Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại

(ĐTCK) Bên cạnh việc thay đổi quy chế giao dịch, áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài đang là yếu tố tác động thiếu tích cực lên thị trường. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia phân tích vẫn cho rằng nguy cơ khối ngoại bán ròng ở các mã lớn là vẫn có nhưng lực cầu nội sẽ giúp các mã này tăng với những phiên hồi giá kỹ thuật.

Tuần qua, hai Sở chính thức áp dụng quy chế giao dịch mới,  đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến những quy định mới, đặc biệt là việc điều chỉnh bước giá giảm xuống 10 đồng có thể được coi là sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Quan điểm của ông/bà?

Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS)

Thay đổi bước giá là một quyết định có phần táo bạo của UBCK trong lịch sử hoạt động chứng khoán của thị trường VN trong 16 năm qua và dĩ nhiên trong những ngày đầu tiên áp dụng nhà đầu tư sẽ hơi bỡ ngỡ và chưa quen. Việc áp dụng bước giá mới trước tiên sẽ làm các chiều biến động tăng giảm của cổ phiếu sẽ kéo dài hơn. Điều này sẽ tránh các trạng thái tăng hay giảm quá nhanh của cổ phiếu trong phiên.

Khoảng cách nới rộng quá lớn các bước giá từ 5 đến 10 lần dẫn đến việc lướt sóng cổ phiếu trong phiên sẽ khó khăn hơn và vì vậy sắp tới các chiến lược giao dịch lướt sóng sẽ phải thay đổi chiến thuật. Một trạng thái thường thấy ở thị trường VN là các cổ phiếu có sự nâng đỡ giá bên dưới với các trạng thái kê lệnh mua từ vài triệu sẽ khó khăn hơn do bước giá dài làm cho việc rải lệnh đỡ giá của các tổ chức lớn khó thực hiện như trước. Tuy vậy quan điểm của tôi là ủng hộ việc thay đổi này vì nó giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn và tính toán hơn và một phần hạn chế việc làm giá các cổ phiếu.

Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán

Theo tôi được biết thì ý kiến trái chiều chủ yếu là bước giá 10 đồng tạo ra sự rối mắt đối với NĐT khi nhìn bảng giá, đồng thời có ý kiến khác là nó làm giảm thanh khoản chứ không phải tăng như kỳ vọng của HOSE. Trước tiên việc rối mắt là đúng, bởi vì từ trước đến nay gần như là mọi bảng báo giá trực tuyến đều hiển thị dữ liệu về giá theo đơn vị hàng ngàn + 1 số sau dấu thập phân, ví dụ 10,1 (10.100 đ/cp), 40,5 (40.500 đ/cp)… Nay với bước giá 10 đồng và 50 đồng, sẽ phải có 2 số sau dấu thập phân, ví dụ 10,11 (10.110 đ/cp), 40,55 (40.550 đồng/cp)… Với hơn 80% mã cổ phiếu có thị giá <=50.000 đồng/cp thì khi đó, mật độ phân bố số liệu trên bảng giá trực tuyến sẽ dày hơn hẳn, nếu thị trường đỏ trên diện rộng như mấy ngày qua thì hiển nhiên là NĐT sẽ rối mắt.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại ảnh 1

 Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán

Còn điều thứ hai thì chưa có căn cứ vững chắc, bởi đa số cổ phiếu trên thị trường tuần qua giảm giá, đây mới là nguyên nhân chính khiến thanh khoản giảm. Nếu cổ phiếu tăng mà thanh khoản giảm thì mới là dấu hiệu cần xem xét lại sự thay đổi về quy định bước giá này.

Giao dịch tái cơ cấu của ETF trong ngày cuối tuần cũng đã ít nhiều gây ra những biến động về thanh khoản. Ông/bà có cho rằng, đây là cơ hội để mua cổ phiếu ở mức giá chiết khấu các cổ phiếu khi bị ETF bán mạnh? Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần tới?

Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS)

Đây là đợt cơ cấu mạnh mẽ nhất của các quỹ ETF trong vài năm qua khi có sự chuyển dịch dòng vốn từ nhiều cổ phiếu vào VNM. Giá trị bán ròng của khối ngoại trong phiên cuối cùng lên đến 1.500 tỷ nhưng rõ ràng dòng tiền trong nước đã hấp thụ khá tốt và Vnindex đã tránh được một phiên sụp đổ không như các lần trước đây.

Trong tuần tới, thị trường sẽ hướng sự tập trung vào quốc tế nhiều hơn khi thị trường Mỹ vẫn đang đợi tin tức từ FED và giá dầu vẫn chưa có tín hiệu lạc quan có thể tăng trở lại. Trong bối cảnh đó có thể chứng khoán trong nước sẽ còn tiếp tục giằng co nhưng xu hướng tăng trở lại đang có hy vọng cao hơn.

Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ là có. Tuần qua có rất nhiều mã vốn hóa lớn giảm giá do ETF bán ra, và việc này tác động lên cả index lẫn các mã vốn hóa nhỏ hơn. Một số mã như VCB, VNM, SHB, PVS, DPM… đã giảm hơn 10% và đang về mức hấp dẫn, tính theo cả góc độ bắt đáy (theo chart) và/hoặc định giá (theo P/E). Phiên thứ Sáu vừa qua khối lượng giao dịch ở những mã này cũng tăng lên đáng kể so với bình quân trước đó, đó cũng là tín hiệu hỗ trợ biểu đồ. Rõ ràng “trong nguy có cơ”, do đó phiên thứ Hai tuần tới sẽ rất quan trọng, nên theo dõi để chờ tín hiệu xác nhận.

Về thị trường tuần tới, nói chung vẫn còn nguy cơ khối ngoại bán ròng ở các mã lớn, nhưng tôi cho rằng lực cầu nội ở chính các mã này sẽ tăng lên, chủ yếu do tâm lý bắt đáy, và sẽ giúp cổ phiếu hồi giá kỹ thuật. Việc này sẽ tác động lan tỏa tích cực lên index và các cổ phiếu khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc hồi giá này chỉ mang tính ngắn hạn, không bền vững.

Khối ngoại đã bán ròng phiên thứ 13 liên tiếp trên HOSE, đạt hơn 149 tỷ đồng điều này có gây ra lo ngại đối với thị trường không?

Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS)

Khối ngoại đã bán hơn 5.000 tỷ đồng từ đầu tháng 8 và chuỗi bán ròng liên tục này rõ ràng đã làm sự hào hứng của nhà đầu tư trong suốt thời gian qua chững lại. Chỉ số index đã được đẩy lên quá cao nhờ các cổ phiếu blue chip và đỉnh điểm là PE của nhóm vốn hóa lớn nhất đã chạm mốc 20.

Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) 

Việc khối ngoại đang nắm giữ đến 80% nhóm cổ phiếu này bán ra chốt lời là điều hợp lý và một phần là sự thận trọng rút vốn trước thông tin tỷ giá có thể biến động vào cuối năm khi Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên tôi cho rằng đợt sóng bán ròng cao trào nhất đã qua và sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong thời gian tới và nhà đầu tư sẽ không phải quá lo ngại.

Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán

Ngoài việc ETF bán ròng, tôi thấy còn có hiện tượng quỹ ngoại khác bán ròng, điều này cũng tạo ra tâm lý bất an cho NĐT nhỏ lẻ. Trước giờ cứ nói đến khối ngoại là dường như NĐT chỉ hình dung về các quỹ ngoại, nên khi họ mua hay bán ròng liên tục trong thời gian dài thì NĐT nội sẽ lại hỏi “họ đang rút vốn ra ah?”.

Trong tháng 9 này, tôi thấy có thể những thông tin đang tác động lên quyết định của khối ngoại là (1) khả năng FED tăng lãi suất ngay trong tháng 9, (2) biến động khó lường của giá dầu thế giới, (3) P/E bình quân ở các mã lớn đang ở mức khá cao, nên có thể cũng có hiện tượng chốt lời của quỹ mở nào đó. Nói chung, NĐT nội cần hết sức lưu ý GD của họ, nhất là khi mình cũng đang nắm giữ những mã đang bị bán ròng.

Tin bài liên quan