Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội giải ngân

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội giải ngân

(ĐTCK) Thị trường đã có tuần lao dốc mạnh, nhất là phiên sáng cuối tuần, nhưng trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường sẽ ổn định tại vùng 540 và đây là vùng giải ngân rất tốt cho trung hạn, nhất là khi thời điểm chính thức áp dụng nới room sắp đến gần.

Phiên cuối tuần qua (21/8), VN-Index có lúc giảm tới 25 điểm, dù sau đó đã hãm dần về cuối phiên, nhưng đây mức giảm mạnh từ rất lâu mới xuất hiện. Theo các ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeAbank

Chứng khoán thế giới đã lao dốc mạnh trong phiên 20/8, từ thị trường châu Á, châu Âu, đến Mỹ. Đà giảm mạnh này xuất phát từ việc phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng nghĩa với lo ngại về bất ổn kinh tế nước này ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là ảnh hưởng từ việc giá dầu xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng.

Cùng với xu hướng giảm mạnh của thế giới, TTCK trong nước trong phiên cuối tuần cũng có lúc giảm lịch sau 3 năm. 3 năm trước, thị trường cũng đã chứng kiến phiên lao mạnh do ảnh hưởng của thông tin bầu Kiên bị bắt, còn trong phiên cuối tuân qua là lo ngại về khối ngoại tiếp tục bán ròng trong nhiều phiên gần đây, chủ yếu do trạng thái ETFs rút chứng chỉ quỹ, giá dầu liên tục phá đáy, tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng, cùng xu hướng tỷ giá có nhiều biến động từ giờ tới cuối năm ảnh hưởng từ biến động từ nhân dân tệ và tin đồn bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đã khiến nhà đầu tư bi quan đồng loạt bán ra.

Cộng hưởng theo đó là hoạt động giải chấp diễn ra trên toàn thị trường, khiến trong phiên có lúc VN-Index giảm tới hơn 24 điểm.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ, phiên giảm điểm ngày 21, thậm chí ngày 20/8 là có yếu tố nước ngoài. Họ bán ròng rất lớn trên nhiều mã, nhất là các mã dầu khí. Tất nhiên, nhà đầu tư nước ngoài bán cũng có lý do và 1 số yếu tố có thể được nêu ra:

Thứ nhất, biến động xấu trên thị trường dầu thô thế giới khiến khối ngoại hành động giống như hồi cuối năm 2014.

Thứ hai, tin đồn tiêu cực về chuyện bắt bớ ở một số công ty niêm yết lớn.

Thứ ba là câu chuyện tiền tệ và tỷ giá.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội giải ngân ảnh 1

 Ông Hoàng Thạch Lân

Ngoài ra, chuyện margin cũng là 1 yếu tố ảnh hưởng cả về mặt giao dịch và tâm lý lên TTCK trong mấy phiên qua.

Ai cũng biết là margin được sử dụng nhiều ở TTCK Việt Nam, nhưng chả mấy ai biết quy mô thực sự của nó đến đâu ở từng mã cổ phiếu. Chỉ có các Sở mới nắm được số liệu, nhưng lại không công bố. Do đó, nhà đầu tư chỉ dự báo rằng, một khi cổ phiếu giảm giá 20% trở lên là rơi vào ngưỡng giải chấp, khiến khối lượng lệnh bán càng tăng thêm và giá lại càng giảm thêm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)

Thị trường đang diễn ra đợt washout mạnh nhất trong thời gian qua. Áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ trong phiên sáng 21/8 GTGD đã đặt 1.600 tỷ đồng trên HOSE và 281 tỷ đồng trên HNX.

Tất cả các thông tin xấu từ hệ thống ngân hàng, tỷ giá điều chỉnh mạnh, giá dầu giảm ảnh hưởng đến cổ phiếu dầu khí, vốn hóa lớn như GAS, PVD, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại, áp lực force sell..., đã diễn ra đồng loạt trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thị trường bị ảnh hưởng bởi một số thông tin thiếu tích cực như dự báo của HSBC tin rằng, NHNN có thể phải giảm giá tiền đồng thêm 2% nữa từ nay đến cuối năm; thông tin về Ngân hàng Đông Á... Các thông tin này điều chỉnh kỳ vọng của nhà đầu tư dẫn tới ngưỡng hỗ trợ 570 điểm bị phá vỡ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Các tin đồn được dịp rộ lên tập trung vào nhóm ngân hàng, giá dầu giảm tác động xấu ngành dầu khí vốn là 2 ngành dẫn dắt thị trường, nên dễ dàng kéo thị trường đi xuống.

Ngoài ra, khối ngoại bán ròng nhiều phiên liên tiếp với tốc độ tăng dần đều làm áp lực lên thị trường và tâm lý các nhà đầu tư nội.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội giải ngân ảnh 2

Bên cạnh đó, thông tin thế giới như Hy Lạp, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, khả năng FED nâng lãi suất, tác động xấu đến dòng vốn ngoại đang ở thị trường Việt Nam và có dự định vào Việt Nam.

Đây là những nguyên nhân làm thị trường giảm rất mạnh trong 2 tuần qua, chứ không chỉ là 1 phiên thứ Sáu tuần qua (có lúc mức rớt đến 25 điểm).

Việc NHNN tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ giao dịch từ +/-2% lên +/-3% đã ít nhiều ảnh hưởn tới TTCK trong những phiên cuối tuần qua. Theo các ông, TTCK có chịu ảnh hưởng về quyết định này trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeAbank

Việc điều chỉnh của tỷ giá VND/USD và nới biên độ giao dịch trong bối cảnh lo ngại nhân dân tệ liên tục giảm giá trong thời gian gần đây là công cụ cần thiết để tăng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và hạn chế cạnh tranh của hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Điều chỉnh tỷ giá ở bối cảnh lạm phát thấp như hiện tại sẽ không gây áp lực nhiều lên giá. 

Hiện tại, thông tin hỗ trợ đối với TTCK không nhiều và xu hướng bị ảnh hưởng nhiều từ động thái khối ngoại (trong đó ảnh hưởng từ xu hướng TTCK thế giới), giá dầu và diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới.

Ngoài ra, việc tăng tỷ giá VND/USD của NHNN sẽ tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực, do các ngành được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá này không nhiều, trong khi cơ cấu nhập khẩu và nợ ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp khá lớn, sẽ gây khá nhiều khó khăn cho nhiều doanh nghiệp từ giờ tới cuối năm.

Nhìn chung, biến động tỷ giá khó lường như hiện tại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xu thế TTCK trong ngắn hạn và trung hạn.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)

Sức ép giảm giá đang có xu hướng tăng lên kể từ đầu năm do USD tăng giá và gần đây là việc Trung Quốc phá giá mạnh mẽ.

Theo quan điểm của tôi, NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tỷ giá VND/USD thêm cỡ 1% nữa vào cuối năm nay, nhằm giảm sức ép này, song vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá một cách tương đối nhằm không gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, mức tăng tỷ giá hiện tại sẽ không tác động nhiều đến dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là khi TTCK Việt Nam đang có các chính sách hỗ trợ mạnh về thanh khoản và thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trước các hiệp định mới như TPP, FTA…

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Việc giảm giá đồng nội tệ trong ngắn hạn có thể gây sức ép lên chi phí đi vay nước ngoài của Việt Nam, dòng vốn nước ngoài ngắn hạn vào thị trường cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, giảm giá tiền đồng sẽ có lợi do giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Thực tế sau khi điều chỉnh tỷ giá, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường dẫn tới ảnh hưởng ngắn hạn tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn khi các công ty niêm yết đặc biệt là các ngành xuất khẩu như dệt may, dầu khí..., tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ giúp thị trường phục hồi trở lại.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Đúng là các nhà đầu tư khá sốc với quyết định này, nhưng không phải là không dự báo được. Việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết, vì nếu giữ nguyên kinh tế có thể bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực trong dài hạn.

Trong 1 quyết định sẽ phải cân nhắc tỷ lệ tốt xấu, trong đó ảnh hưởng tốt nhiều hơn thì phải lựa theo hướng đó.

Theo đánh giá của tôi, đây là một quyết định mà NHNN đã hết sức cân nhắc để thực hiện. Ở góc độ ngắn hạn, ảnh hưởng khá lớn đến dòng tiền, nhất là khối ngoại khi lợi nhuận của họ tính theo ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng, dòng vốn ngoại mới đang dự tính chảy vào thì sẽ có thể bị chựng lại để xác định tình hình. Cộng với các thông tin thế giới, tin đồn liên tục gần đây cũng làm các nhà đầu tư vốn có tâm lý ngại rủi ro cứ bán ra giữ tiền lại trước rồi xem xét tiếp tình hình tiếp theo là như thế nào.

Trong trung dài hạn, khi nền kinh tế sẽ được hỗ trợ tốt hơn bởi yếu tố tỷ giá khi số lượng doanh nghiệp có lợi nhiều hơn là bất lợi nhất là trong thương mại, xuất nhập khẩu vốn phải cần có thời gian để nhận được sự tích cực.

Có thể thấy, cơ hội kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là khá khó khăn. Tuy nhiên, ở góc độ của những nhà nghiên cứu chuyên sâu về thị trường, theo các ông, liệu đây có là cơ hội giải ngân đối với những cổ phiếu đã có mức chiết khấu lớn trong thời gian qua không?

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeAbank

Ở phiên 21/8, VN-Index vẫn giữ được trên ngưỡng hỗ trợ 550 điểm và hình thành cây nến với bóng dưới khá dài cho thấy, lực cầu bắt đáy đã tham gia trở lại. Nhịp phục hồi kỹ thuật được kỳ vọng sớm xuất hiện trong mấy phiên đầu tuần tới. Nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn hoặc quá bán. 

Về dài hạn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể lựa chọn mua dần những mã có giá hấp dẫn, tuy nhiên nên thực hiện mua dải trong những phiên giảm mạnh.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội giải ngân ảnh 3

Ông Nguyễn Vũ Phong 

Về ngắn và trung hạn thì rủi ro giảm giá vẫn khá cao do thị trường chưa có tín hiệu tạo đáy, nhịp phục hồi kỹ thuật T+3 là cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng trong đầu tuần tới. Tuy nhiên ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp để hạn chế rủi ro.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ là có. Ở Việt Nam không cho bán khống, nên cơ hội đầu tư, đúng hơn là đầu cơ, sẽ đến theo 2 hướng: bắt đáy và phá trend. Với tình hình thị trường như thế này, thì bắt đáy sẽ là chính.

Kinh nghiệm của tôi khi tìm cổ phiếu là các mã giảm mạnh nhất trong thời gian ngắn, tìm kiếm thông tin liên quan và đánh giá xem mức độ tác động đến đâu, nôm na là xem phản ánh hết vào giá chưa và cuối cùng là dùng các chỉ báo kỹ thuật để dự phóng mức độ hồi giá.

Còn nếu nói về đầu tư giá trị, thì bây giờ cũng là lúc giải ngân, tất nhiên tùy nhóm ngành. Lấy ví dụ nhóm dầu khí. Nhóm này giảm giá mạnh do 2 yếu tố chính là giá dầu và khối ngoại bán ròng. Một số mã có tin đồn xấu nữa nhưng tạm loại ra ở đây. Tuy nhiên, đối với đa phần công ty thuộc PVN, giá dầu giảm chỉ khiến họ giảm lời, chứ không thua lỗ. Hơn nữa, cấu trúc tài chính của các công ty đó rất vững, nợ vay ít, tiền mặt dồi dào... Thậm chí, giá dầu rớt lại là điểm sáng cho 1 số công ty phân phối khí, giúp họ tăng khả năng cạnh tranh và lấy lại lượng khách hàng vốn đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu khác như than, biomas...

Thống kê giao dịch cũng cho thấy, nước ngoài từng bán ròng hồi cuối năm 2014, sau cũng chính họ mua ròng lại trong quý II/2015, do đó tôi không nghĩ rằng, đợt bán ròng bây giờ là điều gì đó thật sự tệ hại. Giá cổ phiếu giảm chỉ khiến những công ty đó bị định giá rẻ hơn mà thôi.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)

Theo quan điểm của tôi, thị trường đã trải qua một nhịp giảm giá mạnh với mức chiết khấu giá đã khá lớn. Do đó, chúng tôi cho răng, thị trường có thể sớm đạt vùng cân bằng tại vùng hỗ trợ mạnh kỳ vọng 540 +/-, bởi đây là vùng tạo đáy của nhiều thời điểm sụt giảm trước đây.

Tại thời điểm này, nếu đứng ở vị thế mua, tôi cho rằng, đây là vùng giải ngân rất tốt cho trung hạn, nhất là khi thời điểm chính thức áp dụng nới room sắp đến gần.

Kịch bản của MBS trong hội thảo MBS Talk 8 đầu năm cũng xác định thị trường chỉ có 2 tháng đẹp nhất tại thời điểm đó là tháng 6 tháng 7. Trong đó, chúng tôi cũng đã dự phóng kịch bản cho 6 tháng cuối năm với khả năng đáy thị trường ở vùng 54x sau đó phục hồi và đi lên về cuối năm.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thị trường giảm sâu là cơ hội đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn, có thể mua dần đối với các cổ phiếu cơ bản các ngành sản xuất phân đạm, cổ phiếu ngành may mặc...

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Trong 1 tháng qua, VN-Index đã 3 lần liên tiếp phá vỡ hỗ trợ, do giá rớt quá nhanh và sâu khiến các mức hỗ trợ bị phá vỡ nhanh hơn bình thường.

Ở góc độ đầu tư, đây là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư cầm tiền, nắm giữ dài hạn, có tâm lý tốt, không có sử dụng vốn vay.

Tuy nhiên, việc chọn nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu lớn không phải lúc nào cũng là nên. Chẳng hạn, nhóm dầu khí khi giảm giá rất mạnh nửa cuối năm 2014, nhưng nếu có bắt đáy nhóm này thì sang năm 2015 cho đến giai đoạn này nhóm này vẫn mang lại thua lỗ cho các nhà đầu tư, hay các cổ phiếu "nổi tiếng" như JVC, OGC được chiết khấu rất lớn, nhưng cứ được chiết khấu liên tục như vậy các nhà đầu tư cũng không vui. Vì vậy, nhóm chiết khấu lớn nhưng vẫn phải được duy trì dòng tiền tích cực thì mới có thể tăng trưởng.

Bên cạnh những thông tin không mấy khả quan liên tiếp “dội” xuống TTCK, thì cũng có điểm tích cực đối với thị trường như Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn nới room. Điều này có thu hút thêm được dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK SeAbank

Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn nới “room” và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10, tôi cho rằng, điều này không tác động nhiều đến xu thế TTCK  trong thời gian tới, do thông tin này được phản ảnh hết vào giá trong thời gian qua.

Ngoài ra, chiếu theo các quy định, thì duy nhất có CTCK và công ty quản lý quỹ có thể áp dụng mở room từ 1/9/2015, còn lại các ngành nghề khác vẫn phải chờ danh mục 267 ngành của Bộ kế hoạch và đầu tư. Do đó, Thông tư 123 không tác động nhiều đến dòng vốn khối ngoại vào trong nước.

Ngoài ra,  dòng vốn khối ngoại vào TTCK Việt Nam anh hưởng từ nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự ổn định thị trường tiền tệ thế giới cũng như trong nước hay chính là tỷ giá VND/USD. Trong ngắn hạn, xu thế TTCK thế giới và biến động tăng của tỷ giá VND khiến trạng thái rút ròng của khối ngoại còn tiếp diễn.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ là có. Nới room vốn là đòi hỏi của khối ngoại. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là không có nhiều doanh nghiệp kịp nới room vào đầu tháng 10, do cơ quan quản lý chưa đưa ra được danh mục về tỷ lệ sở hữu trần cho nhà đầu tư nước ngoài của từng nhóm ngành sản xuất - kinh doanh. Theo Thông tư 123, lãnh đạo doanh nghiệp, ở đây là HĐQT, có thể tự ra nghị quyết nới room lên 100% mà không cần qua ĐHCĐ, nếu họ xác định ngành kinh doanh của doanh nghiệp không bị hạn chế gì. Tuy nhiên, hiện không bị hạn chế không có nghĩa là tương lai không bị hạn chế, nhất là khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài lại có thể là 1 loại điều kiện dẫn đến hạn chế đó.

Lưu ý là về góc độ sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam, vẫn có sự phân biệt công ty trong nước và nước ngoài theo tỷ lệ sở hữu 51%. Do đó, tôi nghĩ, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không chủ động, mà họ sẽ chờ danh mục nói trên trước khi ra nghị quyết HĐQT hoặc ĐHCĐ.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)

Theo Thông tư 123, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng không thuộc diện ngành nghề kinh doanh có điều kiện (theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư) sẽ do HĐQT của công ty quyết định (trong trường hợp không hạn chế tỷ lệ sở hữu) hoặc ĐHCĐ của công ty quyết định và được quy định rõ tại điều lệ công ty (trong trường hợp công ty muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài). Sau khi hồ sơ được đệ trình lên UBCK và được xác nhận, công bố các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện giao dịch ngay theo tỷ lệ mới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội giải ngân ảnh 4

Ông Trần Hoàng Sơn 

Hiện tại, chiếu theo các quy định duy nhất CTCK và công ty quản lý quỹ có thể áp dụng mở room từ 1/9/2015, còn lại các ngành nghề khác vẫn phải chờ danh mục 267 ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngắn hạn, tác động trực tiếp của thông tư này ngay lập tức tích cực cho các CTCK. Còn đối với các ngành các lĩnh vực khác có thể sẽ mất thời gian hơn. Xét một cách tổng thể, đây vẫn là yếu tố có tác động kích hoạt và thu hút dòng vồn ngoại vào Việt Nam trong trung và dài hạn trước bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu hơn khi tham gia vào các hiệp định thương mại tư do như TTP, FTAs...

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thông tư 123/2015/TT-BTC đang dần dần cởi nút về room cho thị trường, tuy nhiên hướng dẫn về việc nới room đã chưa đáp ứng được ngay mong mỏi của nhà đầu tư là quy định rõ chi tiết tỷ lệ room cho các mã ngành chứng khoán niêm yết trên sàn ngoại trừ một số ngành như chứng khoán... Thị trường đang chờ đợi các quy định mang tính cụ thể và chi tiết hơn trong thời gian tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Tôi thấy điều này còn phải đi kèm với nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như hiện tại chỉ có nhóm chứng khoán mới được mở room, các nhóm khác còn phải đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra Thông tư quy định về nhóm ngành nghề có điều kiện là ngành nghề nào.

Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam hoạt động đa ngành rất nhiều, nên dù có được mở nhưng nếu có ngành lại thuộc nhóm có điều kiện thì, doanh nghiệp đó cũng không mở được, bởi vậy cũng không phải quá nhiều DN sẽ được mở room như mong đợi.

Ngoài ra, việc FED hay Trung Quốc điều chỉnh chính sách tiền tệ của họ cũng có thể tác động rất lớn đến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nên về dài hạn phải xem xét thêm các yếu tố khác cùng với Thông tư 123.

Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng dòng vốn ngoại vẫn sẽ được thu hút vào thị trường Việt Nam nhờ kinh tế đang phát triển, chính sách hỗ trợ và TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với thế giới và các thị trường khác trong khu vực.

Tin bài liên quan