Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Góc nhìn kỹ thuật phiên 8/2: Vẫn duy trì bull market

(ĐTCK) Đà tăng xuất hiện góp phần xóa bỏ những lo ngại gần đây về sự suy yếu của VN-Index. Đồ thị VN-Index ghi nhận 2 tín hiệu quan trọng, đó là vai trò hỗ trợ của khu vực 695-700 điểm và khả năng xuyên phá mốc 703 điểm (fibonacci extention 161,8%) được nâng cao.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 8/2.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index có phiên tăng điểm nhẹ, giúp đường giá duy trì trạng thái dao động tích lũy quanh ngưỡng 700 điểm. Thanh khoản tăng mạnh so với 2 phiên trước đó và gấp 1,5 lần mức trung bình 10 phiên gần nhất. Chỉ báo MFI đã tăng trở lại ngưỡng 74 điểm. Điều này cho thấy tâm lý lạc quan, kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng tăng điểm trong ngắn hạn.

Ở góc độ phân lớp cổ phiếu, nhóm cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 vẫn đang có diễn biến tăng điểm tích cực để giúp thị trường đi lên, bất chấp sự níu kéo từ đà giảm của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, sự không đồng pha của các nhóm cổ phiếu lớn đã khiến cho thị trường có sự phân hóa tương đối rõ nét giữa. Nếu diễn biến này còn xảy ra, thị trường sẽ khó có thể tạo sự bứt phá về điểm số trong những phiên kế tiếp.

Đường giá đang dao động ngay sát dưới đường trendline phía trên của kênh giá sideway-up kéo dài từ tháng 7/2016 đến nay. Xu hướng tăng điểm vẫn đang được duy trì, khi chỉ số tiếp tục bám sát dải BB trên để đi lên.

Kỳ vọng đường giá có thể tiến đến thử thách vùng kháng cự 710-715 điểm trong ngắn hạn. Phản ứng của chỉ số tại vùng kháng cự này sẽ quyết định cơ hội xác lập xu hướng tăng điểm bền vững hơn trong thời gian tới.

Ngắn hạn hơn, mà cụ thể là trong một vài phiên tới, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có dao động theo hướng đi ngang tích lũy trong vùng 695-705 điểm để giúp cân bằng lại áp lực cung cầu ở các cổ phiếu, sau đó mới có thể kỳ vọng vào một nhịp bứt phá xảy ra.

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên đẩy mạnh các hoạt động trading ngắn hạn (bán trước-mua sau) tại những vùng mang tính ranh giới này. Phần danh mục ngắn hạn nên được giảm về mức trung bình khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 710-715 điểm. Các vị thế trung hạn có thể bán trading để giảm bình quân giá vốn, hoặc kết hợp đảo danh mục.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index tăng điểm nhẹ. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn duy trì ở mức tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 693-700 điểm (MA5-10) và kháng cự gần nhất tại 708 điểm (đỉnh phiên 3/2). Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn tiếp tục là tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 687 điểm (MA20).

VN-Index vẫn duy trì trong thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ gần nhất tại 675 điểm (MA100). Dự báo phiên 8/2, VN-Index có thể duy trì đà tăng điểm để hướng đếm mục tiêu gần nhất tại 708 điểm (đỉnh phiên 3/2). Nếu điều chỉnh xảy ra, hỗ trợ gần nhất của chỉ số tại 697 điểm (đáy phiên 6/2).

HNX-Index cũng tăng điểm nhẹ. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn tiếp tục ở mức tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 84-84,7 điểm (MA5-10) và kháng cự gần nhất tại 86 điểm (đỉnh phiên 20/10). Tín hiệu kỹ thuật trung hạn ở mức tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 83,4 điểm (MA20).

HNX-Index tiếp tục duy trì thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ gần nhất tại 82,7 điểm (MA200). Dự báo phiên 8/2, HNX-Index có thể duy trì đà tăng điểm để hướng đến mục tiêu gần nhất tại 86 điểm (đỉnh phiên 20/10). Nếu điều chỉnh xảy ra, mốc 84,7 điểm (MA5) là hỗ trợ gần nhất của chỉ số.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT – FPTS

Đà tăng xuất hiện trong phiên 7/2 đã góp phần xóa bỏ những lo ngại gần đây về sự suy yếu của VN-Index. Với việc chỉ số đóng cửa tại 701,91 điểm, đồ thị chỉ số ghi nhận 2 tín hiệu quan trọng, đó là vai trò hỗ trợ của khu vực 695-700 điểm và khả năng xuyên phá mốc 703 điểm (fibonacci extention 161,8%) được nâng cao.

Thực tế, phiên 7/2 cũng ghi nhận tín hiệu kiểm tra của VN-Index đối với khu vực 703 điểm. Mặc dù nỗ lực tăng giá chưa đủ để đưa chỉ số vượt qua được mốc điểm này, nhưng “dư địa” tăng giá vẫn đang rất tích cực. Cụ thể, MACD và RSI đều đang giữ xu hướng tăng tạo lập các mức giá trị cao mới. Khoảng cách giữa chỉ số với cận trên của dải Bollinger là khá hẹp, nhưng độ mở rộng của dải băng bollinger trên đang ủng hộ cho luận điểm nêu trên.

Thanh khoản phiên 7/2 cũng có sự đột biến, khi đồng thuận với đà tăng và góp phần thúc đẩy mức bình quân khối lượng 20 ngày theo hướng tăng dần. Rõ ràng, dòng tiền đang có dấu hiệu hoạt động tích cực hơn và là cơ sở để đánh giá thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng trong thời gian tới.

CTCK Phú Hưng - PHS

VN-Index có phiên phục hồi trở lại. Khối lượng gia tăng mạnh mẽ vượt bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền gia nhập thị trường khá tích cực. Không những vậy, hệ thống chỉ báo vẫn đang cho thấy xu hướng tăng điểm của chỉ số có khả năng vẫn còn. Khi chỉ số tiếp tục đóng cửa trên các đường MA quan trọng từ MA 5 tới MA 200.

Đồng thời, chỉ báo ADX nằm trên vùng 24, kèm theo đường +DI nằm trên –DI cho thấy, xu hướng tăng đã được xác nhận. Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật như MACD, RSI đang đi lên tích cực thể hiện chỉ số có thể tiếp tục đi lên thử thách ngưỡng 715 điểm (Fib 38.2) trong những phiên tới.

HNX Index cũng có diễn biến tương tự. Chỉ số cũng có phiên phục hồi trở lại kèm khối lượng gia tăng cho thấy, động lực phục hồi đang được duy trì, chỉ số có thể tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 86 điểm (đỉnh cũ tháng 10/2016).

Nhìn chung, phiên hồi phục 7/2đang cho thấy xu hướng phục hồi của thị trường có thể vẫn còn tiếp diễn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thêm một tỷ trọng nhỏ vào các cổ phiếu có tính dẫn dắt và được kỳ vọng có triển vọng kinh doanh khả quan trong năm 2017.

Tin bài liên quan