Nhận định thị trường ngày 13/7: Rung lắc mạnh

Nhận định thị trường ngày 13/7: Rung lắc mạnh

(ĐTCK) Phiên đầu tuần 13/7 sẽ được thử thách bởi khối lượng giao dịch lớn của ngày 8/7 về tài khoản, nên nhiều khả năng những rung lắc trong phiên sẽ xuất hiện với cường độ mạnh hơn.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 13/7.

Rung lắc mạnh hơn

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên đầu tuần 13/7 sẽ được thử thách bởi khối lượng giao dịch lớn của ngày 8/7 về tài khoản, nên nhiều khả năng những rung lắc trong phiên sẽ xuất hiện với cường độ mạnh hơn.

Cũng trong tuần tới, nhà đầu tư tiếp tục đón nhận các thông tin tiếp theo về kết quả kinh doanh quý II/2015 của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, khả năng thay đổi nhóm ngành dẫn dắt xu thế sẽ cần được chú ý với mục tiêu hướng đến tiếp theo của dòng tiền lớn có thể sẽ là nhóm cổ phiếu cơ bản chưa tăng nhiều.

Chiến lược phù hợp trong giai đoạn này vẫn là hạn chế mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu tin cậy xác nhận khả  năng vượt đỉnh của VN-Index. Tuy nhiên, nhà đầu tư với mức chịu rủi ro cao có thể tranh thủ những phiên rung lắc mạnh để tìm cơ hội tại các cổ phiếu có dấu hiệu bứt phá lên khỏi giai đoạn tích lũy và có khối lượng giao dịch bình quân tăng dần.

Tiếp tục phân hóa, khó bật tăng mạnh

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Sau tuần bất ngờ bật tăng mạnh, dấu hiệu chững lại  đã xuất hiện trong tuần giao dịch này do áp lực chốt lời luân phiên tại nhóm các cổ phiếu lớn đi kèm với đó là sức mua suy yếu đáng kể của khối ngoại. Tâm lý chung tỏ ra khá lưỡng lự khi người bán tỏ ra chần chừ, trong khi người mua chỉ tích cực hoạt động tại các vùng giá thấp. Tuy vậy, thị trường chung vẫn có lực cầu tích cực giúp đà điều chỉnh không diễn ra sâu.

Ngoại trừ phiên giảm khá mạnh ngày 8/7, nhìn chung độ rộng thị trường các phiên giao dịch trong tuần ở trạng thái khá cân bằng. Về diễn biến nhóm ngành, dòng tiền không còn tham gia tích cực vào một số mã chủ chốt thuộc nhóm ngân hàng, thay vào đó là các nhóm chứng khoán, bất động sản có sức hút khá tốt đối với dòng tiền. Kỳ vọng nới room 100% đã giúp nhóm cổ phiếu bảo hiểm hoạt động tốt nhất trong tuần qua.

Khối ngoại trong tuần qua giao dịch khá thiếu tích cực. Lượng mua ròng giảm dần qua từng phiên khi lượng mua giảm mạnh trong khi lượng bán tăng tới gần 50% trên HOSE.

Sự thận trọng của khối ngoại xuất phát từ các diễn biến nóng tại Hy Lạp khi Châu Âu vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ tại quốc gia này và thị trường chứng khoán tại Trung Quốc lao dốc không phanh trong tuần qua với đà giảm mạnh nhất trong vòng 8 năm.

Hiện tại, các biện pháp khá quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc đã phần nào phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Tuy nhiên,  chúng tôi đánh giá một vài phiên phục hồi là chưa đủ để đảm bảo cho khả năng về những rủi ro đổ vỡ của thị trường Trung Quốc sẽ không xảy ra.

Điều này sẽ tác động tiêu cực lên thị trường tài chính quốc tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong thời gian tời. Nhà đầu tư nên tiếp tục thận trọng quan sát các yếu tố này trong thời gian tới để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.

Về cơ bản các yếu tố trái chiều trong và ngoài nước đang tác động đồng thời lên thị trường trong thời điểm hiện tại. Nhìn một cách tích cực, yếu tố dòng tiền hiện đang duy trì xung lực khá mạnh mẽ giúp thị trường không chịu áp lực điều chỉnh giảm điểm sâu. Tuy vậy, khả năng thị trường tiếp tục bật tăng trong ngắn hạn cũng không được đảm bảo. Sự phân hóa mạnh trong tuần tới sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo đó nhà đầu tư chỉ nên duy trì trạng thái nắm giữ các cổ phiếu tốt, có thông tin hỗ trợ tích cực, thu hút được dòng tiền. Không nên vội vã mua đuổi các phiên thị trường tăng điểm và hạn chế sử dụng đòn bẩy.

Xu thế ngắn hạn của hai chỉ số chưa thật sự rõ ràng

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Hiệu ứng tích cực của Nghị định 60 mặc dù không còn quá lớn hai tuần trước, nhưng vẫn phần nào giúp duy trì tâm lý tích cực và kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng TTCK trong trung hạn. Áp lực chốt lời liên tục diễn ra trong các phiên, nhưng dòng tiền vẫn đang cho thấy sự mạnh mẽ, tạm thời đủ sức hấp thụ hết lực cung.

Ngoài ra, các thông tin vĩ mô tích cực liên quan đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng và triển vọng hiệp định TPP sớm được ký kết cũng là điểm tựa tâm lý không nhỏ cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, dòng tiền dường như vẫn chưa đủ tự tin tìm ra một ngành dẫn dắt mới khi chủ yếu vẫn quanh quẩn trong nhóm cổ  phiếu vốn hóa lớn hoặc nhóm ngân hàng.

Hiện tại, xu thế ngắn hạn của hai chỉ số chưa thật sự rõ ràng, nên nhà đầu tư nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, không quá rủi ro. Các nhóm ngành nên được nhà đầu tư ưu tiên cho danh mục là chứng khoán, bất động sản hạng trung, vật liệu xây dựng và xuất khẩu.

Tiếp tục rung lắc

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Nhìn chung thị trường đã có phần “cân bằng hơn” trong phiên cuối tuần, dù vậy khả năng tiếp tục “rung lắc” vẫn cần được tính đến trong các phiên tuần sau.

Ở cái nhìn lớn hơn, xu hướng chính của thị trường vẫn là tăng và do đó nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt trong danh mục. Việc chốt lời nếu có, nên thực hiện một cách cá biệt và có chọn lọc với những cổ phiếu đã đạt mức kỳ vọng.

Sự phục hồi còn yếu

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thị trường hồi phục trở lại nhưng áp lực bán vẫn gia tăng khi thị trường tăng gần ngưỡng kháng cự, thanh khoản của thị trường cũng có tín hiệu giảm xuống. Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy sự phục hồi còn yếu, nên nhà đầu tư thận trọng quan sát diễn biến thị trường, việc cơ cấu danh mục nên cẩn thận.

Tin bài liên quan