Biểu đồ phân tích kỹ thuật (Nguồn: ACBS)

Biểu đồ phân tích kỹ thuật (Nguồn: ACBS)

Kỳ vọng cổ phiếu dầu khí phục hồi

(ĐTCK) Sự hồi phục hiện tại của giá dầu có thể sẽ hỗ trợ nhóm cổ phiếu họ dầu khí trong nước có đợt hồi phục nhẹ

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần ảm đạm với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (27/3) ở mức 551,41 điểm, giảm 4,17% so với cuối tuần trước, trong khi HNX-Index giảm ít hơn, với 3,2% xuống còn 82,4 điểm.

Thanh khoản sụt giảm mạnh so với tuần trước, khi tổng khối lượng giao dịch của HOSE trong tuần đạt xấp xỉ 455 triệu cổ phiếu (giảm 15,76% so với tuần trước đó), tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 8.540 tỷ đồng (giảm 12,4%). Khối lượng giao dịch trên HNX tuần qua đạt trên 223 triệu đơn vị (giảm 6,5% so với cuối tuần trước đó) với tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 2.773 tỷ đồng (giảm 11,6%).

Tuần qua, khối ngoại tăng cường bán ra khi bán ròng cả 5 phiên trên HOSE, với tổng giá trị 477 tỷ đồng, tập trung vào các mã PVD, HAG, ITA, SSI, VIC…

Trái ngược với tâm lý tiêu cực trên thị trường chứng khoán, các con số vĩ mô được các cơ quan chức năng công bố trong tuần qua đang cho thấy sự lạc quan về bức tranh kinh tế chung. Cụ thể, nền kinh tế đã có sự tăng tốc rõ rệt trong quý I, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6% so cùng kỳ, cải thiện 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng mạnh, lên tới 9,5% so với mức tăng trưởng 7,3% cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh công nghiệp chế biến, ngành xây dựng cũng đã có sự cải thiện, với tốc độ tăng trưởng đạt 4,4%, cao hơn mức tăng trưởng 3,4% của năm trước.

Chỉ số CPI tháng 3 đã tăng nhẹ 0,15% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là thành phần ăn uống ngoài gia đình đã tăng 1,07% và thực phẩm tăng 0,3%. Hầu hết các thành phần khác đều có mức thay đổi giá nhẹ. Hai thành phần giảm giá mạnh nhất là lương thực (giảm 0,24%) và giao thông (giảm 0,3%). Tính chung quý I, lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái là 0,74%.

Liên quan đến vấn đề tỷ giá, vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của thị trường trong thời gian qua, cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo chính thức. Cụ thể, cơ quan này sẽ không điều chỉnh tỷ giá USD/VND ở thời điểm hiện tại và tiếp tục điều hành tỷ giá theo mục tiêu đã đề ra trong năm nay. Thông tin thêm từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mặc dù tính đến thời điểm giữa tháng 3, Việt Nam đã nhập siêu 1,75 tỷ USD, nhưng do dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn được duy trì, tính chung cân đối tổng thể của cán cân thanh toán vẫn đạt mức thặng dư 2,8 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá triển vọng dòng kiều hối sẽ tiếp tục tăng cao trong hai năm tới. Đây sẽ là các yếu tố tích cực cho chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Quay lại với thị trường chứng khoán, về mặt phân tích kỹ thuật, chỉ số VN - Index hiện đang nằm gần mức hỗ trợ 550 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trong tuần qua giảm sút cho thấy khả năng chỉ số này sẽ xuất hiện đợt hồi phục nhẹ từ mức hỗ trợ 550 điểm lên vùng kháng cự 572-580 điểm.

Sự hồi phục hiện tại có thể giúp giá dầu Brent tiệm cận cột mốc 70 USD/thùng trong thời gian tới và điều này có thể sẽ hỗ trợ nhóm cổ phiếu họ dầu khí trong nước có đợt hồi phục nhẹ, từ đó giúp thị trường chứng khoán trong nước tích cực hơn. Ngoài ra, sự suy giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang yếu đi và nhiều khả năng sẽ xuất hiện một đợt hồi phục nhẹ cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lực mua vào có thể không mạnh nên đợt hồi phục sắp tới có khả năng sẽ không kéo dài quá lâu và chỉ được dẫn dắt bởi những cổ phiếu vốn hoá thấp và mang tính đầu cơ cao.

Tin bài liên quan