Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu đầu cơ sẽ yếu thế?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu đầu cơ sẽ yếu thế?

(ĐTCK) Dòng vốn ngoại sẽ hoạt động như thế nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau tuần mua ròng mạnh mẽ vừa qua? Nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, bất động sản có tiếp tục là dòng dẫn dắt thị trường, hay sẽ bị chốt lời trong tuần mới?... Tất cả các câu hỏi này sẽ được các chuyên gia giải đáp trong cuộc trao đổi bàn tròn cuối tuần với nhà báo Hải Vân.

Khối ngoại mua ròng 6 phiên liên tiếp, cùng với sự hồi phục của giá dầu là những nhân tố quan trọng cho đợt tăng điểm của thị trường trong tuần qua. Liệu xu hướng này có tiếp diễn trong tuần tới (20/4 đến 24/4), theo ông/bà?

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Tuần qua, khối ngoại mua vào mạnh trên 2 sàn, chuyển trạng thái danh mục từ discount sang premium. Quỹ ETF VNM là quỹ mua mạnh nhất và khả năng quỹ này sẽ tiếp tục mua ròng trong vài phiên tới với khoảng 150.000 chứng chỉ. Tuy nhiên, áp lực chốt lời diễn ra trong phiên cuối tuần qua, tập trung ở nhóm dầu khí với đà tăng tạm dừng lại. Do đó, trong các phiên đầu tuần tới, áp lực chốt lời gia tăng có thể khiến thị trường điều chỉnh.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu đầu cơ sẽ yếu thế? ảnh 1

Ông Nguyễn Vũ Phong 

Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy vùng khán cự 570 điểm là vùng thử thách trong tuần tới, nếu nhịp điều chỉnh mạnh thì VN-Index sẽ test ngưỡng hỗ trợ 560 điểm. Và thị trường có thể phục hồi trở lại trong các phiên cuối tuần với trạng thái mua ròng của khối ngoại tiếp diễn. Do đó, nhà đầu tư nên tạm thời chốt lời phần danh mục đã có lãi và tiến hành mua lại khi thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ với lực cầu mua tốt.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK VCBS

Tôi cho rằng, xu hướng thị trường hồi phục nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tiếp theo, nhưng với tốc độ chậm rãi hơn.

Thứ nhất, về yếu tố dòng vốn ngoại, quỹ ETFs được coi là nòng cốt và có tầm ảnh hưởng lớn đến hành động của phần đông các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, quỹ ETF VNM đã bắt đầu huy động ròng trở lại được 3 phiên liên tiếp với trạng thái chênh lệch giữa thị giá và NAV chuyển từ âm (discount) sang dương (preminum) và tăng lên tới mức khá cao +3,94%. Chúng tôi kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục huy động đều đặn trong tuần tới và tạo ra cơ sở cho dòng vốn ngoại giải ngân mạnh trên thị trường Việt Nam.

Thứ hai, sự hồi phục của giá dầu đã kéo dài được 6 phiên liên tục nhờ kỳ vọng vào việc Mỹ đã chạm đỉnh về nguồn cung dầu. Chúng tôi cho rằng, thông tin trên chỉ mang tính chất hỗ trợ cho giá dầu thế giới trong ngắn hạn, trong khi về dài hạn, lượng cung dầu thô trên toàn thế giới chưa có dự báo cụ thể là sẽ giảm xuống đáng kể. Do đó, đà hồi phục của giá dầu thế giới chưa đảm bảo sự chắc chắn và cũng không thể loại trừ khả năng điều chỉnh trở lại của giá dầu trong tuần tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Xu hướng tích cực vẫn là chủ đạo khi khối ngoại mua ròng ngày một mạnh hơn, tâm lý NĐT nội được cải thiện, dòng tiền chảy vào tìm cơ hội đang tăng lên. Tuy nhiên, thị trường đang tiến vào vùng kháng cự đầu tiên 580-585 điểm sẽ là thử thách quan trọng có thể khiến VN-Index chịu sự thử thách và điều chỉnh kỹ thuật trước khi xác nhận lại xu hướng tiếp theo.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS)

Tuần qua, chúng ta nhận thấy sự trở lại rất rõ nét của NĐT nước ngoài khi mua ròng 6 phiên liên tiếp với giá trị mua ròng đều đạt từ trên 100 - 300 tỷ đồng. Trong đó, theo quan sát của chúng tôi về xu hướng dòng vốn quốc tế, sau đợt rút ròng mạnh trong quý I/2015 ở nhiều thị trường Emerging market và Frontier market, NĐT nước ngoài đã tăng cường trở lại các thị trường này, đặc biêt tại các nước như Nga, Brazil, Ấn Độ…

Tại Việt Nam, qua theo dõi tính hiệu trở lại của quỹ VNM ETF có thể sẽ là một tín hiệu báo hiệu đợt mua ròng này có thể diễn ra từ 2 tuần đến 1 tháng tới. Trong đó, quỹ VNM ETF trong 3 phiên từ ngày 14/3-16/3 cũng đã huy động được 5,28 triệu USD, cùng với mức premium của quỹ là 2,8% tính đến cuối tuần qua cho thấy, khả năng hút vốn ròng có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Thị trường vẫn đang phụ thuộc vào động thái của khối nhà đầu tư ngoại. Chính vì vậy, biến động tỷ giá USD đang đặt ra lo ngại dòng vốn ngoại chảy từ các thị trường (trong đó có Việt Nam) về thị trường Mỹ. Liệu điều này có tác động lớn đến TTCK Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Trong ngắn hạn, trạng thái của các quỹ đang khá tốt và nhiều khả năng tiếp tục mua vào trong vài phiên tới. Tuy nhiên, xét về dài hạn, khi mà Feb chính thức nâng lãi suất thì điều này sẽ khiến khối ngoại tiếp tục rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Trong thời gian gần đây, tỷ giá USD tiếp tục tăng lên và biến động thất thường, không loại trừ khả năng khối ngoại đang rút tiền. Do đó, rủi ro cho TTCK là lớn nếu trạng thái rút ròng của khối ngoại tiếp diễn trong vài tháng tới. Năm nay là một năm khó khăn chung của TTCK với biến động khó lường từ thế giới, cũng như chính sách trong nước.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK VCBS

Tôi cho rằng, về dài hạn, đây là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Áp lực tỷ giá liên tục tăng cao sẽ tạo ra gánh nặng lên không chỉ phương hướng giải quyết của Ngân hàng Nhà nước, mà còn lợi nhuận thực tế thu về của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc bất ổn định của tỷ giá cũng là một trong những rủi ro lớn để những nhà đầu tư chưa tham gia vào thị trường cân nhắc lại xem có nên lựa chọn để đầu tư vào thị trường đó hay không.

Đối với thị trường Việt Nam, quy luật trên cũng không phải là một ngoại lệ. Trong quý I, đồng USD mạnh lên khi những đồn đoán về việc Fed nâng lãi suất liên tục lan rộng. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài khá thờ ơ với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi Fed cam kết chưa nâng lãi suất ngay trong tháng 4 và trấn an các nhà đầu tư rằng sẽ lùi thời điểm xuống tháng 6 hoặc tháng 9 khiến cho sự an tâm đã phần nào trở lại.

Áp lực từ USD giảm bớt và từ đó cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu để nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại các thị trường mới nổi, mà trong đó có Việt Nam. Theo đó, tôi cho rằng, tỷ giá trong thời gian tới chưa có tác động lớn tới TTCK trong nước. Về dài hạn, sớm hay muộn việc nâng lãi suất của Fed cũng sẽ diễn ra, khi đó, tỷ giá USD sẽ còn nóng lên và nhiều khả năng sẽ một lần nữa tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Việc tỷ giá biến động ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại, nhưng dòng vốn ngoại ngắn hạn sẽ ít bị ảnh hưởng khi NĐT nước ngoài cũng lướt sóng y như NĐT nội. Họ cũng bán mạnh ở những thời điểm cho là đỉnh như đợt biển Đông, hay giá dầu năm 2014 và vùng 600 đầu năm nay, đồng thời mua mạnh trở lại sau đó. Giao dịch khối ngoại chiếm tỷ trọng nhỏ trên TTCK Việt Nam, nhưng họ chỉ mua/bán những mã cổ phiếu lớn nên mức độ ảnh hưởng đến thị trường là rất lớn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu đầu cơ sẽ yếu thế? ảnh 2

Ông Phan Dũng Khánh 

Còn về dòng vốn trung dài hạn, theo thông tin từ các quỹ và số liệu kinh tế thì dòng vốn này vẫn đang ổn định, chưa có dấu hiệu rút về, mặc dù những thông tin lo ngại về điều này râm ran nhiều những ngày gần đây.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS)

Biến động điều chỉnh tỷ giá trong năm nay theo dự phóng của chúng tôi nếu có, thì cũng sẽ không quá 3%, do đó về cơ bản điều đó không tác động quá lớn đến diễn biến chung của dòng tiền NĐT nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Bởi thực tế trong những năm gần đây, việc Việt Nam có những đợt điều chỉnh tỷ giá, nhưng dòng tiền NĐT nước ngoài gần như không ảnh hưởng nhiều. Điều ảnh hưởng lớn nhất là xu hướng dòng vốn quốc tế, cũng như Việt Nam, tôi cho rằng, chủ yếu sẽ đến từ biến động của việc tăng lãi suất của Fed trong năm nay.

Nhóm cơ bản đang thu hút dòng tiền và giúp tạo hiệu ứng lan tỏa ra thị trường chung, trong đó cổ phiếu nhóm dầu khí, các cổ phiếu ngân hàng, tài chính tăng mạnh trong tuần. Trong tuần tới, tâm điểm của thị trường sẽ hướng vào nhóm cổ phiếu nào, theo cảm nhận của ông/bà?

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã thu hút dòng tiền trở lại trong tuần qua sau khi sụt giảm mạnh thời gian trước đó. Sau nhịp tăng mạnh vừa qua thì dòng tiền sẽ tạm rút ra khỏi nhóm này, do đó nhóm này khả năng bước vào nhịp điều chỉnh.

Theo quan điểm của tôi, trong tuần tới, một loạt các thông tin về cổ tức và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục hé lộ, khả năng nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ được dòng tiền quan tâm, ngoài ra dòng tiền sẽ sớm trở lại với  các cổ phiếu ngân hàng tài chính sau nhịp điều chỉnh của vài phiên đầu tuần. 

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK VCBS

Tôi kỳ vọng rằng, tâm điểm của thị trường sẽ được lan rộng ra thêm nhiều nhóm cổ phiếu khác khi tâm lý nhà đầu tư đã trở nên tích cực hơn. Tuy vậy, trọng tâm có lẽ vẫn là các ngành nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía khối ngoại như ngân hàng, công nghệ…

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu đầu cơ sẽ yếu thế? ảnh 3

 Ông Trần Anh Tuấn

Sự hưởng ứng từ phía cầu nội sẽ giúp cho các cổ phiếu cơ bản phát huy được thế mạnh của mình. Trong khi đó, các cổ phiếu đầu cơ có lẽ vẫn sẽ yếu thế hơn khi nhà đầu tư đang phải cân nhắc yếu tố rủi ro trong bối cảnh thị trường vẫn chưa hoàn toàn xác định xu hướng tăng và khả năng điều chỉnh vẫn tiềm ẩn trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường chưa mạnh.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Theo tôi nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản sẽ là tâm điểm của thị trường, nhờ trong tuần trước vẫn cho thấy, các nhóm này vẫn thu hút được sự quan tâm của các NĐT và khối ngoại mua ròng.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS)

Trong tuần qua, chúng tôi nhận thấy, ngoài việc hồi phục của nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD, PVS, PVC…), dòng tiền đã có tín hiệu trở lại nhất là nhóm VN30 nhờ có thông tin tích cực về khả năng UBCK có thể ban hành nới room trong thời gian tới. Diễn biến này đã hỗ trợ khá tốt cho diến biến phục hồi của các cổ phiếu hết room như FPT, TCM, HSG, HCM, REE…có tín hiệu thu hút khá tốt lực cầu của thị trường khi kỳ vọng vào sóng “nới room” trong thời gian tới.

Tuần tới, khả năng sẽ tiếp tục phân hóa mạnh theo từng mã do đây là thời điểm của mùa ĐHCĐ và KQKD quý I, do đó các mã có kết quả kinh doanh khả quan và tỷ lệ chia cổ tức cao sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu đầu cơ sẽ yếu thế? ảnh 4

 Ông Trần Hoàng Sơn

Về phân lớp cổ phiếu, chúng tôi nhận thấy dòng tiền tập trung vào các nhóm cổ phiếu: (1) Dầu khí nhờ đà phục hồi của giá dầu; (2) Cổ phiếu hết room ngoại và nhóm cổ phiếu được NĐT nước ngoài mua ròng (PVD, HHS, VCB, BID, VIC…); Nhóm cổ phiếu trong các ngành tiềm năng phục hồi tốt trong năm nay như ngân hàng (CTG, BID, VCB…), bất động sản (DXG, KBC, SJS, HBC, ITA, ITC, KDH…), xây dựng hạ tầng (SD5, SD6, SD9, HUT, CII…), ô tô và phụ tùng (HTL, HHS, SVC, ST8, DRC, CSM…), thủy sản (VHC, SNC…) và một số cổ phiếu khác như BIC, CMG, SHI, FCM, VNE, DCS…
Tin bài liên quan