Góc nhìn chuyên gia: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi”?

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi”?

(ĐTCK) Trong khi thị trường chung liên tiếp giảm điểm, thì cổ phiếu bất động sản, xây lắp lại có giao dịch khá tích cực. Cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng, dường như nhóm cổ phiếu nhà, đất đã tìm được điểm rơi phong độ. Góc nhìn của các chuyên gia về vấn đề này như thế nào? Cùng nhà báo Hải Vân tìm câu trả lời từ các chuyên gia trong chuyên mục bàn tròn tuần này. 

Ở những phiên cuối tuần, mặc dù áp lực bán không mạnh, nhưng việc thiếu vắng lực cầu đã khiến thanh khoản thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Đã có những nhận định cho rằng, khả năng VN-Index phá đáy trong tuần tới tiếp tục ở mức cao. Quan điểm của ông/bà?

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kinh tế và thị trường - Khối phân tích CTCK VPBS

Theo tôi, việc VN-Index giảm liên tiếp trong 2 tuần gần đây, đóng cửa tuần này tại 571,62 điểm là một tín hiệu tiêu cực cho xu hướng trung hạn của thị trường.

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi”? ảnh 1

Ông Vũ Minh Đức: "Vẫn còn khá sớm để khẳng định thị trường bất động sản đã phục hồi và các doanh nghiệp bất động sản đã tìm được điểm rơi".

Về mặt lý thuyết, VN-Index đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market) khi phá vỡ hỗ trợ của đường trung bình động MA200 ngày tại 582 điểm. Tuy vậy, trong ngắn hạn, việc sụt giảm thanh khoản mạnh của thị trường trong những ngày gần đây có thể coi là một yếu tố tích cực, nó cho thấy thị trường đã bị bán quá mức và lực cung đã suy yếu một cách rõ rệt.

Đây là điều kiện cần để giúp VN-Index có sự hồi phục nhất định trong tuần tới và tôi kỳ vọng chỉ số sàn HOSE sẽ có xu hướng kiểm định là vùng 580-582 của đường MA200.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Thời điểm cuối năm nay, thị trường đón nhận nhiều tin không tích cực, như tỷ giá đang chịu sức ép tăng trở lại trong khi dự trữ ngoại hối đang giảm. Cán cân thương mại 2016 dự báo còn tiếp tục căng thẳng và nhập siêu từ Trung Quốc có thể nhiều hơn và lạm phát có khả năng cao hơn năm nay,… là một trong những yếu tố vĩ mô bất lợi trong nước và cũng là chịu tác động chung trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy yếu.

Hiện tại, lượng hỗ trợ margin tại nhiều công ty chứng khoán đang có dấu hiệu co lại đã kéo dòng tiền thu hẹp vào thị trường và rút ra trú ẩn vào kênh khác. Đồng thời, trong giai đoạn này, khối ngoại gia tăng việc bán ra nhiều hơn, cũng tạo một áp lực lên lượng cung của thị trường.

Tuần tới, các thông tin của kỳ cơ cấu quỹ ETF có thể tạo các cơn sóng nho nhỏ lên thị trường và giao dịch sẽ có sự phân tán ở nhiều mã cổ phiếu, vì vậy thị trường sẽ dao động hẹp và ít có khả năng giảm sâu hơn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, các yếu tố bất lợi vẫn còn, vì vậy trong tháng 12 này thị trường vẫn là khá khó khăn để tìm lợi nhuận ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Ở chiều ngược lại thì tôi lại cho rằng, thị trường tuần sau có phần tích cực hơn so với tuần vừa qua. Còn nếu ở trạng thái xấu nhất, tôi lại cho rằng, vùng 565-570 điểm sẽ hỗ trợ mạnh cho thị trường. Tôi nhận định như vậy là bởi một số điểm như sau:

Thứ nhất, thị trường sụt giảm mạnh do cổ phiếu lớn và khối ngoại bán ròng trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở nhóm LargeCap đã suy giảm sâu và có tín hiệu mua vào khi khối lượng giao dịch tăng lên. Trong khi đó, lực bán khối ngoại cũng có phần trùng xuống và chỉ bán ở một số cổ phiếu nhất định.

Về thị trường, sau tuần 23-27/11 giảm mạnh, thì đà giảm tuần này đã co hẹp lại, đồng thời khối lượng giao dịch cũng suy giảm. Điều đó phần nào cho thất áp lực bán giá thấp đã suy giảm và cán cân tài chính với nhà đầu tư có lẽ đã cân bằng.

Những yếu tố này cộng với sự hồi phục nhẹ của thị trường phiên cuối tuần cho thấy, khó có thêm áp lực đáng kể nào trong tuần kế tiếp. Tuy nhiên, tôi cũng chưa nhận thấy điều gì đó đủ hấp dẫn để thị trường có thể tăng mạnh. Một sự hồi phục mang tính kỹ thuật có lẽ sẽ là hướng đi chủ đạo ở tuần kế tiếp.

Trong khi mặt bằng chung giảm, thì các cổ phiếu bất động sản, xây dựng lại có giao dịch tích cực hơn (một số mã điển hình như DXG, HQC, HLD, TIG… Liệu nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi” chưa?

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kinh tế và thị trường - Khối phân tích CTCK VPBS

Trong tuần vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Điều này có thể xuất phát từ việc giới phân tích đang đặt kỳ vọng cao cho việc Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 12 này, qua đó sẽ làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các thị trường mới nổi về Mỹ.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền đầu cơ đã có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vốn không chịu nhiều tác động từ xu hướng này. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản và xây lắp đã thu hút được sự quan tâm cao của thị trường do những dấu hiệu hồi phục tích cực của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, quý IV cũng thường là quý mà các công ty kinh doanh bất động sản hạch toán những phần doanh thu và lợi nhuận nhiều nhất trong cả năm. Tuy vậy, theo tôi, vẫn còn khá sớm để khẳng định thị trường bất động sản đã phục hồi và các doanh nghiệp bất động sản đã tìm được điểm rơi.

Chúng ta chỉ có thể nói là nhiều khả năng thị trường bất động sản đã bước qua đáy và một số doanh nghiệp trong ngành này, nhờ khả năng bán hàng tốt hay chất lượng và phân khúc sản phẩm cạnh tranh sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn các doanh nghiệp còn lại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

 Hiện tại, nhiều ngành lớn đang gặp khó khăn chung như chứng khoán, dầu khí, thép, cao su, dược…, thì ngành bất động sản đang kỳ vọng tăng trưởng trở lại đón đầu các làn sóng đầu tư mới ở nhiều phân khúc.

"Một vài doanh nghiệp thuộc nhóm ngành mía đường và bất động sản sẽ có những đột phá về kết quả kinh doanh trong quý cuối cùng của năm sẽ là tâm điểm đầu tư" - Ông Nguyễn Hồng Khanh

Nhìn lại 1 năm qua, khá nhiều cổ phiếu bất động sản đã hồi sinh mạnh mẽ và xu hướng đang tăng vốn ồ ạt trở lại để tạo dòng tiền mới đầu tư cho các dự án năm tới.

Các doanh nghiệp có quỹ đất tiềm năng, cùng chính sách bán hàng linh hoạt và nguồn tài chính dồi dào sẽ có ưu thế rõ rệt so với phần còn lại và vì vậy, những cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ thu hút dòng tiền mạnh của nhà đầu tư do cổ phiếu bất động sản thường mang tính đầu tư ngắn hạn cao hơn các dòng khác.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Quả thực, thị trường đã phân hóa quá mạnh thời gian qua, khi nhiều cổ phiếu rơi sâu, trong khi nhiều cổ phiếu vẫn duy trì vùng giá khá cao, trong đó có nhóm cổ phiếu như trên.

Nhiều dự báo vẫn tiếp tục cho thấy viễn cảnh tươi sáng của bất động sản, nên ở chừng mực nào đó, giá cổ phiếu của nhóm ngành này vẫn khá tích cực.

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi”? ảnh 3

Ông Nguyễn Hữu Bình 

Tuy nhiên, theo góc nhìn của mình, tôi vẫn cho rằng, vẫn có những yếu tố mong manh ở ngành này và không phải doanh nghiệp nào cũng có kết quả kinh doanh tốt thực sự. Có những doanh nghiệp đã bước ra khỏi sự khó khăn, kết quả kinh doanhcó triển vọng, nhưng hầu như là không nhiều. Vì thế, ở vùng giá hiện tại, tôi cho rằng, nhiều cổ phiếu sẽ khó tăng giá mạnh mà chủ yếu là duy trì trong vùng giá hiện tại.

Kết quả quý IV vẫn đang là một “ẩn số” và đây cũng là quý quan trọng để các doanh nghiệp có thể thay đổi lại cục diện kết quả kinh doanh cả năm. Nếu có sóng lợi nhuận quý IV, thì sẽ hướng đến nhóm ngành nào, theo ông/bà?

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kinh tế và thị trường - Khối phân tích CTCK VPBS

Như đã đề cập ở trên, tôi nghĩ rằng, một số cổ phiếu trong nhóm ngành xây lắp, bất động sản và vật liệu xây dựng sẽ có khả năng đạt lợi nhuận tốt trong quý IV. Bên cạnh đó, một triển vọng khả quan cũng có thể đến với các công ty thuộc ngành mía đường, ngành nhựa hay các công ty kinh doanh và lắp ráp ô tô.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Một số doanh nghiệp thuộc nhóm bán lẻ và dịch vụ đã có mức tăng trưởng rất tốt trong năm nay. Ngoài ra, một vài doanh nghiệp thuộc nhóm ngành mía đường và bất động sản sẽ có những đột phá trong quý cuối cùng của năm sẽ là tâm điểm đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

"Vẫn có những yếu tố mong manh ở ngành bất động sản và không phải doanh nghiệp nào cũng có kết quả kinh doanh tốt thực sự" - ông Nguyễn Hữu Bình.

Về kinh doanh đơn thuần, có lẽ những gì với quý III sẽ tương đồng với quý IV, tức là khó có những bất ngờ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp xây dựng hay bất động sản, có thể sẽ có một chút bất ngờ bởi chu kỳ thanh toán hay bán hàng luôn rất tốt vào quý cuối cùng. Hoặc cũng có thể có một số doanh nghiệp chuyển nhượng được dự án, nên lợi nhuận sẽ gia tăng hơn. 

Tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức thêm đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ chung, hay còn gọi quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đã đánh giá một mốc phát triển quan trọng của đồng nội tệ Trung Quốc và điều này sẽ góp phần nâng sức hút của TTCK Trung Quốc. Có quá lo ngại không khi cho rằng, TTCK Trung Quốc sẽ hút nguồn vốn từ các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới, theo ông/bà?

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kinh tế và thị trường - Khối phân tích CTCK VPBS

Theo bộ phận vĩ mô của VPBS, việc được vào rổ SDR sẽ làm tăng việc sử dụng NDT trong thương mại toàn cầu. Nguồn nhu cầu gia tăng này sẽ hỗ trợ cho việc làm tăng giá trị của NDT, ít nhất là trong ngắn hạn.

Chúng ta lưu ý rằng, khi mà Trung Quốc phá giá NDT vào hồi tháng 8, Việt Nam cũng buộc phải phá giá tiền đồng. Vì thế, khi NDT mạnh lên tất yếu sẽ giúp cho Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu, mà không cần phải tạo áp lực lên tỷ giá.

Về thương mại trực tiếp, Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc trong thời gian gần đây và đồng NDT mạnh hơn sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc cải thiện cán cân thương mại này.

Còn về vốn đầu tư gián tiếp, trong ngắn hạn tôi không đánh giá việc NDT vào SDR là một thách thức lớn đối với Việt Nam hay các thị trường lân cận. Việc Fed tăng lãi suất (nếu có) trong thời gian tới sẽ có thể có ảnh hưởng mạnh hơn nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường sơ khai và đang trong quá trình chuyển mình để phát triển lên thành thị trường mới nổi. Nếu so với thị trường chứng khoán Trung Quốc hay Hồng Kông là một sự cách biệt lớn và vì vậy, các dòng vốn ngoại đổ vào sẽ có các mục đích khác nhau ở từng thị trường.

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi”? ảnh 4

Ông Nguyễn Hồng Khanh 

Môi trường đầu tư ở Việt Nam hiện nay vẫn ổn định và dự báo trong thời gian tới còn thu hút nhiều dòng vốn FDI từ các nước. TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ và vấn đề là việc mở cửa cải cách thị trường Việt Nam có đủ hấp dẫn và lượng hàng cung cấp trên thị trường có dồi dào thu hút nhà đầu tư ngoại hay không mới là mối quan tâm chính hiện nay.

Nhìn qua dòng vốn ngoại trong năm nay có thể thấy dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam đang chững lại và nếu không có những bước cải cách mạnh mẽ, thì dòng vốn này có thể suy giảm trong thời gian tới khi nhà đầu tư không tìm thấy sự hấp dẫn đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Tôi cho rằng, vào rổ SDR của IMF là một bước tiến với Trung Quốc. Khi đó, đồng Nhân dân tệ sẽ có tính toàn cầu hơn, bởi thanh khoản sẽ gia tăng. Ví dụ như một quốc gia đi vay IMF, thì rõ ràng, họ sẽ nhận được tiền Nhân dân tệ tương ứng tỷ lệ trong rổ IMF, nên nó cũng sẽ có tính tạo thanh khoản.

Thực tế, Trung Quốc có quan hệ thương mại là rất lớn, trước kia họ dùng USD, EUR, hay bảng Anh… làm phương tiện thanh toán, thì nay đồng NDT cũng sẽ có cơ hội nếu như cả hai bên đồng ý.

Có nghĩa, khi tính thanh khoản gia tăng, bên bán dùng đồng NDT có thể quy đổi dễ dàng tại bất cứ nơi đâu. Hay đối với dự trữ ngoại hối của 1 quốc gia nào đó cũng sẽ đưa thêm đồng tiền này vào theo tiêu chí mà họ lựa chọn. Với những tính chất như trên, nên lo ngại về việc hút tiền khỏi TTCK Việt Nam tôi cho rằng, nó hơi mơ hồ, chưa rõ nghĩa.

Tin bài liên quan