Góc nhìn kỹ thuật phiên 10/9: Có thể lùi về vùng 567-569 điểm

(ĐTCK) Hiện tại, khoảng trống tăng giá tương ứng với vùng 567-569 điểm sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số trong một vài phiên tới. Chỉ số hoàn toàn có thể lùi về vùng điểm này một lần nữa để tạo đà cho quá trình tăng điểm tiếp theo.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 10/9.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Khoảng trống tăng giá “Rising Window” xuất hiện giúp đường giá vượt lên trên nhóm MA20 trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật đang có diễn biến tương đối tích cực. Cụ thể, đường MACD đã chớm vượt lên ngưỡng 0, đường STO cũng giao cắt lên trên trở lại với đường tín hiệu và tạo ra khoảng cách trên 20 điểm với đường này, còn các chỉ báo khác (RSI, Momentum) vẫn duy trì xu được hướng tăng điểm ngắn hạn.

Những tín hiệu tích cực này được kỳ vọng sẽ giúp cho chỉ số tiếp tục tăng điểm và tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh được tạo bởi đường SMA100 và SMA200 trong những phiên còn lại của tuần.

Mặc dù vậy, đường giá sẽ gặp phải áp lực chốt lời, rung lắc mạnh khi tiến đến vùng kháng cự mạnh này đồng thời để ngỏ khả năng chỉ số có thể có nhịp điều chỉnh giảm theo hướng đi ngang tích lũy quanh vùng kháng cự này. Hiện tại, khoảng trống tăng giá tương ứng với vùng 567-569 điểm sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số trong một vài phiên tới. Chỉ số hoàn toàn có thể lùi về vùng điểm này một lần nữa để tạo đà cho quá trình tăng điểm tiếp theo.

Vùng kháng cự gần của 2 chỉ số vẫn được dự báo nằm tại 575-580 điểm đối với VN-Index tương ứng 78-78,5 điểm đối với HNX-Index. Đây tiếp tục được xem là điểm bán trading một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đang nắm giữ.

CTCK MB – MBS

Về mặt kỹ thuật, việc VN-Index vượt qua mức 570 điểm và HNX-Index là 78 điểm tương ứng với giá trị đường trung bình động 20 ngày là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các chỉ số đang đối mặt với ngưỡng kháng cự ngắn hạn của VN-Index là 575 điểm tương ứng với mức Fibonacci 50% và HNX-Index là 79 điểm tương ứng với mức Fibonacci 38,2%. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì trạng thái cổ phiếu ở mức 50% danh mục, chờ đợi thị trường kiểm nghiệm các vùng kháng cự mới để có các quyết định phù hợp.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

Đồ thị VN-Index tạo thành 1 Rising window, tuy vậy, chỉ số này cũng tạo thành 1 Doji ngay tại mốc cản tạo bởi đường SMA200. Trạng thái rung lắc do vậy sẽ xuất hiện trong các phiên tới do VN-Index đang test lại các nhóm SMA dài hạn quanh vùng 575 – 585 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn duy trì đà tăng tích cực cho thấy xung lực tăng điểm vẫn đang được duy trì trong ngắn hạn.

HNX-Index tăng khá mạnh tạo thành một thân nến tăng dài. Tuy vậy, chỉ số này sẽ phải test lại mốc 78,3 điểm trong phiên tới và rung lắc có khả năng xảy ra. Đường giá cũng đang test lại middle của bollinger bands. Nếu giá không vượt lên trên mốc này, xu hướng điều chỉnh sẽ quay lại. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang duy trì đà tăng tích cực và chưa có dấu hiệu điều chỉnh trở lại.

CTCK FPT – FPTS

Phiên 9/9 kết thúc với chiều hướng tăng và dừng lại tại mức 572,34 điểm. Như vậy, với 02 phiên tăng liên tiếp, khoảng cách giữa chỉ số với khu vực kháng cự mạnh được chú ý tại 575-580 điểm đang thu hẹp nhanh chóng. Đây là khoảng điểm được đánh giá là quan trọng đối với khả năng đảo chiều xu hướng sắp tới của chỉ số. Cụ thể, khoảng kháng cự 575-580 điểm được tạo bởi đường xu hướng giảm từ đỉnh 640 điểm ngày 28/7 vừa qua, đồng thời cũng là nơi hội tụ với đường MA 200 dài hạn. Ngoài ra, kênh hồi quy giảm từ đỉnh 640 điểm vào ngày 15/7 cũng chưa bị phá vỡ. Như vậy, cho tới phiên 9/9, chỉ số vẫn đang vận động trong kênh giảm ngắn hạn.

Độ rộng của dải bollinger đang co hẹp hàm ý biến động của chỉ số đang dần ổn định. Hiện tượng chỉ số đang ngày càng tiến sát hơn biên trên của dải bollinger trong trạng thái thanh khoản không thực sự dồi dào có thể sẽ tiềm ẩn khả năng điều chỉnh trong các phiên tới. Chỉ báo nhanh như Wm%R và CCI bắt đầu cảnh báo chỉ số đang đi vào khu vực “quá mua”, trong khi ADX vẫn vận động giảm là những tín hiệu ủng hộ cho lập luận trên. Đối với các chỉ báo có độ tin cậy cao như MACD hay RSI, xung lực của xu hướng hồi phục cũng được đánh giá là yếu do MACD và đường tín hiệu vẫn dưới mức 0 và RSI đang đi ngang ở mức trung tính (50).

Ở chiều hỗ trợ, sau phiên tăng điểm 9/9, một khoảng trống tăng giá –“Gap” đã xuất hiện cho thấy lực cầu đang chiếm lợi thế về xu hướng. Khoảng trống này cũng sẽ là khu vực hỗ trợ mới trong trường hợp chỉ số  có nhịp điều chỉnh tại 565 điểm. Vẫn cần chú ý rằng yếu tố thanh khoản trong những phiên gần đây đạt mức khá thấp, dưới mức bình quân 20 phiên. Đây là yếu tố tiềm ẩn về  khả năng suy giảm của lực cầu khi chỉ số vào khu vực có kháng cự mạnh.

Tin bài liên quan