Thị trường đã đón nhận thông tin ban đầu về kết quả kinh doanh quý I/2018 của một số doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp nhóm ngành nào dự báo sẽ có kết quả kinh doanh khả quan?
Về kết quả kinh doanh quý I/2018, dự báo thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin tích cực của nhóm ngành ngân hàng nhờ vào tăng trưởng tín dụng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định và thanh khoản hệ thống dồi dào.
Tiếp theo là nhóm chứng khoán, lĩnh vực trực tiếp được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong quý I/2018. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản sẽ có kết quả kinh doanh tốt khi mà lượng hàng tung ra thị trường tăng và mức giá bán vẫn khá ổn định.
Tuy nhiên, triển vọng này đã dần phản ánh vào giá cổ phiếu. Nhà đầu tư cần lưu ý những gì khi giao dịch?
Kết quả kinh doanh quý I/2018 ít nhiều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, có tiềm năng phát triển và các chỉ số tài chính cơ bản ở mức trung bình của thị trường (ví dụ, chỉ số P/E dưới 15 lần).
Ông Trịnh Duy Viết
Ngoài ra, hiện là thời điểm tổ chức họp đại hội đồng cổ đông của nhiều công ty, triển vọng cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2018 sẽ được trình bày rõ ràng hơn. Do đó, nhà đầu tư sẽ có cơ hội xem xét kỹ lưỡng về mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp trước khi tiến hành đầu tư.
Nhà đầu tư có nên cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu thuộc nhóm ngành triển vọng hay không, theo ông?
Nhiều công ty đã bước đầu hé lộ thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2018 và kế hoạch kinh doanh cả năm, do đó giá cổ phiếu trên thị trường cũng đã phản ánh khá sát với các thông tin này. Hơn nữa, chỉ số chứng khoán bị chi phối bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn nên mặc dù vượt đỉnh nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không thể gia tăng lợi nhuận.
Vì vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, nhưng đang được định giá hợp lý. Tôi cho rằng, chiến lược hiện tại nên cân bằng tỷ trọng tiền và cổ phiếu, tranh thủ các nhịp điều chỉnh của thị trường để giải ngân với mức giá hợp lý.
Đầu tuần này, ngưỡng 1.200 điểm đã được VN-Index chinh phục. Theo ông, chỉ số có khả năng thiết lập đỉnh cao mới trong quý II hay không?
VN-Index có thời điểm vượt ngưỡng 1.200 điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 4, còn xét mức giá đóng cửa thì ngưỡng này đạt được trong phiên 9/4 và xu hướng trong năm 2018 vẫn được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, mức độ biến động ngắn hạn kể từ tháng 11/2017 đến nay khá cao và chỉ số bị chi phối bởi số ít cổ phiếu vốn hóa lớn, tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh ngắn hạn. Mốc 1.200 điểm không phản ánh cho xu hướng trung hạn, do đó sẽ ý nghĩa hơn khi xem xét các đường trung bình dài hạn như MA (50) tại 1.120 điểm và MA (100) tại 1.050 điểm.
Tôi dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt khoảng 1.250 điểm trong năm 2018, tuy nhiên thị trường khó có thể chinh phục mốc này trong quý II. Khoảng thời gian cuối tháng 4 và đầu tháng 5 thường ít thông tin, do đó động lực tăng giá không nhiều và thị trường cần có đợt điều chỉnh ngắn hạn để kéo lực cầu mới tham gia vào thị trường.
Ông nhận định nhóm ngành nào sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, các ngành hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế và có tính chu kỳ cao như ngân hàng, dầu khí và hạ tầng sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhóm ngành ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất vì sự tăng trưởng tín dụng ổn định, lãi suất duy trì ở mức thấp và nhu cầu vay kinh doanh cao. Hơn nữa, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ có tác động làm tăng tốc độ thu hồi tài sản đảm bảo, điều này giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để tăng trưởng và gia tăng các khoản thu nhập bất thường.
Thứ hai, nhóm dầu khí sau một giai đoạn tăng mạnh vì hiệu ứng giá dầu thì đã bắt đầu điều chỉnh do kết quả kinh doanh chưa theo kịp với tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, về dài hạn thì việc giá dầu tăng ổn định sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh và các dự án của ngành tiếp tục được triển khai, thúc đẩy tăng trưởng ngành.
Thứ ba, nhóm ngành hạ tầng nhiều khả năng tăng trưởng nhanh không chỉ trong năm 2018 mà còn các năm tiếp theo. Động lực là các chính sách phát triển hạ tầng của Chính phủ, trong đó có các tuyến cao tốc Bắc - Nam và các tuyến Metro ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.