Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tâm điểm vẫn là cổ phiếu dầu khí, chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tâm điểm vẫn là cổ phiếu dầu khí, chứng khoán

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi bàn tròn tuần này với nhà báo Hải Vân, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, dòng tiền khả năng sẽ trở lại với cổ phiếu dầu khí sau 3 phiên chốt lời. Ngoài ra, các cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III như chứng khoán, nhóm vay nợ nước ngoài nhiều sẽ hút dòng tiền.

Thị trường có phiên đảo chiều mạnh trong phiên 18/9. Nhiều người cho rằng, đây là phiên phân phối, nhưng cũng có người cho rằng, đầy chỉ là phiên rũ bỏ tiếp theo. Còn các ông, bà “cắt nghĩa” phiên giảm điểm mạnh này như thế nào?

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc ACBS

Việc thị trường sẽ có phiên điều chỉnh trong tuần qua đã được dự đoán sau khi VN-Index đạt mức kỷ lục cao nhất của 5 năm.

Có lẽ, thông tin một số công ty tạm ngừng cấp mới margin khiến nhà đầu tư trong nước lo sợ kịch bản lao dốc tháng 4 - 5 quay lại và đã chốt lời. Tuy nhiên, so tương đối với vốn hóa thị trường, thì margin hiện tại chưa ở mức đáng lo ngại. Việc thị trường giảm 10 điểm là một phiên điều chỉnh khá mạnh, nhưng không có gì quá đặc biệt.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC

Theo tôi, phiên giảm điểm ngày 18/9 do yếu tố dòng tiền vào thị trường giảm và mức tăng nóng của cổ phiếu nhất là cổ phiếu dòng dầu khí.

Dòng tiền thị trường giảm cả ở khối nội và khối ngoại. Mức tăng nóng gấp đôi, gấp ba từ cổ phiếu nhóm dầu khí.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ Phân phân tích vĩ mô, CTCK Vietcombank (VCBS)

Tôi cho rằng, phiên giảm điểm gần 10 điểm ngày 18/9 là cần thiết sau một quá trình tăng điểm mạnh liên tục vừa qua. Mặt khác, khi thị trường tăng lên và chưa có những dấu hiệu hỗ trợ quá tích cực từ phía nền kinh tế, thì có lẽ yếu tố dòng tiền sẽ là then chốt cho việc tăng/giảm của hai chỉ số.

 Ông Trần Minh Hoàng

Theo thông tin tôi có được, lượng đòn bẩy tài chính (margin) tại các công ty đã có dấu hiệu ‘nóng’ và chạm ngưỡng trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Đây cũng là một trong các dấu hiệu nhận biết nhịp điều chỉnh của thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên viên cao cấp Phòng Phân tích, CTCK BIDV (BSC)

Thị trường tăng điểm trong thời gian qua dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định, nhưng trong ngắn hạn phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý kỳ vọng và dòng tiền ngắn hạn.

Sau phiên giảm điểm đột ngột ngày 9/9, yếu tố tâm lý đã chuyển từ trạng thái hưng phấn sang thận trọng. Các dòng cổ phiếu dẫn dắt đã không còn duy trì sức mạnh như trước đó, dù vậy dòng tiền luân chuyển vẫn tiếp tục vận động sang các nhóm ngành thủy sản và đặc biệt là nhóm chứng khoán trong ngày 17/9. Tuy nhiên, không như kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đã suy yếu ngay sau 1 phiên bùng nổ đã khiến thị trường mất phương hướng và hình thành phiên báo tháo tâm lý trong ngày 18/9.

Mặt khác, sau một thời gian tăng điểm kéo, nhiều cổ phiếu đã đạt mức lãi tốt khiến NĐT sẵn sàng chốt lãi. Thị trường do vây có nhiều phiên giảm mạnh hơn và tuần xuất xuất hiện nhiều hơn trước.

Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư, CTCK Agribank (Agriseco)

Điều này thể hiện thị trường hiện tại có mức độ rủi ro cao, nhất là các cổ phiếu dòng dầu khí đã tăng quá mạnh trong thời gian ngắn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Việc TTCK tăng điểm nhiều phiên được dẫn dắt bởi nhóm dầu khí tăng rất mạnh là một trong những lý do chính khiến các NĐT đẩy mạnh chốt lời mạnh ở nhóm này đẩy thị trường giảm điểm. Đặc biệt, các mã dầu khí đều là những mã có ảnh hưởng mạnh đến Index như trên HOSE là GAS, PVD và trên HNX là PVS, PVC, nên các mã này bị bán mạnh sẽ kéo Index giảm, đồng thời các mã không thuộc Dầu khí cũng bị “vạ lây”. Đây cũng là lần thứ 2 trong 10 ngày qua mà thị trường có phiên giảm mạnh như thế.

 Ông Phan Dũng Khánh

Bên cạnh đó dấu hiệu kỹ thuật tiêu cực cũng đã xuất hiện trên thị trường những ngày qua, đặc biệt là chỉ số HNX-Index có dấu hiệu phân kỳ âm từ ngày 16/9 và đặc biệt ngày 17/9 khi HNX-Index tạo đỉnh trong tuần đã đạt KLGD cao thứ 3 trong lịch sử của sàn này nhưng lại không giúp Index tăng được cũng là một cảnh báo quan trọng.

Ngoài ra, NĐT nước ngoài, tự doanh CTCK, các quỹ và các NĐT lớn khác liên tục bán ròng trong khoảng 2 tuần qua cũng khiến dòng tiền chuyển trạng thái từ dương sang âm (tiền bị rút ra) là tác nhân đẩy thị trường giảm.

Theo các ông/bà, sau nhóm dầu khí, thủy sản, dòng tiền tuần tới sẽ chuyển dịch sang các dòng cổ phiếu nào?

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Quan điểm của tôi cho rằng, dòng tiền thông minh sẽ tiếp tục luân chuyển ở những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt ở quý III và tiềm năng cả năm, hoặc những cổ phiếu có những thông tin về kế hoach tái cấu trúc hoặc MA.

 Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Với quan điểm như vậy, thì dòng tiền vẫn có thể quay lại những cổ phiếu dầu khí hay cổ phiếu thủy sản, kể cả cổ phiếu công ty chứng khoán, bất động sản..., chứ không tập trung vào nhóm ngành nghề nào, tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa trong lớp cổ phiếu trong sector đó. Chẳng hạn, nếu quay lại nhóm cổ phiếu ngành dầu khí thì sẽ không phải tất cả mã cổ phiếu ngành dầu khí đều tăng như thời gian qua, mà sẽ có sự chọn lọc hơn.

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc ACBS

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay. Nhóm thủy sản đang tăng mạnh trong vài tuần gần đây do yếu tố mùa vụ, cộng thêm dịch tôm chết sớm ở Thái Lan và Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam và Nga, Belarus, Kazakhstan đang được đàm phán.

 Ông Phạm Phú Khôi

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có những phiên đột biến trong tuần và chúng tôi tiếp tục cho rằng, đây là những cổ phiếu đang chú ý nhất trong dài hạn do thị trường chứng khoán đang diễn biến tích cực hơn báo giờ hết.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ Phân phân tích vĩ mô, CTCK Vietcombank (VCBS)

Thời điểm cuối quý III và đầu quý IV là thời điểm các thông tin về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp dần được hé lộ. Theo đó, tôi cho rằng, sau nhóm dầu khí, các doanh nghiệp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý III khả quan sẽ là nơi dòng tiền tập trung mạnh trong thời gian tới.

Ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên viên cao cấp Phòng Phân tích, CTCK BIDV (BSC)

Trong tuần, sau khi chốt lãi ở các nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, thủy sản, dòng tiền đã luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu chứng khoán. Sự kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ là trụ đỡ của thị trường hỗ trợ dòng tiền luân chuyển sang các nhóm khác đã không xảy ra.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã suy yếu nhanh và không thể hiện được vai trò dẫn dắt thị trường. Tại thời điểm cuối tuần, chúng tôi nhận thấy dòng tiền có xu hướng quay trở lại nhóm cổ phiếu dầu khí sau khi nhóm cổ phiếu này đã có 3 phiên điều chỉnh mạnh.

Chúng tôi cũng cho rằng, trong xu hướng kiểm tra lại các vùng kháng cự trong tuần tới nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn sẽ là tâm điểm nâng đỡ thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng chưa có mức tăng đáng kể gần đây, và cũng sẽ có thể hút nhà đầu tư khi dòng tiền luân chuyển tiêp tục được duy trì.

Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư, CTCK Agribank (Agriseco)

Thông thường, dòng tiền sẽ phải lan tỏa sang các cổ phiếu khác, như chứng khoán, bất động sản... Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua dòng tiền đổ quá nhiều vào cổ phiếu dầu khí, nên mức độ rủi ro của thị trường là rất cao. Nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào giai đoạn tích lũy.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, những ngành này cũng sẽ không giảm ngay mà mức độ tăng có thể bị hạn chế và có sự phân hóa các mã trong ngành. Đồng thời, dòng tiền bắt đầu chuyển đổi sang các mã thuộc ngành khác trong thời gian tới mà tiềm năng là bất động sản, xây dựng, chứng khoán, khoáng sản, vận tải.

Thường thì nhóm cổ phiếu được kỳ vọng có kết quả kinh doanh “đột biến” sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu và quý III này cũng không phải ngoại lệ. Theo dự báo của các ông/bà thì nhóm ngành nào sẽ có được lợi nhuận khả quan trong quý này?

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc ACBS

Chúng tôi kỳ vọng ngành tiêu dùng, chứng khoán, thủy điện ...

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC

Các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh đột biến là dòng dầu khí, thủy sản đều đã tăng mạnh có cổ phiếu tăng giá gấp 2, 3 lần trong thời gian qua. Do đó, đây sẽ là thời điểm thị trường sẽ đợi báo cáo của các cổ phiếu so sánh với mức giá đã tăng và điều chỉnh so với mức tăng này.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ Phân phân tích vĩ mô, CTCK Vietcombank (VCBS)

Tôi cho rằng, nhóm ngành chứng khoán và xi măng nhiều khả năng sẽ cho thấy sự bứt phá tốt trong kết quả kinh doanh quý III.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán được hưởng lợi từ những diễn biến tích cực và sôi động cả về điểm số lẫn thanh khoản của thị trường, kéo theo mảng tự doanh và môi giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xi măng lại nổi lên nhờ đồng EUR suy yếu. Lợi thế này có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới khi (1) nền kinh tế châu Âu còn nhiều khó khăn và vẫn đang phải đối mặt với vấn đề suy thoái, (2) ECB phát đi tín hiệu sớm tung gói kích thích kinh tế trong khi (3) nền kinh tế Mỹ ngày càng phục hồi rõ nét hơn và gói QE3 sẽ sớm kết thúc khiến cho đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác.

Tỷ giá EUR/USD giảm sẽ tạo ra cơ sở để các doanh nghiệp Xi măng (chủ yếu vay nợ bằng đồng EUR) hạch toán được phần chênh lệch tỷ giá khá lớn vào cuối quý III này.

Ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên viên cao cấp Phòng Phân tích, CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh quý III toàn thị trường được dự báo không có mức tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, vẫn có những ngành duy trì được đà tăng trưởng tốt trong quý III.

Dựa vào những phân tích đánh giá triển vọng của các doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi cho rằng, cổ phiếu ngành dầu khí sẽ là nhóm ngành có lợi nhuận khả quan trong quý III. Ngoài ra, những cổ phiếu ngành vật liệu và những doanh nghiệp vay ngoại tệ euro và yên (những ngoại tệ đang giảm giá rất mạnh so với USD) cũng có kết quả kinh doanh rất khả quan.

Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư, CTCK Agribank (Agriseco)

Nhóm ngành dầu khí, chứng khoán sẽ có lợi nhuận cao trong quý III. Bên cạnh đó, việc các đồng tiền EUR và yên giảm giá mạnh trong thời gian gần đây, thì những công ty vay nợ nhiều bằng các đồng tiền này sẽ có lợi nhuận cao (ví dụ PPC, BCC…).

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, nhóm dầu khí, chứng khoán, nguyên vật liệu và vận tải sẽ có kết quả kinh doanh nổi trội hơn so với các ngành còn lại.

Nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng trên HNX, nhưng họ vẫn bán ròng trên HOSE. Theo các ông/bà, dòng vốn ngoại sẽ có biến động ra sao trong tuần tới?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC

Khối ngoại có thể mua ròng lại trên cả HOSE và HNX với giá trị thấp trong tuần tới.

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc ACBS

Động thái bán ròng của nước ngoài trong tuần qua có thể liên quan đến việc cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF.

 Với các báo cáo kinh tế vĩ mô tích cực, xếp hạng tín nhiệm của Chỉnh phủ đã được cải thiện, các quỹ đầu tư ngoại đá quan tâm nhiều hơn tới Việt Nam trong thời gian qua, nhiều khả năng khối này sẽ sớm quay lại mua ròng trong thời gian tới. 

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Hôm thứ Sáu vừa qua là ngày cơ cấu danh mục chính thức cuối cùng của 2 quỹ ETF lớn và như thường lệ, các quỹ ETF này đã đẩy mạnh hoạt động cơ cấu danh mục trong đợt ATC.  

Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6.400 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm 1/3 kết quả này, đạt khoảng 2.300 tỷ đồng. Đây là kết quả không đáng ngạc nhiên do phiên này là ngày cuối cùng trong lịch tái cơ cân bằng danh mục đầu tư theo quý của hai quỹ ETF.

Tuy nhiên, dù giao dịch mạnh, nhưng khối này chỉ mua ròng xấp xỉ 38 tỷ đồng vào sàn HOSE, trong khi bán ròng hơn 250 tỷ đồng trên sàn HNX, trong đó, PVS là mã bị bán ròng nhiều nhất (sau khi được mua ròng với giá trị lên đến 78 tỷ đồng trong phiên 18/9). Tuy vậy, PVS vẫn đứng vững trước áp lực bán mạnh và đã tăng được 2,4%. Do vậy, tôi nghĩ trong tuần sau, giao dịch của khối ngoại sẽ trầm lắng hơn .

Ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên viên cao cấp Phòng Phân tích, CTCK BIDV (BSC)

Khối ngoại đang bán ròng trên Hose là do trong danh mục cả các ETFs có nhiều cổ phiếu niêm yết trên sàn này. Hoạt động bán ròng trong kỳ rà soát danh mục quý III và thoái vốn của quỹ FTSE VN đã làm tăng lượng bán dòng trên HOSE.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy hoạt động thoái vốn mạnh của khối ngoại tại 1 vài công ty bất động sản như VIC, DXG cũng đẩy lượng bán ròng trên HOSE lên cao. HNX có ít cổ phiếu trong danh mục 2 ETFs nên không bị ảnh hưởng.

Hoạt động cơ cấu danh mục của 2 ETFs đã kết thúc và trạng thái chệnh lệch quỹ cũng đang khá cân bằng. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy khối ngoại đang có xu hướng mua vào mạnh ở những phiên giảm điểm. Do vậy, hoạt động mua vào của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tích cực trong tuần sau.

Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư, CTCK Agribank (Agriseco)

Tuần này, thị trường tác động nhiều bởi việc cơ cấu của khối ETF, nên không phản ánh chính xác dòng tiền của khối ngoại. Tôi cho rằng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục xu hướng chảy vào thị trường Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo quan sát của tôi thì họ sẽ có mua bán xen kẽ trong tuần tới khi tuần qua mức độ bán ròng cũng giảm và có xen kẽ với phiên mua, đặc biệt là trên HNX. Trong đó dự báo việc bán ròng sẽ giảm bớt ở những phiên họ bán ròng và tăng nhẹ ở những phiên họ mua ròng.

Tin bài liên quan