Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Góc nhìn kỹ thuật phiên 10/8: Phản ứng của chỉ số tại vùng hỗ trợ 760 cần được đặc biệt lưu ý

(ĐTCK) Cây nến đỏ đặc dài kèm theo “gap” giảm điểm được hình thành trong phiên hôm nay (9/8) đang khiến chỉ số chuyển biến theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Đường giá nhiều khả năng sẽ lùi về vùng hỗ trợ 765-770 điểm tương ứng với đường SMA50 trong một vài phiên kế tiếp.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 10/8.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Vn-Index sụt giảm mạnh và cắt xuống dưới đường SMA20. Với diễn biến này, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến tiêu cực trong một vài phiên kế tiếp.

Thanh khoản tăng mạnh gần gấp rưỡi mức trung bình, còn độ rộng thị trường bị bao phủ gần như hoàn toàn bởi sắc đỏ. Giao dịch này cho thấy tâm lý bi quan và có phần hoảng sợ của nhà đầu tư đối với xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.

Cây nến đỏ đặc dài kèm theo “gap” giảm điểm được hình thành trong phiên hôm nay đang khiến chỉ số chuyển biến theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Đường giá nhiều khả năng sẽ lùi về vùng hỗ trợ 765-770 điểm tương ứng với đường SMA50 trong một vài phiên kế tiếp.

Phản ứng hồi phục của chỉ số được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại vùng hỗ trợ này. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, chỉ số xuyên thủng vùng điểm này, thì xu hướng tăng ngắn hạn của chỉ số nhiều khả năng sẽ kết thúc.

Nếu kịch bản này xảy ra, đường giá có thể sẽ lùi về vùng hỗ trợ mạnh hơn 750-755 điểm (tương ứng với đường xu hướng tăng kéo dài từ đầu năm 2016 đến nay).

Trên khung thời gian intraday, chỉ số đã hình thành xung lực giảm mạnh. Điều này hàm ý khả năng tiếp tục suy giảm của đường giá trong phiên kế tiếp. Hỗ trợ trong phiên của chỉ số được dự báo nằm tại quanh 772 điểm.

Một vài dấu hiệu phân kỳ đã xuất hiện trên các khung thời gian ngắn. Tín hiệu này có thể giúp chỉ số xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn trong những phiên còn lại của tuần.

Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại quanh 765-770 điểm và 750-755 điểm. Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 780- 785 điểm và 797-802 điểm

CTCK  KIS Việt Nam – KIS

Áp lực bán mạnh hôm nay đến chủ yếu từ tin đồn trên thị trường có liên quan đến BID, do đó dẫn đến đà bán tháo mạnh trên toàn thị trường.

Hai chỉ số giảm mạnh và áp lực bán tăng dần tại các mức giá thấp, chỉ số VN-Index cắt đường SMA20 và đóng cửa ở mức thấp nhất, có chiều hướng tiêu cực hơn trong ngắn hạn, trong khi đó chỉ số HNX-Index tiến gần về đường trung bình SMA20.

Tuy nhiên, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì đà Tăng trên VN-Index và HNX-Index với mức cắt lỗ đặt tại 765-770 và 100-100,5.

Khối lượng giao dịch tăng mạnh và đột biến trên mức trung bình 20 phiên, đây là tín hiệu rất tiêu cực cho xu hướng ngắn hạn và không đơn thuần là phiên điều chỉnh.

Cây nến thân dài ngày hôm nay cho thấy tâm lý nhà đầu tư chuyển từ mức lạc quan sang bi quan. Các chỉ báo xung lượng ngắn hạn giảm mạnh và rời khỏi vùng quá mua cho thấy áp lực bán có thể tiếp tục tăng dần trong những phiên tới.

Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể tiếp tục đà giảm trong phiên kế tiếp và chưa có nhịp hồi phục đáng kể ở thời điểm này, mức hỗ trợ kế tiếp của hai chỉ số là mức 760-765 và 100- 100,5.

Đặc biệt, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn đã giảm mạnh và rời khỏi vùng quá mua cho thấy trạng thái tăng trưởng mạnh đã không còn

Góc nhìn kỹ thuật phiên 10/8: Phản ứng của chỉ số tại vùng hỗ trợ 760 cần được đặc biệt lưu ý ảnh 1

  Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK FPT - FPTS

Chốt phiên 09/08, chỉ số giảm gần 18 điểm với thanh khoản đạt mức cao kỉ lục. Mẫu hình nến Bearish Marubozu kết hợp với áp lực bán lên đến hơn 292 triệu cổ phiếu cho thấy sự chuyển biến tâm lý mạnh mẽ từ tích cực sang tiêu cực của đại đa số các nhà đầu tư.

Như đã phân tích ở phiên trước, 2 mã SAB và PLX cùng giảm điểm khiến chỉ số mất đi lực đỡ vốn có. Từ đó, các chỉ số thành phần như VN30, VNMID và VNSML đều đồng loạt giảm mạnh.

Với đà giảm mạnh của phiên hôm nay thì tín hiệu xu hướng khá tiêu cực là việc ngưỡng hỗ trợ 780 điểm dễ dàng bị đổ vỡ. Kết hợp với trạng thái phân kì được ghi nhận ở các chỉ báo Xung Lượng thì kịch bản cho một nhịp giảm sâu của VN-Index đang được kích hoạt.

Trong trung-dài hạn, xu hướng tăng điểm vẫn được duy trì và đường EMA 60 ngày đóng vai trò hỗ trợ khá mạnh. Chỉ số thường có khuynh hướng giảm về đường EMA 60 ngày trong các nhịp hiệu chỉnh trước vn-khi tăng điểm trở lại và vượt đỉnh trước đó.

Đây cũng là khu vực đáy của sàn HSX trong nhịp giảm gần nhất. Vì vậy, mốc 760 điểm sẽ tiếp tục giữ vai trò hỗ trợ trong trường hợp đà giảm mạnh tiếp diễn.

Cũng cần lưu ý rằng việc VN-Index rút ngắn khoảng cách giữa các đợt điều chỉnh mạnh gần đây đang cho khả năng xu hướng tăng điểm kể từ đầu năm 2017 của HSX đang dần đi đến giới hạn.

Do đó, phản ứng của chỉ số tại vùng hỗ trợ dưới cần được đặc biệt lưu ý để đánh giá rủi ro đảo chiều xu hướng trung – dài hạn.

CTCK Phú Hưng - PHS

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm mạnh mẽ tới hơn 2,2%. Khối lượng giao dịch gia tăng lên thiết lập mức kỷ lục mới cho thấy dòng tiền có xu hướng thoát ra khỏi thị trường.

Không những vậy, xu hướng điều chỉnh ngắn hạn đang có dấu hiệu quay trở lại, khi chỉ số có phiên đi xuống đóng cửa dưới MA 5 và 20.

Đồng thời, đường +DI cho tín hiệu cắt xuống đường –DI, trong khi đường RSI đang đi xuống trở lại vùng 47 hàm ý đà phục hồi có dấu hiệu suy yếu. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất trong phiên tới có thể là vùng 769 điểm (MA50).

Trong trường hợp ngưỡng hỗ trợ gần bị phá vỡ thì ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số có thể là vùng 756 điểm (Fib 61.8).

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có phiên giảm điểm mạnh. Mặc dù, chỉ số vẫn đang nằm trên MA 20 cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn có thể là vẫn còn.

Tuy nhiên, khi quan sát kĩ trên đồ thị nến ngày, mô hình hai đỉnh (đỉnh giá ngày 6/7 và 8/8 năm 2017) của HNX Index đang có dấu hiệu hình thành, khi tại hai đỉnh giá giảm luôn có sự đi kèm của khối lượng gia tăng mạnh cho tín hiệu phân phối tại các đỉnh giá.

Đây mới chỉ là tín hiệu cảnh báo sớm về mô hình đảo chiều hai đỉnh (mô hình chỉ được xác nhận khi chỉ số đi xuống dưới ngưỡng 96,6 điểm (đáy tháng 7/2017).

Do đó, nhà đầu tư nên thận quan sát diễn biến tiếp theo của chỉ số nhằm đưa ra các quyết định phù hợp hơn.

Nhìn chung, phiên giảm điểm ngày 9/8 cho thấy áp lực điều chỉnh đang gia tăng. Do đó, nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng về mức hợp lý và hạn chế sử dụng magin nhằm hạn chế rủi ro.

Tin bài liên quan