Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng lớn

(ĐTCK) Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia cho rằng, tạo đáy thành công tại ngưỡng 577, nên xu hướng chung của thị trường trong tuần tới và cả tháng 11 là tích cực, nhưng sẽ khó có sóng lớn chưa nhìn thấy dòng hay 1 nhóm ngành nào đủ sức kéo thị trường như nhóm dầu khí vừa qua. 
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng lớn

Thông tin NHNN tiếp tục giảm lãi huy động đã tác động tích cực đến TTCK, thể hiện ở phiên 28 và 29/10, nhất là trong phiên 29/10, khi lệnh mua giá cao liên tiếp xuất hiện, đẩy cả 2 sàn tăng mạnh. Các ông đánh giá thế nào về hiệu ứng giảm lãi suất?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới, CTCK MBS

Lãi suất là 1 yếu tố rất quan trọng trong việc định giá cổ phiếu và xu thế của lãi suất sẽ quyết định đến xu thế của thị trường theo tỷ lệ nghịch. Vì vậy, việc thị trường phản ứng tích cực phiên 29/10 vừa qua là đương nhiên. Tuy nhiên, thị trường sẽ chỉ phản ứng tích cực thành xu thế khi mà xu thế lãi suất vẫn còn tiếp tục hạ và khi mà P/E forward trên toàn thị trường vẫn còn nhỏ hơn nghịch đảo của lãi suất gửi tiết kiệm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng lớn ảnh 1

 Ông Dương Văn Chung

Với Lãi suất tiết kiệm hiện nay ở mức 5,5%/năm thì tôi cho rằng, mức P/E forward hợp lý của thị trường sẽ ở mức 1/5,5% = 18. Trong khi đó, mặt bằng P/E thị trường Việt Nam hiện nay đang chỉ ở mức 13, nên tôi cho rằng thị trường vẫn còn đủ dưa địa để tăng trường trong trung và dài hạn.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK TVSI

Trong bối cảnh thị trường giảm điểm, lực cầu suy yếu, thông tin NHNN giảm lãi suất trở nên cực kỳ có giá trị, tạo tâm lý tích cực và cú huých cho thị trường quay trở lại xu hướng tăng điểm.

Dòng tiền đầu cơ tạm thời rút ra trong giai đoạn giảm điểm trước đó đã nhanh chóng quay trở lại thị trường tạo sự tăng giá ở các cổ phiếu vốn hóa trung bình và thấp.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

Thông tin giảm lãi suất đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và cụ thể là động thái mua vào cổ phiếu của nhà đầu tư nội trong các phiên cuối tuần trước. Rõ ràng việc giảm lãi suất thông thường tác động tốt đến TTCK và nhất là trong giai đoạn hiện nay thì TTCK sẽ hồi phục khá tốt từ những thông tin tích cực như hiện nay.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc, CTCK Seabank

Do cầu của nền kinh tế vẫn yếu, nên động thái tiếp tục hạ trần lãi suất huy động và cho vay sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp đang có dư nợ vay cao, như các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu…, góp phần làm giảm chi phí cho các doanh nghiệp này, dẫn tới giảm giá thành và điều này có thể kích thích tổng cầu của nền kinh tế tăng.

Việc bán được nhiều hàng hơn sẽ cải thiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và rộng hơn là các yếu tố vĩ mô như doanh số bán lẻ, tăng trưởng GDP… sẽ tiếp tục cải thiện.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS

Câu chuyện hạ lãi suất thực ra không phải là mới mẻ và nó hoàn toàn không bất ngờ bởi nhiều ngân hàng lớn cũng đã hạ lãi suất này từ rất lâu.

Câu chuyện phiên 29/10 phải kể đến cổ phiếu SSI khi cầu mua được đẩy vào quá mạnh, một sự trái ngược hoàn toàn ở những phiên trước đó.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng lớn ảnh 2

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Vấn đề là thông tin lãi suất xuất hiện thực sự đúng lúc vào đúng thời điểm thị trường vừa trải qua đợt giảm giá dài. Nhiều cổ phiếu đã sụt giảm rất sâu và điều đó khiến cho cầu mua bắt đầu lan tỏa.

Về dài hạn, lãi suất đang hình thành tạo đáy cho dù vẫn có cơ hội để giảm thêm nữa. Tuy nhiên thực tế lại không hẳn dễ dàng như vậy nhưng tựu chung lãi suất tạo đáy vẫn là yếu tố hỗ trợ cho TTCK trong thời gian tới.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Tôi cho rằng, động thái hạ trần lãi suất của NHNN là tích cực khi tiếp tục cho thấy những hành động nhất quản từ phía cơ quan điều hành trong việc định hướng duy trì mặt bằng lãi suất VND thấp để hỗ trợ tăng trưởng.

Điều này cũng phù hợp với kỳ vọng trước đó của thị trường về xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất.

Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, hiện tại mặt bằng lãi suất huy động ở hầu hết các NHTM đều đã ở dưới mức trần mới 5,5%/năm. Theo đó, chúng tôi đánh giá việc hạ trần lãi suất huy động VND như kể trên không còn nhiều ý nghĩa cũng như mức độ tích cực của thông tin này đến TTCK không còn quá nhiều.

Thị trường đã giảm về dưới mốc 600 điểm và theo dự báo sẽ tốt hơn về cuối năm. Nhưng trước mắt, các ông nhận định ra sao về diễn biến thị trường trong tháng 11 và trong tuần đầu tiên của tháng (ngày 3/11 đến 7/11)?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới, CTCK MBS

Về mặt cơ bản, những thông tin vĩ mô vừa được công bố thời gian vừa qua khá tích cực, như tăng trường GDP 9 tháng đầu năm ở mức 5,62%, vượt xa mức 5,14% của năm ngoái và CPI 9 tháng đầu năm chỉ tăng 3,65% so với cùng kỳ - mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Đó là những dấu hiệu cho thấy vĩ mô đang ở trạng thái khá tích cực và tạo dư địa cho việc tiếp tục hạ lãi suất. Khi nào lãi suất chưa có dấu hiệu đảo chiều tăng trở lại thì thị trường sẽ vẫn còn tiếp tục xu thế tăng và tháng 11 này cũng vậy.

Về mặt kỹ thuật thì ngưỡng 575 - 578 là ngưỡng hỗ trợ rất mạnh của VN-Index (fibo 23.6% của trend dài hạn trùng với fibo 50% của trend trung hạn) và VN-Index đã 2 lần chạm ngưỡng này vào 17/10 và 28/10, rồi bật lên nên chúng tôi cho rằng thị trường đã tạo đáy thành công tại ngưỡng 577.

Phiên 30 và 31/10 VN-Index đã bứt phá thành công khỏi downtrend ngắn hạn kéo dài từ 10/10 đến nay, nên xu thế chung cho cả tháng 11 sẽ là rất tích cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn tuần đầu tiên của tháng 11 thì tôi cho rằng, VN-Index sẽ điều chỉnh giảm sau khi chạm ngưỡng 604 +/- 1, nhưng nếu có điều chỉnh giảm thì là cơ hội tốt để mua vào bởi đây chỉ là điều chỉnh mang tính kỹ thuật trong ngắn hạn.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK TVSI

Khi xu hướng kinh tế vĩ mô ngày càng tích cực hơn, thì nhịp điều chỉnh của thị trường chứng khoán sẽ tạo nền tảng cho sự tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

Nhịp điều chỉnh của thị trường giai đoạn vừa qua có thể đã kết thúc với ngưỡng hỗ trợ mạnh cho VN-Index tại vùng 575-580.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng lớn ảnh 3

Ông Lê Đắc An 

Trong tháng 11, thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng trưởng. Các mã chứng khoán sẽ có sự phân hóa theo kết quả kinh doanh quý III và triển vọng quý IV.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

Sau những phiên giao dịch tạo đáy cuối tuần trước, tôi đã có những cơ sở để nhận định rằng xu hướng của TTCK trong tháng 11 là xu hướng tăng điểm là chủ đạo.

Chỉ số VN-Index đã điều chỉnh tạo đáy quanh ngưỡng 575 điểm và không giảm về dưới mốc 570 như nhận định của một số các chuyên gia hiện nay. Tuần tới sẽ là tuần tăng điểm và điều chỉnh quanh mốc 610 đểm. Như vậy, chỉ số VN-Index tạo đáy thành công thì thị trường sẽ bắt đầu sóng tăng điểm mới có thể kéo dài từ nay đến cuối năm. Chỉ số VN-Index sẽ tăng điểm và điều chỉnh ở quanh các mốc 610 rồi 630 điểm trong tháng 11 và tôi tự tin cho rằng thị trường đang quay trở lại sóng tăng và đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư từ nay đến cuối năm 2014.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc, CTCK Seabank

Sau gần một tháng giảm điểm, cả 2 sàn đang dao động giằng co tại vùng hỗ trợ 580-600 điểm đối với VN-Index và 85-87 điểm đối với HNX-Index. Đặc biệt là vùng hỗ trợ 580 điểm đã đóng vai trò hỗ trợ khá tốt cho thị trường trong 3 tuần vừa qua. Đã 2 nhịp giảm VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ 580 điểm đề phục hồi trở lại cho thấy tâm lý nâng đỡ thị trường tại vùng này khá tốt.

Ngoài ra, tín hiệu tích cực nữa đến từ sự phân hóa ở một số nhóm cổ phiếu, một số mã có dấu hiệu mạnh hơn thị trường tập trung ở nhóm chứng khoán và bất động sản cho thấy dấu hiệu dẫn dắt đang nhen nhóm.

Đồng thời, khối ngoại quay trở lại mua ròng cả tuần qua trên cả 2 sàn với giá trị mua ròng đạt gần 400 tỷ đồng, điều này đã góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Thị trường đã có những biểu hiện tích cực hơn trong tuần qua.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng lớn ảnh 4

 Ông Nguyễn Vũ Phong

Trong tuần tới, nếu khối ngoại không quay trở lại vị thế bán ròng, thì VN-Index sẽ được cân bằng quanh vùng 600 điểm và sự tích cực của thị trường tập trung ở một số mã được hỗ trợ nhiều hơn từ việc lãi suất giảm như bất động sản, thủy sản, nguyên vật liệu…

Mặc dù vậy, tín hiệu quá mua đã bắt đầu xuất hiện trên cả 2 sàn, do đó, nhịp rung lắc mạnh quanh vùng 605 điểm với VN-Index và 89,5 điểm với HNX-Index sẽ xảy ra trong đầu tuần tới.

Chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường đang có những biểu hiện tích cực, nhịp điều chỉnh có thể là cơ hội cho nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Nhìn về xu thế xa hơn là cả tháng 11, theo quan điểm của tôi, nền tảng vùng giá của thị trường tại vùng 580 điểm đối với VN-Index đang khá vững, cùng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV sẽ được cải thiện hơn nhờ việc lãi suất giảm sẽ giúp thị trường trở lại xu thế tăng, mặc dù vậy thị trường sẽ không tăng quá mạnh mà cần vài tuần đầu giao dịch trong trạng thái tích lũy. Mục tiêu của VN-Index hướng tới trong tháng này là 620 điểm.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS

Cú sốc với thông tin liên quan đến Tập đoàn Đại Dương khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh và đã tiệm cận đến ngưỡng 580 điểm cũng như khả năng rơi khỏi đường hỗ trợ dài hạn MA200. Tuy nhiên, những phiên tăng mạnh trở lại vừa qua cũng như sự tích cực từ TTCK thế giới sẽ là điểm tích cực cho TTCK tháng 11. Đó có thể coi như là sự thử thách cuối cùng được tạo ra cho TTCK trong cả chuỗi giảm giá kể từ đầu Tháng 9 đến nay.

Thị trường bước sang tháng 11 chắc hẳn sẽ mang nhiều kỳ vọng lớn của NĐT trước một số thông tích cực. Khi TTCK thế giới quay trở lại với nhịp tăng điểm thì cơ hội khối ngoại quay lại với TTCK có thể sẽ sáng hơn. Nó sẽ hỗ trợ cực tốt cho tâm lý của NĐT trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, theo như thông kê thì chưa khi nào thị trường mức tăng mạnh trong thời gian Quốc hội họp cả. Hơn nữa, giai đoạn này chưa có chính sách nào mang đến kỳ vọng lớn cũng như chưa nhìn thấy dòng hay 1 nhóm ngành nào đủ sức kéo thị trường như nhóm dầu khí vừa qua.

Tôi chỉ kỳ vọng rằng, dòng tiền sẽ quay lại và nhắm đến những cổ phiếu cơ bản khi đã sụt giảm mạnh vừa qua đồng thời giúp cho VN-Index thực sự bền vững tại vùng 600 điểm (+/- 10) và như thế hình thành sự tích lũy tốt cho giai đoạn sau đó. Vì thế, NĐT nên tìm đến những cổ phiếu cơ bản, có mức giá hấp dẫn và đã suy giảm tương đối mạnh trong giai đoạn vừa qua để mua.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Thị trường vừa trải qua một giai đoạn điều chỉnh tương đối mạnh trong tháng 10. Tuy nhiên, có thể thấy hiệu ứng xấu từ những thông tin tiêu cực cả trong nước và trên thế giới trong thời gian qua đến nay cũng đã được giảm thiểu và hạn chế.

Bước sáng tháng 11, đây được nhìn nhận là giai đoạn thị trường sẽ không có nhiều thông tin hỗ trợ mới khi (1) nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và đà phục hồi nhưng sẽ khó có thể vượt kỳ vọng trước đó và (2) kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III đã gần đi đến hồi kết.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng lớn ảnh 5

 Ông Trần Minh Hoàng

Trong khi đó, về động thái của khối ngoại, sau tháng bán ròng rất mạnh và quyết liệt vừa qua, tháng 11 rất có thể sẽ là tháng mua ròng trở lại của khối này khi (1) tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trên thế giới đã vơi bớt sau khi các quyết định trong cuộc họp tháng 10 của FED không khác biệt so với kỳ vọng trước đó (chấm dứt gói QE3 và duy trì mặt bằng lãi suất thấp thêm một thời gian đáng kể sau đó); (2) Châu Âu và Nhật Bản tăng kích thích kinh tế và (3) theo dữ liệu lịch sử, thời điểm nửa cuối quý IV thường bắt đầu một chu kỳ giải ngân tốt của khối ngoại.

Như vậy, trong tháng 11, mặc dù không kỳ vọng vào một kịch bản hồi phục và bứt phá mạnh mẽ, nhưng tôi cho rằng, sau những biến động mạnh trong tháng 10, thị trường nhiều khả năng sẽ có xu hướng tích lũy tích cực và ổn định hơn với sự cải thiện dần dần về điểm số lẫn thanh khoản.

Margin đã bắt đầu tăng từ cuối tháng 7, nhưng vẫn chưa chạm đến mức đỉnh (tháng 4/2014) và được dự báo tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm. Tình trạng sử dụng margin trên thị trường hiện nay có đang “lo ngại” như thị trường đang bàn tán và quan điểm của các ông như thế nào về tình trạng này?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới, CTCK MBS

Đối với tôi thì thông tin về dư nợ Margin chỉ có tác động trong ngắn hạn và chỉ là 1 trong những yếu tố nhỏ tác động tới thị trường, bởi vì mặt bằng lãi suất mới là yếu tố quyết định tới xu thế thị trường.

Chừng nào lãi suất vẫn đang trong downtrend thì dòng tiền thông minh sẽ vẫn còn tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán và dư nợ Margin sẽ vẫn còn tiếp tục chinh phục các kỷ lục mới và không định lượng được cụ thể dư nợ margin là bao nhiêu là đỉnh.

Tôi chỉ thực sự lo ngại khi lãi suất quay đầu tăng trở lại vì nó quyết định xu thế trung và dài hạn của thị trường còn con số dư nợ Margin tuyêt đối chỉ ảnh hưởng tới thị trường trong ngắn hạn (< 1 tháng).

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK TVSI

Thị trường giá lên luôn kèm theo dư nợ margin tăng. Tỷ lệ sử dụng margin phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Hoạt động cho vay margin chung của thị trường thì không đáng lo ngại. Nhưng hoạt động margin của riêng một vài mã cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao, nhưng thiếu nền tảng cơ bản thì có thể mang lại rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

Tình trạng margin hiện nay trên thị trường là không cao. Giai đoạn điều chỉnh vừa qua đã hầu như tác động lớn đến tỷ lệ margin trên thị trường và nhà đầu tư cá nhân cũng không dại gì giữ tỷ lệ margin cao khi thị trường vào giai đoạn điều chỉnh và nhất là khi không thể dự báo diễn biến của VN-Index khi mà nó bị tác động nhiều bởi sự sụt giảm của nhiều chỉ số chứng khoán thị trường và tác động bán ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS

Thực sự khác nhau rất nhiều giữa 2 giai đoạn. Trong thời gian tháng 4 tôi nhận thấy các cổ phiếu đều vận động mạnh và hầu hết đều tăng giá từ nhỏ đến lớn. Khi đó Margin được ước lượng lên đến trên 25.000 tỷ đồng. Còn giai đoạn hiện tại, khi những thống kê Margin lấy từ báo cáo tài chính quý III, có nghĩa là trước tháng 9 thì khi đó chưa tính đến nhịp giảm mạnh trong tháng 10.

Một điểm nữa là giai đoạn này NĐT cũng đã đề phòng và tự hạ bớt tỷ lệ trên xuống mức an toàn. Ngay cả như thông tin liên quan đến OGC xảy đến thì sự hoảng loạn hay bán tháo không diễn ra đồng loạt và điều đó cho thấy không quá đáng ngại như nhiều người lo sợ.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Rõ ràng, khi tỷ lệ margin quá lớn sẽ đẩy rủi ro trên thị trường cao và sau đó thị trường luôn có những nhịp điều chỉnh để cân bằng lại và ổn định mặt bằng giá mới.

Theo nguồn tin của chúng tôi, tỷ lệ đòn bẩy tài chính hiện nay đã điều chỉnh về mức vừa phải và hợp lý. Trong khi đó, diễn biến thị trường đã có những dấu hiệu tích cực lên. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng như chính bản thân các nhà đầu tư đang có xu hướng phát triển quản trị rủi ro tốt hơn. Do vậy, tôi cho rằng, áp lực từ việc sử dụng đòn bảy tài chính luôn tiềm ẩn nhưng là không đáng lo ngại vào lúc này.

Khối ngoại gần đây đã trở lại mua ròng. Theo các ông, động thái này có tác động như thế nào tới các nhóm cổ phiếu và thị trường và đâu là nhóm cổ phiếu cần quan tâm trong tuần tới?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới, CTCK MBS

Khối ngoại luôn có truyền thống giao dịch tại các mã bluechip, nhưng theo hệ thống phân lớp cổ phiếu của tôi thì các cổ phiếu bluechip sẽ chỉ giữ vai trò giữ nhịp thị trường đề duy trì đà tăng ổn định, còn tỷ lệ tăng trưởng cao thì vẫn sẽ thuộc về các cổ phiếu Midcap liên quan tới bất động sản, xây lắp và vật liệu xây dựng.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK TVSI

Xu hướng mua ròng trở lại của khối ngoại cũng góp phần tăng thêm lượng cầu và tạo tâm lý tích cực hỗ trợ nhà đầu tư. Khi thị trường hồi phục, các mã giảm mạnh trong giai đoạn trước đó sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn trong những phiên đầu của giai đoạn hồi phục. Giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, các mã có kết quả kinh doanh quý III tích cực sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

 Ông Lê Đức Khánh

Khối ngoại quay trở lại mua ròng là tin tốt tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Khi mà thị trường đã kết thúc điều chỉnh đi xuống và quay lại giai đoạn hồi phục tăng điểm, thì chúng ta nên chú ý nhiều đến những cổ phiếu cơ bản kiểu như BMI, TCM, BVH, FCN và một số cổ phiếu thuộc nhóm dẫn dẫn dắt: SSI, KBC, SHS...

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc, CTCK Seabank

Việc mua ròng trở lại của khối ngoại cũng ảnh hưởng từ việc TTCK thế giới đã phục hồi cả tuần qua, nhóm cổ phiếu bluechips bị bán mạnh trong 2 tuần trước đó đã được khối ngoại mua ròng trở lại và đang phục hồi lên mặt bằng giá trước khi giảm.

Do đó, nếu khối ngoại thu hẹp giao dịch thì kỳ vọng tiếp tục tăng giá của nhóm này là không lớn khi vùng giá hiện tại sẽ không hấp dẫn.

Như trên đề cập, tôi cho rằng, nhóm được hưởng lợi nhiều hơn từ việc lãi suất giảm do dư nợ vay nợ ngân hàng lớn sẽ tăng giá, với kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn trong quý IV/2014 như bất động sản, thủy sản, nguyên vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS

Như tôi phân tích ở trên, tháng 11 sẽ khó có sóng mạnh, nhưng lại mang nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, NĐT sẽ chỉ quay về với cổ phiếu cơ bản có mức giá hấp dẫn do giảm giá mạnh vừa qua.

Còn về khối ngoại, rất có thể họ sẽ quay trở lại khi TTCK thế giới trở nên ổn định và tăng trở lại. Dòng tiền vì thế sẽ có cơ hội đặc biệt là các quxy ETF khi tỷ lệ premium sẽ gia tăng. Nếu như tiền lại chảy vào các quỹ ETF thì chu kỳ mua ròng kể từ tháng 11 đến tháng 3 có thể lại bắt đầu.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Trước hết, khối ngoại trở lại mua ròng ở các blue-chips sẽ tạo ra những cơ hội nhất định từ sự phục hồi của nhóm cổ phiếu này. Khi các blue-chips hồi phục và giữ nhịp cho thị trường, tôi cho rằng, sự nổi bật không hẳn sẽ đến từ nhóm cổ phiếu này, mà nhiều khả năng sẽ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, có beta cao, đã ghi nhận những điều chỉnh sâu trong thời gian qua, đặc biệt là tại các mã có nền tảng cơ bản vững chắc với kết quả kinh doanh quý III cũng như triển vọng quý IV lạc quan.

Tin bài liên quan