Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu

(ĐTCK) Thị trường đang trải qua quá trình điều chỉnh sau thời gian tăng mạnh trước đó. Tuy nhiên, trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia đánh giá, xu hướng của thị trường vẫn chưa hẳn xấu và mức độ rủi ro ngắn hạn là thấp. Dòng tiền không những không rút ra, mà có một lượng tiền mới đang chảy vào thị trường, vì vậy, đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy thêm cổ phiếu.

Nền kinh tế Mỹ đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng và nhiều dự báo cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9/2015. Nếu điều này xảy ra sẽ tác động đến TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam như thế nào, theo các ông?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MBS

Tuần qua, Fed đã phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất vào tháng 9 và vẫn nằm trong phỏng đoán và dự báo của giới chuyên gia. Tôi cho rằng việc, lộ trình tăng lãi suất của Fed hiện tại là khá rõ ràng và NĐT gần như đã được chuẩn bị tâm lý sẵn với đợt nâng lãi suất này. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại đó là việc margin trên NYSE đã ở mức đỉnh cao mọi thời đại và cao hơn tại các thời điểm như bong bóng dotcom, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007...

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu ảnh 1

Ông Trần Hoàng Sơn 

 

Do đó, việc Fed tăng lãi suất có thể dẫn đến một đợt điều chỉnh của TTCK Mỹ khi nước này đã trải qua hơn 6 năm tăng điểm. Nếu diễn biến này diễn ra, khả năng tác động đến TTCK toàn cầu là có thể xảy ra, nhưng mức độ tôi nghĩ là điều chỉnh mà thôi.

TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế, do đó nếu kinh tế Mỹ vẫn hồi phục và tăng trưởng tốt thì TTCK cũng sẽ phản ánh và đạt được mức tăng trưởng tương ứng về dài hạn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

TTCK thế giới có một nhịp điều chỉnh khá mạnh thời gian gần đây và tôi cho răng, tác nhân chính vẫn là lo ngại Fed tăng lãi suất. Cho dù có sự ảnh hưởng từ TTCK Trung Quốc, nhưng phần lớn mức độ điều chỉnh vẫn mang hơi hướng của vấn đề lãi suất và đồng USD mạnh lên.

Thực tế, TTCK là nơi phản ảnh sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế, nên dù lãi suất tăng thì TTCK sẽ chỉ rơi vào nhịp điều chỉnh. Tiền vẫn nhiều và kinh tế vẫn đang đúng hướng, tăng trưởng khá tích cực. Còn nếu xét trên phương diện lịch sử, thì Fed đã từng nâng lãi suất và TTCK Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên cho đến khi lãi suất đạt đỉnh. Điều đó cho thấy, TTCK vẫn có cơ hội trong vòng 1-2 năm tới và chỉ xảy ra sự đổ vỡ nếu như nền kinh tế thế giới biến động mạnh va xấu đi.

Vì thế tôi cho rằng, dòng tiền với TTCK Việt Nam sẽ không nhiều ảnh hưởng mà có phần tích cực hơn khi Mỹ sẽ tham gia đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Kinh tế Mỹ tiếp tục đưa ra những số liệu tích cực về tăng trưởng và việc làm và đã nhiều lần Feb tuyên bố sớm tăng lãi suất. Lần gần đây nhất, các chuyên gia dự báo Feb sẽ tăng lãi suất vào tháng 9/2015.

Tác động đầu tiên là ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại thương của các nước khi đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác, tác động thứ hai là các khoản vay mượn bằng đồng USD sẽ thành đắt hơn và gây khó khăn cho các nước đã vay quá nhiều tiền USD khi chúng còn rẻ và lãi suất thấp. Do đó, xu hướng dòng tiền USD rút về Mỹ sẽ gia tốc mạnh hơn.

Trong thời gian qua, khi lãi suất tại Mỹ ở mức thấp, thì xu hướng dòng vốn giá rẻ đã dịch chuyển về các thị trường mới nổi. Do đó, nếu lãi suất tăng thì xu hướng rút tiền khỏi các thị trường này sẽ gia tăng và thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ bị điều chỉnh mạnh, nhất là khi các chỉ số của Mỹ đang dao động ở vùng đỉnh.

Đối với TTCK Việt Nam, tôi đánh giá ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng do dòng vốn ngoại sẽ giảm, các doanh nghiệp vay USD sẽ bị bất lợi. Tuy nhiên, quy mô hiện tại của khối ngoại tại TTCK Việt Nam không lớn, vì đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu là đầu tư trực tiếp, mà đây lại là đầu tư dài hạn, không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Theo lô trình của Fed, khả năng lãi suất sẽ được tăng 2 lần và dự kiến sẽ vào cuối mỗi quý, cho nên việc lãi suất có thể sẽ tăng vào tháng 9/2015. Điều này sẽ có ảnh hưởng đến diễn biến TTCK toàn cầu và TTCK Việt Nam nói riêng, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn, vì đã được giới đầu tư dự báo trước.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu ảnh 2

 Ông Nguyễn Thế Minh

 

Ngoài ra, mức lãi suất tăng sẽ không quá cao và mức độ ảnh hưởng chủ yếu đến nhóm thị trường mới nổi, trong đó có Nga, Trung Quốc…, nhưng lượng tiền đã rút ra khỏi thị trường mới nổi kể từ cuối 2014 do lo ngại tình hình của Nga và bong bóng của Trung Quốc, nên cũng không ảnh hưởng nhiều nếu Fed tăng lãi suất.

Do đó, mức độ ảnh hưởng đến TTCK toàn cầu là không nhiều, đặc biệt TTCK Việt Nam.

Nhìn vào diễn biến thị trường tuần qua cho thấy, việc TTCK Trung Quốc lao dốc mạnh dường như không ảnh hưởng nhiều đến TTCK trong nước, xu hướng giằng co phân hóa vẫn đang là đặc điểm nổi bật của thị trường trong các phiên cuối tháng 7. TTCK tuần mở đầu tháng 8 liệu có sự bứt phá hơn không?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MBS

TTCK Trung Quốc suy giảm mạnh và nhiều chuyên gia dự đoán mức độ giảm có thể sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới. Dòng tiền rút ra khỏi TTCK Trung Quốc đang chảy vào một số nước có triển vọng lạc quan về kinh tế, cũng như an toàn cho đầu tư như TTCK Ấn Độ là một ví dụ.

Ngắn hạn, TTCK Việt Nam đang nằm trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật sau khi tăng hơn 100 điểm từ đáy 528 điểm. Do đó, việc điều chỉnh ngăn hạn diễn ra là hoàn toàn bình hường và hợp lý về nhịp thị trường.

Giai đoạn trước, cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm và bluechips đóng vai trò dẫn dắt xu hướng và dòng tiền đưa thị trường lên trên 640 điểm, thì giai đoạn này cũng chính là nhóm cổ phiếu làm điểm số thị trường giảm nhiều nhất.

Trong khi đó, đa số các mã midcap và penny còn lại vẫn chủ yếu giảm nhẹ và sideway. Do đó, tôi cho rằng, tháng 8 là tháng thị trường tích lũy và dao động trong 1 biên khá rộng từ 600-640 điểm

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Điều lo lắng nhất của tôi là nhịp hồi phục của thị trường kể từ phiên 22/7 đã không tạo ra được sức mạnh đủ lớn để lôi kéo dòng tiền. Cho dù có những phiên giao dịch sau đó, nhiều cổ phiếu tăng đột biến, nhưng nó lại không đồng đều nên mức độ ảnh hưởng đã không lan rộng.

Việc chỉ đạt đến 639 điểm (mức cao nhất) và thấp hơn đỉnh cũ (641 điểm) khiến cho lo ngại về mô hình 2 đỉnh ngày càng lớn. Đặc biệt phiên giao dịch cuỗi tuần đẩy VN-Index mất hơn 5 điểm khiến lo ngại giảm sâu càng hiện hữu.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu ảnh 3

 Ông Nguyễn Hữu Bình

 

Mô hình này đã từng xảy ra hồi tháng 4/2014 và NĐT đều biết sau đó mức suy giảm là thế nào. Vì thế, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 là rất quan trọng. Nếu như áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu tiếp tục kéo chỉ số VN-Index giảm sâu (đặc biệt là rơi khỏi mốc 613 điểm), thì nguy cơ giảm về 590 điểm là rất cao. Đây là phiên giao dịch mà NĐT nên quan sát thật kỹ để hành động.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Thị trường tiếp tục có tuần giao dịch giằng co trong biên độ 620 điểm - 640 điểm. Giai đoạn hiện tại, thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, cùng với việc suy yếu của nhóm vốn hóa lớn đã khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn.

Sau giai đoạn tăng mạnh, thị trường bước vào giai đoạn tích lũy là điều không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu trạng thái giao dịch hiện tại duy trì quá lâu và dòng tiền không sớm trở lại sẽ khiến áp lực bán gia tăng và thị trường cần hình thành mặt bằng giá thấp hơn để thu hút cầu vào thị trường.

Giai đoạn hiện tại, thông tin hỗ trợ là kết quả kinh doanh quý II, do đó nó sẽ có tác động đơn lẻ ở một số cổ phiếu khả quan, tuy nhiên thông thường quý II là quý không có đột biến của các doanh nghiệp. Thị trường hiện tại trông chờ vào biến động của nhóm vốn hóa lớn và giao dịch của khối ngoại chính là động lực.

Nhà đầu tư cần quan sát kỹ động thái của khối ngoại trong tuần tới, với giao dịch của khối ngoại trong tuần qua, thì biến động của thị trường trong tuần đầu tháng 8 sẽ tiếp tục thận trọng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Xét về trung hạn, TTCK vẫn đang được hưởng lợi rất nhiều từ yếu tố vĩ mô và các chính sách thúc đẩy phát triển TTCK của Chính phủ. Điểm nổi bật tôi nhận thấy là dòng tiền không rút ra ngoài thị trường, mà còn lượng dòng tiền mới tiếp tục gia tăng vào thị trường.

Ngoài ra, vào đầu tháng 9/2015, nhiều chính sách tích cực sẽ được thực thi, trong đó có Nghị định 60 về việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, điều này sẽ tác động rất tích cực lên TTCK. Do đó, tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc và bứt phá trong tháng 8/2015.

Nhiều CTCK cho rằng, hiện nay dòng tiền đầu cơ đang có xu hướng quay trở lại và là yếu tố giúp nhóm cổ phiếu midcaps, cũng như smallcaps đồng pha hơn với nhóm cổ phiếu Largcaps. Chính mức độ rủi ro ngắn hạn của hai chỉ số ở mức thấp, nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở giai đoạn này. Quan điểm của các ông/bà?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MBS

Giai đoạn vừa qua, phần lớn cố phiếu trụ cột và dẫn dắt sóng tăng điều rơi vào nhịp điều chỉnh giảm, do đó dòng tiền có xu hướng chạy lòng vòng sang nhóm cổ phiếu midacap và smallcap. Thực tế, cơ hội và khả năng kiếm lợi nhuận trong giai đoạn vừa qua khá khó và NĐT quay sang tìm kiếm cơ hội tại các cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao như ASM, VHG, ITQ, VIX, ASM, HAR, JVC, KSA, OGC... Do đó, khả năng một cổ phiếu penny vẫn sẽ tạo sóng trong tuần tới.

Về mặt kỹ thuật, trong ngắn hạn, việc VN-Index giảm qua ngưỡng hỗ trợ 625 điểm (đường trung bình động 20 ngày) cho thấy khả năng xu thế của thị trường có thể tiếp tục suy giảm về các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sau giai đoạn sideway tại vùng đỉnh, ngưỡng hỗ trợ sắp tới của VN-Index là 610-613 điểm, tương ứng vùng đáy ngắn hạn đã xác lập vào tuần trước.

Trong khi đó, HNX-Index đã tiệm cận về vùng hỗ trợ 85 điểm, nhiều khả năng chỉ số này sẽ tiếp tục kiểm nghiệm vùng hỗ trợ trên trong tuần tới.

Nhìn chung, trạng thái giao dịch của thị trường hiện nay có nhiều tín hiệu suy giảm sau giai đoạn sideway tại đỉnh, do đó tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu và tiền ở mức 40/60, có thể xem xét trading trong giai đoạn này, mua vào trong những phiên giảm và bán ra vào các phiên phục hồi và chỉ gia tăng tỷ trọng nếu thanh khoản cũng như thị trường chuyển biến tích cực hơn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Trong rất nhiều bài viết trước đó, tôi đã từng đề cập đên việc TTCK sẽ hồi phục khi nó đang suy giảm về gần 500 điểm hồi tháng 5/2015. Trong quá trình phân tích và sàng lọc, tôi nhận thấy, năm nay là một năm thực sự khó khăn để tìm kiếm ra doanh nghiệp có sức hấp dẫn đầu tư.

Trong khi đó, dòng tiền lại bị thu hẹp mạnh trên TTCK do nhiều yếu tố như lạm phát phát hành, Thông tư 36 của NHNN, cổ phần hóa… Do đó, tôi không đánh giá cao mức độ hồi phục của thị trường và cho rằng đạt đến 600  điểm (+/-10) đã là thành công. Việc chỉ số VN-Index tiếp cận tới đỉnh cũ 644 điểm thì lại vô cùng thành công.

Nhìn lại sóng tăng kể từ tháng 5 đến nay, chúng ta luôn nhận thấy dòng tiền chỉ tập trung vào nhóm bluechip và quên đi nhóm đầu cơ. Hai nhóm này có sự đối nghịch khá rõ và tôi cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do dòng tiền yếu.

Tôi chưa bao giờ đề cao nhóm đầu cơ trong năm 2015 này và từng nhiều lần khuyến nghị nên tạm thời tránh xa các nhóm này và ngay cả hiện tại, quan điểm này vẫn được giữ nguyên. Nếu VN-Index có nguy cơ suy giảm mạnh như lo ngại ở trên, thì mức độ suy giảm của nhóm đầu cơ này sẽ rất lớn.

Chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào nhóm bluechip và đặc biệt là những xu hướng tới đây của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeABank

Chính trạng thái giao dịch giằng co trong vài tuần qua là cơ hội ngắn hạn đối với nhà đầu tư trading khi mua tại vùng hỗ trợ và bán ra tại vùng kháng cự.

Mức lợi nhuận không lớn, nhưng biến động giá này cũng giúp cho thanh khoản phần nào không bị sụt giảm quá mạnh.

Khi nhóm largecap đang suy yếu vai trò dẫn dắt, nhưng chưa xuất hiện tín hiện xấu, nên dòng tiền vẫn đang dịch chuyển giữa các cổ phiếu có thông tin hỗ trợ, như các mã được hưởng lợi từ TPP, nới room khối ngoại, bất động sản và nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu ảnh 4

 Ông Nguyễn Vũ Phong

 

Sự luân chuyển dòng tiền như hiện tại cho thấy, thị trường chưa xấu đi và dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, thị trường vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm, với giao dịch giằng co sẽ không diễn ra quá lâu nữa và trạng thái thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Do đó, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch trong giai đoạn này, nhưng tránh tình trạng bán bằng mọi giá, vì thị trường chưa xấu đi và chờ tín hiệu rõ ràng hơn của thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Như lúc nãy tôi đã đề cập, dòng tiền không rút ra khỏi thị trường, mà còn bơm thêm lượng tiền mới vào thị trường. Điều này có nghĩa là dòng tiền sẽ liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Đồng thời, với nhịp điều chỉnh ngắn hạn vừa qua, nhiều cổ phiếu đã rơi về trạng thái quá bán ngắn hạn, về gần các mức hỗ trợ, cho nên tôi đánh giá mức độ rủi ro ngắn hạn là thấp và đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trung hạn gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu mà mình đang nắm giữ.

Tin bài liên quan