Dòng tiền chưa có biểu hiện suy yếu

Dòng tiền chưa có biểu hiện suy yếu

(ĐTCK) Phần lớn các cổ phiếu lớn đang giao dịch gần mức cao nhất trong vòng một năm qua và chưa có biểu hiện suy yếu về mặt dòng tiền, nên chỉ số trung bình thị trường VN-Index có nhiều cơ hội lập mức cao mới.

Thị trường chứng khoán châu Âu đã lập đỉnh mới trong phiên giao dịch thứ Năm tuần qua (26/10) sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố sẽ giảm dần chương trình mua trái phiếu. Theo đó, ECB sẽ giảm quy mô mua trái phiếu còn một nửa so với mức 60 tỷ Euro/tháng hiện nay, bắt đầu áp dụng từ năm 2018. 

Thị trường cổ phiếu ngay lập tức phản ứng tích cực với thông tin này, chỉ số Euro Stoxx 50 tăng lên 3.633 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 năm qua, tương ứng với mức tăng 10,26% so với hồi đầu năm nay.

Chỉ số DAX của thị trường Đức tăng lên mức 13.133 điểm, tương ứng mức tăng 14,7% so với hồi đầu năm nay. Trong khi đó, chỉ số CAC của thị trường Pháp đóng cửa ở mức 5.455 điểm, tăng 11,7% so với đầu năm.

Dòng tiền chưa có biểu hiện suy yếu ảnh 1

Đồng Euro ngay lập tức mất giá khoảng 2% so với USD và giao dịch ở mức 1,16 USD đổi 1 EUR. Qua bài phát biểu của Chủ tịch ECB, ông Draghi, giới chuyên gia cho rằng, chính sách điều hành vẫn theo hướng nới lỏng, nhằm đưa lạm phát lên mức mục tiêu là 2%, đây là môi trường thuận lợi để các tài sản tài chính tăng giá.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng có một tuần tăng giá tích cực nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn như Ford Motor, Twitter, Nike và DowDuPont trong quý III vượt kỳ vọng của Phố Wall.

Trong phiên giao dịch thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,31% lên 23.400 điểm, S&P 500 tăng 0,13% lên 2.560 điểm và Nasdaq Composite giảm 0,11% còn 6.556 điểm.

Lĩnh vực xây dựng nhà ở vẫn dẫn đầu xu hướng tăng giá trên thị trường. Giá chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào lĩnh vực này (ITB) đạt lợi suất lên tới 41,8% kể từ đầu năm, bỏ xa mức trung bình thị trường 13,4% của S&P 500.

Cổ phiếu lĩnh vực vật liệu (XLB) tăng 18,9%, công nghệ (XLK) tăng 24,8% và lĩnh vực tài chính (XLF) tăng 14%. Xu hướng tăng giá mạnh của các nhóm ngành trên cho thấy niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Mỹ đang rất mạnh. Các nhóm ngành có đặc tính an toàn như tiêu dùng thiết yếu (XLP) và dịch vụ (XLU) thể hiện yếu vì không phải là khẩu vị ưa thích.

Một diễn biến rất đáng chú ý trên thị trường chứng khoán là sự mất giá đồng loạt của trái phiếu chính phủ, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn. Song song với đó là sự đi lên của lợi suất trái phiếu.

Chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 7 - 10 năm (IEF) đã mất giá khoảng 3% so với mức cao nhất tháng 9, kỳ hạn dài trên 20 năm (TLT) giảm hơn 5%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã lên 2,45%, trong khi kỳ hạn 30 năm là 2,95%. Đây là tín hiệu cho thấy lãi suất đã tạo đáy và khó giảm thêm nữa, đặc biệt là đối với các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.

Nếu có một sự tụt dốc mạnh của giá trái phiếu, song song với đó là lãi suất đi lên, giới đầu tư sẽ nảy sinh tâm lý ngại rủi ro. Tuy vậy, điều này chưa xảy ra nên cần thời gian để chứng thực.

Hòa cùng nhịp tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán trong nước vừa có một tuần bứt phá nhờ sức bật của cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (Vietcombank), VNM (Vinamilk), VJC (Vietjet Air), ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), VIC (Vingroup) và MSN (Masan).

Phần lớn các cổ phiếu lớn đang giao dịch gần mức cao nhất trong vòng một năm qua và chưa có biểu hiện suy yếu về mặt dòng tiền, nên chỉ số trung bình thị trường VN-Index có nhiều cơ hội lập mức cao mới.

Tin bài liên quan