Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Liệu có sóng kết quả kinh doanh quý II?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Liệu có sóng kết quả kinh doanh quý II?

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục có tuần tăng điểm, nhưng nhiều cổ phiếu lại không có mức tăng tích cực, thậm chí quay đầu giảm. Sắp tới, kết quả kinh doanh quý II sẽ dần được công bố và liệu điều này có tạo sóng cho thị trường? Cùng nhà báo Hải Vân tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.

Các nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm trụ nâng đỡ thị trường trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu có sự hỗ trợ từ yếu tố cơ bản và thông tin về kết quả kinh doanh quý II tích cực sẽ là điểm hội tụ của dòng tiền. Theo ông/bà, nhóm ngành nào dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2015 và liệu có sóng lợi nhuận quý II?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Nhìn thị trường tăng điểm khá tích cực, nhưng thực chất bên trong nhịp tăng giá này lại hoàn toàn khác. Không quá nhiều cổ phiếu có mức tăng tích cực để nhà đầu tư có thể có mức lợi nhuận đột biến như từng xảy ra ở những năm trước.

Các cổ phiếu tăng giá không đều, cũng như có sự phân hóa rất lớn và không cố định theo một nhóm ngành cụ thể. Cổ phiếu của 1 ngành chỉ tăng giá tối đa 2 phiên, sau đó lại suy giảm và chuyển sang nhóm khác. Điều này cho thấy sự hoài nghi của nhà đầu tư về tình hình kinh doanh của ngành đó hoặc có thể lượng tiền không đủ nhiều để át đi sức bán.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Liệu có sóng kết quả kinh doanh quý II? ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Bình 

Với quan sát của tôi thì năm nay là năm rất khó khăn với các doanh nghiệp và chưa định hình ra được ngành nào có lợi thế. Sẽ lại có một sự phân hóa lớn trong từng doanh nghiệp và điều này sẽ khiến cho câu chuyện lợi nhuận quý II không phản ánh rõ nét trên TTCK.

Nếu xét một góc đơn giản hơn, thì có lẽ ngành dầu khí sẽ có dấu ấn tốt hơn cả bởi kế hoạch mà các công ty trong ngành đặt ra năm nay rất thấp do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu đã phục hồi khá nhiều, nên có thể nhiều công ty ngành này sẽ sớm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Nhìn nhận cả về chuỗi tăng giá vừa qua, có vẻ như lượng tiền không còn quá dồi dào trên TTCK nữa khi mà nó bị thắt lại một phần bởi Thông tư 36, bị rút ra bởi bất động sản, tham gia vào các cuộc cổ phần hóa. Trong khi đó lượng cung cổ phiếu là quá lớn khi các doanh nghiệp liên tục phát hành ra thị trường. Đó là một trong những tác động mà tôi cho rằng, để chinh phục được mốc 600 điểm là một sự cố gắng rất lớn.

Sự khó khăn đó sẽ lại khiến dòng tiền thông minh kiếm tìm những doanh nghiệp có những lợi thế nhất định mà có lẽ những hiệp định FTA đang mang lại. Nhà đầu tư lúc này cần có sự nhẫn nại đủ tốt để có thể kiếm tìm ra những doanh nghiệp đó và chờ đợi cơ hội sẽ đến.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Nếu nói có sóng lợi nhuận quý II cũng đúng do thị trường đang trong giai đoạn tăng điểm khá tích cực và còn tiếp tục tăng tiếp. Thông tin vĩ mô cũng như thông tin về doanh nghiệp cũng đang phần nào phản ánh vào giá.

Dựa vào diễn biến các cổ phiếu trong giai đoạn tăng điểm vừa qua chúng ta cũng có thể thấy, một số nhóm cổ phiếu nổi bật thu hút dòng tiền cũng chính là nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II và cả 6 tháng đầu năm như nhóm cổ phiếu bảo hiểm, xây dựng hạ tầng, dệt may, ngân hàng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Quan điểm của tôi là sóng lợi nhuận quý II nếu có sẽ không quá mạnh. Thị trường hiện tập trung nhiều vào các thông tin vĩ mô từ thế giới đến Việt Nam, như Hy Lạp, FED, giá xăng dầu, tỷ giá, lãi suất, Thông tư 74 sửa đổi, mua bán T0, rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2, dòng tiền khối ngoại, người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam có hiệu lực vào tháng 7...

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Liệu có sóng kết quả kinh doanh quý II? ảnh 2

Ông Phan Dũng Khánh 

Các thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trừ khi có sự đột biến còn lại sẽ khó có tác động mạnh để giá cổ phiếu. Đơn giản vì nhà đầu tư quan tâm đến triển vọng tương lai, trong khi báo cáo quý II là việc quá khứ, mặc dù đây là một yếu tố để đánh giá triển vọng tương lai, nhưng những yếu tố vĩ mô trên sẽ tác động mạnh hơn đến dòng tiền chảy vào thị trường và vào doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.

Nếu những thông tin trên là tích cực thì vẫn là nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán sẽ là những nhóm hút được dòng tiền nhiều hơn cả.

Cổ phiếu JVC là một trong những cổ phiếu biến động mạnh nhất trong tuần qua khi liên tục các lệnh bán tháo khiến chỉ trong một tuần, từ một cổ phiếu được đánh giá là cổ phiếu “tốt”,  trở thành cổ phiếu quá rủi ro. Ông/bà có thể lý giải hiện tượng JVC?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Ở TTCK Việt Nam không gì là không thể, một phần là sự lỏng lẻo trong quản lý, một phần nằm ở sự minh bạch. JVC không phải là trường hợp đầu tiên từng xảy ra bởi những thông tin bất lợi nằm ở phía sau. Rủi ro tại JVC không chỉ với nhà đầu tư, mà với cả những CTCK bởi nó nằm trong danh mục được phép margin.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

JVC là một trong những cổ phiếu cơ bản mà tôi đánh giá riêng trong năm ngoái 2014 là cổ phiếu có thể đầu tư được. Tuy nhiên, qua quá trình tăng vốn liên tục, quá trình lên kế hoạch hoạt động kinh doanh, cũng như chiến lược hoạt động, tôi cho rằng, có một số vấn đề nột tại liên quan đến rủi ro hoạt động của doanh nghiệp.

Riêng việc giảm điểm mạnh kèm theo khối lượng bán giá sàn quyết liệt đã cho thấy doanh nghiệp đã và đang gặp những vấn đề nghiêm trọng, điều ảnh hưởng quyết định đến động thái của nhà đầu tư.

Điều gì đến cũng đã đến, khi mà thông tin xấu dần được tung ra và cổ phiếu bị bán sàn liên tục rồi áp lực giải chấp - chuỗi hành trình giảm giá dường như mới chỉ bắt đầu.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Hiện tượng JVC gây được sự chú ý trong tuần qua với khối lượng bán ra mạnh mẽ, nhà đầu tư nước ngoài cũng thoái lui khỏi mã này.

Đầu tiên xuất phát từ những tin đồn và dù Công ty đã có phản ứng bằng cách cải chính, nhưng chậm và khá "sơ sài", chỉ bằng 1 văn bản đơn giản, nhưng không giải đáp hết được thắc mắc của các nhà đầu tư.

Khác với những nhiều công ty khác họ phản ứng rất nhanh, công bố thông tin cải chính, tổ chức họp báo, chủ động liên hệ với các cổ đông, nên giá cổ phiếu không bị giảm nhiều như vậy gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, các cổ đông của công ty. Bởi thế, các doanh nghiệp cần phải có bộ phận quan hệ công chúng để có thể quản lý rủi ro trong các trường hợp này để tránh hoặc ít nhất cũng hạn chế sự tiêu cực đến công ty. Bởi vì, không chỉ đơn thuần là giá cổ phiếu rớt, mà còn là uy tín của công ty trong mắt nhà đầu tư, đồng thời sau này công ty cần huy động vốn trên TTCK sẽ khó khăn hơn nhiều.

Tuần qua là tuần chốt danh mục của ETF và khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh. Điều này tác động như thế nào đến thị trường?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Câu chuyện ETF giờ trở thành bình thường với nhà đầu tư, bởi những dự báo hiện nay có độ chính xác gần như tuyệt đối. May chăng nó sẽ dành cho những chuyên gia tính toán và tìm ra một mã nào đó đủ điều kiện vào rổ và nếu như đến ngày công bố thì không phải ai cũng có phần trong niềm vui đó.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Tôi không cho rằng, việc các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục ảnh hưởng lớn đến thị trường giai đoạn hiện nay, nhất là khi thị trường đang trong giai đoạn tăng điểm. Có chăng chỉ là tác động tích cực tới thị trường.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Liệu có sóng kết quả kinh doanh quý II? ảnh 3

 Ông Lê Đức Khánh

Điều thể hiện rõ nhất là phiên cơ cấu danh mục với thanh khoản khổng lồ trên HOSE đi kèm với việc tăng điểm của VN-Index. Chưa kể đến việc động thái khối ngoại mua vào lớn các cổ phiếu bluechips đầu ngành  kiểu BVH, DPM, ITA, VCB, VIC…

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Theo công bố từ các quỹ ETF thì họ mua vào nhiều hơn bán ra, nên điều này hỗ trợ cho thị trường. Ngoài ra, còn hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư nội, kích hoạt các dòng tiền còn đang "dè dặt" tham gia mạnh mẽ hơn vào TTCK.

Các phiên giao dịch tuần qua, đặc biệt là ngày thứ Sáu thể hiện điều này. Kỳ vọng dòng tiền dương tiếp tục duy trì tích cực trên thị trường sẽ giúp thị trường sớm vượt được vùng kháng cự hiện tại (585-590) để đạt được tầm cao mới.

Tin bài liên quan