Khối ngoại nhấn chìm thị trường

Khối ngoại nhấn chìm thị trường

(ĐTCK) TTCK tuần này  vẫn tiếp nối đà giảm điểm của tuần trước, với việc các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID, VCB, CTG, DPM, FPT… bị bán mạnh và thanh khoản toàn thị trường suy yếu.

Đặc biệt, với việc giá dầu thế giới phá vỡ ngưỡng 40 USD/thùng, nhóm cổ phiếu dầu khí, bao gồm PVD, GAS, PVC, PVS… đã đồng loạt đi xuống, kéo thị trường giảm sâu hơn. Điểm sáng chỉ xuất hiện tại một số cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó có một số cổ phiếu nằm trong danh mục tái cơ cấu của FTSE ETF như BHS, SBT. Tuy nhiên, điều này không thể giúp chỉ số VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ tại 570 điểm và chỉ số HNX-Index cũng rơi xuống dưới ngưỡng 80 điểm.

Mặc dù thị trường đã bất ngờ hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 8/12, với mức tăng hơn 10 điểm, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bảo hiểm và ngân hàng, bao gồm BVH, VCB, BMI; nhóm cổ phiếu SCIC thoái vốn gồm VNM, FPT, BMP, NTP…, nhưng kể cả trong những phiên giao dịch hồi phục này, khối ngoại vẫn liên tục gia tăng lượng bán ròng trên cả 2 sàn, tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VIC, MSN, PVD...
Khối ngoại nhấn chìm thị trường ảnh 1
Chính điều này đã khiến cho đà hồi phục của thị trường không thể kéo dài, khi mà dòng tiền nội không đủ sức chống đỡ trước áp lực bán quyết liệt từ khối ngoại. Họ liên tiếp bán ròng với giá trị lớn từ đầu tháng 12 đến nay với tổng giá trị lên tới hơn 1.500 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 9/12, Quỹ Vietnam Market Vector ETF, một trong hai quỹ ETF lớn của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã bị rút 800.000 chứng chỉ quỹ, tương đương khoảng 12 triệu USD.

Với những diễn biến hiện tại, thị trường vẫn đang tiếp tục nằm trong xu thế giảm điểm khi không có nhiều thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ.


Hiện tổng lượng chứng chỉ quỹ của VNM ETF đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 tháng, tương ứng với 27,75 triệu đơn vị, tuy nhiên vẫn còn cách khá xa mức thấp nhất trong vòng 1 năm (23,6 triệu) và 2 năm (16,8 triệu).
Với dự báo Fed sẽ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở diễn ra vào tuần sau, trong ngắn hạn, TTCK có thể tiếp tục chịu áp lực rút ròng của khối ngoại.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo của HSBC, tính đến cuối tháng 9/2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm còn 30,3 tỷ USD. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cuối tháng 7/2015, dự trữ ngoại hối thời điểm đó ở mức 37 tỷ USD, như vậy, dự trữ ngoại hối đã giảm 6,7 tỷ USD trong khoảng thời gian ngắn.
Dự trữ ngoại hối giảm mạnh có thể là do NHNN đã bán ra USD để ổn định thị trường trong quý III vừa qua, sau khi tỷ giá VND/USD tăng mạnh. Tỷ giá tăng có thể là do yếu tố mùa vụ khi nhu cầu ngoại tệ về cuối năm có xu hướng tăng lên và khả năng Fed tăng lãi suất vào cuộc họp vào tháng 12. Thông tin vĩ mô này cũng khiến giới đầu tư tỏ ra quan ngại, nhất là khi áp lực đặt lên tỷ giá vẫn còn rất lớn.

Với những diễn biến hiện tại, thị trường vẫn đang tiếp tục nằm trong xu thế giảm điểm khi không có nhiều thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ. Hơn nữa, trên phương diện phân tích kỹ thuật, sau khi VN-Index rơi vào thị trường giá xuống (bear market) vào tuần trước, chỉ số này đã tiếp tục phá vỡ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tại 570 điểm làm gia tăng tâm lý bi quan cho thị trường.
Vì vậy, các nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường và chờ đợi các tín hiệu tạo đáy rõ ràng hơn trước khi quyết định giải ngân. Trước mắt, chúng tôi thấy chỉ số sàn HOSE đang có khu vực hỗ trợ tiếp theo ở vùng 550 - 555 điểm và hỗ trợ mạnh hơn nữa là ở vùng 525 - 530 điểm.

Tin bài liên quan