Góc nhìn kỹ thuật phiên 11/8: Sẽ sớm gặp rung lắc trong ngắn hạn

(ĐTCK) Chỉ báo xu hướng MACD vẫn chưa cho tín hiệu tích cực khi đường MACD vẫn đang nằm dưới đường tín hiệu và chuẩn bị cắt xuống đường 0. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm gặp rung lắc trong ngắn hạn để kiểm định lại ngưỡng 615 điểm.
Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: MSBS)

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: MSBS)

Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 11/8.

CTCK FPT (FPTS)

Sau 4 phiên giao dịch sát khu vực hỗ trợ tâm lý tại 600 điểm, chỉ số xuất hiện tín hiệu hồi phục mạnh trong phiên 10/8. Mặc dù mô hình nến trong phiên này rất tích cực với điểm cao nhất và thấp nhất trùng với điểm đóng cửa và mở cửa, tuy nhiên yếu tố thanh khoản vẫn là điểm hạn chế nhất.

Trong khoảng 10 phiên gần đây khối lượng khớp lệnh có dấu hiệu tụt dốc mạnh và đang trở thành một xu hướng. Do đó, tín hiệu hồi phục trong phiên 10/08 không được đánh giá cao và có phần mang yếu tố kỹ thuật nhiều hơn.

Sự xuất hiện của khoảng trống “Gap” giữa phiên 31/07 và 3/8 sẽ là khoảng kháng cự mà chỉ số có thể sẽ quay lại để thực hiện sự hoàn bù cho nhịp giảm vừa qua tương đương khu vực 620-630 điểm. Đây là nhịp hồi có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá khả năng giảm điểm của chỉ số có tiếp tục kéo dài thêm trong thời gian tới. Các chỉ báo xung lực và xu hướng như RSI, MACD, OBV, ADX cũng đang vận động ủng hộ cho kịch bản này.

Như vậy, biên độ dao động chính của chỉ số trong tuần này sẽ chủ yếu xoay quanh khu vực 600-630 điểm với chiều hướng kiểm tra cận trên của khoảng kháng cự.

Mặc dù độ rộng của nhịp hồi phục này là tích cực với số lượng lớn các cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên yếu tố dẫn dắt của nhóm có tầm ảnh hướng mạnh với chỉ số lại chưa thực sự thuyết phục. Điều này thể hiện rõ qua lực cầu yếu và tổng khối lượng khớp lệnh sụt giảm.

Rõ ràng, tín hiệu hồi phục không đi kèm sự cải thiện của thanh khoản là dấu hiệu cần thận trọng đồi với diễn biến hiện tại của thị trường. Trong bối cảnh này, tỷ trọng tiền mặt nên tiếp tục được duy trì ở mức cao.

Các hoạt động giải ngân nên theo hướng tận dụng các nhịp hồi của chỉ số để cơ cấu lại danh mục, tập trung vào nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt. Hành động mua mới để mở rộng danh mục và đặc biệt có sử dụng margin là hết sức rủi ro và không giành cho nhà đầu tư có mực chịu rủi ro thấp.

CTCK BIDV (BSC)

VN-Index hiện đang chạm ngưỡng kháng cự ngắn hạn 615 điểm, tương ứng với mốc 23.6% của Fibonacci Retracement kể từ đáy 528 điểm và đỉnh 640 điểm. Chỉ báo xu hướng MACD vẫn chưa cho tín hiệu tích cực khi đường MACD vẫn đang nằm dưới đường tín hiệu và chuẩn bị cắt xuống đường 0. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm gặp rung lắc trong ngắn hạn để kiểm định lại ngưỡng 615 điểm.

CTCK MB (MBS)

Về mặt kỹ thuật, các chỉ số đã có 2 phiên hồi phục liên tiếp sau khi chạm về các mốc hỗ trợ 600 điểm của VN-Index và 83 điểm của HNX-Index. Điểm tích cực sau phiên 10/8 là VN-Index thậm chí đã vượt ngưỡng cản ngắn hạn 610 điểm (23,6% Fibonacci) để hướng lên ngưỡng kháng cự cao hơn 620-625 điểm tương ứng với đường trung bình động 20 ngày.

Trạng thái hồi phục của thị trường có thể diễn ra trong phiên tới, tuy nhiên, thanh khoản thị trường cần được củng cố để hỗ trợ cho trạng thái hồi phục bền vững.

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Dù có một phần do ảnh hưởng cá biệt từVNM và BVH, vẫn cần nhìn nhận đây là một phiên tăng tích cực.

Vùng hỗ trợ 600 đã phát huy vai trò và phiên tăng hôm nay cho thấy đây tiếp tục là khu vực hỗ trợ đáng tin cậy.

Như đã lưu ý trước đó, trong kịch bản tích cực nếu việc bảo vệ 600 thành công, VN-Index ngắn hạn nhiều khả năng sẽ di chuyển tích lũy trong biên độ 600 –630 trong ngắn hạn các tuần tới.

Ở kịch bản tiêu cực hơn, nếu hỗ trợ 600 bị xâm phạm, đường giá có thể thoái lùi về khu vực hỗ trợ tiếp theo, vùng 585 điểm.

Thanh khoản có tăng nhẹtrong hôm nay nhưng dòng tiền từ nửa cuối tháng 7 đến nay vẫn đang bị thu hẹp.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 11/8: Sẽ sớm gặp rung lắc trong ngắn hạn ảnh 1

 Đồ thị phân tích kỹ thuật HNX-Index (Nguồn: MSBS)

Chỉ báo về vùng trung tính. MACD đang kiểm tra lại mức 0. Các chỉ báo khác đa phần quay lại vùng trung tính. Triển vọng ngắn hạn của VN-Index ở mức trung bình.

HNX-Index có phiên hồi phục nhẹ thứ hai liên tiếp, một kết quả cho thấy trạng thái cân bằng hơn nếu so với quá trình giảm mạnh trước đó của chỉ số này. 

Như chúng tôi lưu ý trước đó, triển vọng ngắn hạn của HNX-Index vẫn ở mức kém lạc quan. Chúng tôi không đánh giá cao xác suất vượt kháng cự 86 trong thời gian ngắn tới đây. Hỗ trợ tiếp theo của đường giá tại khu vực 80 điểm.

Thanh khoản có tăng nhẹ, nhưng nhìn rộng hơn từ nửa cuối tháng 7 đến nay dòng tiền đã rơi vào trạng thái thu hẹp.

MACD đã giảm về bên dưới đường 0, tạo ra cáinhìn tiêu cực cho đường giá. Các chỉ báo còn lại đa phần chuyển từvùng trung tính sao tiêu cực. Triển vọng của HNX-Index trong ngắn hạn ởmức kém lạc quan.

CTCK Rồng Việt (VDSC)

VN-Index tiếp tục tăng phiên thứ hai liên tiếp, với mức tăng khá mạnh (+10,77 điểm tương đương 1,78%), đóng cửa tại 614,53. Tuy nhiên thanh khoản chỉ được cải thiện nhẹ, với chỉ 85 triệu cổ phiếu khớp lệnh (+13%).

Sau 4 phiên giao dịch tại vùng hỗ trợ 600 điểm thì VN-Index đã bật tăng mạnh trở lại. Tuy vậy khả năng tiếp tục tăng của VN-Index vẫn còn bỏ ngỏ, bởi rất có khả năng đây là hiện tượng phục hồi kỹ thuật khi VN-Index kiểm nghiệm lại ngưỡng hỗ trợ bị phá trước đó (vùng 615 điểm, tương ứng với đường EMA(26)).

Nhìn rộng ra, khi VN-Index đã giảm từ vùng 640 điểm về 600 điểm thì rủi ro đã giảm đi rất nhiều. Nếu VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 600 điểm thì sẽ sớm được nâng đỡ bở đường SMA(200), tương ứng với 580 điểm. Do vậy chúng tôi cho rằng, vùng xung quanh 600 điểm là vùng hợp lý để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung dài hạn.

Các tín hiệu kỹ thuật sau một thời gian giảm mạnh thì đã có sự phục hồi nhẹ trở lại. Chỉ báo Stochastic đã bật tăng khi chạm vùng quá bán.

HNX-Index tăng nhẹ 0,53 điểm (tương đương 0,63%), đóng cửa tại 84,41. Thanh khoản cũng vẫn ở mức thấp, với 36,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh (+18%)

Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng có xu hướng phục hồi để kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ đã bị thủng trước đó (tương đương 84,5-85 điểm). Với thanh khoản thấp trong những phiên vừa qua thì có thể thấy HNX-Index vẫn trong xu hướng giảm, và những phiên phục hồi chỉ là tạm thời.

Các chỉ báo kỹ thuật đang phục hồi nhẹ và có xu hướng đi ngang, cho thấy nhịp giảm mạnh trước đó đang chững lại.

Xu hướng tăng của HNX-Index sẽ trở nên rõ ràng nếu như chỉ số này vượt được vùng 85 điểm với khối lượng thuyết phục.

Tin bài liên quan