Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 6/10: Cơ hội tăng giá chưa được đánh giá cao

(ĐTCK) Nhóm chỉ báo xung lượng RSI, Stochastic Oscillator vẫn giữ trạng thái hồi phục. Tuy nhiên, tín hiệu xu hướng từ MACD vẫn khẳng định cho xu hướng điều chỉnh. Trong điều kiện VN-Index chưa thoát khỏi khung giao dịch 800 – 810 điểm và đường biểu thị khối lượng giao dịch bình quân 20 ngày vẫn đang giảm dần thì cơ hội tăng giá chưa được đánh giá cao.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 6/10.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Vn-Index giảm điểm trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự quanh 810 điểm. Đường giá vẫn nằm trong kênh giá đi ngang với sự thắt hẹp của dải BB.

Xu hướng biến động này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong một vài phiên kế tiếp. Thanh khoản tăng trở lại và duy trì ở mức trung bình, còn độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm điểm.

Áp lực cung đã gia tăng trở lại khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 708-810 điểm. Mặt khác, mặt bằng khối lượng bình quân 21 phiên đang có xu hướng giảm dần.

Điều này cho thấy xu thế đi ngang trong biên độ hẹp của chỉ số vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Dải BB tiếp tục có xu hướng thắt hẹp trong bối cảnh chuyển động của nhóm MA ngắn hạn đang ở trạng thái đi ngang.

Điều này khiến chúng tôi thiên về khả năng chỉ số sẽ tiếp tục có xu hướng dao động trong biên độ hẹp trong vùng 795-810 điểm trong ngắn hạn.

Trong kịch bản tích cực, nếu chỉ số vượt qua vùng 808-810 điểm thì nhịp tăng điểm mới với đích đến nằm tại vùng kháng cự mạnh 815-820 điểm sẽ được xác lập.

Mặc dù vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng, nếu vùng hỗ trợ 798-802 điểm bị phá vỡ thì chỉ số vẫn phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm về đường SMA100 tương ứng với vùng hỗ trợ 785-790 điểm trong ngắn hạn.

Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại quanh 810 điểm và 815-820 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại 798- 802 điểm và 785-790 điểm

CTCK FPT –FPTS

Áp lực bán lại tái diễn trên vùng kháng cự khiến VN-Index không thể duy trì đà tăng nối dài từ phiên trước đó. Đóng cửa phiên giao dịch 05/10, chỉ số đảo chiều giảm nhẹ 0,43 điểm xuống mức 805,23 điểm.

Theo diễn biến này, thân nến của VN-Index tái lập mẫu hình inverted hammer hàm ý lực cung rất mạnh đẩy chỉ số thoái lui khỏi mốc 810 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh tăng mạnh trong phiên giảm cũng là tín hiệu củng cố cho luận điểm này. Sàn HSX lại một lần nữa thất bại trong việc tạo lập đà tăng mới và vì thế xu hướng đi ngang giằng co sẽ tiếp tục chi phối các vị thế ngắn hạn.

Về chỉ báo, nhóm chỉ báo xung lượng gồm RSI, Stochastic Oscillator vẫn giữ trạng thái hồi phục. Tuy nhiên, tín hiệu xu hướng từ MACD vẫn khẳng định cho xu hướng điều chỉnh.

Trong điều kiện VN-Index vẫn chưa thoát khỏi khung giao dịch 800 – 810 điểm và đường biểu thị khối lượng giao dịch bình quân 20 ngày vẫn đang giảm dần thì cơ hội tăng giá sẽ chưa được đánh giá cao.

Phiên cuối tuần khả năng cao sẽ tiếp tục diễn ra trạng thái giằng co của VNIndex quanh mốc 805 điểm.

Ở chiều hỗ trợ, khu vực 795 - 800 điểm sẽ được kỳ vọng là điểm dừng giảm nếu áp lực bán mạnh tiếp diễn.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 6/10: Cơ hội tăng giá chưa được đánh giá cao ảnh 1

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Phú Hưng - PHS

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch tuy có gia tăng nhưng vẫn nằm dưới bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền vẫn khá dè dặt.

Không những vậy, các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI đang đi xuống tiêu cực, cho thấy động lực phục hồi có phần suy giảm.

Tuy nhiên, xu hướng chính của thị trường có thể vẫn là phục hồi, khi chỉ số vẫn đang duy trì đóng cửa trên MA 5 và 20, kèm theo ADX nằm trên vùng 27 và đường +DI nằm trên –DI phát đi tín hiệu củng cố xu hướng hiện tại.

Do đó, phiên điều chỉnh vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi bền vững hơn, chỉ số có sớm tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 824 điểm (Fib 100). 

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có diễn biến tương tự. Mặc dù, chỉ số có phiên giảm điểm trở lại nhưng vẫn duy trì đóng cửa trên MA 20, kèm theo đường ADX nằm trên vùng 39 và +DI nằm trên –DI cho thấy xu hướng phục hồi của chỉ số là vẫn còn, phiên giảm điểm có thể chỉ mang tính kỹ thuật.

Chỉ số có thể sớm quay trở lại tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 110,9 điểm (Fib 161,8). 

Nhìn chung, xu hướng chính của thị trường có thể vẫn là phục hồi.

Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng những phiên điều chỉnh để tái cơ cấu lại danh mục của mịnh hợp lý hơn.

CTCK KIS Việt Nam - KIS

Thị trường tiếp tục chứng kiến sự dằng co quyết liệt giữa bên mua và bên bán, khiến cho cả 2 chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ mặc dù duy trì được mức tăng trong phần lớn thời gian giao dịch.

Sự tiêu cực của một số cổ phiếu như GAS, BHN và HPG khiến VN-Index thất bại trong việc giữ được sắc xanh, bất chấp nổ lực tăng của MSN, VIC và PLX.

Hôm nay, bên bán quay trở lại nắm thế chủ động với số mã giảm nhiều hơn số mã tăng (188 tăng/236 giảm). VN-Index kết phiên tạo cây nến đỏ với bóng nến trên dài, cho thấy chỉ số này tiếp tục thất bại trong nổ lực chinh phục ngưỡng kháng cự 810 điểm.

Đã có ít nhất 3 lần trong khoảng nửa tháng nay, VN-Index chinh phục không thành công mức 810 điểm, điều đó chứng tỏ sự tích lũy của dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh để giúp thị trường bứt phá.

Trong khi đó, thanh khoản hôm nay được cải thiện đáng kể so với phiên trước, đạt mức trung bình 20 phiên.

Dù vậy, việc thị trường một lần nữa chinh phục thất bại ngưỡng kháng cự thì tâm lý NĐT sẽ trở nên thận trọng hơn và kịch bản dòng tiền suy yếu trở lại có thể sẽ diễn ra trong những phiên tới.

Chỉ báo sức mạnh giá RSI(14) chững lại đà hồi phục, trong khi chỉ báo dòng tiền Chaikin và chỉ báo xu hướng ADX tiếp tục giảm cho thấy động lực tăng của VN-Index yếu hơn.

Diễn biến của thị trường vẫn chưa rõ ràng và vẫn duy trì sự dằng co. NĐT sẽ trở nên thận trọng hơn nữa, do đó yếu tố dòng tiền sẽ là rào cản lớn của thị trường trong những phiên tiếp theo.

Vì thế, chúng tôi cho rằng thị trường có thể tiếp tục củng cố với VN-Index là 800-805 điểm và HNX-Index là 105-106 điểm để giải tỏa tâm lý thận trọng của NĐT.

Tin bài liên quan