Góc nhìn kỹ thuật phiên 16/11: Vẫn đang định hình một kênh xu hướng giá xuống

(ĐTCK) Trước khi VN-Index có thể tái lập vùng đỉnh cũ một cách chắc chắn, nhà đầu tư vẫn phải thận trọng với rủi ro của phiên sụt giảm đột ngột, bởi đồ thị của VN-Index trong 2 tháng vẫn đang định hình một kênh xu hướng giá xuống.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 16/11.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index hình thành cây nến trắng nhỏ dạng “spinning top” ngay sát dưới đường SMA50. Thanh khoản được duy trì ở trên mức trung bình 10 phiên, còn độ rộng thị trường diễn ra với tương quan cân bằng giữa 2 bên xanh đỏ. Vùng hội tụ giữa 2 đường SMA20 và SMA50 đang là điểm cân bằng của thị trường. Điều này khiến hành động của nhà đầu tư có phần thận trọng, lưỡng lự để chờ đợi tín hiệu rõ nét hơn của chỉ số. Một cây nến trắng dài được hình thành trong phiên 16/11 sẽ giúp dòng tiền tự tin hơn để tham gia vào thị trường.

Về mặt xu hướng, dải BB vẫn duy trì trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp, còn nhóm MA ngắn hạn và đường SMA50 cũng đang hội tụ. Điều này thể hiện trạng thái tích lũy của chỉ số. Đường giá nhiều khả năng sẽ có dao động giằng co với những nhịp tăng giảm đan xen quanh đường SMA20 trong ngắn hạn. Nếu đường giá bứt phá thành công qua ngưỡng 680 điểm thì dải BB trên (quanh 690 điểm) sẽ là điểm đến kế tiếp.

Về mặt chỉ báo kỹ thuật, đường giá đã cắt lên trên chỉ báo PSAR trong bối cảnh chỉ báo MACD đang hướng về ngưỡng 0 sau khi cắt lên trên đường tín hiệu. Điều này được xem là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến của chỉ số trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc nhóm chỉ báo dao động đã lần lượt đi vào trạng thái quá mua có thể tạo ra lực cản đáng kể đối với đà tăng của đường giá trong một vài phiên kế tiếp.

Trên khung thời gian intraday, sau khi lui về vùng hỗ trợ 670-672 điểm, đường giá đã cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở. Việc các chỉ báo dao động lần lượt đi lên và thoát khỏi vùng quá bán sẽ là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến của đường giá trong những phiên tới. Chỉ số cần phải vượt lên trên đường SMA200 nếu muốn mở ra một nhịp tăng điểm mới. Tuy vậy, áp lức từ các đường MA dài hạn và các đường MA ngắn hạn đang hướng xuống sẽ tạo ra không ít khó khăn đối với đà hồi phục của chỉ số. Vùng kháng cự gần nằm tại 680-685 điểm và 690-695 điểm. Vùng hỗ trợ gần nằm tại 665- 670 điểm và 650-655 điểm.

CTCK  KIS Việt Nam – KIS

Các tín hiệu từ đồ thị nến vẫn chưa cho thấy khả năng xuất hiện một nhịp tăng vững chắc. Ngoài ra, VN30-Index và VN100-Index đang duy trì dưới đường MA(20) và MA(35), cho thấy xu hướng giảm vẫn đang chiếm ưu thế đối với nhóm bluechips. Do các chỉ báo kỹ thuật cũng chưa thật sự rõ ràng, xu hướng đi ngang sẽ chiếm ưu thế trong ngắn hạn đối. Cụ thể, VN-Index sẽ tiếp tục chuyển động trong vùng 670-680 điểm để kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự quan trọng. Nói cách khác, việc tìm kiếm cơ hội lợi nhuận vào thời điểm hiện tại vẫn đang là thách thức đối với nhà đầu tư ngắn hạn.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT – FPTS

Điểm tích cực trong diễn biến VN-Index cho đến thời điểm này là mức đóng cửa của các phiên giảm ngày 4/11, 9/11 và 14/11 đang giúp xác định một đường xu hướng tăng nhẹ và dẫn chiếu kịch bản biến động theo ngày của VN-Index tới khu vực có kháng cự tại 680 điểm. Do đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một phiên bật tăng của chỉ số, nếu đường xu hướng kể trên phát huy tốt vai trò nâng đỡ xu hướng. Thanh khoản bình quân 5 ngày đang có chiều hướng tăng dần cũng là dấu hiệu ủng hộ cho kịch bản trên.

Bên cạnh đó, do VN-Index tránh được phiên giảm thứ 2 liên tiếp nên các chỉ báo dòng tiền và xung lượng bao gồm: RSI, MFI… vẫn bảo lưu được chiều hướng tăng vượt ra khỏi ngưỡng quá bán. Đây sẽ là tín hiệu mang ý nghĩa hỗ trợ đối với kỳ vọng hồi phục của sàn HOSE.

Như vậy, phản ứng của dòng tiền nếu VN-Index một lần nữa hướng về mốc 680 điểm sẽ là tín hiệu quan trọng được chờ đợi của phiên 16/11. Tuy nhiên, trước khi VN-Index có thể tái lập vùng đỉnh cũ một cách chắc chắn, nhà đầu tư vẫn phải thận trọng với rủi ro của phiên sụt giảm đột ngột, bởi đồ thị của VN-Index trong 2 tháng vẫn đang định hình một kênh xu hướng giá xuống.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index có phiên hồi phục nhẹ, kết phiên với cây nến xanh nhỏ dạng spinning tops cho thấy tâm lý giằng co trong phiên. Với phiên hồi phục nhẹ này, tín hiệu trong ngắn hạn chuyển sang trạng thái trung tính, với mốc kháng cự gần nhất tại 675 điểm (MA5) và ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn tại 673 điểm (MA10). Xu hướng trong trung hạn tiếp tục duy trì ở mức trung tính, với ngưỡng hỗ trợ tại 665 điểm (MA100) và kháng cự trong khoảng 675-676,5 điểm (MA20-50). Theo đó, thị trường có thể tiếp tục giao dịch giằng co trong phiên ngày 16/11 trong biên độ khoảng 673-676,5 điểm.

HNX-Index hồi phục nhẹ, kết phiên với cây xanh nhỏ có bóng trên ngắn cho thấy lực mua yếu dần về cuối phiên. Với phiên giao dịch này, tín hiệu trong ngắn hạn của chỉ số chuyển sang trung tính, với hỗ trợ trong khoảng 80,9 điểm (MA5- 10). Xu hướng trong trung hạn vẫn là tiêu cực, với kháng cự gần nhất tại mức 82,1 điểm (MA20). HNX-Index vẫn tiếp tục trong thị trường đi xuống (bear market), với kháng cự tại MA200 ở mức 82,1 điểm. Dự đoán xu hướng trong phiên 16/11, HNX-Index có thể tiếp tục giằng co trong biên độ 80,9-81,6 điểm.

CTCK BIDV – BSC

Các chỉ báo kỹ thuật kém tích cực hơn trong phiên 15/11, khi việc xác định xu hướng thị trường trở nên khó khăn hơn. Thị trường biến động bất ngờ, trồi sụt trong phiên phụ thuộc vào vận động của cổ phiếu riêng lẻ ROS, trong khi những mã cổ phiếu trụ trên thị trường lại có sự tăng giảm trái chiều.

Hiện tại, VN-Index đang đi vào vùng diễn biến được kẹp giữa đường trung bình ngắn hạn MA(15) và đường trung bình trung hạn MA(45), chưa thể chinh phục lại ngưỡng kháng cự 680 điểm và cũng chưa thể mất ngưỡng hộ trợ ngắn hạn 670 điểm. Thanh khoản mặc dù thấp hơn phiên giao dịch trước, nhưng tích cực hơn thanh khoản giao dịch trung bình 15 phiên.

Tin bài liên quan