Góc nhìn chuyên gia tuần mới: ROS sẽ khó được thêm vào danh mục của ETF

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: ROS sẽ khó được thêm vào danh mục của ETF

(ĐTCK) Nhận định nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, một số chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ vẫn chịu áp lực trong tuần tới. Dự báo về khả năng các mã được thêm, bớt vào rổ của FTSE ETF, một số chuyên gia cho rằng, ROS sẽ khó có khả năng được FTSE thêm vào danh mục trong kỳ review lần này.

Khối ngoại đã có tuần bán ròng mạnh 810 tỷ đồng, đặc biệt khối này bán mạnh VNM. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng của dòng vốn ngoại trong thời gian tới?

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

VNM giảm 1,6% trong phiên cuối tuần một lần nữa chịu áp lực bán mạnh của khối ngoại khi mã này kéo dài đà giảm 4,4% trong 3 ngày qua để chạm mức thấp nhất trong 3 tháng.

VNM, mã có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường - chiếm 14,2% giá trị vốn hóa của chỉ số, đã giảm điểm trong 5 tuần liên tiếp. Hôm nay, SCIC công bố đợt bán đấu giá 9% cổ phần của VNM sẽ được dời sang ngày 12/12/2016, tuy nhiên việc đấu giá này chỉ khiến khối ngoại bán mạnh hơn nhằm gây áp lực về giá đối với cuộc đấu giá này. Với diễn biến của cổ phiếu VNM đã gián tiếp đẩy thị trường giảm điểm.

Thị trưong voi bối cảnh khối ngoại tiếp tục bán ròng. Các quỹ ETF có lẽ đã bán ròng trở lại vì giá của một CCQ ETF ngoại vẫn đang thấp hơn NAV.

Thị trường càng gần cuối năm , khối ngoại càng giao dịch tích cực hơn với diễn biến khó lưong hơn.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Trong 2 phiên cuối tuần, khối ngoại bán ròng tới hơn 424 tỷ đồng đối với mã VNM, khiến giá trị bán ròng của khối này tại sàn HOSE trong 2 phiên này tăng mạnh lên 515 tỷ đồng. Như vậy, tính tới nay khối ngoại đã có phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp và phiên 25/11 là phiên có giá trị bán ròng cao nhất kể từ đầu tháng, đặc biệt là tại VNM. Đà bán ròng của khối này trở nên quan ngại khi đồng thuận với chiều hướng giảm của chỉ số.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: ROS sẽ khó được thêm vào danh mục của ETF ảnh 1

 Ông Ngô Thế Hiển

Theo quan điểm của tôi, việc khối ngoại bán ròng có thể liên quan tới một số lý do như: 1/Hai quỹ FTSE và VNM ETF thời gian gần đây bị rút ròng và hiện tại giá chứng chỉ quỹ vẫn đang giao dịch ở trạng thái discount khá lớn so với NAV;

2/Các chỉ số kinh tế của Mỹ cùng với những tuyên bố mới đây nhất của FED cho thấy, nhiều khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới;

3/Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho các cơ hội tới đây khi nhiều doanh nghiệp lớn sẽ niêm yết.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, áp lực bán ròng có thể vẫn tiếp diễn và ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trong giai đoạn tới.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK BVSC

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán đã phải chịu áp lực khá lớn từ hoạt động bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, trong đó lực cung chủ yếu đến từ các quỹ ETFs và một số quỹ ngoại đang nắm giữ cổ phiếu VNM.

Tôi cho rằng, hoạt động bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, ít nhất là cho đến khi hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs kết thúc.

Bên cạnh đó, nếu FED nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 12, áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sẽ còn gia tăng, mặc dù quy mô có thể không lớn bằng lần nâng lãi suất đầu tiên nhưng vẫn sẽ tác động tiêu cực đến diễn biến chỉ số cả trước và sau khi sự kiện này diễn ra.

Trong quá khứ, lần nâng lãi suất đầu tiên của FED vào tháng 12/2015, dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đã trực tiếp bị ảnh hưởng, với tổng giá trị bán ròng trong giai đoạn từ nửa đầu tháng 11/2015 đến giữa tháng 2/2016 lên tới hơn 200 triệu USD, tác động đáng kể vào diễn biến lao dốc của chỉ số VN-Index trong giai đoạn này.

Hai năm trở lại đây, xu hướng thị trường thường không tích cực vào giai đoạn cuối năm với sự phân hóa khá mạnh, diễn biến này liệu có lặp lại trong năm nay?

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: ROS sẽ khó được thêm vào danh mục của ETF ảnh 2

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh 

Quan điểm của tôi cho rằng, kịch bản năm nay thị trường sẽ giao dịch sôi động vào cuối năm với nhiều công ty lớn, có tên tuổi lên sàn tạo thêm hàng hóa cho thị trường như Sabeco, Vietnam Airlines, Petrolimex, Novaland, Masan Consumer, Đường Quãng Ngãi..., sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, lẫn nước ngoài, sẽ giải ngân mạnh hơn. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến việc phân hoá mạnh hơn giữa các cổ phiếu, giữa các nhóm ngành, kể cả việc phân hoá giữa cổ phiếu bluechip cũ và cổ phiếu bluechip mới.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Đúng là trong một số năm gần đây, diễn biến thị trường trong tháng 12 thường không tích cực so với các giai đoạn khác trong năm, chỉ số chỉ đi ngang hoặc giảm điểm và dòng tiền cũng kém sôi động hơn do nhiều tổ chức giảm quy mô giao dịch vào cuối năm.

Tính cho tới thời điểm hiện tại, VN-Index đã có 1 năm rất tích cực về điểm số khi chính thức lập đỉnh mới sau 8 năm và hiện vẫn đang giao dịch khá vững ngay sát đỉnh mới này (690 điểm). Tuy nhiên, với áp lực bán ròng tại nhiều mã bluechips của khối ngoại và dòng tiền yếu, tôi cho rằng, nhiều khả năng diễn biến đi ngang của chỉ số trong vùng 665 - 685 điểm và phân hóa tại một số cổ phiếu hoặc nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Kể từ năm 2008 đến nay, trong các năm thị trường tăng điểm trong quý IV, thì mức tăng thường tương đối thấp (<7%), trong khi trong các năm giảm của quý IV, chỉ số VN-Index đều giảm điểm khá mạnh.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: ROS sẽ khó được thêm vào danh mục của ETF ảnh 3

 Ông Trần Xuân Bách

Lý giải cho hiện tượng, này tôi cho rằng, có thể do liên quan đến yếu tố mùa vụ, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và người dân trong các tháng cuối năm. Tương tự, như hiện tượng cao điểm tín dụng của ngân hàng giai đoạn cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao, cũng khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán bị rút bớt trong quý IV, gây tác động xấu đến điểm số.

Năm nay, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các yếu tố mùa vụ như trên, thị trường chứng khoán còn phải đối mặt với những ảnh hưởng không mấy tích cực từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, khả năng FED tăng lãi suất và áp lực tỷ giá. Do đó, tôi cho rằng, thị trường trong tháng 12 sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm điểm.

Cuối tuần sau (2/12), Quỹ FTSE sẽ công bố danh mục tái cơ cấu, ông/bà có dự báo như thế nào về nhóm cổ phiếu được thêm/bớt trong đợt tái cơ cấu này?

Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Tôi không có nhận định về vấn đề này.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Đối với những cổ phiếu nằm trong danh mục FTSE Vietnam Index, trong kỳ đánh giá lại danh mục lần này, nhiều khả năng HHS, HNG và PGD sẽ bị loại do không đáp ứng được yêu cầu về  2 tiêu chí vốn hóa có thể đầu tư và thanh khoản của quỹ. Ngoài ra, BHS có thể cũng sẽ bị loại khỏi danh mục nếu không có sự cải thiện mạnh mẽ về cả giá và thanh khoản cho đến trước ngày chốt dữ liệu của quỹ FTSE ETF vào cuối tháng 11.

Ở chiều thêm vào, cổ phiếu CII nhiều khả năng sẽ được thêm vào danh mục của quỹ với tỷ trọng 2,26% trong kỳ “review” lần này, do đã đáp ứng được tiêu chí room nước ngoài >10%, đồng thời thỏa mãn tất cả các tiêu chí khác.

Đối với trường hợp của ROS, cổ phiếu này đã đạt đủ các tiêu chí về vốn hóa và thanh khoản theo yêu cầu của FTSE Vietnam Index, tuy nhiên xét về tiêu chí thời gian, các cổ phiếu mới niêm yết chưa giao dịch được 3 tháng trước kỳ xem xét chỉ số sẽ không đủ điều kiện để được thêm vào trong danh mục của quỹ.

Cổ phiếu ROS chính thức được giao dịch từ 1/9/2016, như vậy tính đến thời điểm chốt danh mục của FTSE ETF vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11, thì cổ phiếu này vẫn chưa đáp ứng đủ thời gian 3 tháng giao dịch.

Mặc dù khả năng ROS được FTSE ETF thêm vào danh mục như một trường hợp ngoại lệ vẫn có thể xảy ra như một vài trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, nhưng tôi hiện đang thiên về kịch bản quỹ FTSE ETF sẽ không thêm ROS vào danh mục ngay trong kỳ review lần này.

Tin bài liên quan