Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Nhóm cổ phiếu nào sẽ thay thế ngân hàng?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Nhóm cổ phiếu nào sẽ thay thế ngân hàng?

(ĐTCK) Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã làm tốt vai trò dẫn dắt thị trường, nhưng đã có dấu hiệu hạ nhiệt cuối phiên. Trong tuần mới, nhóm cổ phiếu này có lấy lại được sức mạnh của mình, hay nhóm cổ phiếu khác sẽ thay thế? Cùng nhà báo Hải Vân tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.

Thị trường đã có một tuần giao dịch khá sôi nổi và có thể thấy thanh khoản đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đã có mức tăng trưởng khá, nên sẽ tạo ra rủi ro lớn cho các hoạt động mua mới trong tuần tới. Quan điểm các ông/bà thế nào?

Ông Lương Biện Nhân Quyền, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK ACBS

Có nhiều chứng cứ cho thấy, thị trường đã quay trở lại xu hướng tăng dài hạn và đợt tăng hiện tại sẽ vượt vùng kháng cự mạnh 640 điểm với mục tiêu thấp nhất là 670 điểm.

Tuy nhiên, do thị trường đã tăng điểm khá mạnh 2 tuần qua, nên áp lực chốt lời dĩ nhiên sẽ lớn và sẽ khiến thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ 563-565 điểm. Mặc dù vậy, dòng tiền và tâm lý thị trường hiện tại đang rất tốt, nên thị trường nhiều khả năng sẽ đi lên trở lại từ vùng hỗ trợ nêu trên.

Điều chỉnh là cơ hội để mua vào những cổ phiếu vốn hoá lớn có kết quả kinh doanh tốt và nắm giữa khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh -  MGTV, CTCK VNDriect

Sau 2 tuần tăng giá liên tiếp, nhiều cổ phiếu đã có dấu hiệu đuối sức và sẽ sớm rơi vào nhịp điều chỉnh, nhất là với những cổ phiếu đã tăng mạnh mẽ tính từ đầu năm tới nay và nhóm các cổ phiếu đầu cơ nhỏ hồi phục theo thị trường mà không có câu chuyện cơ bản hỗ trợ.

Tuy nhiên, với dòng tiền đang đổ vào thị trường khá đều đặn trong 2 tuần gần đây, thì sự sôi động sẽ được luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác và điều này tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hơn khi nắm bắt được sự dịch chuyển của dòng tiền.

Do đó, tôi cho rằng, mặc dù phải chịu áp lực điều chỉnh trong tuần tới và thị trường chuyển sang giai đoạn phân hóa mạnh mẽ hơn, nhưng triển vọng vẫn rất khả quan và cơ hội vẫn đang rộng mở cho nhà đầu tư mới giải ngân.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)

Phiên giao dịch cuối tuần giảm nhẹ sau 1 chuỗi tăng nhiều phiên liên tiếp kể từ khi tạo đáy ngày 18/5 đến nay. Kết thúc tuần ,chỉ số VN-Index là 569,56 điểm. Hai phiên cuối tuần, thị trường đã có lúc vượt qua đuợc ngưỡng 570 khá dễ dàng, nhưng càng về cuối phiên, thị trường mất đi động lực tăng. Điều này cho thấy, ngưỡng 570 điểm vẫn còn ở trước mắt - đây là một ngưỡng kháng cự khá mạnh mà VN-Index chưa vượt qua được.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Nhóm cổ phiếu nào sẽ thay thế ngân hàng? ảnh 1

 Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Dòng cổ phiếu ngân hàng tăng là động lực chính kéo VN-Index tăng điểm trong tuần như BID, VCB.., tuy nhiên do các mã này đã tăng mạnh, nên kết thúc tuần không còn giữ được nhịp tăng.

Khá nhiều cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua đã có dấu hiệu điều chỉnh. Áp lực chốt lời gia tăng, đặc biệt nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps liên tục rung lắc khi chỉ số VN-Index tiến gần mức kháng cự 570. 

Chỉ báo tâm lý biến động nhẹ cho thấy, nhà đầu tư có phần thận trọng khi về ngưỡng 570 điểm. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn tăng mạnh và tiến gần vùng quá mua cho thấy áp lực chốt lời có thể gia tăng và thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc tại các vùng kháng cự 570 của chỉ số VN-Index và 82 - 83 của chỉ số HNX-Index

Điểm tích cực là các chỉ báo trạng thái xu hướng của chỉ số VN-Index có dấu hiệu mở rộng cho thấy, chỉ số này có thể bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Do đó, tôi kỳ vọng 2 chỉ số có thể sẽ sớm vượt được các mức kháng cự trên

Hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng ngắn hạn trên 2 chỉ số và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 545,17 của chỉ số VN-Index và 77,41 của chỉ số HNX-Index cho nên các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng các nhịp rung lắc để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu chúng tôi cho rằng, 2 chỉ số có thể xuất hiện các nhịp rung lắc và áp lực bán chốt lời có thể gia tăng trong các phiên tiếp theo

Trong ngắn hạn, 2 chỉ số có thể xảy ra các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc, cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần tiết chế mua đuổi và tận dụng nhịp điều chỉnh này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu có sẵn.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Thị trường đã có những phiên tăng mạnh sau khi lập đáy 529 điểm, xác lập xu hướng tăng điểm ngắn hạn với sự hỗ trợ của thanh khoản.

Không phủ nhận thị trường đã có mức tăng mạnh 7,6% chỉ trong 9 phiên giao dịch và tâm lý sợ rủi ro trong ngắn hạn đang tăng lên. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, cổ phiếu hết room, chứng khoán, dệt may và 1 vài cổ phiếu thị trường tăng mạnh, trong khi mặt bằng giá của thị trường chưa có mức tăng trưởng tương ứng với mức tăng của chỉ số.

Bên cạnh đó, dòng tiền đang tăng trưởng tốt và hoạt động vay margin ở mức thấp, thị trường dự báo sẽ có hơn 1 phiên điều chỉnh trước khi tăng lên vùng điểm cao mới trong tuần tới. Mức rủi ro chung của thị trường là không lớn.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Đà tăng tiếp tục được duy trì trong tuần giao dịch này. Dòng tiền có xu hướng luân chuyển sang nhóm các cổ phiếu mới chưa tăng nhiều sau khi chốt lời tại các mã đã tăng mạnh trong các phiên trước đó. Tuy vậy, xung lực tăng điểm trong tuần này có xu hướng yếu đi khá rõ rệt.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Nhóm cổ phiếu nào sẽ thay thế ngân hàng? ảnh 2

 Ông Ngô Thế Hiển

Hiện tượng điều chỉnh trong phiên diễn ra thường xuyên hơn khiến độ rộng thị trường thu hẹp mạnh. Phiên giao dịch cuối tuần, thị trường có dấu hiệu trùng xuống rõ rệt với sự suy yếu đồng loạt của nhóm các cổ phiếu dẫn dắt khiến 2 chỉ số.

Rủi ro điều chỉnh theo tôi sẽ tiếp tục xuất hiện trong tuần tới. Nhà đầu tư nên tránh việc mua đuổi, đặc biệt đối với các mã đã tăng nóng trong 2 tuần vừa qua.

Thị trường tuần qua được dẫn dắt bởi của nhóm cổ phiếu ngân hàng và dòng tiền lan tỏa ra hầu hết các nhóm cố phiếu, giúp độ rộng thị trường mở rộng tích cực trở lại. Tuần mở màn cho tháng 6 sẽ chứng kiến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu nào, theo các ông/bà?

Ông Lương Biện Nhân Quyền, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK ACBS

Thị trường đang tăng điểm dựa trên nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng và chứng khoán. Mặc dù các nhóm cổ phiếu này có tín hiệu suy yếu trong phiên cuối tuần qua và nhường tính dẫn dắt cho nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình và vốn hoá nhỏ, nhưng đây là diễn biến thông thường của một đợt tăng giá mạnh khi nhóm nhà đầu tư dài hạn và nhóm nhà đầu cơ ngắn hạn thay nhau dẫn dắt thị trường.

Một khi thị trường hồi phục trở lại thì nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, ngân hàng, bất động sản, xây dựng và chứng khoán sẽ tiếp tục tăng mạnh và dẫn dắt thị trường đi lên. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tập trung vào các nhóm cổ phiếu này khi thị trường hồi phục xu hướng tăng.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh -  MGTV, CTCK VNDriect

Theo quan sát của tôi thì nhóm cổ phiếu ngân hàng đã làm khá tốt vai trò dẫn dắt của mình với việc đưa các Index vượt qua các kháng cự mạnh và định giá của nhóm ngành này hiện đã hợp lý.

Áp lực điều chỉnh có thể đến trong tuần sau với nhóm ngành này và cả với một số nhóm các cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm tới nay như HHS, HBC, SHI...

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Nhóm cổ phiếu nào sẽ thay thế ngân hàng? ảnh 3

 Ông Nguyễn Trung Du

Ở khía cạnh tích cực, thì nhóm cổ phiếu bất động sản cũng là nơi mà dòng tiền đang chuyển dịch sang và nhóm ngành dầu khí đã có giai đoạn tích lũy bền bỉ trong mấy tuần qua có thể sẽ là nơi đến của dòng tiền trong tuần tới và tôi hy vọng đây là nhóm có thể gánh vác vai trò hỗ trợ thị trường khi dòng cổ phiếu ngân hàng rơi vào nhịp điều chỉnh.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo quan điểm của tôi, thị trường tuần đầu tháng 6 sẽ tiếp tục có những phiên tăng xen kẽ những phiên điều chỉnh khi thị trường chạm ngưỡng 570 điểm. Nhóm cổ phiếu có thể bứt phá là những cổ phiếu ngân hàng chưa tăng mạnh trong thời gian qua.

Những cổ phiếu ngành chứng khoán có thể cũng trở thành tâm điểm thị trường cùng với một số cổ phiếu blue- chips chưa tăng bởi vì nhóm cổ phiếu này tăng mới dẫn dắt được nhịp tăng của thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực tăng điểm chính và tạo hiệu ứng tâm lý tốt cho xu hướng của thị trường trong 9 phiên qua. Dù vậy, sự tăng giá quá nhanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang đứng trước áp lực chốt lãi ngắn hạn, cần thời gian tích lũy lại để tạo đà tăng giá tiếp theo.

Những nhóm cổ phiếu dẵn dắt như đề cập ở trên đã tạo ra khoảng cách giá hấp dẫn để dòng tiền chuyển vào các cổ phiếu chưa hoặc tăng giá thấp. Do vậy, tôi cho rằng, sau thị trường sẽ tăng đều trên diện rộng, dòng tiền sẽ hướng về những cổ phiếu chưa tăng hơn là tập trung vào 1 nhóm cụ thể.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 28/5 khi đồng loạt tăng điểm giúp VN-Index bứt phá khỏi mốc 570 điểm. Trong Top 10 mã tăng mạnh nhất trong ngày có tới 6 mã thuộc nhóm ngân hàng.

Điều này cho thấy, nhóm cổ phiếu này vẫn đang tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ và sẽ tiếp tục là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong tuần tới.

Nhiều năm trước đây, tại mỗi kỳ Quốc hội, thị trường có xu hướng giảm hoặc lình xình, nhưng năm nay lại có sự khác biệt, thị trường tăng mạnh ngay phiên khai mạc Quốc hội và duy trì đà tăng dài sau đó. Theo các ông/bà, nhà đầu tư kỳ vọng gì từ các thông tin và các chính sách sẽ được thảo luận, thông qua trong kỳ họp này?

Ông Lương Biện Nhân Quyền, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK ACBS

 Ông Lương Biện Nhân Quyền

Thị trường chứng khoán là kim chỉ nam của nền kinh tế và vì vậy, phản ánh rất tốt với các chính sách đề ra. Sau một giai đoạn có thể nói là “thắt chặt” hệ thống tài chính để giải quyết những vấn đề tồn đọng từ những năm trước, thì có thể những chính sách sẽ được “nới lỏng” hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh -  MGTV, CTCK VNDriect

Thực tế, trong các năm kinh tế khó khăn, mỗi kỳ họp Quốc hội, nhà đầu tư sẽ lo ngại các vấn đề khó khăn được mổ sẻ và làm cho câu chuyện với thị trường chứng khoán càng u ám hơn. Tuy nhiên, với triển vọng hồi phục khá tốt và đang ngày càng tích cực hơn trong 3 năm trở lại đây, thì những thông tin tại các kỳ họp Quốc hội đa số là thông tin tốt, mang màu sắc tích cực cho thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, ở giai đoạn hiện tại những nỗ lực nhằm thông qua nới room cho nhà đầu tư ngoại, các hiệp định FTA và TPP đang nóng trở lại càng giúp cho thị trường có thêm những kỳ vọng mới và triển vọng chung đang trở lên khả quan hơn.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Xu thế điều chỉnh tháng 3-4 có chu kỳ, dù vậy mức giảm giá quá mạnh so với chuyển biến vĩ mô và doanh nghiệp. Tâm lý thị trường bị xáo mòn sau khi có nhiều tin bất lợi cũng là nguyên nhân chính cho đợt điều chỉnh kéo dài và mạnh.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Nhóm cổ phiếu nào sẽ thay thế ngân hàng? ảnh 5

 Ông Bùi Nguyên Khoa

Đợt tăng giá lần này được nhận định là nhịp hồi sau khi thị trường đã bị bán quá. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến những thông tin đang ảnh hưởng tích cực đến tâm lý thị trường hiện tại như thông tin TPP và đặc biệt là Nghị định sửa đổi 58.

Cá nhân tôi cho rằng, việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài không chỉ có tác động đến tâm lý thị trường, mà còn thúc đẩy dòng vốn ngoại đầu từ vào thị trường tạo điều kiện cho thị trường tăng trưởng tốt.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Theo thống kê trong 8 lần họp Quốc hội từ 2011 tới nay, thì có tới 5 lần thị trường giảm điểm trong tháng đó với mức giảm bình quân trên 4,5%.

Kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh khác là thị trường đã có nhịp giảm sâu diễn ra trong vài tháng trước đó và đưa giá nhiều cổ phiếu xuống mức thấp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng việc nới room khối ngoại sớm được thông qua và do vậy giúp dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh mẽ khiến xu hướng tăng tích cực được duy trì.

Tin bài liên quan