Góc nhìn chuyên gia: Nỗi lo tin đồn margin

Góc nhìn chuyên gia: Nỗi lo tin đồn margin

(ĐTCK) Tin đồn margin đang ở mức cao sẽ là đòn tâm lý nặng nề với thị trường trong tuần giao dịch tới, đặc biệt là khi các chỉ số đang ở vùng kháng cự mạnh. Tuy nhiên, trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho biết, vẫn có những nhóm cổ phiếu đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.

Trong tuần qua, thị trường chủ yếu vẫn dựa vào các mã lớn. Điều này cho thấy, xác suất kiếm tìm lợi nhuận đang thu hẹp dần, thậm chí nhiều CTCK cho rằng, ở giai đoạn này, rủi ro rơi vào các bẫy tăng giá thiếu bền vững là rất cao. Quan điểm của các ông như thế nào?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tuần qua, thị trường tăng rõ ràng là nhờ VNM, FPT và 1 số ít mã lớn khác, đa phần cổ phiếu khác lại giảm giá. Điều này cho thấy rủi ro đang tăng, do VN-Index tăng phụ thuộc vào 2 mã lớn trên, chứ không phải đang nhờ thông tin vĩ mô nào tác đông tích cực lên toàn hệ thống. Nói cách khác, danh mục của nhà đầu tư có thể đang âm, cho dù index xanh.

Nếu đã nói về tin vĩ mô, có thể dễ thấy rằng, nợ công và dư nợ margin đang là 2 tin tác động tiêu cực lên TTCK Việt Nam, trong đó dư nợ margin đang tác động trực tiếp. Thật đáng tiếc, thông tin về dư nợ ở một số CTCK lớn lại không phải là thông tin chính thức, nhưng nhà đầu tư thì đã quen rồi, nên tôi nghĩ, họ sẽ tin và do đó, xu hướng bán sẽ gia tăng.

Góc nhìn chuyên gia: Nỗi lo tin đồn margin ảnh 1

 Ông Hoàng Thạch Lân

Ngoài ra, ngay ở VNM và FPT cũng đang diễn ra tâm lý bán ngày càng lớn. P/E của VNM hiện đã rất cao (trên 20 lần) so với mặt bằng chung của sàn HOSE (khoảng 13 lần), giá lại tăng ngắn hạn chỉ vì được kỳ vọng sẽ đạt đến mức giá trên 160.000 đồng/CP, được cho là cổ đông lớn F&N Dairy đang đòi mua lại phần vốn của SCIC, mà thực ra giá đó nếu có thật, cũng là giá thỏa thuận song phương, do nhiều yếu tố định tính tác động thành deal, chứ không giống như cung cầu trên sàn, do đó tôi nghĩ, sẽ sớm đến lúc VNM điều chỉnh giá.

Trong khi đó, FPT hiện chưa bị định giá cao như VNM, nhưng cũng do tăng giá nhanh trong thời gian ngắn, nên cũng đang tiến tới sát ngưỡng kháng cực mạnh. Nếu cả 2 mã này điều chỉnh giá cùng lúc, khi đó VN-Index cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Tôi cho rằng, việc bán vốn của SCIC trong các doanh nghiệp lớn sẽ còn nhiều kịch bản chưa chắc đã theo đúng theo đề xuất của doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc khi đầu tư các cổ phiếu này khi chưa có thông tin quyết định từ cơ quan quản lý.

Vê thị trường chung, tôi đánh giá chưa có nhiều rủi ro do mặc dù chỉ số tăng nhiều, nhưng mặt bằng giá chung các cổ phiếu chưa tăng nóng, dòng tiền vẫn duy trì trên thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Thị trường được hỗ trợ rất mạnh từ các mã bluechips lớn nhất, đặc biệt là VNM là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất TTCK liên tục tăng điểm kéo theo Index, cùng các bluechips khác cùng tăng điểm. Tuy nhiên, những phiên gần đây, việc phân hóa ngày càng mạnh hơn khi thị trường xanh điểm hoặc giảm nhẹ, nhưng số mã giảm vẫn áp đảo mã tăng.

Điều này trong lịch sử luôn là một cảnh báo xu hướng hiện tại kém bền vững và có thể gặp áp lực chốt lời gia tăng mạnh hơn nếu Index còn tăng tiếp. Bên cạnh đó, vùng kháng cự quan trọng của thị trường hiện khá gần (620-630), trong tuần có lúc VN-Index đã tiến sát vùng này, cũng là một rào cản tâm lý cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, tin đồn về margin đang ở mức cao vào cuối tuần cũng làm các nhà đầu tư lo ngại khiến thị trường có sự dằn co mạnh mẽ tại mốc 610-615. Bởi thế rủi ro của thị trường đang lớn dần, nhất là khi giá tiếp cận vùng kháng cự.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Hiện nay, chỉ số VN-Index đang giao dịch trong vùng kháng cự 610 - 615, đây là vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn và tôi nhận thấy, dòng tiền có hiện tượng rút ra khỏi thị trường trong tuần giao dịch vừa qua.

Góc nhìn chuyên gia: Nỗi lo tin đồn margin ảnh 2

Ông Nguyễn Thế Minh 

Ngoài ra, tỷ lệ margin đang ở mức khá cao trong thời gian gần đây, cho nên dòng tiền cũng đang thể hiện sức yếu của mình. Do đó, tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng gia tăng và khả năng sẽ xuất hiện các bẫy tăng giá tại vùng giá này là rất lớn.

Hiện đã có gần 400 doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sàn công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 và một số doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh khả quan. Chính điều này đã có tác động tích cực đến thị trường trong thời gian gần đây, đồng thời cũng hình thành một xu thế tìm kiếm các cổ phiếu có chỉ số EPS cao, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Liệu trong tuần tới, xu hướng này này có duy trì không, khi một số doanh nghiệp lớn như VCB, MSN, BVH…dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính quý III trong tuần tới?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Theo như “thông lệ” thì cuối tuần sau là hạn chót các công ty niêm yết lớn phải công bố báo cáo tài chính hợp nhất. Thực ra, nhiều công ty lớn đã công bố xong, đến giờ chỉ còn 1 sô công ty nhóm ngân hàng, hay đại gia như MSN, HAG, BVH..., nhưng tôi không kỳ vọng những công ty này sẽ đạt tăng trưởng cao.

BVH trước giờ ít khi đạt mức tăng trưởng cao, MSN thì đang bị “kẹt” với MSR do giá quặng giảm mạnh, VCB thì dù có tăng trưởng tốt, nhưng vẫn đang ở trong tình trạng bị định giá cao (P/E). Riêng HAG thì có thông tin rằng, kết quả kinh doanh quý III vẫn rất khả quan, nhưng đối với công ty này, thì vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm là dòng tiền và cấu trúc tài chính. Chưa kể, HNG (công ty con chuyên về mảng nông nghiệp) đang bị coi là sẽ gặp bất lợi với TPP, do đó cũng khó tăng mạnh giúp đẩy VN-Index.

Nói chung, những đại gia có lợi nhuận tăng trưởng cao như VNM, FPT thì đã công bố thông tin xong. Nhóm dầu khí tuy tăng vượt kế hoạch, nhưng nếu so sánh cùng kỳ thì đa phần tăng trưởng âm. Có lẽ thị trường chỉ còn mong chờ cứu cánh từ BID, CTG.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Tôi cho rằng, xu hướng sẽ tiếp tục được nhà đầu tư lựa chọn trong tuần tới. Nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu đang có chuyển mình về cơ bản tốt dần lên cùng với sự phục hồi của doanh số bán như ngành bất động sản, ngành vật liệu xây dựng…

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo quan sát, yếu tố EPS chỉ là một yếu tố, nhưng không phải yếu tố quyết định, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư ngắn hạn. Những thông tin nhà đầu tư quan tâm như những mã cổ phiếu được SCIC đề xuất thoái vốn, dòng tiền khối ngoại, thông tin margin trên các cổ phiếu, tin thế giới như Fed, Trung Quốc...

Góc nhìn chuyên gia: Nỗi lo tin đồn margin ảnh 3

Ông Phan Dũng Khánh 

Ngoài ra, báo cáo tài chính các doanh nghiệp vốn đã được dự báo, nên trừ khi có sự đột phá, còn không thì giá sẽ khó có biến động mạnh. Bên cạnh đó, VN-Index đang gặp vùng kháng cự của mình, nên dù các cổ phiếu bluechips sắp công bố báo cáo tài chính, nhưng nếu thị trường chung bị điều chỉnh, thì những cổ phiếu này cũng khó mà đi ngược dòng, còn ngược lại, giá cổ phiếu sẽ được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Quý III là thời điểm nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, cho nên tôi đánh giá nhà đầu tư cũng đã dự báo được vấn đề này và dòng tiền cũng đã phản ánh vào trong nhịp tăng vừa qua. Tuy nhiên, tôi đánh giá xu hướng dòng tiền tập trung vào các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý 3 sẽ tiếp diễn nhưng ít có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tốt vì rủi ro ngắn hạn của thị trường đang có chiều hướng gia tăng.

Trong tuần, Ngân hàng ANZ công bố báo cáo có đưa ra dự báo, tỷ giá VND/USD sẽ tăng lên mức 23.900 đồng vào cuối năm 2016. Theo các ông, khả năng phá giá tiền đồng có xảy ra như dự báo không và nếu có sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế, cũng như TTCK?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Chúng tôi thiên về kịch bản sẽ điều chỉnh tỷ giá VND/USD năm 2016 ở mức thấp hơn và trong khoảng 3% - 4%. Do Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân đối giữa điều hành tỷ giá một bên là để đảm bảo chỉ tiêu đảm bảo dự trữ ngoại hối lớn hơn 12 tuần nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng Việt Nam xuất khẩu và một bên neo tỷ giá có lợi cho trả nợ. Nếu kịch bản này xảy ra, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán sẽ không lớn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, mức độ sẽ không quá lớn khi chính sách điều hành của NHNN những năm gần đây khá linh hoạt, nhưng không để tiền đồng mất giá quá sâu so với USD. Dự báo trong 1 năm nữa, mức độ ở mức 2-3% và tỷ giá chỉ ở khoảng quanh mốc 23.000 đồng/USD.

Điều này chắc chắn sẽ tác động đến TTCK, nhưng sẽ tùy vào cách điều hành của cơ quan quản lý sẽ khác nhau về mức độ ảnh hưởng. Chẳng hạn, nếu như đồng Việt Nam mất giá mạnh, nhanh trong thời gian rất ngắn (như việc tỷ giá bị điều chỉnh liên tục khi NHTW Trung Quốc phá giá CNY), thì tác động sẽ tiêu cực. Tuy nhiên, nếu tỷ giá cũng bị điều chỉnh, nhưng có lộ trình với thời gian cụ thể, thì mức độ tác động tiêu cực sẽ không nhiều, thậm chí có thể mang lại tác động tích cực nếu lộ trình được đưa ra rõ ràng từ đầu năm, việc thực thi đúng như kế hoạch, cũng như các biện pháp điều hành linh hoạt, thì doanh nghiệp khi đó có thể chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch kinh doanh của mình, ảnh hưởng tốt đến doanh nghiệp, từ đó tác động tốt đến nền kinh tế cũng như TTCK.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt

Tôi cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 là điều tất yếu, do Fed sẽ tăng lãi suất và Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục phá giá nhằm kích thích nền kinh tế và môi trường đầu tư.

Việc phá giá sẽ ảnh hướng rất nhiều đến yếu tố kinh tế, trong đó có tình hình xuất nhập khẩu và ảnh hưởng lên tình trạng nợ công. Đồng thời, đây là rủi ro chung của tình hình thế giới và dòng tiền đầu tư sẽ hướng vào các quốc gia ít chịu biến động mạnh nhất, trong đó tôi cho rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng. Do đó, tình hình phá giá toàn cầu sẽ là một trong những điểm kích thích dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.

Tin bài liên quan