm đầu cơ như HAI, FIT, VHG, FLC có dấu hiệu nổi sóng sẽ khiến nhà đầu tư cảm giác rằng một phiên phân phối đỉnh đã xuất hiện.

Thực tế phiên 17/11 là một phiên có mức giá trị giao dịch khớp lệnh cao nhất trong cả giai đoạn tăng giá vừa qua. Do đó, phiên 18/11 sẽ có những diễn biến không mấy tích cực và chắc chắn nhiều cổ phiếu tăng giá sẽ chịu áp lực bán ra.

Tuy nhiên, theo dõi cả quá trình tăng giá vừa qua, có thể nhận thấy tín hiệu thị trường đang có nhiều tích cực. Một nhóm bluechip đã dẫn dắt thị trường tăng giá kích thích tâm lý tích cực với nhà đầu tư. Giai đoạn hiện tại dòng tiền đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu nhỏ, đồng thời giá trị giao dịch tăng lên.

Theo như lịch sử từng diễn ra thì áp lực bán phiên 17/11 có thể sẽ khiến thị trường điều chỉnh thêm 1-2 phiên. Dòng tiền nếu như tiếp tục tích cực sẽ có tín hiệu lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa sang nhiều cổ phiếu chưa tăng giá thời gian vừa qua, mà điển hình nhà đầu tư sẽ thấy là sàn HNX. Nếu điều này là đúng thì chúng ta hoàn toàn có thể gạt bớt sự lo lắng và kỳ vọng vào một nhịp tăng đủ mạnh trước khi nó điều chỉnh thực sự.

Tiếp tục giảm điểm

(CTCK Maritime – MSI)

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, đường MACD đã cắt xuống dưới đường tín hiệu, các tín hiệu kỹ thuật như MFI, RSI, Stochastic đều ko có tín hiệu tích cực. Phiên 18/11, nhiều khả năng sẽ là tiếp tục là phiên giảm điểm. Nhà đầu tư nên hạn chế các trạng thái mua mới và ưu tiên các lệnh bán, nhất là trong phiên tăng điểm hoặc khi thị trường đi vào vùng kháng cự. Không nên sử dụng margin tại thời điểm hiện tại.           

Xu hướng giảm sẽ tiếp diễn

(CTCK BIDV - BSC)

Xu hướng giảm sẽ tiếp diễn. Vùng 595-600 là vùng hỗ trợ tâm lý cho VN-Index, nhiều khả năng sẽ được kiểm định lại trong phiên tới. Nếu mất vùng này, tâm lý có khả năng diễn biến xấu hơn. Nhà đầu tư mạo hiểm có thể mở vị thế khi chỉ số xuống sát vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư thận trọng nên đứng ngoài thị trường thời điểm này.

Ngắn hạn chưa thể vượt qua giai đoạn củng cố

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)         

Thị trường trong nước một lần nữa biến động ngược chiều với thị trường thế giới. Với diễn biến ngày 17/11, trạng thái rung lắc và phân hóa vẫn là điểm nhấn chính của thị trường trong giai đoạn này do thiếu đi động lực hỗ trợ toàn diện, đặc biệt khi các chỉ số đang giao dịch tại vùng kháng cự mạnh. Việc khối ngoại đang trở lại vị thế bán ròng cũng là yếu tố tiêu cực. Theo đó, thị trường vẫn chưa thể vượt qua giai đoạn củng cố, ít nhất trong ngắn hạn.

Vùng thử thách khó khăn 615-640

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Xu hướng ngắn hạn vẫn là tăng. Lưu ý khu vực 615-640 điểm của VN-Index sẽ là vùng thử thách khó khăn. Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt và áp dụng chiến thuật “để lãi chạy”, nhưng nên hạn chế mở các vị thế mới.

Tin bài liên quan