Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng

(ĐTCK) Tác động của tăng giá điện, giá xăng tới thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia phân tích kỹ khi trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này. Trong khi đó, vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là phân tích về nhóm cổ phiếu, các chuyên gia đều có chung nhận định, hiện không có nhóm nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.

Theo các ông, việc giá điện, giá xăng tăng cùng lúc có tác động như thế nào đến TTCK?

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

Giá xăng tăng 1.600 đồng/lít từ ngày 11/3, động thái này tiếp ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít.

Việc điều chỉnh tăng giá xăng, giá điện gần như cùng thời điểm sẽ tác động tới chỉ số CPI ngay trong tháng 3 và có thể sẽ khiến chỉ số này tăng trở lại sau 4 tháng âm liên tiếp. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, tôi cho rằng, tác động của những sự kiện này tới diễn biến thị trường chứng khoán sẽ không kéo dài.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK VCBS

Tôi cho rằng, giá điện, giá xăng đồng thời tăng tại một thời điểm sẽ có tác dụng rõ rệt lên các chỉ tiêu vĩ mô hơn là phản ánh ngay trên TTCK.

CPI tăng lên là điều có thể dự báo chắc chắn. Trong khi các chi phí điện tăng theo lộ trình và xăng tăng/giảm theo giá dầu thô thế giới sẽ khiến cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp nhiều khả năng tăng lên trong dài hạn. Kéo theo đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đôi chút và từ đó mới phản ánh vào giá của cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng ảnh 1

 Ông Trần Anh Tuấn

Bên cạnh đó, các chi phí thiết yếu này tăng lên sẽ làm giảm đi cầu tiêu dùng khả dụng của người dân và từ đó cũng sẽ có tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng hay chính là đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Tôi thấy có tác động theo hướng tiêu cực với thị trường, nhưng tích cực với ngành năng lượng (dầu khí và điện) trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về mức độ theo quan sát của tôi là không quá lớn, vì thị trường cũng không giảm mạnh ở các phiên mà tăng giảm xen kẽ, đồng thời, thông tin về giá điện tăng cũng đã được công bố từ cuối năm ngoái, nên NĐT cũng không quá bất ngờ về việc này.

Còn giá dầu, sau một thời gian dài giảm giá, giá thế giới cũng tăng lại vào trước Tết Âm lịch, Quỹ Bình ổn xăng dầu cũng đã được sử dụng ở kỳ xem xét giá trước đó, nên việc giá tăng hiện tại cũng không phải là bất ngờ, các NĐT đã chuẩn bị tâm lý cho việc này nên thị trường ít bị tác động tiêu cực.

Đồng thời, hiện thị trường quan tâm đến nhiều yếu tố nữa và giá cả năng lượng chỉ là một yếu tố chứ không phải là yếu tố tác động mạnh nhất. Đơn cử như động thái bán ròng của khối ngoại gần đây làm ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh CTCK VNDirect

Diễn biến TTCK trong tuần vừa qua cho thấy các tác động tiêu cực từ đợt tăng giá này. Hiện tại, nền kinh tế vẫn hồi phục rất chậm và sức cầu yếu ớt, nên ảnh hưởng của việc tăng các chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong khi đầu ra không cải thiện nhiều và giá của sản phẩm không có cơ hội tăng giá sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp bị co hẹp.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng ảnh 2

 Ông Nguyễn Trung Du

Tuy nhiên, tác động tiêu cực theo tôi là không quá lớn, bởi các chi phí đầu vào khác hiện không tăng và các doanh nghiệp vẫn đang có lợi thế được hưởng mặt bằng lãi suất thấp nên các tác động này chủ yếu tác động nhẹ tới đà hồi phục của các doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MaritimeBank

Giá điện, giá xăng tăng có tác động đến tâm lý nhà đầu tư nói riêng và TTCK nói chung, nhưng rõ ràng là không lớn. Điều ảnh hưởng nhất đến thị trường hiện nay chính là việc các công ty chứng khoán đồng loạt hạn chế tỷ lệ cho vay margin cũng như là các quy định, thông tư mới ban hành từ phía Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc cho vay kinh doanh chứng khoán. Theo tôi, đây mới là nguyên nhân chính tác động mạnh đến TTCK trong giai đoạn hiện nay.

Vậy doanh nghiệp ngành nào sẽ chịu tác động mạnh nhất từ các biến động trên?

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

Điện, xăng dầu là 2 mặt hàng đầu vào quan trọng của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất. Việc tăng giá các mặt hàng này chắc chắn tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, làm tăng chi phí đầu vào trong bối cảnh đầu ra vẫn chưa có nhiều cải thiện. Ngành thép là một ví dụ, khi tính sơ bộ giá điện tăng 7,5% sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm 80.000 - 100.000 đồng/tấn, trong khi ngành này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Tương tự, giá điện tăng sẽ làm giá thành sản xuất của ngành giấy tăng thêm từ 0,5 - 0,8%. Việc điều chỉnh giá xăng cũng sẽ tác động tới các doanh nghiệp hoạt động vận tải khi biến động giá mặt hàng này tác động khá mạnh tới biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK VCBS

Trên góc độ tác động trực tiếp, các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất điện hiện nay hiếm có khả năng hưởng lợi từ sự kiện tăng giá điện do giá bán điện ra cho EVN đã được xác định giá và cố định từ đầu năm. Đối với các doanh nghiệp bán xăng dầu, giá tăng trên thị trường nội địa là bám theo diễn biến giá trên thị trường thế giới. Do đó, lợi nhuận đem về cho các doanh nghiệp này nhiều khả năng là ít biến động theo sự tăng/giảm giá xăng dầu.

Như vậy, tôi chưa nhìn ra doanh nghiệp cá biệt nào được hưởng lợi/đứng trước rủi ro lớn của lần tăng giá xăng và điện này.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Như tôi đã chia sẻ, ngành năng lượng, mà cụ thể là cổ phiếu dầu khí, điện (thủy điện, nhiệt điện, sản xuất điện) và dịch vụ hỗ trợ.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng ảnh 3

 Ông Phan Dũng Khánh

Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ bị tác động phần nào do năng lượng là yếu tố đầu vào, chi phí quan trọng của doanh nghiệp khi họ phải điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh khi giá cả mặt hàng này tăng lên.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh CTCK VNDirect

Các doanh nghiệp ngành thép và xi măng là những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực nhiều nhất từ ảnh hưởng của tăng giá điện vừa qua, bởi giá điện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu ra của các doanh nghiệp này. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất điện cũng không được hưởng lợi gì từ việc tăng giá điện vừa qua, bởi giá bán điện cho EVN hầu hết vẫn giữ nguyên và cơ hội đàm phán tăng giá bán là hiếm hoi.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MaritimeBank

Các ngành mà có yếu tố đầu vào liên quan đến giá điện, giá xăng chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, chúng ta có thể kể đến các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành sản xuất, vận tải biển, thép…

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường trong nửa đầu năm 2015 vẫn khá lạc quan và có thể đạt được 650 điểm, thậm chí hơn trong quý II/2015. Mặc dù vậy, thị trường vẫn đang trong giai đoạn thử thách. Vậy trong ngắn hạn, các ông kỳ vọng ra sao về khả năng VN-Index cán mốc 600 điểm?

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

VN-Index tỏ ra khá đuối sức với mốc 600 điểm khi liên tiếp test không thành công mốc cản này trong thời gian gần đây. Việc test không thành công mốc cản này liên quan tới diễn biến dòng tiền hoạt động thiếu tích cực do sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn ở mức khá cao sau kỳ nghỉ Tết dài.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng ảnh 4

 Ông Ngô Thế Hiển

Tôi cho rằng, VN-Index sẽ khó đạt được mốc 650 điểm trong khoảng thời gian cuối quý I khi dòng tiền chưa được cải thiện và thị trường đang thiếu đi nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong thời điểm hiện tại. Mốc 600 điểm sẽ được phá vỡ sau khi thị trường có đủ thời gian tích lũy tại các mốc hỗ trợ cứng tạo động lực bật tăng điểm mạnh mẽ từ các vùng giá thấp.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK VCBS

Với những gì diễn ra từ đầu năm, tôi không quá lạc quan về khả năng thị tường vượt qua được 650 điểm trong quý II/2015, bởi lẽ:

(1) Dòng vốn ngoại dường như đang rất hờ hững với thị trường. Hơn 10 phiên mua ròng liên tục và mạnh mẽ đang bị chững lại và chuyển thành xu hướng bán ròng và tập trung tại các mã đã mua trước đó.

Điều này chỉ ra rằng, khối ngoại chưa sẵn sàng và chưa có niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Trước đây, mỗi giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh đều không thể thiếu bóng dáng của các nhà đầu tư nước ngoài lớn như quỹ ETF VNM hay FTSE với động thái liên tục huy động chứng chỉ quỹ và giải ngân trên thị trường. Hiện nay, tôi chưa nhìn thấy sự trợ lực quan trọng này.

(2) Các thông tin mang tính hỗ trợ mạnh đang thiếu vắng. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chưa có sự bứt phá trong khi đó, các dự luật/nghị định được ban hành đang có ảnh hưởng tâm lý xấu nhiều hơn là tốt đến nhà đầu tư trên thị trường như Thông tư 36, dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 210...

Về phía doanh nghiệp, sự hồi phục đang diễn ra đúng như kỳ vọng và giá giao dịch trên thị trường đã về trạng thái phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp. Ngoại trừ một vài doanh nghiệp cá biệt có kết quả đột biến, thoái vốn, phát hành…, thì đa phần các cổ phiếu trên sàn đều chưa bộc lộ sự hấp dẫn để đầu tư trong ngắn hạn.

Khả năng VN-Index cán mốc 600 điểm có thể sẽ không quá khó khăn, mặc dù đây được xem là ngưỡng cản tâm lý quan trọng và được kiểm định không thành công trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu thị trường hứng khởi, dưới sự dẫn dắt của một vài trụ cột chính, thì 600 điểm hoàn toàn có thể hoàn thành được chỉ trong 1 phiên. Tôi cho rằng, điều quan trọng là xem xét về tâm lý nhà đầu tư ổn định và mặt bằng giá có vững vàng trước mốc này hay không hơn là việc vượt qua con số trên.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Tôi cùng quan điểm về ý kiến này, xu hướng tích cực của thị trường trong trung hạn vẫn chưa có gì khi những mốc hỗ trợ quan trọng của thị trường vẫn được giữ vững, thanh khoản của thị trường nhìn chung vẫn được duy trì tốt, số lượng các công ty niêm yết kinh doanh khả quan tăng lên, số làm ăn thua lỗ giảm đi.

Bên cạnh đó, lãi suất giảm, kinh tế đang trên đà tăng trưởng, dòng tiền khối ngoại dù có bán ròng vài phiên, nhưng về xu hướng vẫn đang là mua ròng sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường. Bởi thế, việc VN-Index sẽ có nhiều cơ hội quay trở lại mốc 600 điểm cũng như nhiều khả năng đạt được 650 điểm trong quý II/2015.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh CTCK VNDirect

Hiện dòng tiền trong thị trường vẫn rất yếu do tác động từ Thông tư 36 và dòng vốn ngoại là động lực chính cho giai đoạn tăng vừa qua đã chững lại. Hơn nữa, giai đoạn hiện tại thị trường cũng thiếu vắng các tin tức hỗ trợ để tạo ra những chuyến biến mạnh.

Do đó, theo tôi, thị trường có thể tiếp tục phải chịu các áp lực điều chỉnh tích lũy trong tuần tới và kịch bản lạc quan nhất cho đợt tăng giá tiếp diễn sau đó là quanh mức 620 điểm khi nhóm ngân hàng kết thúc điều chỉnh và hỗ trợ thị trường tăng trở lại.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MaritimeBank

Thị trường vẫn đang điều chỉnh ở biên độ hẹp kèm theo thanh khoản xuống thấp. Mặc dù thời điểm mùa họp ĐHCĐ đang đến gần cũng với việc công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 thì chỉ số VN-Index vẫn đang ở giai đoạn điều chỉnh để đi lên tiếp.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng ảnh 5

 Ông Lê Đức Khánh

Cụ thể, VN-Index sẽ điều chỉnh sideway ở ngưỡng 585 điểm rồi sẽ quay trở lại chinh phục cứ điểm 600 điểm từ nay cho đến cuối tháng 3. Tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ hồi phục trở lại, thậm chí vượt ngưỡng 600 điểm ngay trong tháng 4 tới.

Quan sát diễn biến thị trường cho thấy, trong tuần qua, dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm của tuần tới, theo dự báo của các ông?

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

Trong tuần qua, không xuất hiện nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản hoạt động tích cực nhất, tuy vậy đà tăng không bền và liên tục có các phiên tăng giảm. Điều này cho thấy, dòng tiền hiện không có xu hướng hoạt động theo nhóm ngành, mà tập trung vào nhóm các mã có thông tin tích cực trong bối cảnh mùa đại hội cổ đông đang tới và nhiều mã có sự hỗ trợ tích cực từ các thông tin liên quan tới chia cổ tức, kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý I, hay như các doanh nghiệp được kỳ vọng có sự cải thiện biên lợi nhuận từ những diễn biến liên quan tới thị trường tiền tệ thế giới.

Tôi cho rằng, trong tuần tới, dòng tiền sẽ tiếp tục có sự phân hóa và nhóm các cổ phiếu vừa nêu sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK VCBS

Tôi cho rằng, tâm điểm của thị trường có thể đổi qua đổi lại giữa một vài nhóm cổ phiếu trong khoảng thời gian tích lũy đi ngang nay.  Theo quan sát của tôi, dòng cổ phiếu bất động sản, bảo hiểm và ngân hàng đang có dấu hiệu được quan tâm trong phiên cuối tuần qua và có thể sẽ tiếp tục nhận được sự tập trung của dòng tiền trong tuần tiếp theo, trước khi nhường bước cho một dòng cổ phiếu khác trong tuần tiếp nữa.

Trong giai đoạn tạo lập mặt bằng giá, các nhóm cổ phiếu có thể sẽ lần lượt hút dòng tiền để thu hẹp lại khoảng cách giữa chúng. Đây sẽ là nền tảng để thị trường đi lên bền vững sau đó.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thiếu nhạc trưởng ảnh 6 

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Nhiều khả năng dòng ngân hàng sẽ quay trở lại sau 2 tuần giao dịch ảm đạm, dòng dầu khí cũng có khả năng tăng điểm trong ngắn hạn khi giá dầu cải thiện và thông tin PV Gas mua 10 triệu CP quỹ trong tháng 3. Các cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì mức độ ổn định nhưng sẽ khó có sự đột biến.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh CTCK VNDirect

Tôi vẫn chưa nhận thấy nhóm cổ phiếu nào đủ nổi bật để tạo thành nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường sau đợt dẫn dắt của các cổ phiếu ngân hàng trước đó. Dòng tiền đang chọn lọc và tìm kiếm lợi nhuận ở các cơ hội riêng lẻ hơn là những câu chuyện chung của cả thị trường hay nhóm ngành.

Tin bài liên quan