Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Biểu hiện của vùng đỉnh đã thể hiện khá rõ

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Biểu hiện của vùng đỉnh đã thể hiện khá rõ

(ĐTCK) Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia chứng khoán nhận định, một số tín hiệu biểu hiện của vùng đỉnh đã thể hiện khá rõ trong phiên giao dịch cuối tuần. Do đó, thị trường đang ở giai đoạn cuối của sóng kết quả kinh doanh quý II và sẽ bước vào nhịp điều chỉnh trong thời gian tới.

VN-Index đã vượt qua ngưỡng 600 điểm và đã sắp chạm đỉnh cũ của năm (607,55 điểm của phiên ngày 24/3). Các ông/bà đánh giá ra sao về tính "bền vững" của thị trường trong thời gian tới?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)

Sự phục hồi mang yếu tố kỹ thuật sau đợt giảm quá đà của sự kiện biển Đông và “sóng” kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết đã giúp VN-Index trở lại vùng 600 điểm, tiệm cận vùng đỉnh cũ 609,46 điểm. Đây là mốc điểm cao nhất trong vòng gần 5 năm trở lại đây và cũng là vùng kháng cự tâm lý khá mạnh trong ngắn hạn.

Trong 2 tuần gần đây, mặc dù chỉ số có tăng điểm, nhưng thị trường tiếp tục có diễn biến phân hóa mạnh với số cổ phiếu giảm điểm vẫn chiếm phần lớn so với cổ phiếu tăng điểm và đà tăng chỉ tập trung vào một số cổ phiếu chứ không phải là tất cả. Trong đó, thông tin kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp cũng đã hé lộ và phản ảnh phần lớn vào giá cổ phiếu. Đây chính là yếu tố thông tin nâng đỡ tâm lý giúp thị trường có diễn biến giao dịch tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp niêm yết đã không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư.

Do đó, một số tín hiệu biểu hiện của vùng đỉnh đã thể hiện khá rõ trong phiên giao dịch cuối tuần khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt xu hướng trước đó như: SSI, PGS, PVC, PVS, PXS, FPT…bị bán khá mạnh và có tín hiệu tạo đỉnh đi xuống.

Chỉ số VN-Index dao động sideway hẹp trong vùng 595 - 605 với sự phân hóa lớn, dòng tiền yếu với động lực tăng giá cạn do đó biên độ hồi phục nếu có là thấp, trong khi khả năng giảm đang chiếm ưu thế. Do đó, tôi cho rằng, thị trường đang ở giai đoạn cuối của sóng kết quả kinh doanh quý II và sẽ bước vào nhịp điều chỉnh trong thời gian tới.

Xét về yếu tố phân tích cơ bản, tại vùng điểm hiện tại mức PE của thị trường ở mức 14,6 lần cũng đã phản ánh đủ kỳ vọng của kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp do đó thị trường trở nên kém hấp dẫn trong ngắn hạn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Trong ngắn hạn, thị trường vẫn bị áp lực điều chỉnh nhất định nhưng không sâu, một phần là do lịch sử để lại thường tháng 7 đến đầu tháng 8, thị trường thường không có đột biến, về phân tích kỹ thuật cũng cho các tín hiệu tiêu cực.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại, các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ, tiết kiệm đều yếu giúp dòng tiền vẫn duy trì trong TTCK, nhưng cũng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian ngắn vì cũng không có nhiều thông tin tốt trong giai đoạn này đủ mạnh làm hỗ trợ thị trường. Bởi thế, xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ chuẩn bị đà tăng cho trung dài hạn sẽ là một kịch bản dễ xảy ra hơn.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới CTCK VNDirect (VNDS)

Ngưỡng 605 điểm đạt được trong tuần qua chủ yếu nhờ các tác động của các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VIC, VNM, PVD, BID… trong khi với đa số các cổ phiếu vẫn tiếp tục đi xuống dần đều bất chấp việc tăng điểm.

Ông Nguyễn Trung Du (trái) và ông Ngô Thế Hiển (phải)   

Điều này cho thấy, các dòng tiền đầu cơ tranh thủ tăng điểm để bán rút ra dần đều bởi các cơ hội ngày càng thu hẹp với đa số nhà đầu cơ và rủi ro ngắn hạn tăng lên. Yếu tố bất ngờ nhất trong tuần qua là sự trở lại của dòng tiền từ VNM ETF trong 2 phiên cuối tuần, nhưng cũng chưa đủ hấp dẫn để tạo sự đồng thuận và níu kéo dòng tiền ở lại. Do đó, tính đồng thuận và bền vững của mốc điểm này không được tôi đánh giá cao và rủi ro thị trường kết thúc một đợt tăng giá và rơi vào trạng thái bào mòn đang lớn hơn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS

Cùng với việc đi vào hoạt động của các quỹ ETF nội, các biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch cũng như làm gia tăng thanh khoản toàn thị trường, tôi cho rằng, TTCK Việt Nam đã và đang dần đi vào hoạt động ổn định, vững vàng và quy mô càng lớn mạnh hơn. Xu thế cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, dòng tiền đầu tư từ nước ngoài gia tăng, các quy định mới về khả năng nới room cho khối ngoại sẽ cho phép các tổ chức nước ngoài tham gia nắm giữ các cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Như vậy, tính bền vững của thị trường trong thời gian tới càng được củng cố hơn. TTCK về tương lai sẽ phải phát triển đi lên.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Tính bền vững của thị trường chứng khoán liên quan đến những diễn biến của nền kinh tế trong thời gian nửa cuối năm 2014. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế đã thoát đáy, những mục tiêu điều hành vĩ mô mà Chính phủ kiên định theo đuổi đã bước đầu mang lại kết quả tích cực: GDP tăng trưởng 5,18%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 4,9% cùng kỳ năm trước và 4,38% của cùng kỳ năm 2012.

Lạm phát được kiềm chế, Chỉ số CPI 6 tháng đầu năm chỉ đứng ở mức 1,38%, thấp nhất trong 13 năm qua. Trần lãi suất huy động đã được NHNN giảm thêm 1% trong 6 tháng đầu năm 2014 và có thể sẽ giảm thêm nữa trong 6 tháng cuối năm. Tỷ giá được NHNN điều chỉnh tăng 1% vào cuối quý II vừa qua và nhiều khả năng được giữ ổn định trong 6 tháng cuối năm, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh. Như vậy, kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế trong năm nay tiếp tục được đáp ứng.

Bên cạnh đó, hiệu ứng về việc thành lập quỹ ETF nội  cộng thêm việc chu kỳ cuối quý III tới cuối năm thường là thời điểm hoạt động mạnh trở lại của nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là các yếu tố tạo hiệu ứng tích cực cho các nhà đầu tư trong nước trong thời gian tới, qua đó giúp thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển bền vững.

CPI cả nước tháng 7 chỉ tăng nhẹ, ở mức 0,23% so với tháng 6/2014, Việt Nam cũng xuất siêu 1,34 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay... Các ông đánh giá những thông tin vĩ mô này đang tác động thế nào đến TTCK?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)

Về tổng thể, các chỉ số về kinh tế vĩ mô vẫn đang cho thấy kinh tế trên đà hồi phục, mặc dù tín hiệu hồi phục vẫn tương đối chậm chạp.

Nhìn chung, những thông tin kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện tại phần lớn đã phản ánh vào mức tăng trưởng của thị trường trong thời gian qua. Trong đó, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự có điểm bứt phá nào đáng kể.

Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cao hơn so với 3 tháng đầu năm, song mức tăng còn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010-2011. Trong đó, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào yếu tốt nước ngoài khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và cả nhấp khẩu của khu vực FDI vẫn nhanh hơn ở khu vực nội địa.

 Ông Trần Hoàng Sơn

Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp là tín hiệu tích cực, nhưng ở chiều ngược lại chúng ta đang nhận thấy một vấn đề rất rõ nét đó là sức cầu của nền kinh tế vẫn đang còn rất yếu.

Doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn dẫn tới việc không có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn tới sức cầu về vốn và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất hạn chế.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,52% so với cuối năm 2013 phản ánh rất rõ bức tranh kinh tế chưa thực sự sáng sủa.

Do đó, thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm cũng sẽ khó có yếu tố đột biến trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

CPI hiện nay chỉ là một trong nhiều yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm ảnh hưởng đến TTCK. Những thông tin này tác động tích cực trong trung hạn nhiều hơn vì phải cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng bền vững hơn là trong một giai đoạn ngắn.

Ngoài ra, các thông tin kinh tế xã hội khác như tăng trưởng kinh tế, giá xăng dầu, biển Đông, dòng vốn ngoại… Những số liệu những tháng gần đây cũng cho thấy, ngoài những thông tin trên thì các thông tin vĩ mô khác đang dần tích cực, số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp cũng liên tục được cải thiện sẽ hỗ trợ cho TTCK tăng điểm trong trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới CTCK VNDirect (VNDS)

Thông tin này không tác động nhiều tới TTCK, bởi mức tăng nhẹ và không làm thay đổi nhiều CPI theo năm hiện ở mức hơn 4,94%.

Mức tăng nhẹ của CPI tiếp tục cho thấy những dấu hiệu cải thiện của tổng cầu, nhưng tốc độ cải thiện vẫn rất chậm. Trong các tháng cuối năm, khi vào mùa mưa bão, khai trường và áp lực tăng giá của một số hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, điện cộng với đẩy mạnh tín dụng sẽ có áp lực tăng lên CPI, nhưng theo đánh giá của tôi, lạm phát 2014 vẫn trong tầm kiểm soát dưới 5,5% và lãi suất cũng sẽ sớm chạm đáy trong quý tới khi không còn nhiều dư  địa so với lạm phát.

TTCK vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ những cải thiện chậm và chắc này, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với những biến động không quá lớn cho TTCK ở những tháng cuối năm tại mốc điểm quanh 600 hiện tại.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS

Tôi cho rằng, đây sẽ là thông tin tốt hỗ trợ TTCK trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, với thời điểm diễn biến thị trường trong tháng tới thì thông tin trên sẽ không thể làm thanh khoản thị trường tăng mạnh và thị trường sẽ cần thời gian điều chỉnh và tích lũy thêm trước khi dòng tiền có sự đồng thuận lớn hơn tham gia vào thị trường.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Dù thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu vẫn khá tích cực, thì việc chỉ số giá chỉ tăng 1,62% so với cuối 2013, mức thấp nhất trong vòng 13 năm theo chúng tôi lại gây ra lo ngại rằng cầu nội địa vẫn đang ở mức thấp và điều này có thể gián tiếp tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 này.

Nhìn chung, các yếu tố vĩ mô đang ở mức ổn định và có dấu hiệu tích cực dần, nhưng tốc độ khá chậm. Tuy nhiên, tác động của các yếu tố vĩ mô tới TTCK ở thời điểm hiện tại lại không nhiều khi mà nhà đầu tư nhìn nhiều hơn vào yếu tố dòng tiền vào thị trường.

Theo nhận định của các ông, TTCK trong ngắn hạn, mà cụ thể trong tuần tới (28/7 đến 1/8) sẽ theo xu hướng nào? Vậy đâu là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng mang tính dẫn dắt?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)

Trong thời gian 2 tuần gần đây, những thông tin dự báo sớm về kết quả kinh doanh quý II của các cổ phiếu niêm yết đã phần lớn phản ánh vào giá khi nhiều cổ phiếu đã có mức tăng mạnh hơn so với Index như nhóm cổ phiếu săm lốp (CSM, DRC, SRC…), dầu khí (PVS, PVC, PXS, PGS…), chứng khoán (HCM, SSI…) và một số cổ phiếu khác như FPT, HPG…Trong đó, đa số các cổ phiếu thuộc nhóm này hầu hết đã điều chỉnh giảm trở lại.

Do đó, tôi cho rằng, thị trường tuần tới sẽ rất phân hóa và sẽ không có một nhóm cổ phiếu nào đủ sức hấp dẫn thu hút dòng vốn và dẫn dắt thị trường trong thời điểm này, bởi đa số cổ phiếu có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh giảm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, xu hướng đi ngang tích lũy nhiều hơn là có sự tăng giảm mạnh trừ trường hợp mốc 608 được vượt qua. Hiện vùng kháng cự của cả 2 chỉ số chứng khoán Việt Nam trong tuần qua là 605-608 và 82-83 điểm đều không vượt qua được mỗi khi giá lại gần vùng này, nên tôi thiên về dự báo thị trường tiếp tục tích lũy để tạo đà vượt các mốc trên.

Nhóm cổ phiếu lớn vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong lúc này bao gồm GAS, VNM, MSN, BVH, PVD.

Ông Phan Dũng Khánh (trái) và ông Lê Đức Khánh (phải)

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới CTCK VNDirect (VNDS)

Trong hơn 1 tuần qua, thị trường vẫn tiếp tục chứng kiến sự phân hóa tương đối mạnh khi nhóm các cổ phiếu cơ bản như PVD, PGS, PVS, GAS… vẫn tiếp tục tăng giá ấn tượng trong khi ngược lại, nhóm các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản và các cổ phiếu đầu cơ nhỏ nhìn chung đang bào mòn đi xuống.

Phiên giao dịch 25/7 cho thấy mức độ chán nản của những người nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ và thực tế các cổ phiếu cơ bản cũng còn rất ít động lực tăng.

Thị trường hiện đã lộ rõ rủi ro hơn khi đồng thuận xuống và xu hướng tăng có dấu hiệu chấm dứt ở đa số cổ phiếu. Do đó, trong tuần tới, tôi cho rằng, với đa số các cổ phiếu sẽ tiếp tục rủi ro đi xuống mặc dù VN-Index có thể không giảm nhiều thậm chí tăng điểm bởi sự tác động của các mã vốn hóa lớn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK MSBS

Trong ngắn hạn tuần tới, tôi đánh giá thị trường sẽ rơi vào giai đoạn điều chỉnh, không loại trừ khả năng điều chỉnh mạnh. Diễn biến các phiên chạm ngưỡng kháng cự quan trọng 600 - 605 điểm kèm thanh khoản sụt giảm đã phát đi tín hiệu thị trường sẽ điều chỉnh. Nhà đầu tư cũng nên thận trọng và nên giảm tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu tốt.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Trong tuần tới, các số liệu vĩ mô quan trọng của tháng 7 sẽ được công bố như tiêu thụ, tồn kho, sản xuất công nghiệp, PMI… Các số liệu này được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tích cực, ngoài ra kết quả kinh doanh quý II được kỳ vọng khả quan của một số doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục được công bố. Do vậy, theo chúng tôi, những yếu tố này sẽ giúp giảm bớt tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và kích thích dòng tiền bên mua hoạt động tích cực hơn trong tuần tới.

VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm, test lại mốc đỉnh của năm 607,5 điểm với động lực là các cổ phiếu Bluechip, kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt.

Tin bài liên quan