Góc nhìn kỹ thuật phiên 28/6: Vẫn đang duy trì được xu hướng tích lũy

(ĐTCK) Đường giá vẫn đang duy trì được xu hướng tích lũy trong mô hình chiếc nêm hướng lên. Mẫu hình này được hình thành từ sau phiên bứt phá mạnh ngày 22/04/2016 và đang được giới hạn bởi cận trên (635-640 điểm) và cận dưới (615-620 điểm).
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 28/6.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Dù bị bao phủ bởi sắc đỏ trong phần lớn phiên giao dịch, nhưng lực cầu giá thấp một lần nữa thể hiện sức mạnh giúp VN-In dexđóng cửa với số điểm xanh. Cây nến trắng dài có bóng dưới dài được hình thành với giá đóng cửa nằm trong mô hình chiếc nêm, qua đó giúp chỉ số duy trì được trạng thái tích lũy theo hướng sideway-up.

Thanh khoản sụt giảm mạnh xuống dưới mức khối lượng trung bình 10 phiên gần nhất cho thấy, áp lực bán đã bị suy giảm đáng kể khi tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định trở lại sau phiên biến động mạnh do sự kiện Brexit.

Về mặt xu hướng, đường giá vẫn đang duy trì được xu hướng tích lũy trong mô hình chiếc nêm hướng lên. Mẫu hình này được hình thành từ sau phiên bứt phá mạnh ngày 22/04/2016 và đang được giới hạn bởi cận trên (635-640 điểm) và cận dưới (615-620 điểm).

Do phiên biến động mạnh cuối tuần trước khiến cho đa số các chỉ báo kỹ thuật có sự chuyển dịch đột ngột theo chiều hướng không tốt, nên VN-Index sẽ cần phải có diễn biến tích luỹ trong ngắn hạn để trung hòa lại sự biến động này. Trong bối cảnh đó, việc dải BB tiếp tục thắt hẹp khiến chỉ số sẽ cần thêm thời gian một, hai tuần tích lũy quanh đường SMA20, trước khi được kỳ vọng sẽ sự bứt phá lên các mốc điểm cao hơn trong thời gian tới.

Trên khung thời gian intraday, đường giá đã vượt lên ngưỡng 615 điểm và xuyên lên đường PSAR để tạm thời chấm dứt trạng thái sụt giảm mạnh của VN-Index, đồng thời giúp cho dải BB chuyển dịch dần sang trạng thái đi ngang. Chuyển động của dải BB được dự báo sẽ xác lập lại xu hướng đi ngang và thu hẹp dần trong những phiên tới. Do đó, đường giá cũng sẽ mất thời gian từ 3-5 phiên để dao động trong vùng 615-625 điểm. Đích đến tiếp theo sau đó sẽ là cận trên của dải BB (630-635 điểm). Ở một khía cạnh khác, nếu VN-Index xuyên thủng ngưỡng 615 điểm thì xu hướng giảm nhiều khả năng sẽ được thiết lập. Vùng kháng cự nằm tại 625- 630 điểm và 635-640 điểm; vùng hỗ trợ nằm tại 610-615 điểm và 590-595 điểm.

CTCK MB – MBS

Về mặt kỹ thuật, 2 chỉ số có phiêu biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu. Trong những phiên tới, 2 chỉ số có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, VN-Index là vùng 620-625 điểm và HNX-Index là vùng 83-84 điểm. Nhà đầu tư tận dụng những phiên thị trường phục hồi nhằm cơ cấu lại danh mục và quan sát diễn biến thị trường để có hành động phù hợp.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index hình thành cây nến xanh rút chân, cho thấy lực cầu đang hoạt động khá tốt tại vùng hỗ trợ 615- 620 điểm, tương đương với dải bollinger dưới. Thanh khoản tuy vậy vẫn khá thấp, chỉ đạt 108 triệu đơn vị. RSI và MACD đều cho tín hiệu không tích cực. Vùng kháng cự 625 điểm. Vùng hỗ trợ 615 điểm.

HNX-Index hình thành cây nến đỏ rút chân với bóng nến dưới rất dài, cho thấy nỗ lực hồi phục rất lớn của chỉ cố. Thanh khoản ở mức thấp. RSI rơi khỏi đường 70, MACD cắt xuống đường 0, qua đó cho tín hiệu xu hướng thiếu tích cực. Vùng hỗ trợ 82 điểm. Vùng kháng cự 84 điểm.

CTCK FPT – FPTS

Phiên đầu tuần 27/6 tiếp tục ghi nhận biến động mạnh của VN-Index với diễn biến có phần tương tự như phiên cuối tuần trước. Chỉ số đã có lúc giảm khá mạnh về khu vực 610 điểm, nhưng sau đó hồì phục trở lại. Theo đó, thân nến xanh kèm theo phần bóng dưới hàm ý về động thái kiểm tra tâm lý bên bán, đồng thời khẳng định vai trò hỗ trợ của ngưỡng 620 điểm.

Đánh giá về khối lượng giao dịch, trong một phiên biến động ở vùng giá thấp là chủ yếu như phiên 27/6, việc khối lượng giao dịch giữ ở mức tương đương với phiên liền trước của phiên 24/6 được coi là dấu hiệu lạc quan giúp ổn định tâm lý chung. Áp lực bán tháo đã tạm dừng và kịch bản xấu về khả năng lùi về vùng 600 điểm của VN-Index đã bị đẩy lùi. Tuy nhiên, với tính biến động đang tăng cường của chỉ số, xu thế theo tuần của VN-Index sẽ tương ứng với khoảng dao động 610-630 điểm và mốc 620 điểm sẽ giữ vai trò trung gian giúp dự đoán chiều hướng tiếp theo.

Về chỉ báo, các chỉ báo MACD và ADX vẫn giữ phản ánh xu hướng tiêu cực sau phiên 24/6. Các chỉ xung lượng như RSI hay ROC giữ trạng thái trung lập, nhưng sẽ cho tín hiệu bán nếu tiếp tục cắt xuống mốc giá trị trung bình.

Theo đó, kỳ vọng tăng giá vẫn cần chờ thêm tín hiệu xác nhận khác. Nếu đà hồi phục không kèm theo thanh khoản tăng dần, áp lực điều chỉnh có thể sẽ quay lại trong các phiên cuối tuần này.

Tin bài liên quan