Diễn biến giao dịch của cổ phiếu EIB trong 3 tháng gần đây (nguồn: HOSE)

Diễn biến giao dịch của cổ phiếu EIB trong 3 tháng gần đây (nguồn: HOSE)

Đột biến cổ phiếu ‘vua’

(ĐTCK) Các chỉ số chứng khoán trong những phiên giao dịch cuối tháng 11 bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến giảm giá của nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này có thể tăng giá trở lại, hỗ trợ vào nhịp phục hồi chung của thị trường. Đáng chú ý hơn, nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm qua tăng giá mạnh, dấu hiệu của sóng cổ phiếu “vua”?

Tác nhân giá dầu

Ngay sau khi Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng để ổn định giá dầu mỏ vào ngày 27/11, giá dầu thô trên thế giới đã có 3 phiên sụt giảm từ 74 USD/thùng về 64 USD/thùng. Nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước, đặc biệt là GAS, PVD, PVS, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số chứng khoán hai sàn, chịu áp lực bán ra của khối ngoại và giảm giá mạnh. Điều này góp phần khiến chỉ số VN-Index suy giảm. Tính từ ngày 26/11 đến 1/12, VN-Index mất 1,39% giá trị và tiệm cận vùng hỗ trợ 560 - 565 điểm.

Có thể nói, sự giảm giá của các cổ phiếu dầu khí có tác động mạnh đến tâm lý thị trường, vốn suy yếu sau khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành, cũng như quyết định nới “room” cho khối ngoại nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn cho đến cuối năm 2015. Tuy vậy, các dữ liệu kinh tế vĩ mô mà chúng tôi nhận được trong thời gian gần đây vẫn đang cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 5,3% so với tháng 10 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn so với mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm 2013.

Theo báo cáo của HSBC và Markit Economics, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng mạnh từ 50,0 trong tháng 10 lên 52,1 trong tháng 11. Sản lượng sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới có tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 4 năm nay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam. Trong đó, WB đánh giá tương đối tích cực về triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế: kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phục hồi, GDP sẽ tăng khiêm tốn và ổn định kinh tế vĩ mô được củng cố.

Do vậy, loại trừ tác động của nhóm cổ phiếu dầu khí có vốn hóa lớn đến điểm số thị trường, chúng tôi cho rằng, các cổ phiếu đang niêm yết nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung vẫn đang đứng trước cơ hội tăng trưởng trong trung và dài hạn. Hơn nữa, quan sát diễn biến giá dầu thô thế giới những ngày gần đây, chúng tôi thấy giá dầu đã tạm ngưng đà giảm và có thể phục hồi trở lại. Đây có thể là yếu tố giúp nhóm cổ phiếu dầu khí tăng giá trở lại, hỗ trợ vào nhịp phục hồi chung của thị trường.

VN-Index có thể hồi phục lên 585 - 590 điểm

Đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm qua (4/12) là cổ phiếu ngành ngân hàng tăng giá mạnh. Trong đó, EIB tăng trần phiên thứ hai với hơn 3 triệu đơn vị, mức cao nhất trong hơn 8 tháng; MBB  tăng 400 đồng/CP; VCB tăng 600 đồng/CP; CTG tăng 500 đồng/CP; BID tăng 200 đồng/CP…,  tạo lực kéo cho các chỉ số chứng khoán tăng điểm. VN-Index tăng 0,61%, đóng cửa tại 578,38 điểm, khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu cổ phiếu, nhưng giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó. Số lượng cổ phiếu giảm giá trên HOSE nhiều hơn số lượng cổ phiếu tăng giá, cho thấy dòng tiền đầu cơ tỏ ra thận trọng, khi VN-Index tăng điểm khá nhanh nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn, tiến về ngưỡng 580 điểm, nơi có sự kháng cự của đường trung bình động EMA200 ngày.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đánh giá phiên tăng giá ngày 4/12 là một tín hiệu kỹ thuật tích cực. VN-Index đã vượt nhẹ qua sự kháng cự của đường trung bình động SMA100 ngày nằm tại ngưỡng 575 điểm, đồng thời đóng cửa phía trên đường trung bình động SMA10 ngày. Chỉ số RSI sau khoảng 1 tuần nằm trong vùng quá bán đã tăng trở lại và cắt đường tín hiệu 30, cho thấy sự cải thiện trong sức mua của thị trường.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục có xu hướng phục hồi trong ngắn hạn (1 - 2 tuần tới) để kiếm tra lại vùng kháng cự 585 - 595 điểm, tạo bởi đường trung bình động SMA200 ngày. Tuy vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ và dòng tiền đầu cơ lần lượt “chạy” giữa các nhóm cổ phiếu: bất động sản, vật tải, dầu khí, ngân hàng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên kiên nhẫn chờ mua ở những vùng giá thấp và hạn chế mua đuổi khi giá tăng.

Tin bài liên quan