Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: MSI)

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: MSI)

Góc nhìn kỹ thuật phiên 6/7: nhiều khả năng sẽ xuất hiện điều chỉnh kỹ thuật

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 6/7.

CTCK FPTS

Chuỗi tăng điểm của VN-Index tiếp tục được nối dài sang phiên thứ 07 liên tiếp và ghi dấu mốc cao mới tại 650,88 điểm. Tuy nhiên, diễn biến trong phiên của chỉ số lại thể hiện áp lực chốt lời khá rõ nét khi lượng cầu đẩy thanh khoản tăng nhanh nhưng VN-Index không thể giữ được mốc cao nhất trong phiên tại 658,45 điểm.

Trên đồ thị, thân nến có dạng doji với phần bóng trên khá dài thể hiện cung - cầu quay lại trạng thái giằng co tại thời điểm đóng cửa. Khối lượng giao dịch tăng cường và tiếp tục vượt lên mốc bình quân 20 phiên cũng không đủ để duy trì trạng thái tích cực trong suốt thời gian giao dịch. Đây chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy rằng vùng kháng cự tiếp theo của chỉ số đang tồn tại ở khu vực 660-670 điểm.

Về chỉ báo, sau tín hiệu giao cắt báo mua thì MACD tiếp tục hướng lên ủng hộ cho xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, dấu hiệu điều chỉnh lại được cảnh báo thông qua trạng thái đảo chiều hướng xuống của Stochastic Oscillator sau khi chỉ báo này đi sâu vào vùng quá mua. Theo đó, mặc dù kịch bản tăng giá vẫn đang được ủng hộ nhưng nhiều khả năng sẽ xuất hiện điều chỉnh kỹ thuật của chỉ số nhằm kiểm tra lại khu vực hỗ trợ 630-640 điểm vừa tạo lập.

Tổng hợp tín hiệu, một nhịp đi ngang củng cố phía trên đường MA 20 của VN-Index sẽ là kịch bản phù hợp tại thời điểm này. Điều này giúp gia tăng đáng kể xác suất chỉ số có thể tiếp cận mốc 670 điểm cũng như tạo nền cho một nhịp tăng bền vững.

CTCK BVSC

VN-Index dù giữ được sắc xanh trong suốt phiên giao dịch nhưng áp lực chốt lời có dấu hiệu tăng dần về cuối phiên đã khiến cho biên độ tăng của chỉ số bị thu hẹp đáng kể, qua đó hình thành cây nến dạng “Doji” sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp. Độ rộng thị trường cũng diễn ra với sự cân bằng giữa 2 bên xanh, đỏ. Điều này phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư bắt đầu trở lại trạng thái thận trọng, e ngại khả năng thị trường sẽ xuất hiện áp lực rung lắc, điều chỉnh ngắn hạn.

Tuy vậy, việc thanh khoản tiếp tục được cải thiện và duy trì ở trên mức khối lượng trung bình 10 phiên gần nhất cho thấy dòng tiền đứng ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để tham gia vào thị trường.

Về mặt xu hướng, đường giá đã chính thức thoát khỏi mô hình chiếc nêm hướng lên để mở ra xu hướng tăng ngắn hạn cho chỉ số.

Theo tính toán của chúng tôi, đích đến của chỉ số khi phá vỡ mô hình này dự kiến nằm tại vùng 660-665 điểm. Những cây nến trắng liên tiếp được hình thành trong thời gian ngắn khiến cho dải BB bung nén, qua đó giúp đường giá hình thành xung lực tăng mạnh. Điều này hàm ý xu hướng tăng điểm của chỉ số sẽ còn được nối dài trong thời gian tới. Mặt khác, sự dịch chuyển tích cực của các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho khả năng tăng điểm của chỉ số.

Cụ thể, đường MACD đã vượt lên ngưỡng 0 sau khi giao cắt với đường tín hiệu. Đường ADX cũng đang có dấu hiệu tăng điểm trở lại từ ngưỡng 20. Nếu chỉ báo này cắt lên ngưỡng 25 trong sự phân kỳ mở rộng của 2 đường DI thì cường độ xu hướng tăng của chỉ số sẽ tăng lên đáng kể trong ngắn hạn.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 6/7: nhiều khả năng sẽ xuất hiện điều chỉnh kỹ thuật  ảnh 1

 Đồ thị phân tích kỹ thuật HNX-Index (Nguồn: MSI)

Mặc dù vậy, vùng kháng cự 660-665 điểm hiện đang đóng vai trò là cận trên của kênh xu hướng tăng được hình thành từ cuối tháng 01/2016 đến nay. Do đó, chúng tôi để ngỏ khả năng chỉ số có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh để kiểm tra lại vùng hỗ trợ 635- 640 điểm, trước khi tiếp tục hướng đến các mốc điểm cao hơn trong thời gian tới.

Vùng kháng cự gần của VN-Index nằm tại 660-665 điểm và 680-685 điểm, vùng hỗ trợ gần của VN-Index nằm tại 635- 640 điểm và 615-620 điểm.

CTCK IVS

Với 7 phiên tăng liên tiếp kéo chỉ số này tăng “thẳng đứng” cho thấy sự hưng phấn quá mức của thị trường. Mô hình mà VN-Index đang hình thành có thể được gọi là mẫu hình Climax_Top điển hình. Mẫu hình này thường cho thấy giá chạy rất nhanh và vượt ra khỏi dải trên của Bollinger Band hoặc là đường xu hướng và sau đó là điều chỉnh. Nếu xét về quá khứ, giai đoạn hiện nay khá giống với giai đoạn tháng 7/2015 và tháng 8/2014. Hơn nữa, phiên 5/7 là cây nến với chân và râu nến dài nhưng thân nến co hẹp, ngắn đang cho thấy áp lực bán đang khá lớn.

Những nỗ lực kéo giá lên không khả thi bởi áp lực bán xuống mạnh. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ bắt đầu khó khăn hơn trong giai đoạn tới.

Chúng tôi không cho rằng, thị trường sẽ suy giảm ngay, nhưng NĐT cần hết sức thận trọng với những cổ phiếu tăng giá mạnh bởi đây là giai đoạn mà NĐT lớn có thể bắt đầu rút lui.

Trên sự quan sát với 2 cổ phiếu là HSG, HPG điều này đang manh nha hình thành. Những kỹ thuật kéo xả đang diễn ra khá nhịp nhàng, và dù những cổ phiếu này đang được dự báo tích cực về KQKD quý II thì với mức giá trên, đà tăng vừa qua coi như đã phản ánh hết vào giá.

CTCK MSI

Với mẫu hình Doji star mà VN-Index đã hình thành qua lăng kính phân tích kỹ thuật, chúng tôi cho rằng, VN-Index có khả năng điều chỉnh ở biên độ mạnh vào phiên giao dịch ngày 6/7. Lực cung cổ phiếu gia tăng mạnh ở phiên 2 mặc dù chiến lược Buy and Hold vẫn được ưu tiên tối đa trong giai đoạn hiện nay.

Đối với các hoạt động giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư cân nhắc việc cơ cấu danh mục bằng việc bán ra các cổ phiếu yếu kém và nâng tỷ trọng các cổ phiếu chất lượng cao hoặc đơn giản có thể giảm tỷ lệ ở các cổ phiếu đã và đang tăng mạnh.

Tin bài liên quan