Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ “hot”

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ “hot”

(ĐTCK) Đánh giá thông tin thoái vốn của SCIC tại một số doanh nghiệp niêm yết lớn sẽ có tích cực cho thị trường cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhưng trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn trong tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, đà tăng của thị trường sẽ gặp khó trong tuần tới khi gặp các ngưỡng cản mạnh. Đánh giá về nhóm cổ phiếu, các chuyên gia vẫn đề cao nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng.

Thông tin về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn như VNM, FPT, NTP, BMP.... tác động như thế nào đến TTCK chung và trực tiếp đến nhóm cổ phiếu  này cả ngắn và dài hạn nói riêng, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thông tin thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn được đánh giá rất tích cực, vì nó sẽ làm tăng số lượng các cổ phiếu có chất lượng, giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội với mức giá hợp lý dẫn đến tăng tính hấp dẫn của thị trường.

Ngoài ra, nó còn giúp thanh khoản thị trường gia tăng. Một số lượng lớn cổ phiếu không luân chuyển nằm trong tay Nhà nước được giao dịch trên thị trường, giúp thị trường giao dịch sôi động hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi thêm sự góp sức từ các cổ đông lớn khác và tăng cường tính minh bạch.

Về các mã trong danh mục thoái vốn, trong ngắn hạn, khi SCIC thoái vốn, lượng cổ phiếu lưu hành của các cổ phiếu này tăng lên, giúp cổ phiếu này dễ được lựa chọn nằm trong danh mục của các quỹ nước ngoài. Đây là một động lực giúp cổ phiếu nhóm này tăng giá trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Việc thoái vốn ra khỏi những doanh nghiệp trên sẽ mang cả sự tích cực lẫn tiêu cực cho từng doanh nghiệp.

Về tích cực, sự thoái vốn này có thể giúp doanh nghiệp nào đó thoải mái trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh khi không có sự cản trở của cổ đông lớn. Hoặc họ có thể tìm ra được một đối tác chiến lược thực sự nhằm giúp doanh nghiệp có hướng đi mạnh mẽ hơn, phát triển hơn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ “hot” ảnh 1

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Còn về mặt không tích cực, việc không có cổ đông lớn khiến cho những kế hoạch kinh doanh dễ dãi, nhưng sự dễ dãi đó có thể mang theo cả rủi ro. Hoặc giả sử một tổ chức lớn mua lại, họ có mưu đồ riêng, chứ không chỉ mang tính đầu tư tài chính cũng là một rủi ro lớn.

Do đó, tôi cho rằng, phản ứng của thị trường với giá của những cô phiếu trên là không rõ ràng, bởi chúng ta chưa nhìn thấy sự hiệu quả thực sự.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu, CTCK Bảo Việt

Tôi cho rằng, nếu nhìn ở góc độ lợi ích của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, thì việc thoái vốn của SCIC sẽ có tác động tích cực đến TTCK trong cả ngắn và dài hạn.

Nhìn chung, khi nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ tạo cơ hội sở hữu và tham gia vào hoạt động quản trị lớn hơn cho các nhà đầu tư tổ chức khác, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Mức độ sâu sát và kinh nghiệm điều hành tại từng lĩnh vực chuyên biệt của các nhà đầu tư mới sẽ giúp các doanh nghiệp này nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trưởng tốt hơn.

Khi hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp được củng cố thì tất nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và TTCK.

Đối với nhóm cổ phiếu lớn mà SCIC thoái vốn, thông tin này sẽ có tác động tích cực giúp giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng điểm trong ngắn hạn, bởi động thái này có thể hàm ý khả năng nới room cho các doanh nghiệp này trong thời gian tới. Tuy nhiên, “độ mở” đối với dòng vốn ngoại sẽ khác nhau tùy vào từng nhóm ngành.

Cụ thể, khả năng mở room cho lĩnh vực viễn thông (FPT, FPT Telecom) sẽ không cao do tính nhạy cảm của ngành nghề, nhưng đối với đa số các lĩnh vực khác như bảo hiểm (BMI, VNR); hàng tiêu dùng (VNM), vật liệu xây dựng (BMP, NTP)… thì cơ hội được mở room lại khá rộng.

Trong trung hạn, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn là yếu tố quyết định đến biến động giá cổ phiếu. Nếu tìm được những nhà đầu tư chiến lược với khả năng tài chính vững mạnh, cùng hoạt động trong các lĩnh vực tương tự và đủ kinh nghiệm giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần, đặc biệt là vươn ra thị trường quốc tế thì các công ty này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco

Câu chuyện SCIC thoái vốn tác động tới thị trường theo hướng tích cực.

Trong ngắn hạn, nhóm doanh nghiệp được SCIC thoái vốn sẽ thu hút được sự chú ý của dòng tiền và có thể giúp giá cổ phiếu được cải thiện. Thị trường chung qua đó cũng giao dịch sôi động hơn. Trên thực tế, nhóm cổ phiếu có trong danh mục SCIC thoái vốn đều đã tăng điểm khá tốt với khối lượng giao dịch tăng mạnh trong các phiên vừa qua.

Về mặt dài hạn, những doanh nghiệp SCIC thoái vốn đều là những doanh nghiệp đầu ngành và được khối ngoại rất ưa chuộng. Do vậy, tôi cho rằng, điều này tác động tíchc cực tới giá cổ phiếu trong dài hạn. Mặc dù vậy, tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, đặc biệt là mối quan hệ với SCIC, mà việc thoái vốn sẽ tác động tích cực/tiêu cực tới kết quả kinh doanh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Tôi cho rằng, việc SCIC thoái vốn 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có VNM, FPT… sẽ là thông tin tác động tích cực lên TTCK nói chung và trực tiếp đến các cổ phiếu này. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tỷ lệ nới room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm được công bố cụ thể ở các doanh nghiệp này theo Nghị định 60.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ “hot” ảnh 2

 Ông Nguyễn Thế Minh

Ngoài ra, các doanh nghiệp này sẽ không còn được sự chi phối của Nhà nước, cho nên thị trường sẽ đánh giá hiệu hoạt động sẽ cao hơn trong thời gian tới.

Thị trường vẫn đang đón nhận thông tin mới về kết quả kinh doanh quý III/2015 của các doanh nghiệp niêm yết, nên sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cũng đang được chú ý nhiều hơn. Theo các ông/bà, từ nay đến cuối năm, nhóm ngành nào có lợi thế hơn?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Quý IV là thời điểm các công trình xây dựng được thúc đẩy tiến độ và hạch toán, vì vậy điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng thường là quý IV. Thị trường bất động sản hồi phục sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu như thép, xi măng, gạch, nhựa… Trong nhóm này nổi bất có các mã CVT, HPG.

Với ngành dệt may, việc Việt Nam đã ký kết các FTS với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu… và TPP vừa kết thúc đàm phán sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, giá bông thế giới dự kiến tiếp tục giảm trong năm 2015, giúp giảm chi phí đầu vào. Cố phiếu tiềm năng trong ngành dệt may là TCM.

Ngoài ra, ngành công nghệ thông tin cũng có những dấu hiệu hỗ trợ đáng lưu ý, như nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin lớn, nhằm tăng hiệu quả công việc, bên cạnh đó thị trường viễn thông rộng lớn với sản phẩm đa dạng. Về mặt chính sách, Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin có hiệu lực từ ngày 15/02/2015 có ý nghĩa lớn với sự phát triển của ngành. Cổ phiếu tiêu biểu cho ngành này là FPT.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Về cá nhân, tôi chưa nhìn thấy ngành nào có tín hiệu khả quan cả, cho dù có nhiều ngành vẫn tích cực. Chẳng hạn như ngành dầu khí vẫn đạt kết quả tốt cho dù giá dầu thấp, hay như ngành bất động sản đang khá khởi sắc.

Thị trường chủ yếu phân hóa theo từng nhóm nhỏ hoặc một mã cổ phiếu cụ thể nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh rất tốt, nhưng phản ứng với giá lại không nhiều là điều không tốt.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu, CTCK Bảo Việt

Theo tôi, 3 nhóm ngành có khả năng thu hút được sự chú ý của dòng tiền từ nay đến cuối năm là nhựa, logistics và khu công nghiệp, bất động sản.

Giá dầu hiện đang được dự báo nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng từ 40 - 60 USD/thùng từ nay đến những tháng nửa đầu năm 2016 và khó có thể tăng trên mức 60 USD/thùng. Việc giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp nhựa (BMP, NTP...) có khả năng kiểm soát giá đầu ra tốt được hưởng lợi.

Thêm vào đó, ngành nhựa cũng là ngành có nhiều khả năng sẽ được nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là một cơ hội đầu tư tốt cho cả dòng vốn nội và ngoại trong thời gian tới.

Khi Việt Nam chính thức tham gia vào TPP sẽ khiến nhu cầu trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp logistics, khu công nghiệp... được hưởng lợi. Khác với nhóm xuất khẩu trực tiếp, vốn đã được phản ánh khá nhiều vào diễn biến giá trong hơn 2 năm trở lại đây, nhóm cổ phiếu hưởng lợi gián tiếp này vẫn đang vận động ở vùng giá hấp dẫn tương đối.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản với kỳ vọng vào yếu tố kết quả kinh doanh đột biến trong quý cuối năm cũng sẽ là nhóm ngành có thể nhận được nhiều sự quan tâm từ nay đến cuối năm.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong giai đoạn cuối năm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ “hot” ảnh 3

Bà Nguyễn Ngọc Lan

Thị trường bất động sản đang dần khởi sắc, trong khi đó lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang tốt lên với tỷ lệ nợ xấu được cải thiện.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Tôi đánh giá nhóm ngành bất động sản sẽ có kết quả khởi sắc trong 2 quý cuối năm 2015. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ tình hình cải thiện thanh khoản của bất động sản trong thời giai gần đây.

Các chỉ số nhiều khả năng đi vào trạng thái tích lũy, nhưng đối với VN-Index, ngưỡng 600 điểm sẽ vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh. Liệu trong tuần tới, thị trường có giữ được tâm lý lạc quan để tiến đến mốc 600 điểm không, theo dự báo của các ông/bà?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Ngưỡng kháng cự 600 điểm vẫn khá vững theo quan điểm của phân tích kỹ thuật. Do đó, khả năng thị trường chung sẽ giao dịch tiệm cận quanh ngưỡng này trong tuần tới. Thị trường nhiều khả năng sẽ đi ngang và tăng điểm hướng tới ngành có kết quả kinh doanh tích cực quý III/2015.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Tăng lên 600 điểm là một sự bất ngờ rất lớn, đặc biệt là với cá nhân tôi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nhìn ra rằng, mức tăng giá này có phần gì đó không thực tế, nên có thể thấy dòng tiền đã không vào thị trường tương ứng. Có nghĩa là khối lượng giao dịch đáng lẽ ra cũng phải tăng lên tương ứng, nhưng ngược lại nó lại còn suy giảm.

Mặt khác, sự phân hóa lớn đang diễn ra, điểm số tăng phần nhiều nhờ vào nhóm cổ phiếu lớn, nên đây chính là yếu tố sẽ khiến cho VN-Index khó duy trì được mốc 600 điểm.

Nhìn về đồ thị, trong giai đoạn tháng 1/2015, VN-Index cũng từng leo lên 600 điểm rồi giảm trở lại. Mẫu hình Vai Đầu Vai với 2 vai là mốc 600 điểm có thể sẽ hình thành nếu như thị trường có một phiên giảm điểm mạnh. Do đó, tôi không quá lạc quan vào thị trường ở giai đoạn này lắm và vẫn cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục tích lũy thời gian nữa trước khi hình thành một nhịp tăng mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu, CTCK Bảo Việt

Thị trường vẫn đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm và tiến đến tiếp cận vùng kháng cự mạnh quanh 610 điểm trong tuần kế tiếp. Tuy nhiên, trong những phiên đầu tuần, thị trường có thể sẽ gặp phải áp lực chốt lời mạnh do chịu ảnh hưởng bởi ngưỡng cản tâm lý quanh 600 điểm, trước khi hồi phục về cuối tuần.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ “hot” ảnh 4

Ông Nguyễn Xuân Bình 

Thêm vào đó, diễn biến giữa các nhóm ngành, thậm chí là từng cổ phiếu trong mỗi nhóm ngành sẽ mang tính phân hóa rõ nét chứ không đồng điệu như trong các giai đoạn trước đây.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco

Theo tôi, tác động tích cực của TPP trong ngắn hạn đã hết, thị trường dần đi vào trạng thái cân bằng và chờ đợi những thông tin mới. Tâm lý lạc quan vẫn được duy trì trong các phiên gần đây mặc dù thanh khoản có giảm sút so với tuần trước đó. Do vậy, tôi cho rằng, thị trường vẫn sẽ tăng điểm nhẹ trong các phiên tới nhưng sẽ khó vượt qua ngưỡng cản cứng 600 điểm, trừ khi có thông tin vĩ mô tốt.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Với những thông tin tác động tích cực hiện nay và thị trường chứng khoán thế giới có chuyển biến tích cực trong ngắn hạn, tôi đánh giá thị trường vẫn giữ được xu hướng tăng ngắn hạn và sẽ sớm vượt được mức kháng cự tâm lý 600 điểm và hướng về vùng giá 610 - 615 trong tuần giao dịch tới.

Tin bài liên quan