Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời của cổ phiếu penny?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời của cổ phiếu penny?

(ĐTCK) Trong tuần vừa qua, thị trường đã chứng khiến nhiều cổ phiếu penny nổi sóng. Liệu đã đến thời điểm bùng nổ của nhóm cổ phiếu penny, hay dòng tiền vào nhóm này chỉ mang tính nhất thời? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Tuần qua, thị trường đã diễn biến theo kỳ vọng khi chỉ số VN-Index đã quay trở lại mốc 930 điểm, tuy vẫn nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về sự phục hồi của thị trường. Trong tuần tới, thị trường sẽ diễn biến theo xu hướng nào, theo ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Chỉ số VN-Index đã tăng liền 6 phiên liên tiếp cho đến trước hôm thứ Sáu. Một phần lý do của hôm thứ Sáu có thể nói là do chốt lời, phần khác, có lẽ lại tiếp tục đến từ các biến động kinh tế từ thế giới bên ngoài.

Khối ngoại bán ròng, vừa là yếu tố tác động lên tâm lý nhà đầu tư nội, nhưng nó cũng chỉ là dẫn xuất từ những biến động đó. Biến động của index hôm thứ Sáu đang gây nhiễu thông tin về dự báo tuần tới.

Tôi thấy có rủi ro chỉ số quay lại ngưỡng 900-910, nhưng tôi vẫn đánh cược vào khả năng tiếp tục đi lên. Do đó, cá nhân tôi sẽ không bán.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta

Thị trường đã cải thiện đáng kể cả về điểm số và thanh khoản, đặc biệt xu hướng ngắn hạn của các chỉ số chính vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, tôi giữ quan điểm thị trường sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong tuần giao dịch tới và dòng tiền sẽ tiếp tục cải thiện dần, nhưng thị trường cũng có thể sẽ xuất hiện nhịp rung lắc trong phiên hoặc điều chỉnh nhẹ khi áp lực chốt lời gia tăng.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận chiến lược thị trường CTCK MBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần hồi phục theo kỳ vọng khi chỉ số VN-Index đã lấy lại được mốc 930 điểm, với mức tăng 2,6%, TTCK Việt Nam đã lọt vào Top 3 thị trường chứng khoán toàn cầu có sự hồi phục mạnh nhất trong tuần vừa qua, qua đó chấm dứt chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời của cổ phiếu penny? ảnh 1

Ông Ngô Quốc Hưng 

Sự nhập cuộc trở lại của dòng tiền là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua. Giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đã lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần, đạt 3.323 tỷ đồng/phiên, tăng 46,4% so với tuần trước đó. Độ rộng của thị trường theo đó có sự lan tỏa tích cực ở các nhóm dẫn dắt như: Ngân hàng, bất động sản… Bên cạnh đó, dòng tiền cũng tìm đến các cổ phiếu nhỏ như HAG, HNG, FLC…

Thị trường đang có cơ hội hồi phục trong tuần tới với mục tiêu 975 điểm đến 996 điểm. Cơ sở cho đợt phục hồi này: 1) Đây đang là đợt phục hồi với nhiều phiên tăng liên tiếp thứ lần thứ 2 với 62,8 điểm (7%) chỉ sau đợt phục hồi đầu tháng 6 với 131 điểm (14,35%) nên dư địa cho sự phục hồi ngắn hạn vẫn còn.

2) mùa báo cáo bán niên đang đi đến giai đoạn cao điểm, do vậy dòng tiền lớn đang gia tăng hoạt động giải ngân để đón đầu cơ hội đầu tư, những nhóm cổ phiếu kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh khả quan đồng loạt hút mạnh dòng tiền như nhóm ngân hàng, bất động sản…bên cạnh đó là dòng tiền đầu cơ ở các cổ phiếu nhỏ…đang tạo ra những lực đỡ cần thiết cho thị trường và sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò này trong tuần tới.

3) những lo ngại về cuộc chiến thương mại dường như đã bị thổi phồng quá mức, trong 3 tuần vừa qua chỉ số VN-Index đã giảm tới 3% trong khi chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chỉ giảm nhẹ 0,3%.

Trong khi với riêng thị trường “tâm bão” Trung Quốc, chỉ số Shanghai cũng chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ 0,6%, còn đối với nước châm ngòi cho cuộc chiến này thậm chí TTCK còn đi ngược xu hướng, chỉ số Dow Jones thậm chí còn tăng liên tiếp trong 3 tuần vừa qua với mức tăng 3,24%. Do vậy, VN-Index còn có thêm dư địa phục hồi để bù đắp lại mức giảm do các phản ứng thái quá xuất hiện trong 3 tuần gần đây.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco

Trên quan điểm của tôi, về cơ bản thị trường vẫn đang ở trong nhịp hồi mà chưa thật sự xác lập vùng đáy trung hạn bởi mặc dù mức định giá của thị trường dù đã hấp dẫn hơn nhưng nhưng yếu tố bên ngoài có thể tác động mạnh tới nền kinh tế và kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán vẫn chưa có sự chuyển biến, tỷ giá USD trên các đồng tiền như CNY, KRW đã tăng mạnh trong tuần rồi trong khi nước ngoài vẫn bán ròng khá mạnh mẽ.

Đà tăng hiện tại vẫn khá tốt dù đang bị chốt lời khá mạnh trong ngắn hạn, nhiều cổ phiếu ngân hàng có tính dẫn dắt đã hồi phục ấn tượng trong phiên cuối tuần, tuy nhiên thị trường vẫn giảm vào cuối phiên do giao dịch của ETF.

Tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục vào đầu tuần sau tuy nhiên khả năng tạo đỉnh ngắn hạn trong tuần này sẽ khá cao. Kịch bản tốt hơn là thị trường điều chỉnh nhẹ và đi vào tích lũy với các cổ phiếu trụ cột luân phiên bùng nổ giữ nhịp thị trường.

Thanh khoản đã có sự cải thiện đáng kể trong tuần qua và dòng tiền bắt đầu tìm đến đến cổ phiếu nhỏ. Ông/bà nhìn nhận như thế nào triển vọng nhóm cổ phiếu penny ở thời điểm này?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ, trong những phiên vừa qua, đúng là thanh khoản tăng mạnh trở lại. Bình quân trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch đã đạt hơn 4.200 tỷ đồng/phiên, so với chỉ gần 3.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước. Tuy nhiên, thống kê dòng tiền cho thấy, large cap vẫn là địa chỉ dòng tiền vào lớn nhất, sau đó là mid cap. Small cap thì dòng tiền không thay đổi nhiều, loại trừ một vài mã đơn lẻ.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời của cổ phiếu penny? ảnh 2

 Ông Hoàng Thạch Lân

Tuy nhiên, lúc này vẫn có rủi ro là index sẽ điều chỉnh trở lại ngưỡng 900-910, do đó tôi không đánh giá cao triển vọng nhóm penny. Còn nếu nhà đầu tư có thông tin về kết quả quý II/2018 của mã nào đó trong nhóm này thì có thể đánh giá riêng lẻ trên mã đó.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta

Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu Smallcaps thu hút dòng tiền trong vài phiên gần đây chỉ mang tính nhất thời và khi tình hình margin đang rất thoải mái.

Hiện nay, chỉ số và thị trường chung vẫn đang bị ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu Largecaps, đặc biệt dòng tiền margin vẫn có khả năng tập trung chủ yếu ở nhóm Largecaps. Đồng thời, yếu tố cơ bản của nhóm Smallcaps vẫn chưa thật sự khởi sắc là yếu tố kiên quyết khiến nhóm này vẫn chưa tạo được sóng nào rõ ràng.

Ngoài ra, những giai đoạn sóng quá ngắn của nhóm Smallcaps cũng khiến nhà đầu tư cũng sẽ không mặn mà quá nhiều ở nhóm cổ phiếu này.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận chiến lược thị trường CTCK MBS

Như đã nhận định ở trên, dòng tiền đã quay trở lại với sự lan tỏa tích cực ở các nhóm cổ phiếu, từ nhóm dẫn dắt như: Ngân hàng, bất động sản… cho đến các cổ phiếu nhỏ như HAG, HNG, FLC… Thị trường đang đi vào giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo bán niên nên những cổ phiếu có kết quả lạc quan hoặc vượt kỳ vọng sẽ là địa chỉ của dòng tiền. Tuần vừa qua nhóm ngân hàng đã phản ứng tốt với những kết quả đã được công bố, đây cũng là nhóm đã ghi nhận mức tăng ấn tượng nhất của tuần.

Tóm lại, thời điểm này dòng tiền sẽ có sự chọn lọc mang tính cơ bản, vì vậy cơ hội là chia đều cho các cổ phiếu trong đó có cổ phiếu nhỏ, tuy nhiên chỉ những cổ phiếu có tính thanh khoản cao cùng kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng hoặc không nằm trong danh mục bán ròng của khối ngoại sẽ là những cổ phiếu được ưu tiên, ngoài ra những cổ phiếu có “câu chuyện” và mang tính đầu cơ cũng sẽ thu hút dòng tiền đầu tư.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco

Thị trường này có lẽ là thời cơ nhóm cổ phiếu penny, rất có khả năng nhóm này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời của cổ phiếu penny? ảnh 3

Bà Nguyễn Ngọc Lan 

Tuy nhiên, trong một thị trường mà nhiều cổ phiếu tốt đang được chiết khấu giá rất sâu, tôi nghĩ nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tốt.

Bởi khi thị trường bất ngờ xấu trở lại, nhóm cổ phiếu penny có thể giảm rất nhanh và thậm chí mất thanh khoản, rủi ro sẽ là khá cao.

Tỷ giá tiếp tục tăng thêm 100 đồng trong 2 tuần đầu tháng 7/2018, tương đương mức tăng 1,1% chỉ trong vòng một tháng. Trong quá khứ, thị trường chứng khoán thường có diễn biến bất lợi trong mỗi đợt tỷ giá tăng, đi kèm với đó là hiện tượng bán mạnh của khối ngoại. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về sự tác động của yếu tố tỷ giá đến TTCK trong ngắn hạn?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Đang có ý kiến cho rằng tỷ giá sẽ tác động xấu lên TTCK. Họ dẫn chứng số liệu thống kê quá khứ, trong đó có vài thời điểm khi đồng tiền Việt Nam “phá giá”, thì ngay lập tức sau đó chỉ số VN-Index đi vào giai đoạn giảm. Tuy nhiên, hiện tại tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ lặp lại.

Tỷ giá USD đã tăng lên hơn 23.000 đồng từ đầu tháng 7 này và có vẻ trụ vững, không chịu xuống. Ở bên ngoài, dường như các tổ chức kinh tế đang quen với điều đó. Trên TTCK, nhà đầu tư cũng quen với điều đó.

Khối ngoại bán, có liên quan đến tỷ giá, nhưng tỷ giá cũng chỉ là 1 yếu tố tác động lên tâm lý đầu tư của họ lúc này.

Lưu ý rằng, gần đây một số công ty chứng khoán lớn nhất nhì thị trường vẫn đánh giá rằng mức độ tăng giá của tiền đồng chưa đủ để khiến khối ngoại rút khỏi TTCK. Do đó, tôi nghiên về nhận định rằng tiền đồng tăng giá đang khiến khối ngoại phải đánh giá lại danh mục đầu tư, và dẫn tới một số thay đổi, tức sẽ có mã bán ra để mua vào mã khác.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta

Yếu tố tỷ giá là yếu tố chính khiến TTCK trong thời gian qua bị ảnh hưởng tiêu cực và khối ngoại cũng liên tục bán ròng do tỷ giá tăng mạnh, nhưng tôi đánh giá tỷ giá có thể sẽ giảm dần trong quý III/2018 và sẽ không có cú sốc lớn trong 6 tháng cuối năm 2018. Tôi dự báo mức phá giá có thể đạt mức cao nhất là 2% trong năm 2018.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời của cổ phiếu penny? ảnh 4

 Ông Nguyễn Thế Minh

Ngoài ra, chỉ số USD và chỉ số CDS 2 năm có những dấu hiệu điều chỉnh cho thấy rủi ro tỷ giá đã có chiều hướng giảm và khối ngoại cũng đang có động thái mua ròng trở lại trong ngắn hạn.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận chiến lược thị trường CTCK MBS

Tỷ giá là vấn đề rất nhạy cảm và chuyển vào lạm phát rất nhanh, đối với thị trường chứng khoán mỗi đợt tỷ giá tăng thì thị trường thường có diễn biến bất lợi đi kèm theo đó là hiện tượng bán ròng của khối ngoại. Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ và ưu tiên điều hành tỷ giá ổn định trong linh hoạt, trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 2 tỷ USD để can thiệp thị trường.

Đồng thời, NHNN cũng lên tiếng trấn an dư luận, lập luận rằng sự tăng tỷ giá có yếu tố tâm lý trong khi cung cầu không có biến động mạnh và hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng về ngoại tệ, còn NHNN thì có đủ công cụ để bình ổn tỷ giá, gồm bán ngoại tệ để can thiệp.

Bên cạnh đó mối lo ngại đã phần nào giảm bớt khi chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD đã một lần nữa quay lại mức 94,25 - vùng tâm lý được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm trong ngắn hạn. Trong khi đó, khối ngoại vẫn bán ròng nhưng chỉ tập trung ở một vài mã nhất định, do vậy đây có thể chỉ là hoạt động cơ cấu danh mục thuần túy.

Vì vậy, tôi cho rằng câu chuyện tỷ giá đối với thị trường chứng khoán trong 2 tuần vừa qua là hết sức bình thường và chưa phản ánh trong ngắn hạn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco

Với diễn biến bất lợi của các đồng tiền thời gian gần đây đi kèm áp lực tăng của tỷ giá USD/VND và động thái rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng những hiện tượng này sẽ còn tiếp tục và tác động mạnh đối với TTCK của chúng ta trong thời gian tới đây.

Vì vậy, chúng ta hãy cùng theo dõi tình hình chiến tranh thương mại cũng như những biến động tỷ giá đồng USD với các quốc gia châu Á xung quanh Việt Nam để xem liệu sự ổn định khi nào sẽ thể trở lại với TTCK và đồng tiền của các quốc gia trong khu vực, có lẽ đó là lúc chúng ta có nhiều cơ sở hơn để đánh giá khả năng chấm dứt xu hướng giảm của thị trường.

Vậy đâu là chiến lược đầu tư hiệu quả, theo các ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Đối với những ai quen lướt sóng, thì vẫn là lúc lướt mà thôi. Ý tôi là chưa phải lúc yên tâm cầm hàng lâu. Đánh cược với biểu đồ, với thông tin báo cáo tài chính quý II, nếu lời hay lỗ cũng nên tính toán phương án chốt liền.

Bản thân chúng tôi, thực sự vẫn còn chưa tự tin để nói rằng thị trường sẽ hồi bền vững mà. Còn đối với nhà đầu tư cơ bản, nên chờ doanh nghiệp công bố chi tiết báo cáo tài chính quý II rồi hẵng tính chuyện mua mới.

Nhiều doanh nghiệp báo lãi đạt gần hết kế hoạch năm, nhưng có khi so với cùng kỳ năm trước chưa chắc đã tăng, thậm chí nếu có tăng thì lại nhờ khoản mục lãi tài chính, lãi hợp nhất nào đó. Chờ có báo cáo tài chính chi tiết, tức là lúc có thể đánh giá kỹ hơn tăng trưởng cốt lõi của doanh nghiệp. Sau đó, chọn mua cổ phiếu định giá càng rẻ càng tốt.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta

Tôi cho rằng, đây là thời điểm nên mua vào và chú ý vào nhóm cổ phiếu Largecaps như ngân hàng, chứng khoán hoặc nhóm cổ phiếu tăng trưởng với mức P/E thấp.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận chiến lược thị trường CTCK MBS

Với đà phục hồi như hiện nay, TTCK đang đứng trước cơ hội tăng trở lại, các nhóm ngành chủ yếu là ngân hàng - chứng khoán, bất động sản, điện và bán lẻ.

Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu sẽ ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có cơ bản tốt, đã bị giảm mạnh trong thời gian vừa qua, các mã chứng khoán vốn hóa trung bình đang dưới giá trị hợp lý và nhóm cổ phiếu có yếu tố thoái vốn nhà nước.

Đối với nhóm ngân hàng: ACB, VPB, MBB, VIB, VCB nhóm bất động sản: DXG, NLG, HDG…Nhóm điện: POW, REE, NT2…

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco

Theo tôi, những ai đã bắt đáy thành công có thể chốt lời từng phần danh mục khi thị trường tiếp tục hồi phục, tạm thời không nên gia tăng vị thế mua vào thời điểm hiện tại.

Tin bài liên quan