Lực cầu giá cao vẫn chưa tham gia

Lực cầu giá cao vẫn chưa tham gia

(ĐTCK) Ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, thị trường bất ngờ chứng kiến lực bán tháo trên diện rộng của nhà đầu tư trong nước khiến các chỉ số giảm điểm tới hơn 3% cùng thanh khoản tăng vọt.

Có lẽ sự nhạy cảm với sự kiện “giàn khoan” cùng nỗi lo ngại về một kịch bản tương tự tại thời điểm tháng 5 năm ngoái phần nào giải thích cho động thái bất ngờ này. 

Tuy vậy, lực cầu bắt đáy tại vùng giá thấp xuất hiện khá ổn định với sự tham gia tích cực của khối ngoại đã giúp thị trường hồi phục ngay phiên sau đó. 

Thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ cho lực cầu

Đầu tiên là thông tin Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết, mở ra cơ hội cho các hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc. Ngành công nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được dỡ bỏ.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất duy trì tăng trưởng liên tục trong 20 tháng, đặc biệt trong tháng 4. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tăng từ 50,7 điểm lên 53,5 điểm trong tháng 4, ghi nhận mức tăng mạnh kỷ lục kể từ tháng 4/2011.

Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng giữa VND và USD lên thêm 1%. Việc phá giá tiền đồng sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nội địa, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu. Điều này cũng khiến TTCK Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, có thể kích thích dòng vốn ngoại chảy vào thị trường mạnh hơn thông qua các quỹ ETF trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cùng với hiệu ứng “Sell in May” (bán chứng khoán vào tháng 5), nhà đầu tư vẫn còn một số quan ngại đến từ thị trường tài chính quốc tế. Chủ tịch Fed Janet Yellen cảnh báo, sự định giá của TTCK Mỹ ở thời điểm hiện tại nhìn chung là quá cao, do vậy tiềm ẩn những nguy cơ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Goldman Sachs vừa ra báo cáo khuyến nghị mua vào USD dựa trên dự báo đồng bạc xanh trong 12 tháng tới sẽ tăng thêm 18% so với euro (lên mức 1 USD = 0,95 euro) và tăng 8% so với đồng Yên Nhật (lên mức 1 USD = 130 Yên). Kỳ vọng mạnh lên của đồng USD có thể sẽ tạo xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu cơ từ thị trường cổ phiếu sang thị trường tiền tệ, điều mà có khả năng ảnh hưởng gián tiếp đến dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam.

Do đó, mặc dù TTCK trong nước đang có xu hướng phục hồi, nhưng chúng tôi quan sát thấy lực cầu giá cao vẫn chưa tham gia thị trường thực sự mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index vẫn đang nằm trong xu thế giằng co trước vùng kháng cự 553 - 555 điểm với sự phân hóa rộng giữa các phân nhóm cổ phiếu và chưa xác nhận bất kỳ tín hiệu xu hướng nào. 

VN-Index cần vượt qua 555 điểm để xác nhận xu hướng tăng

Chỉ số VN-Index đóng cửa ngày hôm qua (7/5) với một phiên tăng điểm, tuy nhiên, vẫn đóng cửa phía dưới kháng cự 553 - 555 điểm với khối lượng giao dịch giảm khá mạnh. Điều này cho thấy lực cầu giá cao chưa mạnh dạn tham gia thị trường và chỉ số vẫn đang giằng co trước vùng cản tạo bởi đường trung bình động MA5 và MA20 ngày. Các tín hiệu xu hướng như MACD, Parabolic SAR vẫn đang cho tín hiệu tiêu cực.

Do đó, chúng tôi cho rằng, để thị trường có thể quay trở lại xu hướng tăng điểm thì dòng tiền cần phải có sự cải thiện hơn trong các phiên giao dịch tới để giúp VN-Index chinh phục thành công vùng cản 553 - 555 điểm. Trong kịch bản này, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên vùng 580 - 585 điểm trong một vài tháng tới để kiểm tra ngưỡng kháng cự mạnh hơn của đường trung bình động MA200 ngày.

Tin bài liên quan