Góc nhìn kỹ thuật phiên 22/12: Chưa thể khẳng định nhịp điều chỉnh đã kết thúc

(ĐTCK) ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/12.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT – FPTS

Thị trường liên tiếp lao dốc mạnh từ vùng 550 điểm cùng với việc chỉ số phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ đã tạo nên một kênh giảm điểm khá tiêu cực. Chỉ số MACD vẫn dao động xấu khi không ngừng gia tăng khoảng cách với đường tín hiệu tính từ đầu tháng 12/2014. Cùng với nhóm trung bình động không ngừng gây áp lực lên đường giá thì khả năng giảm điểm là vẫn còn, với ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 510 điểm.

Trên sàn HNX, dải Bollinger band mở rộng kết hợp với các yếu tố kỹ thuật ủng hộ xu thế bán ra thể hiện HNX-Index vẫn nằm trong kênh giảm với biên độ lớn. Như đã nhận định từ các phiên trước, thị trường vẫn cần thêm thời gian để tích lũy đồng thời test vùng giá hỗ trợ ở 78 – 80 điểm trong tình huống HNX-Index tiếp tục để mất điểm trong ngắn hạn.  

CTCK BIDV – BSC

Phiên giảm điểm 19/12 tiếp tục kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 524 – 525 mà chúng tôi đã đề cập ngày 18/12. Khối lượng giao dịch tăng đột biến so với ngày 18/12 và với bình  quân 20 phiên gần đây. Chỉ báoRSI (14) tiếp tục duy trì dưới vùng quá bán, chưa cắt trở lại được đường 30. Chỉ báo dòng tiền MFI tiếp tục tăng 1,7 điểm, đạt 47,6 điểm, cho thấy  dòng tiền đang được cải thiện. Chỉ báo xu hướng MACD chưa cho dấu hiệu đảo chiều khi đường MACD và đường tín hiệu của nó vẫn duy  trì cách xa đường 0.

Quan sát diễn biến trong phiên, VN-Index duy trì sắc xanh đầu phiên và chạm gần kháng cự 535. Tuy nhiên, việc kiểm định thất bại khiến chỉ số giảm điểm và kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 524. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa ở 523.09 điểm, giảm 5.36 điểm.

Nhiều khả năng, thị trường sẽ kiểm định thành công ngưỡng hỗ trợ 524 – 525 này, và nhịp rung lắc sẽ xuất hiện khi VN-Index tiến tới kháng cự cần nhất 535 điểm.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

Chỉ số VN-Index tiếp tục có 1 tuần giao dịch điều chỉnh giảm điểm mạnh sau khi gãy khỏi vùng hỗ trợ 550 điểm. Nhóm các cổ phiếu dầu khí vốn hóa lớn tiếp tục là tâm điểm của đợt điều chỉnh lần này. Khối ngoại tiếp tục tạo dấu ấn tiêu cực lên thị trường. Thanh khoản tăng mạnh tại 2 phiên điều chỉnh giảm mạnh nhất thị trường do áp lực bán giải chấp tăng cao tại nhóm các cổ phiếu đầu cơ và nhóm các cổ phiếu dầu khí. Phiên giao dịch cuối tuần lượng giao dịch tăng đột biến do diễn biến của việc tái cơ cấu 2 quỹ ETFs.

Đồ thị chỉ số này chính thức rơi khỏi trend tăng điểm trung hạn. Vùng 520 điểm được kỳ vọng là vùng hỗ trợ cứng của chỉ số này trong các phiên giao dịch trong tuần tới.

Chỉ số HNX-Index có 3 phiên giảm điểm liên tiếp đầu tuần, 1 phiên hồi phục tích cực khi chạm ngưỡng hỗ trợ 80 điểm sau đó tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên cuối tuần do áp lực bán ròng từ 2 quỹ. Thanh khoản tiếp tục ở mức rất yếu khi chưa có phiên nào sàn này có giá trị giao dịch đạt 1.000 tỷ đồng. Đồ thị chỉ số này sau khi rơi khỏi ngưỡng hỗ trợ tạo bởi đường SMA200 đã tiếp tục vận động quanh vùng hỗ trợ 80 - 80.5 điểm trong các phiên giao dịch cuối tuần. Khả năng đây sẽ là vùng hỗ trợ cứng cho chỉ số này trong các phiên giao dịch của tuần tới.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index kết thúc tuần sụt giảm bằng một cây nến đỏ đặc có bóng trên dài với sự lấn át của số mã đỏ, còn thanh khoản vẫn duy trì ở mức trên trung bình. Điều này phần nào phản ánh tâm lý thận trọng, tranh thủ chốt lời của nhà đầu tư khi xu hướng hồi phục của thị trường vẫn chưa thực sự chắc chắn.

Đường giá vẫn đang phải chịu sức ép từ sự hướng xuống của đường PSAR và nhóm MA ngắn hạn đang hướng xuống trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục diễn biến xấu đi. Hơn nữa, trên đồ thị tuần, chỉ số cũng hình thành cây nến đỏ đặc dài đẩy đường giá xuyên thủng đường SMA100 và cắt xuống dưới vùng mây Ichimoku tại thời điểm đường ADX vượt lên trên ngưỡng 40 trước sự phân kỳ mở rộng của 2 đường DI, cùng xu hướng giảm mạnh của các chỉ báo kỹ thuật khác. Diễn biến trên tiếp tục cho thấy khả năng có thêm nhịp giảm điểm của chỉ số trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên cơ hội hồi phục trở lại của chỉ số trong những phiên đầu tuần tới khi mà đường giá vẫn đang duy trì bên trên những mốc hỗ trợ ngắn hạn, còn chỉ báo STO trên cả 2 khung thời gian đang có dấu hiệu đảo chiều đi lên từ vùng quá bán.

Vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số trong những phiên đầu tuần tới nằm tại 510- 515 điểm đối với VN-Index tương ứng 79-77.5 điểm đối với HNX-Index. Đây được xem là điểm mua trading với tỷ trọng thấp cho các vị thế ngắn hạn đã thực hiện quay vòng trước đó.

CTCK Maybank Kim Eng – MBKE

VN-Index giảm trở lại, tạo ra nến đỏ ngang bằng nến trắng trước đó. Kết quả này cho thấy phần lớn thành quả tăng giá trước đó đã bị lấy lại. Xu hướng của VN-Index đang là  giảm và đường giá vẫn tạo ra các đáy thấp hơn. Chưa có cơ sở nào tính đến hiện tại khẳng định xu hướng giảm đã kết thúc. 

Đà giảm dù vậy đang giảm tốc, sự cân bằng sẽ sớm được tạo lập trong vài tuần tới. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để sớm tin tưởng vào một xu hướng tăng. Hỗ trợ tiếp theo của VN-Index tại khu vực 500. Cần quan sát phản ứng của đường giá tại vùng hỗ trợ này để đưa ra các hành động mới. 

Thanh khoản tăng. Thanh khoản ghi nhận mức cao nhất trong tuần, dù vậy điều này chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động cơ cấu danh mục ETFs. 

Chỉ báo kỹ thuật kém. MACD vẫn nằm trong vùng để đưa ra nhận định  tiêu cực trong khi phần lớn các chỉ báo còn lại cũng chưa thoát khỏi vùng tiêu cực.  

Dù thị trường sẽ dần ổn định hơn,  còn quá sớm để nói về một xu hướng tăng trong ngắn hạn. Với các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, việc giảm tần suất giao dịch là điều cần thiết. Tỷ trọng cổ phiếu chỉ nên ở mức cân bằng. Tỷ trọng đề xuất: 50/50 (tiền mặt/cổ phiếu).

HNX-Index đã không có phiên tăng điểm nhắc lại. Đường giá suy giảm về hơn 2/3 nến tăng trước đó, giảm đáng kể ý nghĩa của phiên tăng này. 

Xu hướng ngắn hạn của HNX-Index vẫn đang là giảm do đường giá vẫn duy trì các mức đỉnh đáy liền sau thấp hơn. Hỗ trợ tiếp theo nằm tại vùng 76 điểm trong khi kháng cự gần nhất tại 85 điểm – mức biên dưới bị đường giá phá vỡ trước đó không lâu.

Thanh khoản tăng. Do ETFs cơ cấu danh mục, khối lượng giao dịch gia tăng lên xấp xỉ  mức thanh khoản trung bình 50 ngày. Dòng tiền sàn HNX dù vậy vẫn trong trạng thái thụ động. 

Chỉ báo kém tích cực. MACD đã  rơi vào vùng tiêu cực và điều tương tự đang xảy ra ở các chỉ báo khác.

HNX-Index vẫn trong xu hướng giảm. Nhà đầu tư chỉ nên duy trì một tỷ trọng cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu trong bối cảnh hiện nay. Tỷ trọng đề xuất: 50/50 (tiền mặt/cổ phiếu).

CTCK Bản Việt – VCSC

Hai chỉ số có thể tiếp tục đi ngang quanh các mức 520 của chỉ số VN-Index và 81.5 của chỉ số HNX-Index với khối lượng giao dịch thấp trong các phiên đầu tuần tới. Điểm tích cực nhất là các chỉ báo xung lượng ngắn hạn của chỉ số HNX-Index xuất hiện tín hiệu phân kỳ tăng giá tại vùng quá bán, nghĩa là xung lượng tăng điểm đang có dấu hiệu cải thiện và kỳ vọng thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật trong vài phiên tới. Tuy nhiên, hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức GIẢM xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 544.99 của chỉ số VN-Index và 84.38 của chỉ số HNX-Index cho nên chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và chưa nên mua mới ở thời điểm hiện tại cho đến khi xu hướng tăng được xác nhận.

Theo đồ thị tuần, hai chỉ số chững lại đà giảm trong các tuần giao dịch giảm điểm liên tiếp, nhưng chưa thể khẳng định nhịp điều chỉnh đã kết thúc và chúng tôi vẫn duy trì mức TRUNG TÍNH xu hướng trung hạn trên cả hai chỉ số. Do đó, các nhà đầu tư vẫn nên duy trì vị thế nắm giữ cho đến khi mức xu hướng trung hạn có trạng thái tích cực trở lại.

Tin bài liên quan