Góc nhìn kỹ thuật phiên 13/1: Cần thêm những phiên điều chỉnh mang tính rũ bỏ

(ĐTCK)  Khi quan sát kỹ, chỉ số đang tiệm cận tại vùng đỉnh cũ tháng 10/2016, kèm theo khối lượng giao dịch phiên 12/1 gia tăng trên mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý áp lực chốt lời có phần mạnh lên, do đó, chỉ số có thể cần thêm những phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật mang tính rũ bỏ, trước khi có thể tiến lên thử thách ngưỡng 690 điểm
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 13/1.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index đóng cửa giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì được xu hướng đi lên vùng kháng cự mạnh 690-695 điểm. Độ rộng thị trường cân bằng. Các nhóm cổ phiếu tiếp tục có sự phân hóa mạnh, tuy nhiên, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn ra với tương quan cân bằng là nguyên nhân giúp thị trường không biến động quá mạnh trong phiên 12/1.

Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên 11/1 và duy trì trên mức trung bình 10 phiên, còn chỉ báo MFI đạt mức cao mới trên 81 điểm. Diễn biến này cho thấy, sức mạnh dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức độ tích cực.

Ngắn hạn, chỉ số đang hình thành kênh xu hướng tăng ngắn hạn xuất phát từ đầu tháng 12 đến nay. Đích đến của đường giá sẽ là cận trên của kênh giá lên này, ứng với vùng kháng cự mạnh quanh 695 điểm trong thời gian tới. Đường ADX cũng đã vượt lên trên ngưỡng 25 trong sự phân kỳ mở rộng của 2 đường DI, còn đường MACD và Momentum cũng đang duy trì khá tốt xu hướng tăng. Điều này sẽ hỗ trợ cho quá trình đi lên của chỉ số.

Mặc dù vậy, khả năng điều chỉnh ngắn hạn của chỉ số tại vùng cản 688-692 điểm cần được tính đến, khi mà các chỉ báo dao động (STO, W%R) đã ở vào trạng thái quá bán. Nếu kịch bản này xảy ra, đích đến của chỉ số sẽ nằm tại 670-675 điểm.

Trên khung thời gian intraday, chỉ số đang hình thành các nhịp tăng điểm theo dạng bậc thang, với bệ đỡ là đường SMA20 (ứng với 684-685 điểm) đang hướng lên. Như vậy, nhiều khả năng đường giá sẽ có diễn biến điều chỉnh giảm về đường hỗ trợ này trong phiên 13/1.

Nhà đầu tư được khuyến nghị thực hiện bán giảm tỷ trọng danh mục và đẩy mạnh các hoạt động trading cho các vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự mạnh 588-592 điểm. Các vị thế trung hạn có thể tiếp tục duy trì ở mức trung bình thấp và kết hợp trading để giảm bình quân giá vốn.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index giảm điểm nhẹ, nên tín hiệu ngắn hạn vẫn duy trì tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 684 điểm (MA5) và vùng kháng cự trong khoảng 690-692 điểm (đỉnh năm 2016). Tín hiệu trung hạn vẫn là tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 672 điểm (MA20). VN-Index tiếp tục duy trì trong thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ gần nhất tại 672 điểm (MA100).

Trong phiên 13/1, diễn biến của VN-Index có thể là tăng điểm để thử thách lại vùng đỉnh năm 2016 trong khoảng 690-692 điểm, nếu thất bại thì hỗ trợ gần nhất của chỉ số tại 684 điểm.

HNX-Index giảm điểm nhẹ sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, nhưng tín hiệu ngắn hạn vẫn được duy trì tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 82,9 điểm (MA5) và kháng cự gần nhất tại 86 điểm (đỉnh phiên 20/10). Tín hiệu trung hạn tiếp tục là tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 80,7 điểm (MA20).

HNX-Index tiếp tục duy trì xu hướng trong thị trường giá lên (bull market), với hỗ trợ gần nhất tại 82,5 điểm (MA200). Trong phiên 13/1, HNX-Index có thể tiếp tục điều chỉnh để kiểm tra lại hỗ trợ gần nhất tại 82,9 điểm, nếu lực cầu tại đây tôi thì chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng về kháng cự 86 điểm.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK FPT – FPTS

Phiên giao dịch 12/1 đã khép lại với mức giảm nhẹ của VN-Index. Đà tăng tích cực của phiên 11/1 đã không thể nối dài hơn bởi sự phân hóa diễn ra khi thị trường tiếp cận gần hơn vùng kháng cự 690 điểm. Như vậy, biến động chỉ số đang củng cố cho nhận định rằng, HOSE khó duy trì đà tăng mạnh liên tiếp và khả năng xuất hiện điều chỉnh kỹ thuật.

Quan sát diễn biến có thể thấy, tâm lý lạc quan vẫn được duy trì và chỉ số tạo mức cao nhất tại 688,99 điểm. Tuy nhiên, sức ép bán ra cũng được kích hoạt theo mức giá cao này và khiến VN-Index đảo chiều sụt giảm trở lại. Với diễn biến thu hẹp đà giảm cuối phiên, chỉ số chưa vi phạm vào khu vực hỗ trợ bởi đường MA 5 và thanh khoản khớp lệnh đạt trên mức bình quân 20 phiên cho thấy, dòng tiền và tâm lý giao dịch vẫn đang ở trạng thái tích cực.

Về chỉ báo, mức độ tích cực của xu hướng ngắn hạn tiếp tục được bảo lưu bởi trạng thái phân kỳ của cặp DI+/- và độ dốc tăng của MACD. Tuy nhiên, nhóm chỉ báo nhanh gồm Stochastic Oscillator, W%R đang có dấu hiệu đảo chiều sau khi chạm mốc giá trị cực đại, nên dư địa để xuất hiện phiên bật tăng mạnh trở lại là không lớn.

Trong phiên 13/1, với sự hiện diện của các yếu tố kháng cự điển hình như cận trên của dải bollinger, vùng đỉnh 690 điểm (tháng 9 và 10/2016), khả năng VN-Index tiếp diễn điều chỉnh là cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá lo ngại, bởi nếu chỉ số có thể duy trì tốt khoảng dao động phía trên ngưỡng 680 điểm, thì xu hướng ngắn hạn vẫn được đánh giá tích cực.

CTCK Phú Hưng - PHS

VN-Index có phiên suy giảm nhẹ trở lại. Mặc dù vậy, chỉ số vẫn tiếp tục duy trì đóng cửa trên hầu hết các đường MA quan trọng từ MA 5 tới MA 200 cho thấy, xu hướng chính vẫn là phục hồi, phiên điều chỉnh 12/1 có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật khác đang phát đi những tín hiệu tích cực, khi RSI và MACD vẫn duy trì xu hướng đi lên xác nhận tín hiệu mua trước đó.

Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, chỉ số đang tiệm cận tại vùng đỉnh cũ tháng 10/2016, kèm theo khối lượng giao dịch phiên 12/1 gia tăng trên mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý áp lực chốt lời có phần mạnh lên, do đó, chỉ số có thể cần thêm những phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật mang tính rũ bỏ, trước khi có thể tiến lên thử thách ngưỡng 690 điểm (đỉnh cũ tháng 10/2016).

HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm điểm trở lại, nhưng vẫn duy trì trên đường MA 20 và 50 cho thấy, xu hướng phục hồi trong ngắn hạn là vẫn còn, phiên giảm điểm có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Chỉ số có thể sớm đi lên trở lại thử thách ngưỡng 84,3 điểm (78.6).

Nhìn chung, phiên giảm điểm 12/1 có thể chỉ mang tính kỹ thuật, xu hướng chính vẫn là phục hồi. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu lại danh mục hợp lý hơn.

Tin bài liên quan