* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu SAB
Sau đợt điều chỉnh sâu, SAB đang tiếp cận ngưỡng hỗ trợ 248.320. Chỉ báo RSI sắp vào vùng quá bán, tiếp cận mức kháng cự 25.26, cho thấy tín hiệu giá đảo chiều. Chỉ báo SDK ở vùng quá bán chạm mức kháng cự 1.75 và đường %K bắt đầu cắt đường %D từ dưới lên, cho thấy khả năng đảo chiều của giá. Cổ phiếu sẽ tăng lại trong các phiên tới. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị giá mua trong khoảng 244.216 – 249.200 đồng/CP. Giá mục tiêu 285.630 đồng/CP. Cắt lỗ 236.740 đồng/CP.
Tuần qua, thị trường đã nóng lên bởi thông tin tỷ phú Thái Lan mua thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Sabeco nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty này lên hơn 53%, tuy nhiên ngay sau phiên đấu giá thành công này, cổ phiếu SAB đã liên tục lao dốc mạnh. Mặc dù đà giảm đã được ngắt trong phiên cuối tuần nhưng với sự hồi phục nhẹ cũng không thấm vào đâu trước những phiên giảm sâu trước đó.
Thống kê, SAB đã đón nhận duy nhất 1 phiên tăng nhẹ vào cuối tuần, 1 phiên đứng giá vào đầu tuần và 3 phiên giảm sâu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB giảm 58.200 đồng/Cp (-18,82%) từ mức 309.200 đồng/Cp xuống 251.000 đồng/Cp.
* FPTS khuyến nghị bán cổ phiếu BHN
Chúng tôi tiến hành phân tích và định giá cổ phiếu bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh PE, chúng tôi xác định giá mục tiêu của BHN là 89.650 đồng/cp thấp hơn 27% so với giá hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị bán cho mục tiêu trung hạn, nhà đầu tư có thể theo dõi cho mục tiêu dài hạn đối với cổ phiếu BHN.
Không chỉ SAB, người anh em cùng ngành BHN cũng có diễn biến tương tự và khá tiêu cực. Cụ thể, với 1 phiên tăng nhẹ vào cuối tuần, 1 phiên đứng giá và đầu tuần và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BHN giảm 8.000 đồng/Cp (-5,88%) từ mức 136.000 đồng/Cp xuống 128.000 đồng/Cp.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HDC
Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp định giá là P/E và FCFE để định giá cổ phiếu, tỷ trọng mỗi phương pháp là 50% giá hợp lý đối với cổ phiếu HDC là 27.400 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu HDC với tiềm năng tăng giá 58% so với giá hiện tại.
Sau diễn biến lình xình quanh mức giá 16.x, tuần qua, cổ phiếu HDC đã có những phiên khởi sắc giúp cổ phiếu này lập lại mức giá 17.000 đồng/CP (trong phiên 20/12). Thống kê, HDC có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm xen kẽ nhau, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDC tăng 600 đồng/Cp (+3,7%) từ mức 16.200 đồng/Cp lên 16.800 đồng/Cp.
* KIS khuyến nghị mua CII với giá mục tiêu 45.000 đồng/CP
Hiện tại, giá CII đang trong quá trình kiểm chứng khu vực kháng cự tại các đỉnh cũ nên những rung lắc có thể xuất hiện ngay tại vùng này. Nhà đầu tư có thể canh mua CII trong trường hợp giá bứt phá thành công qua ngưỡng kháng cự ở mức giá 36.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch cao. Giá mục tiêu là 45.000 đồng/CP cho khoảng thời gian đầu tư 3 tháng, tương ứng với tỷ suất sinh lời 25%. Cắt lỗ khi giá rớt khỏi đường MA(50) tại mức giá 33.000 đồng/CP.
Đầu tuần qua, HĐQT CII đã ban hành Nghị quyết về việc chấp thuận cho phát hành riêng lẻ 1.300 tỷ đồng trái phiên không chuyển đổi. Và nếu trong trường hợp phát hành thành công thì khả năng CII sẽ hủy đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn. Thông tin trên cũng không tác động nhiều tới diễn biến cổ phiếu CII khi trạng thái tăng giảm nhẹ xen kẽ vẫn tiếp diễn.
Cụ thể, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 19/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII tăng nhẹ 300 đồng/Cp (+0,86%) từ mức 34.750 đồng/Cp lên 35.050 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 45.000 đồng/CP, giá hiện tại của CII còn thấp hơn 28,39%.
* PHS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu PME
Bằng phương pháp định giá FCFF và P/E (tỷ trọng 50% - 50%), chúng tôi đưa ra với mức giá hợp lý là 103,340 đồng/cổ phiếu và dự kiến sẽ duy trì trả cổ tức ở mức 20%, EPS dự kiến là 4.669 đồng/cổ phiếu. Từ đó chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu này.
Cổ phiếu PME mới gia nhập thị trường chứng khoán vào tháng 11 vừa qua. Sau những phiên khởi sắc trong những ngày chào sàn, cổ phiếu PME đã liên tiếp chịu áp lực bán và quay đầu điều chỉnh trong nửa đầu tháng 12 và tuần qua được đánh giá là tích cực nhất của cổ phiếu này.
Thống kê, PVE đã đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm nhẹ ngày cuối tuần 22/12 và 1 phiên đứng giá vào giữa tuần ngày 20/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVE tăng 3.700 đồng/Cp (+4,73%) từ mức 78.300 đồng/Cp lên 82.000 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị khả quan cho GAS
Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) đã công bố kết quả kinh doanh 2017 với lợi nhuận trước thuế đạt 9,75 nghìn tỷ đồng. Kết quả này tương ứng với 75,6% dự báo 2017 của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng kết quả sơ bộ này là rất thận trọng và chưa bao gồm lợi nhuận hồi tố (44 triệu USD) từ đường ống khí Cửu Long. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan cho GAS với tổng mức sinh lời 11,4% bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%.
Cổ phiếu GAS cũng là một trong những mã hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường trong tuần qua nhờ những thông tin tích cực như kết quả ước đạt trong năm nay khá tốt nhờ giá dầu thô hồi phục, kế hoạch thoái vốn của PVN trong năm 2018,2019 đã được phê duyệt. Thống kê, GAS đã đón nhận 4 phiên tăng và chỉ duy nhất 1 phiên giảm ngày 19/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 6.100 đồng/Cp (+7,01%) từ mức 87.000 đồng/Cp lên 93.100 đồng/Cp.
* Theo BSC, giá mục tiêu của cổ phiếu PVD là 26.310 đồng/Cp
PVD bắt đầu xu hướng tăng mạnh từ khoảng cuối tháng 10. Chỉ báo ADX tăng vượt mức 40, thể hiện xu hướng tăng giá mạnh. Chỉ báo MACD có xu hướng tăng và nằm trên đường tín hiệu, cho thấy xu hướng tăng giá. Chỉ báo OBV tiếp tục tăng và tạo đỉnh mới, xác nhận sức mạnh xu hướng tăng giá. Cổ phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong các phiên tới.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị giá mua cổ phiếu PVD trong khoảng 22.400 – 23.100. Giá mục tiêu 26.310. Cắt lỗ 21.945.
Không chỉ cổ phiếu đầu ngành GAS khởi sắc, mã khác trong nhóm dầu khí là PVD cũng đã có một tuần giao dịch tích cực. Với 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày 21/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVD tăng 1.050 đồng/Cp (+4,77%) từ mức 22.000 đồng/Cp lên 23.050 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa xác nhận đã mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên chuỗi này thành An Khang. Thương vụ này chính thức đánh dấu sự tham gia của MWG vào thị trường bán lẻ dược phẩm và mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh bán lẻ của công ty. Chúng tôi hiện có giá mục tiêu 182.800 đồng/cổ phiếu cho MWG, tương đương tỗng mức sinh lời 39% (bao gồm lợi suất cổ tức 0,5%) tính theo giá đóng cửa phiên 18/12.
Không được như kỳ vọng của VCSC, tuần qua cổ phiếu MWG đã đi ngang với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá vào đầu tuần ngày 18/12. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG không có biến động và vẫn đứng nguyên ở mức giá 132.000 đồng/Cp.
* KIS khuyến nghị mua cổ phiếu VCB
Chúng tôi nâng giá mục tiêu lên 51.800 đồng từ mức 39.000 đồng, cao hơn 15,9% so với giá hiện tại, đồng thời khuyến nghị mua đối với VCB.
Với triển vọng kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2017, 2018 cùng lợi nhuận đột biến đến từ thương vị thoái vốn tại SGB, CFC, cùng chất lượng tài sản được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu xuống thấp, cổ phiếu VCB đã tiếp tục khởi sắc trong tuần qua.
Thống kê, VCB đã đón nhận 3 phiên tăng khá mạnh và 2 phiên giảm nhẹ xen kẽ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng 4.800 đồng/Cp (+10,43%) từ mức 46.000 đồng/Cp lên 50.800 đồng/Cp.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu VPB
Hiện tại, tỷ lệ LDR đã lên mức 131% cao nhất ngành tạo áp lực lên huy động tăng chi phí vốn đầu vào và việc lãi suất đầu ra và nợ xấu có thể tiếp tục phát sinh. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB.
Cũng thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng với mục tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh, cụ thể lợi nhuận sau thuế năm 2018 của riêng Ngân hàng mẹ tăng trưởng 68,4% lên 4.015 tỷ đồng, lãi ròng hợp nhất đạt 8.528 tỷ đồng, tăng trưởng 48,4%, cao hơn mức lợi nhuận tăng dự kiến trong năm nay, cổ phiếu VPB cũng đã đón nhận 1 tuần giao dịch tích cực.
Cụ thể, VPB đã đón nhận 4 phiên tăng và chỉ duy nhất 1 phiên giảm nhẹ vào cuối tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB tăng 2.200 đồng/Cp (+5,76%) từ mức 38.200 đồng/Cp lên 40.400 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSN
Chúng tôi đưa ra báo cáo cập nhật với khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Tập đoàn MaSan (MSN) với tỷ lệ tăng 10,3%.
Thông tin “mưa” thưởng cổ phiếu ESOP cuối năm, khiến người lao động được được nhận hàng nghìn tỷ đồng, đã tiếp thêm sức mạnh giúp MSN tiếp tục tăng trong tuần qua. Thống kê, MSN đã đón nhận 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày 21/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng 2.200 đồng/Cp (+3,07%) từ mức 71.700 đồng/Cp lên 73.9000 đồng/Cp.