Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Góc nhìn kỹ thuật phiên 15/3: Khả năng của một bẫy tăng giá chưa được loại trừ

(ĐTCK) Đà hồi phục giúp VN-Index tránh được tín hiệu giao cắt báo bán tạo bởi cặp +/-DI. Tuy nhiên, do tín hiệu của các chỉ báo quan trọng như MACD, MFI… vẫn nghiêng về chiều hướng tiêu cực, nên sẽ cần phải có thêm tín hiệu xác nhận khác để loại trừ khả năng của một bẫy tăng giá.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 15/3.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index đóng cửa tăng điểm, qua đó tiếp tục duy trì trạng thái dao động đi ngang theo mẫu hình tam giác cân. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn tương đối so với khối lượng bình quân 10 phiên gần nhất. Điều này cho thấy, xu hướng dao động đi ngang có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng điểm, tuy nhiên, sự chênh lệch không quá nhiều thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước sự phân hóa khá khó chịu của các dòng cổ phiếu trên thị trường.

Việc cây nến trắng dài xuất hiện được kỳ vọng sẽ giúp đường giá tiếp tục hướng đến cận trên của kênh giá đi ngang, tương ứng với vùng quanh 719,58 điểm trong một vài phiên kế tiếp, qua đó giúp chỉ số tiếp tục hình thành các nhịp dao động đi ngang theo mẫu hình tam giác cân tính từ khi hình thành đỉnh ngắn hạn quanh 719,58 điểm.

Tuy nhiên, dải BB vẫn tiếp tục quá trình thắt hẹp, trong bối cảnh đường ADX đã cắt xuống dưới ngưỡng 20. Điều này có thể khiến quá trình dao động tích lũy theo mẫu hình tam giác cân của đường giá phải kéo dài thêm trong ngắn hạn. Xu hướng mới của chỉ số sẽ được mở ra nếu một trong hai cận của mẫu hình giá đi ngang hiện tại bị phá vỡ. Vùng kháng cự nằm tại quanh 720 điểm và 728-733 điểm. Vùng hỗ trợ gần nằm tại quanh 708 điểm và 695-700 điểm.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index tăng điểm trở lại sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn chuyển từ tiêu cực lên tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 713-714 điểm (MA5-10) và vùng kháng cự trong khoảng 718-720 điểm. Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn chuyển từ trung tính lên tích cực, với hỗ trợ tại 713 điểm (MA20).

Về xu hướng dài hạn, VN-Index tiếp tục duy trì thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ tại 684 điểm (MA100). Dự báo phiên 15/3, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm, với vùng kháng cự tại 718-720 điểm, nhưng diễn biến sẽ khó khăn hơn, với vùng hỗ trợ trong khoảng 713-714 điểm.

HNX-Index hồi phục nhẹ trở lại. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn tiếp tục là trung tính, với kháng cự tại 87,5 điểm (MA5) và hỗ trợ tại 87 điểm (MA10). Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn duy trì tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 86,7 điểm (MA20).

Về xu hướng dài hạn, HNX-Index tiếp tục duy trì trong thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ gần nhất tại 83,4 điểm (MA200). Dự báo phiên 15/3, HNX-Index sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng tới mốc kháng cự tiếp theo tại 87,5 điểm, hỗ trợ gần nhất tại 87 điểm.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT – FPTS

Phiên 14/3 đã ghi nhận nỗ lực phục hồi khá tốt của VN-Index. Như vậy, mốc 710 điểm đã một lần nữa được kiểm tra thành công và đồ thị giá VN-Index nhanh chóng quay vào trong kênh tăng giá có được từ tháng 12/2016 đến nay.

Trên đồ thị ngày, VN-Index đã chứng minh được ngưỡng hỗ trợ mạnh đang tồn tại trong khu vực 705-710 điểm, tương ứng với vùng cận dưới của bollinger bands. Thân nến tăng phản ánh tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện và duy trì tốt cho đến hết phiên giao dịch.

Đây là một dấu hiệu hỗ trợ đối với xu hướng, bởi nó không xác nhận cho tín hiệu của hình mẫu Bearish Engulfing trong phiên 13/3. Thanh khoản giữ ở mức thấp dưới bình quân 5 phiên hàm ý, nhà đầu tư vẫn khá thận trọng đối với biến động giá theo ngày.

Về chỉ báo, đà hồi phục này cũng giúp VN-Index tránh được tín hiệu giao cắt báo bán tạo bởi cặp +/-DI. Tuy nhiên, do tín hiệu của các chỉ báo quan trọng như MACD, MFI… vẫn nghiêng về chiều hướng tiêu cực, nên sẽ cần phải có thêm tín hiệu xác nhận khác để loại trừ khả năng của một bẫy tăng giá.

Trong phiên 15/3, nếu VN-Index tiếp tục giữ dao động phía trên đường SMA 20 với thanh khoản cải thiện, thì vùng đáy mới tại 710 điểm sẽ là cơ sở để giảm bớt rủi ro hình thành xu hướng giá xuống. Ngược lại, nếu VN-Index tái diễn đà giảm, nhà đầu tư vẫn cần dự phòng rủi ro của nhịp giảm đưa VN-Index lùi về mốc 690 điểm hoặc thấp hơn.

CTCK  KIS Việt Nam – KIS

VN-Index đã bật tăng trở lại khá mạnh từ vùng hỗ trợ 705 điểm và vượt qua vùng kháng cự ngắn hạn 710, tương ứng đường MA20 ngày. Tuy nhiên, không có mẫu hình nến đảo chiều tăng nào xuất hiện một cách rõ rệt. Bên cạnh dó, khối lượng giao dịch đã sụt giảm khá đáng kể, giảm hơn 34%, chỉ bằng khoảng 80% mức bình quân 20 phiên.

Do các tín hiệu kỹ thuật vẫn chưa ủng hộ cho khả năng quay trở lại xu hướng tăng, nên VN-Index sẽ phải test lại lực cản ở vùng cản 715-717 trong phiên 15/3. Cụ thể, nhóm chỉ báo xác nhận xu hướng và dòng tiền tiếp tục giảm nhẹ, đặc biệt chỉ báo Chaikin đã cắt xuống đường MA(20) cho tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn. Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng ngắn hạn hạ đánh giá trên VN-Index từ Tăng xuống Trung tính, với mức kháng cự tại 715 và hỗ trợ tại 700-705.

Ngắn hạn, áp lực chốt lời vẫn duy trì ở mức cao. Do đó, chiến lược hợp lý trong giai đoạn này là mua thấp bán cao với tỷ trọng cổ phiếu vừa phải. Nhà đầu tư có thể bán trong phiên tăng điểm mạnh để thực hiện hóa lợi nhuận, đồng thời mua lại khi VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 700-705.

Tin bài liên quan